Mua chó con

Từ VLOS
(đổi hướng từ Mua Chó con)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi có ý định muốn sở hữu một chú cún, bạn thường sẽ mua ngay một con mang về nhà. Tuy nhiên, bạn không nên vội vàng hành động mà cần phải tìm hiểu giống chó kỹ lưỡng, lựa chọn chó con từ nguồn cung cấp uy tín (nhà lai tạo, trại động vật, nhóm cứu hộ) và sắp xếp nhà cửa để đón thêm thành viên mới. Để cho bản thân cũng như chú chó con có được một cuộc sống hạnh phúc và mối quan hệ lâu dài, bạn nên dành thời gian tìm hiểu thông tin và học hỏi nhiều thứ cần thiết.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị Đón Chó con[sửa]

  1. Quyết định xem bạn đã sẵn sàng mua chó con hay chưa. Chúng là loài động vật xin xắn và có bộ lông dễ thương, nhưng lại cần nhiều thời gian quan tâm chăm sóc cũng như tiêu tốn nhiều hơn so với dự định. Việc mang chó con về nhà trong khi bạn chưa sẵn sàng hay có trách nhiệm nuôi dưỡng là một quyết định sai lầm cho cả bạn lẫn chú cún. Bạn nên tự hỏi mình và trả lời thành thật để đưa ra quyết định liệu có nên mua chó con ở thời điểm này hay không.
    • Mình có thời gian để vệ sinh, dạy dỗ, và rèn luyện cho cún con hay không?[1] Chó con là loài vật yêu cầu người chủ phải dành nhiều thời gian, tuy rằng một số giống thường ít đòi hỏi hơn so với loài khác, nhưng bạn vẫn phải sắp xếp thời gian để chăm sóc cho chó con của mình.
    • Mình có đủ khả năng tài chính để thanh toán chi phí chăm sóc cho chó con hay không?[1] Có một sự thật hiển nhiên đó là nuôi chó con rất tốn kém. Bạn cần suy xét về việc có đủ tiền mua nhu yếu phẩm cần thiết (thức ăn, vòng cổ, đồ chơi, nệm ngủ, v.v…) cộng thêm chi phí khám thú y thường xuyên và nảy sinh bất ngờ.[1]
    • Có thành viên nào trong gia đình bị dị ứng với chó hay không?[2] Nếu nhà có hai người trở lên, bạn nên xem người kia có dị ứng với chó hoặc không thích vật nuôi hay không.
  2. Lựa chọn giống chó phù hợp. Bạn nên nghiên cứu nhiều giống khác nhau kèm theo một số đặc điểm (ví dụ như là chó nhỏ, tính cách hiền hòa, v.v…) tương thích với lối sống của bạn. Bạn có thể làm bài kiểm tra trực tuyến trên AKC (http://www.akc.org/find-a-match) để chọn cho mình một chú cún thật lý tưởng. Loài chó có đủ hình dạng, kích thước lẫn tính cách. Việc lựa chọn sai giống chó sẽ khiến cho mọi thứ trở nên phiền phức nếu bạn nhận thấy rằng chúng không thích hợp sống trong nhà. Bạn cần xem xét vài yếu tố chính yếu như là môi trường sống (căn hộ với nhà riêng) [1] và thời gian làm việc (thời gian làm việc cố định với đi công tác thường xuyên).
    • Xem xét mức năng lượng của giống chó. Ví dụ như giống chó kéo xe trượt tuyết Xibia sẽ không phù hợp nếu bạn không thích ra ngoài trời nhiều. Loài chó này thích chạy nhảy, và chúng cần nhiều giờ tập luyện hằng ngày. Bạn nên chọn loại chó con khi trưởng thành sẽ có sở thích ngủ ngày và chơi đùa với bạn trong nhà, như là Cavalier King Charles.
    • Khu căn hộ mà bạn đang ở thuê có thể quy định hạn chế giống chó và cân nặng của chúng. Ngoài ra, loài chó có kích thước lớn cần hoạt động nhiều, như là Golden Retriever, sẽ cảm thấy ngột ngạt khi ở trong căn hộ.[1] Nếu khu dân cư cho phép nuôi chó lớn, bạn cần đảm bảo rằng khu vực có diện tích lớn với hàng rào xung quanh hoặc công viên dành cho chó để chúng có thể chạy nhảy và tập luyện.
    • Trao đổi với người nuôi chó có kinh nghiệm nhằm thu hẹp phạm vi lựa chọn giống chó thích hợp với cuộc sống của bạn.[1]
    • Ngoài việc tìm hiểu giống chó trên mạng, bạn có thể mua thêm sách có nội dung nói về loài chó.[1]
    • Nên nhớ rằng bạn không cần phải chọn giống nòi thuần chủng mà thay vào đó có thể chọn giống chó lai!
  3. Thiết lập ngân sách cho toàn bộ chi phí nuôi chó con. Ngoài chi phí mua chó ban đầu, bạn cần liệt kê số tiền cần để mua thức ăn, đồ chơi, dụng cụ vệ sinh, và đi khám bác sĩ thú y. Bằng cách này, bạn sẽ dự trù chính xác mức chi phí hàng tháng cho chú cún ở nhà.[3]
    • Tùy theo giống và kích thước, chi phí nuôi chú cún con hàng tháng thường dao động khoảng từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng trong năm đầu tiên.[4]
    • Không nên bỏ qua chi phí mua đồ lặt vặt như là vòng cổ, dây xích, thẻ nhận dạng, và thức ăn vặt.[1]
    • Chó con mua ở trại lai tạo sẽ mắc hơn so với nhận nuôi ở trại động vật.
  4. Sắp xếp đồ đạc trong nhà. Ngôi nhà hiện tại có thể chưa sẵn sàng để đón thêm thành viên mới. Cũng giống như việc đảm bảo an toàn cho trẻ em, bạn cần phải dọn dẹp nhà ở để chó con không gặp nguy hiểm. Ví dụ, bạn có thể giấu thùng rác hoặc đặt ở vị trí xa tầm với của chó. Hơn nữa, bạn sẽ cần mua chốt cửa trong trường hợp cún con tìm cách mở tủ bếp.[5]
    • Che kín toàn bộ dây điện để chó con không thể liếm được.[6]
    • Cất giấu thuốc men, vật dụng vệ sinh, và chất chống đông ngoài tầm với của chó con. Đây là những hóa chất độc hại đối với chúng.[6]
    • Nếu nhà có chỗ để ô tô, bạn nên gắn chặt dụng cụ nặng trên tường. Nhặt sạch đinh vít lỏng rơi vãi trên sàn để chó con không vô tình ăn phải.[6]
  5. Lựa chọn bác sĩ thú y. Trong năm đầu đời, bạn cần đưa cún con đi khám bác sĩ thú y thường xuyên hoặc ít nhất một lần một năm sau khi được một tuổi. Điều quan trọng là cần tìm người bác sĩ mà bạn cảm thấy thoải mái.[7] Thay vì tìm kiếm văn phòng bác sĩ thú y trực tuyến, bạn nên hỏi thông tin trực tiếp từ nhà lai tạo trong khu vực, chủ nuôi chó khác, hoặc cửa hàng vật nuôi địa phương.

Nhận nuôi Chó con từ Trại động vật hoặc Nhóm Cứu hộ[sửa]

  1. Tham khảo thông tin về giống chó ưa thích trên mạng. Nếu trong đầu đã định hình sẵn một loài đặc biệt nào đó, bạn có thể tìm kiếm trực tuyến để xem trại đồng vật nào hiện đang nuôi giữ chó con có nhu cầu cho đi. Một số nguồn trực tuyến như là Petfinder.org liệt kê danh sách chó con và chó trưởng thành thuộc hàng trăm trại động vật khác nhau. Bạn có thể tìm kiếm theo giống, kích thước, giới tính, và độ tuổi nhằm lựa chọn chú chó phù hợp, sau đó liên lạc trực tiếp với trại động vật để tiến hành thủ tục nhận nuôi.[2]
    • Đôi khi bạn phải chạy ra khu vực ngoại ô để tìm được giống chó mà mình cần. Cân nhắc mở rộng phạm vi tìm kiếm ở các trại động vật cách nhà bạn vài trăm cây số để tìm giống chó hoàn hảo.
    • Trại động vật thường không có giống chó quý hiếm hay cao cấp. Dẫu vậy, nhóm cứu hộ có thể đang giữ giống chó (hoặc giống lai như là Labradoodle) mà bạn đang tìm kiếm.[8]
    • Trại động vật và nhóm cứu hô thường xuyên tiến hành kiểm tra hành vi (còn được gọi là kiểm tra tính cách) nhằm đánh giá xem chú cún có thích hợp để nhận nuôi hay không.[8]
    • Mặc dù bạn sẽ phải tốn chi phí đưa chó đi triệt sản, cấy vi mạch, tiêm ngừa, và tẩy giun, nhưng loài này ở trại động vật hoặc nhóm cứu hộ thường có giá thành rẻ hơn trại lai tạo hoặc chi trả toàn bộ dịch vụ này một cách riêng lẻ.[8]
  2. Đến trại động vật ở địa phương. Nếu chưa xác định cụ thể cần giống nào, bạn có thể đến trại động vật để tiếp xúc trực tiếp với chó con.[2] Khi đến nơi, bạn cần thu thập thông tin về lịch sử cũng như hành vi của cún con. Ngoài ra, bạn nên quan sát hoạt động ở trại để xem chó con có được chăm sóc tốt hay không.
    • Trại động vật thường là môi trường gây áp lực đối với chó vì quá nhiều tiếng ồn, số lượng chó đông đúc, và hoạt động ở mức cao. Một số con sẽ gặp phải vấn đề hành vi trong lúc trú ẩn ở trại động vật. Nhân viên trại nên cho bạn biết liệu chú chó mục tiêu có bất kỳ vấn đề hành vi nào không.
  3. Đừng ngại đặt câu hỏi. Việc thắc mắc thông tin ở trại động vật cũng quan trọng không kém so với ở trại lai tạo. Ví dụ, bạn có thể hỏi nguồn gốc của động vật (ví dụ như, chó hoang, do người chủ khác đem đến). Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi xem chó con đã ở trại bao lâu rồi nhằm giúp ích trong việc lựa chọn.[9]
    • Tìm hiểu lịch sử bệnh tật của chó con cũng như đặc điểm hành vi của chúng khi ở trại. Hành vi của chó khi ở trong trại sẽ khác với khi ở nhà bạn.[9]
    • Hỏi về quy định của trại đối với vật nuôi bị đau ốm ngay khi được nhận nuôi. Vì lý do hạn chế ngân sách chăm sóc y tế của trại, bạn cần lưu ý rằng mình có thể phải chịu gần như toàn bộ chi phí y tế cho cún con sau khi nhận nuôi.[9]
    • Bạn có thể hỏi xem trại có thuộc loại "no-kill" hay không. Đây là loại trại không cho động vật an tử sau khi chúng ở trại trong khoảng thời gian nhất định.[10]
  4. Tìm hiểu quá trình nhận nuôi. Bạn cần lưu ý rằng chưa chắc mình có thể nhận nuôi chó con ngay trong ngày đến trại động vật hoặc nhóm cứu hộ. Thường thì nhân viên sẽ tổ chức buổi phỏng vấn nhằm cung cấp cho bạn mọi thông tin liên quan đến lịch sử và thông tin y tế cơ bản của chó con.[11] Ngoài ra nhân viên trại cũng sẽ tiến hành kiểm tra nhà bạn để xem môi trường có phù hợp với chó con hay không.
    • Bạn cũng không nên quá ngạc nhiên khi mình cũng được phỏng vấn. Nhân viên cần bảo đảm chắc chắn rằng bạn sẽ là người chủ có trách nhiệm và chăm sóc tốt cho cún con.
    • Ngoài thủ tục phỏng vấn cũng như kiểm tra nhà ở, bạn cần điền thông tin vào giấy tờ cần thiết và thanh toán phí nhận nuôi (thường là từ 500 nghìn cho đến 1 triệu đồng).
  5. Đừng tuyệt vọng. Đôi lúc trại động vật hoặc nhóm cứu hộ tại đia phương không có giống chó mà bạn cần tìm. Tuy nhiên, họ thường hay có nguồn vật nuôi liên tục, vì thế bạn sẽ không phải chờ đợi lâu cho đến khi tìm được chú cún hoàn hảo cho mình ở trại động vật hoặc nhóm cứu hộ.[2]

Mua Chó con ở Trại lai tạo[sửa]

  1. Tìm hiểu nhiều trại lai tạo khác nhau. Không phải trại nào cũng đều nổi tiếng, vì thế bạn nên biết cân nhắc và tránh một số trại lai tạo khi muốn mua chó con ở đó. Có một loại trại lai tạo đó là trại triển lãm sở thích. Những nhà lai tạo như vậy thường có kiến thức sâu rộng về từng giống chó và đầu tư thời gian công sức để lựa chọn chó con thuộc giống nòi tối ưu và khỏe mạnh. Trại loại này thường chỉ nuôi từ một đến hai lứa mỗi năm.[12]
    • Nhà lai tạo thông thường ít hiểu biết về giống chó và chỉ muốn kiếm thêm lợi nhuận.[12] Không nên mua chó con từ trại lai tạo thông thường.
    • Trại lai tạo thương mại thường bao gồm vài giống chó và cho sản sinh vô số chó con trong năm. Môi trường thể chất của trại thương mại có thể có chất lượng tốt hoặc không. Ngoài ra, không phải trại thương mai nào cũng đều cấp giấy đăng ký VKC. Chó con được bày bán trong cửa hàng vật nuôi thường có nguồn gốc từ những trại này.[12]
  2. Tìm nhà lai tạo có trách nhiệm. Bạn cần tham khảo bác sĩ thú y và các tổ chức chuyên về giống chó để tìm nhà lai tạo danh tiếng trong việc chăm sóc chó kỹ lưỡng. Người này chỉ nên lai tạo vài giống chó và có quan hệ tốt với bác sĩ thú y hoặc các hiệp hội động vật khác tại địa phương. Bạn có thể tìm kiếm thông tin về nhà lai tạo trực tuyến.[13]
    • Nhà lai tạo có trách nhiệm sẽ hỏi lý do tại sao muốn nuôi chó, ai là người chăm sóc và chúng sẽ ở đâu. Họ không đơn giản chỉ lấy tiền và trao chó con cho bạn.[14]
  3. Đến thăm trại lai tạo. Bạn không nên mua chó con từ nhà lai tạo mà không ghé tham quan trại. Trước khi mua chó con, bạn cần thấy rõ chúng và những người anh em cũng như bố mẹ đang sinh sống và được nuôi dưỡng ở đâu.[15] Nhà lai tạo có trách nhiệm sẽ khuyến khích bạn đến tham quan trại lại tạo và cơ sở kinh doanh để chắc rằng mình hoàn toàn hài lòng.
  4. Đặt ra nhiều câu hỏi cho nhà lai tạo. Bạn thường phải trả giá khá cao để mua chó con từ nhà lai tạo, vì thế bạn phải chắc rằng người này thành thật, có kiến thức sâu rộng, và đạo đức. Bạn có thể đặt ra vài câu hỏi cho nhà lai tạo: Chó con được nuôi dưỡng và tập thích nghi như thế nào? Làm cách nào để chọn người mua tiềm năng? Quá trình sinh sản được diễn ra như thế nào? Chó bố và mẹ đã được xét nghiệm bệnh di truyền hay chưa?[12]
    • Bạn có thể hỏi thêm thông tin như là một lứa có bao nhiêu chó con cũng như chúng đã được chăm sóc y tế như thế nào (tiêm ngừa, tẩy giun, v.v…).[16]
    • Yêu cầu giấy tờ chứng minh chăm sóc y tế, cấy vi mạch, và xử lý vấn đề hành vi hoặc bệnh tật đặc trưng ở từng giống nòi.[16]
    • Không nên ngại ngần trong việc đặt câu hỏi. Nếu nhà lai tạo có tiếng tăm, người đó sẽ không thấy phiền hà gì khi giải đáp mọi thắc mắc của bạn về họ cũng như những con chó được lai tạo và nuôi dưỡng.
    • Sẵn sàng trả lời câu hỏi như là tại sao bạn muốn nuôi chó con và dự định sẽ chăm sóc chúng như thế nào. Người lai tạo có tâm sẽ rất lưu ý về sức khỏe của những chú chó mà họ nuôi dưỡng. Bạn nên tạo dựng mối quan hệ tốt với nhà lai tạo để liên lạc với họ khi có bất kỳ thắc mắc nảy sinh sau khi nhận nuôi chó con, hoặc muốn chứng minh nòi giống sau này.
  5. Đăng ký giấy chứng nhận của Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKC). Ngoài ra bạn cũng phải ký kết hợp đồng mua bán. Nếu có ý định chứng minh giống thuần chủng hay lai tạo, bạn cần có giấy tờ chứng minh với VKC rằng bạn là người sở hữu hợp pháp.[17] Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng giấy tờ của VKC chỉ chứng nhận giống chó bố và mẹ của chó con và không có trách nhiệm đảm bảo rằng chúng được lai tạo đúng cách.[8]
    • Bạn nên cẩn trọng với nhà lai tạo cố gắng bán chó con chỉ vì họ có giấy tờ chứng minh giống nòi của chó con.
  6. Tránh xa trại nuôi chó! Kiểu trại như thế nào thường mang tiếng xấu khi cho sinh sản chó con với số lượng lớn trong điều kiện tồi tệ. Người chăn nuôi sở hữu trại chó chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không hề có trách nhiệm hành nghề lai tạo chuyên môn.[18] Những con chó được sinh ra trong điều kiện môi trường như vậy thường gặp vấn đề gen có thể dẫn đến rối loạn thể chất và tinh thần mà đôi khi bạn không thể phát hiện ra ngay được.
    • Khi đến trại lai tạo, bạn cần quan sát kỹ điều kiện ở đó. Nếu chó bẩn thỉu, gầy guộc hoặc không khỏe, bạn không nên mua chó tại đây.
    • Nếu nhà lai tạo không sẵn lòng giới thiệu toàn bộ cơ sở kinh doanh của họ, thì có khả năng là người này đang điều hành trại nuôi chó và không muốn cho bạn thấy điều kiện lai tạo và nuôi chó nghèo nàn của họ.[19]
    • Nếu nhà lai tạo không hỏi nhiều và ngừng quan tâm đến chú cún ngay sau khi bán, bạn nên nghi ngờ rằng người đó đang sở hữu trại nuôi chó.[19]
    • Các nhà lai tạo khẳng định đã lai tạo được một số lượng lớn chó thuần chủng hoặc chủng "giao phối" thường không trung thực và có thể là đang vận hành trại nuôi chó .[19] Những chú chó này thường không phải giống thuần chủng hoặc giao phối.
    • Bạn có thể khiếu nại về trại nuôi chó lên cơ quan chức năng tại địa phương trong trường hợp nghi ngờ nhà lai tạo mà bạn tiếp xúc có hành vi gây hại đến những con chó ở trong trại.
  7. Suy nghĩ cẩn thận trước khi mua chó con tại cửa hàng vật nuôi. Những cửa hàng này có thể nhập chó từ trại chăn nuôi.[8] Bạn nên hỏi nhân viên cửa hàng về nguồn gốc của chó con và tìm hiểu thông tin của trại lai tạo mà họ nhắc đến. Nếu có ý định mua chó con tại cửa hàng vật nuôi, bạn cần chắc rằng chúng thuộc về trại động vật và/hoặc trại lai tạo có uy tín.

Lựa chọn Chó con Phù hợp[sửa]

  1. Thực hiện kiểm tra sức khỏe. Chó con thường sẵn sàng về nhà mới khi chúng từ tám đến mười hai tuần tuổi, vì đây là thời điểm chó con cai sữa hoàn toàn, có thể ăn thức ăn rắn, và được tiêm chủng lần đầu.[20] Khi nhìn lướt qua chó con trông có vẻ khỏe mạnh, nhưng khi nhìn kỹ bạn sẽ nhận thấy một số bất thường trên cơ thể của chúng. Nếu nhận thấy dấu hiệu chó con không khỏe, bạn nên cân nhắc lại việc nhận nuôi chúng. Cách tốt nhất để kiểm tra sức khỏe đó là bắt đầu từ phần đầu đến phần đuôi.[20]
    • Bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng cơ thể của chó con. Nếu không biết cách tiến hành, bạn có thể nhờ nhà lai tạo hoặc nhân viên ở trại động vật hoặc nhóm cứu hộ để hướng dẫn chi tiết quá trình.
    • Kiểm tra phần đầu của chó con. Bạn nên quan sát một số dấu hiệu như là mũi phải mát và ẩm cũng như không chảy dịch. Phần nướu răng phải có màu hồng khỏe mạnh. Ngoài ra, đôi mắt nên sáng và trong với đồng tử màu đen. Tai sạch và có vị trí cố định theo đặc điểm của từng giống riêng.[20]
    • Đặt tay lên ngực của chó con để kiểm tra nhịp tim. Nhịp tim bất thường cho thấy vấn đề tim mạch cần được đưa đi khám bác sĩ thú y.[20]
    • Kiểm tra bộ lông. Nếu chó con là giống thuần chủng, bộ lông cần phải mang đặc điểm riêng biệt của giống đó. Điển hình là bộ lông của chó con phải bóng sáng và mịn màng không bị hói.[20]
    • Quan sát tứ chi. Bốn chân của chó con phải thẳng không bị biến dạng cấu trúc (ví dụ như là chân cong vào hoặc ra). Bạn nên đề nghị nhà lai tạo hoặc bác sĩ thú y tiến hành kiểm tra chỉnh hình kỹ lưỡng cho chó con.[20]
  2. Tìm hiểu tính cách. Dù là mua chó con ở trại động vật hay trại lai tạo, bạn nên dành ra thời gian xem xét tính khí của chúng trước khi quyết định. Ví dụ bạn có thể theo dõi một lứa chó con chơi đùa như thế nào. Chó con cùng chung một đàn thường có tính cách khác nhau, và bạn sẽ chọn một con phù hợp nhất với mình.
    • Chó con lý tưởng sẽ có đặc điểm hoạt bát và dễ thương.[21] Bạn nên lựa chọn chó con hay thích chơi đùa và tràn đầy năng lượng, nhưng không nên quá hung dữ với những con khác.
    • Không nên chọn chó con quá hung hăng hoặc quá e dè.
  3. Chơi đùa với chó con để xem chúng có hợp hay không. Bạn nên tiếp xúc nhiều với chú cún đã được chọn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu chó con rụt rè hay kẹp đuôi vào hai chân khi bạn tiến lại gần, thì có lẽ chúng không phải là sự lựa chọn hoàn hảo. Trong trường hợp yêu quý tính cách của chó con nhưng không chắc liệu chúng có hòa đồng với con cái hay vật nuôi khác, bạn có thể mang về nhà nuôi thử vài ngày trước khi quyết định.[20]
    • Nên nhớ rằng chó con cũng có thể lựa chọn chủ nhân của mình. Chú cún mà bạn đang nhắm đến cũng đang quan sát liệu chúng có cảm thấy thoải mái khi ở gần bạn hay không.[1]

Lời khuyên[sửa]

  • Không nên đưa ra quyết định mua chó con một cách vội vàng! Bạn không cần phải lo sợ chúng sẽ biến mất nhanh chóng và vì thế nên lựa chọn cẩn thận. Khi tìm được một con phù hợp, bạn sẽ nhận biết ngay.
  • Một số giống chó thường được thừa hưởng tính cách đặc trưng. Có những con rất hay sủa cũng như im lặng thường xuyên. Một vài giống chó thường xuyên chạy đi mất, đào lỗ, hoặc nhảy qua hàng rào. Bạn nên tìm hiểu đặc tính của chó con mục tiêu trước khi gắn kết với chúng.
  • Không nên chọn chó con vì chúng đang "hợp mốt". Thay vào đó, bạn nên suy nghĩ cẩn trọng và tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn giống chó.
  • Chuẩn bị toàn bộ vật dụng cần thiết ở nhà trước khi mua chó con (cũi/nệm ngủ/chuồng, thức ăn, bát, đồ dùng vệ sinh cho chó, v.v…).[7] Nếu không bạn sẽ gặp khá nhiều trở ngại khi phải vừa dắt chó theo vừa mua đồ dùng cho chúng.
  • Cân nhắc mua bảo hiểm y tế vật nuôi để tiết kiệm chi phí đi khám bác sĩ thú y.[1]
  • Nếu trong nhà có nuôi chó từ trước, bạn nên quan sát xem nó phản ứng với người bạn mới như thế nào. Trại động vật hoặc nhóm cứu hộ thường đề nghị mang chó ở nhà đến gặp chó con để xem cách nó phản ứng và đáp lại chó con ra sao.
  • Xem xét đăng ký khóa huấn luyện tuân theo mệnh lệnh dành cho chó con. Chúng càng được rèn luyện sớm bao nhiều thì càng tốt bấy nhiêu.[1]
  • Chó con thích nhai đồ vật, do đó bạn nên mua nhiều đồ chơi nhai để chúng thỏa mãn sở thích của mình.[7]

Cảnh báo[sửa]

  • Chó thường dễ rơi vào tình trạng lo âu tách biệt và thể hiện khi cảm thấy bị bỏ rơi. Nếu bạn hay đi ra ngoài thường xuyên, có lẽ đây chưa phải thời điểm thích hợp để nhận nuôi chó con.
  • Chó con không được tiêm ngừa đầy đủ có thể mắc bệnh nặng và đe dọa đến mạng sống, như là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra. Chỉ cho phép cho chó con tiếp xúc bên ngoài sau khi đã được tiêm ngừa hoàn toàn.[7]
  • Chó con do nhà lai tạo vô đạo đức nuôi dưỡng thường gặp phải vấn đề sức khỏe và hành vi gây trở ngại về tinh thần cũng như phải điều trị khá tốn kém.[22]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,00 1,01 1,02 1,03 1,04 1,05 1,06 1,07 1,08 1,09 1,10 http://www.akc.org/dog-owners/future-dog-owner/about-buying-a-dog/
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 http://www.humanesociety.org/issues/adopt/tips/adopting_from_shelter_rescue.html?credit=web_id83582065
  3. http://www.aspca.org/adopt/pet-care-costs
  4. https://www.aspca.org/adopt/pet-care-costs
  5. https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/dog-behavior/counter-surfing-and-garbage-raiding
  6. 6,0 6,1 6,2 http://www.petmd.com/dog/puppycenter/adoption-getting-a-puppy/evr_dg_puppy_proofing_checklist#
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 http://www.petmd.com/dog/care/evr_dg_new_puppy_supplies_puppy_checklist?page=2
  8. 8,0 8,1 8,2 8,3 8,4 http://www.humanesociety.org/issues/puppy_mills/tips/buying_puppy.html
  9. 9,0 9,1 9,2 http://www.humanesociety.org/issues/adopt/tips/adoption_questions_shelter_staff.html
  10. http://www.animalrescue.org/community/frequently-asked-questions/
  11. http://www.animalhumanesociety.org/adoption/how-adoption-works
  12. 12,0 12,1 12,2 12,3 https://www.dpca.org/BreedEd/articles/43-miscellaneous/336-tips-on-buying-a-puppy
  13. http://www.aspca.org/about-us/aspca-policy-and-position-statements/position-statement-on-criteria-for-responsible-breeding
  14. http://www.humanesociety.org/assets/pdfs/pets/puppy_mills/find_responsible_dog_breeder.pdf
  15. http://www.humanesociety.org/issues/puppy_mills/tips/finding_responsible_dog_breeder.html?credit=web_id83582065
  16. 16,0 16,1 http://www.rspca.org.uk/adviceandwelfare/pets/dogs/puppy/getpuppysmart
  17. http://www.thekennelclub.org.uk/getting-a-dog-or-puppy/finding-the-right-breeder/
  18. http://www.aspca.org/fight-cruelty/puppy-mills
  19. 19,0 19,1 19,2 http://www.paws.org/get-involved/take-action/explore-the-issues/puppy-mills/
  20. 20,0 20,1 20,2 20,3 20,4 20,5 20,6 http://pets.webmd.com/dogs/guide/choosing-healthy-puppy
  21. http://www.yourpurebredpuppy.com/buying/articles/how-to-choose-a-puppy.html
  22. http://www.humanesociety.org/issues/puppy_mills/tips/buying_puppy.html

Bài cùng chủ đề[sửa]

chăm sóc thông thường ...

ngăn và chữa bệnh ...

chăm sóc và huấn luyện chuyên biệt ...

Liên kết đến đây