Huấn luyện chó con

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đối với nhiều người, chó con là loài vật cực kỳ dễ thương với các đặc điểm như là có thân hình nhỏ nhắn, bộ lông dày ấm áp và thích được vuốt ve. Loài vật nuôi này khá đáng yêu và mang lại nhiều niềm vui cho con người, nhưng người chủ cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc nuôi dưỡng chúng đúng cách. Quá trình nuôi chó con thành chú cún ngoan ngoãn cần nhiều thời gian, sự kiên trì, và lòng yêu thương, nhưng nỗ lực của bạn sẽ được trả công xứng đáng. Chó con được huấn luyện tốt sẽ là chú chó tuyệt vời, nếu không sớm muộn gì chúng cũng gây ra vấn đề phiền hà. Bạn có thể bắt đầu huấn luyện chó con bằng cách thiết lập mối quan hệ tốt với chúng, sau đó chuyển sang bước huấn luyện chó con thực hiện mệnh lệnh cần thiết trong cuộc sống.

Các bước[sửa]

Thành thạo huấn luyện căn bản[sửa]

  1. Sẵn sàng chịu trách nhiệm với chó con. Nuôi chó con là điều khá thú vị, nhưng bạn cũng nên xác định nhiệm vụ của mỗi thành viên trong gia đình khi tham gia huấn luyện chó con, cũng như một số quy tắc dành cho chúng. Phương pháp rèn luyện đóng vai trò quan trọng và không chỉ dành cho cún con.
    • Ví dụ như, nếu quy định chó con phải ngủ trong chuồng cho đến khi được huấn luyện đi vệ sinh, thì bạn nên bảo với mọi người không cho chúng ngủ trên ổ nằm trong vài đêm.
  2. Đưa ra nguyên tắc rõ ràng dành cho cún con. Chúng cần được biết quy định cụ thể trong ngày đầu tiên bước chân về nhà mới. Bạn nên đưa ra nguyên tắc dễ dàng thực hiện. Ví dụ như nếu không muốn chó con leo lên cầu thang, bạn có thể lắp cổng cầu thang để chặn chúng lại. Trong trường hợp không muốn chó con đòi ăn thức ăn trên bàn, bạn không nên cho chúng ăn đồ ăn của mình. Lưu ý không nên la mắng chó con quá nhiều vì sẽ khiến chúng không còn đặt nhiều niềm tin vào bạn nữa.
  3. Trao thưởng xứng đáng. Bạn không thể huấn luyện chó con nếu không thưởng cho chúng. Hầu hết chó con đáp ứng khá tốt khi được thưởng đồ ăn. Tuy nhiên, bạn cần nhận thức rằng khi huấn luyện kèm theo phần thưởng là thức ăn, hoặc "thức ăn vặt", bạn chỉ nên thưởng phần nhỏ, hoặc miếng thức ăn hằng ngày của chúng cũng sẽ phát huy tác dụng!
    • Cho cún con ăn vặt nhiều mỗi khi thưởng sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe cũng như khiến chúng trở nên thừa cân. Bạn nên sử dụng phần thưởng có giá trị cao khi huấn luyện bài mới, ví dụ như thịt gà tây rất tốt cho sức khỏe của chó, và thức ăn có giá trị thấp, chẳng hạn như thức ăn dành cho chó khi huấn luyện lại bài cũ.
    • Một số chó con phản ứng tốt với đồ chơi. Bạn có thể thưởng cho cún con thích chơi trò bắt đồ vật bằng cách ném banh ra xa mỗi khi chúng làm hành động đúng, hoặc nếu chó con thích trò khác, bạn có thể cho chúng chơi kéo co. Tuy nhiên, việc thưởng bằng đồ chơi sẽ mất nhiều thời gian hơn, và có thể khiến cho cún con quá hào hứng không muốn tham gia huấn luyện, hoặc trở nên nhàm chán sau một thời gian. Đồ chơi thường phát huy tác dụng khi huấn luyện phản xạ nhanh, mặc dù bài huấn luyện này chỉ có thể được áp dụng khi chó con được 18 tháng tuổi vì xương khớp của chúng không thể thích ứng với kiểu huấn luyện này.
  4. Nghiên cứu giống chó cụ thể. Mỗi giống chó có đặc điểm khác nhau, vì thế bạn nên tìm hiểu giống chó để xác định yêu cầu dành cho chúng. Mỗi giống cần một bài huấn luyện riêng để phát triển toàn diện, vì thế bạn cần nắm bắt nhu cầu cụ thể của chó con.
  5. Khen ngợi chó con. Ngoài việc trao phần thưởng, bạn cần kết hợp thêm một số lời khen dành cho chúng. Khi chó con phản ứng chính xác, bạn nên sử dụng giọng điệu thân thiện ở tông cao. Chúng thường đáp lại giọng nói nhẹ nhàng vui vẻ.
    • Huấn luyện bằng công tắc cũng khá hiệu quả. Để áp dụng hình thức huấn luyện này, bạn nên mua công tắc và mỗi khi đưa ra mệnh lệnh, bạn cần nhấn công tắc ngay lập tức.
    • Tuy nhiên, khi chó con không vâng lời, bạn cần sử dụng giọng điệu nghiêm khắc để khiển trách chúng. Chó con cần biết phân biệt giữa giọng nói nhẹ nhàng vui vẻ và giọng nói cho chúng thấy rằng chúng đã làm điều sai trái. Nếu buộc phải khiển trách, bạn nên xoa dịu cún con sau mỗi lần rầy la chúng.
  6. Rút ngắn thời gian huấn luyện với mỗi buổi kéo dài khoảng 10-15 phút. Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì các buổi huấn luyện luôn bao gồm nhiều nội dung mới và mang lại nhiều niềm vui, ví dụ như một số trò chơi mà bạn tự sáng chế. Nếu thấy chó con bắt đầu chán chường, mất tập trung, hoặc khó chịu, bạn cần ngừng huấn luyện và nghỉ giải lao.
    • Nếu chó con bắt đầu cảm thấy khó chịu, bạn nên ngừng buổi huấn luyện tại đây. Tuy nhiên, bạn nên kết thúc bằng lời khen và trao thưởng cho chúng. Bằng cách này chó con sẽ cảm thấy hào hứng cho buổi huấn luyện tiếp theo.
    • Mỗi ngày nên huấn luyện ít nhất 10-15 phút để chó con tiếp thu mệnh lệnh mới nhanh hơn.

Huấn luyện chó con đi vệ sinh[sửa]

  1. Bắt đầu huấn luyện đi vệ sinh đúng chỗ khi bạn mang chó con về nhà. Lưu ý rằng chó con từ 12 tuần tuổi trở xuống thường không thể kiểm soát bàng quang hoặc đường ruột hoàn toàn. Ngày cả khi chúng muốn “nhịn” thì vẫn không thể làm được, vì thế bạn không nên gay gắt khi chúng đi bậy trong nhà. Hầu hết chó con tiếp thu toàn bộ nội dung huấn luyện đi vệ sinh khi được sáu tháng tuổi, và trong một số trường hợp cần thời gian lâu hơn.
    • Khi huấn luyện chó đi vệ sinh, bạn cần giữ thái độ tích cực ngay cả khi gặp phải sự cố gây khó chịu.
  2. Ghi nhớ quy tắc một giờ một tháng. Chó con nói chung chỉ có thể nhịn đi vệ sinh trong khoảng thời gian tương ứng với số tháng tuổi của chúng. Nếu cún con được bốn tháng tuổi, chúng chỉ có thể nhịn tối đa bốn tiếng đồng hồ.[1]
    • Ban đêm thì không cần phải áp dụng quy tắc trên, vì chó con không đi vệ sinh vào ban đêm giống như người. Khi được bốn tháng tuổi, chúng sẽ ngủ một giấc đến sáng mà không cần phải đi giải quyết nỗi buồn.
  3. Lên lịch cho ăn thường xuyên. Như bạn có thể thấy, chó con thường giải quyết nỗi buồn sau khi ăn. Để tăng tốc độ huấn luyện đi vệ sinh, bạn nên cho chúng ăn theo thời gian cố định trong ngày và tuân theo lịch trình đó. Trừ phi được bác sĩ thú y khuyến cáo, bạn không nên “cho ăn tự do” (để sẵn thức ăn thường xuyên.)
    • Việc cho ăn tự do sẽ khiến cho cún con đi vệ sinh không theo thời gian cố định và không xem bạn là người cung cấp thức ăn (yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc dạy cho cún con biết rằng bạn là người nắm quyền và chịu trách nhiệm.)[2]
    • Không cho cún con ăn vặt trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn.
  4. Dắt chó con ra ngoài thường xuyên. Chó con thường có nhu cầu đi vệ sinh mỗi 30-45 phút. Bạn nên sắp xếp thời gian đưa chúng ra ngoài. Chó con cần được ra ngoài sau mỗi giờ, cũng như sau khi ăn, ngủ, và chơi đùa. Mỗi buổi sáng điều bạn cần làm trước tiên đó là dắt chúng ra ngoài trời, và trước khi đi ngủ, cũng như trước khi bạn để chúng ở nhà một mình trong khoảng thời gian dài.
  5. Khen ngợi chó con mỗi lần chúng đi vệ sinh bên ngoài. Cho cún con ăn thức ăn vặt và khen ngợi khi chúng giải quyết nỗi buồn ở ngoài trời. Bạn nên đưa chó con đến cùng một địa điểm để cho chúng biết rằng đây là nơi để đi vệ sinh. Khi dắt chó con đến vị trí này, bạn có thể ra mệnh lệnh “đi vệ sinh” và chờ chúng thực hiện.[1]
    • Việc đưa cún con đến vị trí cố định giúp chúng liên kết mùi chất thải với hành động đi vệ sinh. Mùi đặc trưng có thể thúc đẩy chó con đi vệ sinh tại địa điểm này.
    • Ở bên cạnh chó con khi chúng đang được huấn luyện đi vệ sinh để bạn có thể khen ngợi đúng lúc khi chúng đi vệ sinh. Bạn cần nhớ rằng một số con chó thường sẽ giải quyết nỗi buồn ngay khi ra ngoài, trong khi những con khác cần đánh hơi xung quanh và chơi đùa một lát trước khi đi vệ sinh.
  6. Quan sát dấu hiệu chó con cần đi vệ sinh. Một số dấu hiệu phổ biến bao gồm đánh hơi, chạy vòng quanh, kêu rền rĩ, rời khỏi phòng và đi tới đi lui. Khi nhận thấy những hành vi này, bạn cần dắt chó con ra ngoài nhanh nhất có thể và quan sát chúng thật cẩn thận.
    • Nếu thấy chó con bắt đầu đi bậy trong nhà, bạn cần vỗ tay mạnh hai lần. Hành động này sẽ khiến chúng giật mình và ngừng ngay hành vi phóng uế bậy trong nhà. Dắt chó ra ngoài thật nhanh bằng cách dùng dây xích hoặc khuyến khích chúng chạy theo bạn.
    • Sau khi ra ngoài, bạn giữ chó con cố định một chỗ và để chúng tự đi vệ sinh. Khi đó, bạn có thể khen ngợi và cho chúng ăn thức ăn vặt. Nếu chó con không bài tiết chất thải thì bạn cũng không nên quá lo lắng mà chỉ cần dẫn chúng đến vị trí này khi chúng có nhu cầu giải quyết nỗi buồn vào lần sau.
    • Không la mắng và chà xát mũi của chó con khi chúng đi bậy. Bạn chỉ cần dọn sạch và cố gắng đưa chúng ra ngoài vào lần tới.
  7. Tạo ‘nơi trú ẩn an toàn’ cho cún con. Bước này đặc biệt quan trọng khi bạn vắng nhà. Chọn cũi hoặc khu vực có thể rào kín bằng cổng nhỏ và dọn dẹp đồ đạc trong khu vực này. Trải giấy báo và đặt ổ nằm, đồ chơi và thức ăn nước uống lên đó. Trong thời gian vài tuần, bạn sẽ nhận thấy chó con bắt đầu đi vệ sinh ở vị trí cố định trong khu vực.[2]
    • Bạn có thể giảm số lượng giấy báo trải trên sàn để chó con xác định chỗ trải báo là để đi vệ sinh. Sau đó bạn có thể từ từ di chuyển giấy báo sang địa điểm khác gần cửa ra vào và chó con sẽ tiếp tục giải quyết nỗi buồn ở đó.
    • Nếu chó con đi bậy thay vì sử dụng vị trí quy định, có thể bạn đã giảm số lượng giấy báo quá nhiều, hoặc chuyển giấy báo ra xa khu vực ban đầu quá nhanh. Việc huấn luyện chó đi vệ sinh mất khá nhiều thời gian, cho nên bạn cần hết sức kiên trì.
    • Khen ngợi chó con mỗi khi chúng đi vệ sinh đúng chỗ. Nếu chúng đi bậy nhưng bạn không bắt gặp được, thì bạn không nên la rầy chúng. Chó con không hiểu lý do tại sao bị khiển trách vì hành động đã thực hiện một tiếng trước. Nếu bắt gặp hành động đi bậy của chó con, bạn cần giữ chúng ở ngay vị trí đó và nói “không” một cách kiên quyết.
  8. Cho phép cún con tiếp cận khu vực còn lại trong nhà. Khi chó con đã tập thói quen sử dụng ‘phòng vệ sinh’ riêng, bạn có thể để chúng khám phá các phòng còn lại của ngôi nhà. Bạn cần cho chúng tiếp cận từng phòng một và chỉ làm như vậy khi bạn có thể quan sát chó con. Mỗi khi không thể giám sát chú cún, bạn nên đưa chúng về lại ‘nơi trú ẩn an toàn.’[1]
    • Cho cún con mang xích mỗi lần khám phá căn phòng mới. Chúng sẽ không có khả năng gây ra sự cố nếu bạn kiểm soát đầu dây xích.

Huấn luyện chó con ngừng cắn và nhai gặm[sửa]

  1. Nhận thức rằng chó con không cố ý làm tổn thương khi chúng cắn bạn. Chó con thích dùng miệng để khám phá thế giới mới, vì thế chúng sẽ cắn bạn trong quá trình tìm hiểu hoặc khi đang chơi đùa. Chó con không hề biết bộ răng của chúng sắc bén như dao cạo có khả năng đâm vào da khi chú cún ngoạm vào người, cho nên đó là lý do tại sao bạn nên huấn luyện chó con không được cắn khi còn nhỏ.
  2. Huấn luyện chó con sử dụng lực nhẹ nhàng. Chó con không nhận thức được chúng đang cắn mạnh hay nhẹ. Khi chơi đùa với cún con, bạn có thể cho phép chúng gặm da trong trường hợp chúng đã thực hiện hành vi này. Nếu chó con cắn mạnh, bạn cần phải kêu lên hoặc hét to ‘Oái!’ Điều này sẽ khiến chúng giật mình và ngừng cắn bạn. [3]
    • Phớt lờ chú cún khoảng 10 đến 20 giây sau khi chúng cắn bạn, hoặc rời đi khoảng 10 đến 20 giây. Sau đó quay lại và tiếp tục cuộc chơi. Nếu chó con lại tiếp tục cắn mạnh, hét lên “oái!” một lần nữa và không để ý đến chúng trong khoảng 20 giây. Biện pháp này giúp chú cún nhận ra rằng nếu cắn nhẹ thì tiếp tục vui chơi, còn nếu cắn mạnh thì dừng cuộc chơi tại đây.
    • Sau khi chó con ngừng cắn đau, bạn có thể bắt đầu huấn luyện chúng không được cắn hơi đau. Lặp lại các bước trên khi cún con cắn bạn hơi đau. Tiếp tục bài huấn luyện cho đến khi chúng chỉ dám cắn nhẹ hoặc không hề đụng chạm vào da bạn.
  3. Ngăn chó con gặm chân bạn. Nếu chú cún thích nằm rình đôi chân trong khi bạn đang đi, bạn có thể mang theo đồ chơi để trong túi. Khi chó con bắt đầu gặm chân, bạn cần đứng im, sau đó mang đồ chơi ra và vẫy trước mặt chúng để thu hút sự chú ý. Khi chú cún bắt đầu gặm đồ chơi, bạn có thể đi tiếp. Sau cùng thì chúng sẽ nhận ra rằng việc ngoạm đồ chơi thú vị hơn gặm chân của người chủ.[4]
    • Nếu không mang sẵn đồ chơi, bạn nên đứng yên khi chó con bắt đầu gặm chân. Khi chúng ngừng lại, bạn có thể khen ngợi và đi lấy đồ chơi cho chúng.
  4. Ngăn chặn chó con không được gặm đồ đạc trong nhà. Khi thấy chú cún đang ngoạm đồ vật như là giày dép, đồ nội thất, hoặc tất, bạn cần mang những thứ đó ra xa và dùng lời nói khiển trách chúng. Hướng dẫn chó con chuyển sang nhai đồ vật khác, chẳng hạn như đồ chơi, và khen ngợi khi chúng bắt đầu nhai những thứ đó. Bước này giúp chú cún nhận biết thứ gì là có thể và không được nhai.
    • Nếu chó con tiếp tục nhai đồ vật trong nhà, bạn cần sử dụng chất xua đuổi bằng mùi vị, chẳng hạn như quả táo đắng, để ngăn chúng không nhai những thứ đó. Bạn có thể mua chất xua đuổi bằng mùi vị tại cửa hàng vật nuôi. Táo đắng có hiệu quả tốt vì mùi vị khó chịu này sẽ ngăn chó con gặm nhấm đồ đạc ngay lập tức.

Huấn luyện chó con tuân theo lệnh cơ bản[sửa]

  1. Huấn luyện chó con ngồi xuống. Mỗi con chó cần biết mệnh lệnh này. Nếu muốn chúng vâng lời, an toàn, và có thể học nhiều mệnh lệnh phức tạp, bạn cần huấn luyện mệnh lệnh ngồi trước tiên.[5]
    • Chuẩn bị sẵn thức ăn vặt. Bạn cần sử dụng thức ăn vặt để dạy mệnh lệnh này, trừ phi con chó không thích thưởng bằng đồ ăn.
    • Chó con cần được mang dây xích để bạn có thể điều chỉnh hành động của chúng.
    • Giữ phần thưởng ngay trước mũi của chú cún. Bạn có thể kéo nhẹ dây xích lên, đồng thời hướng phần thưởng lên trên nhưng vẫn sát ngay mũi của chúng.
    • Chó con sẽ nhướng người theo phần thưởng, tự động chuyển sang tư thế ngồi. Nếu không, bạn nên đẩy nhẹ phần thân người của chú cún thấp xuống. Ngay khi chúng ở tư thế ngồi, bạn có thể ra câu lệnh "Ngồi!" Sau đó thưởng cho cún con và khen ngợi chúng.
    • Lặp lại các bước thường xuyên và phải kiên nhẫn. Một số con chó cần nhiều thời gian tiếp thu hơn so với những con khác. Sau khi chó con nhận biết từ "ngồi," bạn chỉ cần nói từ đó ngay trước khi chúng chuẩn bị ngồi. Chỉ cần có thời gian, sự kiên trì và luyện tập, chú cún sẽ có thể tuân theo mệnh lệnh ngồi một cách thành thạo.
  2. Huấn luyện chó con nằm xuống. Sau khi học mệnh lệnh ngồi, chúng cần học tiếp mệnh lệnh nằm xuống. Bắt đầu bằng cách ra lệnh cho chú cún thực hiện tư thế ngồi. Lần này bạn cũng nên chuẩn bị sẵn phần thưởng và mang xích cho chúng để kiểm soát chuyển động.[6]
    • Giữ phần thưởng sao cho chú cún có thể nhìn thấy được ngay trước mũi. Bạn có thể quỳ gối để hạ người xuống thấp.
    • Tác động lực lên dây xích để chó con không thể chạm tới phần thưởng, di chuyển phần thưởng gần sát đất. Khi đó chú cún sẽ nằm xuống để tiếp cận món ăn.
    • Nếu cách này không hiệu quả, bạn có thể ấn thêm lực lên dây xích. Kéo vòng cổ xuống, đồng thời di chuyển phần thưởng. Sau khi chó con nằm xuống, bạn ra lệnh "nằm xuống" và thưởng cho chúng.
    • Sau đó bạn có thể ra lệnh "nằm xuống" ngay trước khi cún con bắt đầu thực hiện tư thế nằm. Bạn nên tiếp tục thực hành các bước để chúng học cách nằm xuống khi nghe thấy mệnh lệnh.
  3. Huấn luyện chó con lại gần. Đây là một trong những mệnh lệnh an toàn chính yếu. Bạn cần kiểm soát chú cún và biết rõ chúng sẽ tiến lại mỗi khi được ra lệnh.
    • Mang dây xích cho cún con. Yêu cầu chúng ngồi hoặc nằm xuống. Bước ra xa vài bước rồi quỳ gối xuống. Mang theo đồ chơi ưa thích bên mình.
    • Gọi tên của chú cún bằng giọng điệu hào hứng để khuyến khích chó con. Không nên tác động lực lên dây xích. Cho cún con thấy đồ chơi của mình. Vỗ nhẹ đầu gối của bạn. Tiếp tục trò chuyện bằng giọng điệu cổ vũ.
    • Khi chó con bắt đầu tiến lại gần, bạn ra lệnh “Đến đây nào!” Khi chúng tiếp cận, bạn có thể khen ngợi và thưởng cho chúng.
    • Tiếp tục bài huấn luyện, từ từ tiến ra xa vài bước.
    • Sau khi chó con đã thành thạo mệnh lệnh, bạn có thể thử gọi tên trong khi chúng đang chơi đùa.
  4. Huấn luyện chó con giữ yên vị trí. Đây cũng là mệnh lệnh an toàn cực kỳ quan trọng. Chó con cần biết cách ngồi yên một chỗ. Điều này là không thể thiếu khi chúng đi dạo, chơi đùa bên ngoài, gặp gỡ người và những con chó khác, v.v...[7]
    • Cho cún con mang dây xích. Lần này bạn không cho chúng thấy phần thưởng, nhưng vẫn phải chuẩn bị sẵn để thưởng cho chó con trong thời điểm thích hợp.
    • Yêu cầu chó con ngồi xuống. Ra lệnh "Ngồi yên" một cách cứng rắn. Đưa bàn tay của bạn ra trước mặt chó con với tầm cao vượt quá đầu chúng. Bạn nên đặt bàn tay ở vị trí mà chú cún có thể quan sát được. Không di chuyển bàn tay cho đến khi chúng thành thạo mệnh lệnh. Điều này giúp chó con tập trung và nhận ra câu lệnh.
    • Bước lùi thật chậm trong khi vẫn duy trì tiếp xúc ánh mắt với chó con. Nếu chú cún bắt đầu di chuyển, bạn cần ra lệnh thật nghiêm với tông giọng lớn, "Ah ah!" Điều này giúp chó con tập trung chú ý và nhận ra rằng mình đã làm điều sai. Không nên thất vọng nếu chú cún vẫn chưa nắm rõ mệnh lệnh. Thay vào đó, bạn nên kiên quyết nhưng vẫn nhẹ nhàng đặt chúng về vị trí cũ, một lần nữa ở tư thế ngồi. Chó con phải ở yên đó hoặc sẽ cho rằng chúng có thể tiến lên ngay cả khi vẫn đang ngồi yên. Lặp lại mệnh lệnh và thử lại lần nữa.
    • Khi chó con ngồi yên, bạn có thể nói "Được rồi! " và cho phép chúng đứng lên rồi tiến lại gần. Khen ngợi và thưởng cho chú cún.
    • Tiếp tục thực hiện bài huấn luyện. Sau khi chó con đã nắm rõ mệnh lệnh, bạn có thể di chuyển ra xa hơn và yêu cầu chúng chờ đợi cho đến khi bạn cho phép thay đổi vị trí.
  5. Huấn luyện chó con tuân theo mệnh lệnh khác. Sau khi chó con đã tiếp thu các lệnh cơ bản và thành thạo trong việc làm theo mệnh lệnh một cách nhất quán và nhanh chóng, bạn có thể dạy chúng thực hiện mệnh lệnh khác “phức tạp” hơn. Bạn có thể tham khảo nhiều cuốn sách và một số bài viết trên mạng để tìm những mệnh lệnh mới huấn luyện cho chú cún của mình cũng như phương pháp truyền đạt lệnh hiệu quả.
    • Dạy chó lăn người. Bạn bè sẽ khá ấn tượng và bất ngờ khi chú cún trông thật dễ thương khi chúng lăn người qua lại.
    • Dạy chó đập tay. Bạn nên cho trẻ em tham gia vào quá trình huấn luyện này và cho phép chúng huấn luyện chú cún làm hành động mà cả hai đều thích thú.
    • Dạy chó nhảy điệu “doggie”. Còn gì đáng yêu hơn khi thấy chú cún của mình biết nhảy múa?
    • Dạy chó bắt tay. Bắt tay là thủ thuật căn bản mà tất cả loài chó cần biết.
    • Dạy chó con chơi trò ném đồ vật. Chó con luôn tràn đầy năng lượng hoạt động. Bạn có thể huấn luyện chúng chơi trò chơi này để đốt cháy năng lượng cơ thể
  6. Cân nhắc cho chú cún tham gia các khóa huấn luyện. Điều này giúp chó con học hỏi từ những người bạn của mình, và kể cả chủ nhân của chúng, cũng như học tập trong môi trường mang tính giải trí cao hơn. Bạn có thể tìm các lớp huấn luyện chó con thông qua bác sĩ thú y, dịch vụ mở rộng, hoặc cửa hàng vật nuôi tại địa phương.

Lời khuyên[sửa]

  • Không nên gọi chó con lại gần để phạt chúng. Điều này sẽ khiến chú cún liên kết việc tiếp cận với hình phạt, làm chúng sợ hãi và không tin vào tiếng gọi của bạn.
  • Tiến hành huấn luyện trong nhà cho đến khi chó con hiểu rõ mệnh lệnh, và tập trung cũng như bình tĩnh hơn. Sau đó di chuyển ra ngoài trời nhiều yếu tố giải trí, nhưng vẫn cho chúng mang dây xích hoặc ở trong khu vực rào kín nhằm đảm bảo an toàn.
  • Bắt đầu buổi huấn luyện ngay trước khi cho chó con ăn. Chúng sẽ xem hành động ăn uống là phần thưởng.
  • Nếu chó con ít tập trung và bắt đầu chán chường ngay cả khi buổi huấn luyện không kéo dài lâu, bạn có thể cho chúng chơi trò chơi trong lúc huấn luyện. Một số trò chơi bao gồm giấu phần thưởng và yêu cầu cún con đi tìm, chơi ném đồ vật, và bất kỳ trò chơi mang tính sáng tạo và tràn đầy niềm vui mà cả bạn lẫn chó con đều thích thú.
  • Mỗi lần chỉ nên huấn luyện một con (Nếu bạn nuôi nhiều chó) để nó dồn hết tâm trí vào bạn.
  • Ngăn chó con không tiếp cận phòng trẻ em, đặc biệt nếu bạn có em bé. Động vật thường có ý thức xung quanh trẻ nhỏ và sẽ không cắn chúng, nhưng bạn vẫn nên tách riêng chó con ra xa. Khi cho phép cún con chơi đùa với trẻ em, bạn cần quan sát cẩn thận bất kỳ dấu hiệu chống đối của chó.

Cảnh báo[sửa]

  • Không dùng đồ vật đánh đập chó con. Điều này chỉ có khiến cho mối quan hệ thân thiết giữa người và chó hình thành bấy lâu nay trở nên tan vỡ.
  • Bạn cần nhẹ nhàng và cẩn thận khi kéo dây xích để hướng dẫn chó con thực hiện tư thế mới, như là "ngồi" hoặc "nằm xuống." Không nên giật mạnh dây xích mà chỉ nên kéo nhẹ để chó con biết phải làm gì. Nếu chúng bắt đầu chống đối hoặc khó thở, bạn cần dừng hành động và nhẹ nhàng đẩy phần hông của chó con xuống.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Bài cùng chủ đề[sửa]

chăm sóc thông thường ...

ngăn và chữa bệnh ...

chăm sóc và huấn luyện chuyên biệt ...

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.