Lựa chọn cún Shiba Inu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Shiba Inu là một giống chó của Nhật Bản. Loài chó này ban đầu được phối giống để săn bắt thú, ví dụ như lợn rừng, trên các vùng núi. Mặc dù có kích thước nhỏ, giống chó tự tin này được biết đến với tài săn gấu, đồng thời nổi tiếng là giống loài trung thành và giàu tình cảm. Tuy nhiên, cũng như các loài chó khác, Shiba Inu có một số vấn đề tính khí mà bạn cần cân nhắc. Nếu đang suy nghĩ về việc nhận nuôi một chú cún con, bạn nên cẩn thận đưa ra quyết định liệu cún Shiba có phù hợp với mình hay không.

Các bước[sửa]

Quyết định liệu Shiba Inu có phù hợp với bạn hay không[sửa]

  1. Cân nhắc bản năng săn mồi của loài. Shiba Inu vốn là loài chó săn chuyên bắt những con mồi nhỏ (các loài chim) và đôi khi là cả những con mồi to lớn, nguy hiểm hơn (ví dụ như lợn rừng).[1] Tuy nhiên, ngày nay, chúng thường được nuôi như một loài thú cưng trung thành thay vì bạn đồng hành trong những cuộc săn bắt. Mặc dù Shiba Inu có kích thước nhỏ (Shiba nặng từ 7,7 đến 10,4 kg), chúng là giống chó khỏe mạnh, dũng mãnh với bản năng săn mồi mạnh mẽ.[2] Shiba thường nhảy qua hàng rào hoặc vùng chạy khỏi dây xích khi bắt gặp những thứ mình muốn theo đuổi. Chúng dẻo dai và khoẻ mạnh hơn vẻ bề ngoài, do đó chúng cần phải được huấn luyện để nghe lời.
  2. Quá trình huấn luyện có thể là một thử thách.[3] Shiba là giống chó đặc biệt thông minh, nhưng không như những loài khác, chúng thường sử dụng trí tuệ của mình để phục vụ cho bản thân và đi trước chủ một bước. Một vài người nuôi Shiba cho biết, chó của họ đôi khi "bày mưu" và tính kế để đánh lừa họ hoặc vượt qua sự cấm cản hay huấn luyện. Nói ngắn gọn, Shiba Inu không phải lúc nào cũng là loài chó dễ bảo. Tuy nhiên, nếu bạn từng có kinh nghiệm nuôi chó và muốn tìm kiếm thử thách, huấn luyện một chú Shiba sẽ là trải nghiệm trọn vẹn dành cho bạn. Quan sát cách chúng sử dụng đầu óc nhạy bén của mình là công việc vô cùng thú vị.
    • Người lý tưởng để nuôi chó Shiba phải đặc biệt kiên nhẫn và dành nhiều thời gian cho việc huấn luyện. Đây là giống chó có nguồn gốc lao động, khi buồn chán, nguồn năng lượng của những chú chó này thường sẽ chuyển sang mục đích phá hoại. Hãy sẵn sàng huấn luyện chó không nhai đồ đạc hoặc trốn thoát qua sân rào.
    • Lưu ý rằng, tương tự như con người, luôn luôn có những chú chó không thuộc số đông. Một vài chú Shiba cũng biết vâng lời và có thể dễ dàng làm quen với cuộc sống mới.
  3. Hiểu rằng Shiba là giống chó độc lập.[4][5] Shiba Inu nổi tiếng do có nhiều điểm giống loài mèo hơn loài chó. Chúng cảm thấy thoải mái khi ở một mình và có tư duy độc lập. Đặc điểm này khiến chúng thiếu động lực để làm hài lòng chủ nhân và quá trình huấn luyện sẽ thêm khó khăn, bởi chúng không cần phần thưởng hay sự chú ý của chủ nhiều như những giống chó khác.
    • Tinh thần độc lập của Shiba là đặc tính rất được ưa chuộng trong cộng đồng nuôi giống chó này. Chúng không phải loài chó lệ thuộc và hay nịnh nọt, mà là những chú chó toát lên phẩm giá và sự điềm đạm.[1]
  4. Cân nhắc lại về giống chó nếu bạn muốn một chú chó thích được nựng nịu.[6] Phần lớn Shiba Inu rất khó tính về cơ thể của chúng. Chúng có thể là những "nữ hoàng đỏng đảnh," chẳng hạn như việc phản ứng thái quá với những vấn đề sức khoẻ vụn vặt. Dù chỉ đau một chút, chúng cũng có thể tru lên đầy thê lương. Ngoài phản ứng với cơn đau, nhiều chú Shiba không thích bị động chạm hay bồng bế, phần lớn sẽ không cuộn tròn trong lòng bạn trên ghế bành như một vài giống chó khác.
    • Shiba là lựa chọn phù hợp cho người nuôi chó không ưa thói quen tiếp xúc cơ thể liên tục của những loài thích nựng nịu. Shiba Inu sẽ vẫn trung thành và yêu thương bạn, dù chúng không quẩn quanh bên bạn.
  5. Cẩn thận với những phản ứng hung hãn của Shiba Inu. Như đã đề cập, chó Shiba thích ở một mình, thường có xu hướng trở nên hung dữ và cắn người nếu ranh giới cá nhân của chúng bị xâm phạm. Do đó, chúng không phải giống chó phù hợp nhất nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ. Shiba cũng không hoà hợp tốt với thú nuôi khác, chúng sẽ rượt đuổi và dồn ép những chú chó mà chúng cho là yếu hơn mình.[3] Shiba Inu có tính chiếm hữu cao với đồ đạc và thức ăn của chúng, vì vậy bạn cần trông chừng chúng, đặc biệt khi có thú nuôi khác cũng như trẻ nhỏ trong nhà.
  6. Cân nhắc chọn nuôi chó đực hay chó cái.[7] Theo lời những người nuôi chó kể lại, Shiba Inu đực năng động và thích tương tác nhiều hơn con cái. Những con cái thường thư thái hơn và ít tìm kiếm sự chú ý hơn con đực. Chọn giới tính của chó phù hợp với những đặc điểm bạn mong muốn ở thú cưng.
  7. Chuẩn bị cho việc chăm sóc lông.[8] Dù phần lớn chó Shiba Inu không rụng lông suốt năm, chúng thay lông đều đặn vào mùa xuân và mùa thu, mỗi lần vài tháng. Hãy chuẩn bị cho một cơn bão lông vào những giai đoạn này. Chúng có bộ lông hai lớp rất dày; bạn sẽ cần chải lông mỗi tuần để trải đều chất dầu tự nhiên và giữ lớp lông ngoài không bị rối. Nếu cố gắng thêm đôi chút và chịu đựng việc rụng lông, bạn có thể tận hưởng bộ lông tuyệt đẹp của chó Shiba.
  8. Suy nghĩ về tuổi thọ và những vấn đề sức khoẻ của giống chó này. Shiba Inu có tuổi thọ trung bình từ 12 đến 15 năm.[9] Một trong những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng nhất của Shiba Inu là dị ứng mãn tính, dẫn tới tình trạng đặc biệt ngứa ngáy. Hiện không có thuốc chữa khỏi dị ứng cho Shiba, nhưng tình trạng này có thể được kiểm soát. Tuy nhiên, chi phí điều trị sẽ khá đắt đỏ. Chó Shiba cũng dễ bị suy giáp và đục thuỷ tinh thể. Tuy Shiba đã từng được ghi nhận là mắc chứng loạn sản xương hông, chúng không dễ mắc bệnh này như những loài chó khác với kích thước lớn hơn. Shiba Inu cũng có khả năng bị co giật và động kinh cao hơn mức trung bình của các loài chó nói chung. Nếu đang cân nhắc nuôi Shiba Inu, hãy chắc chắn bạn có đủ khả năng chăm sóc cho chúng khi những vấn đề trên nảy sinh.
  9. Đừng bỏ qua các điểm mạnh của giống. Những nét tính cách được liệt kê ở trên có vẻ tiêu cực, nhưng chúng đưa ra cảnh báo về những vấn đề tiềm tàng có thể phát sinh. Shiba Inu có tính cách mạnh mẽ và vô cùng trung thành khi chúng trở nên gắn bó với chủ nhân. Những người hâm mộ giống chó này hoàn toàn say mê chúng.

Lựa chọn một chú chó khỏe mạnh[sửa]

  1. Tìm người phối giống chó đáng tin cậy. Một người phối giống chó tốt sẽ cho phép bạn xem tất cả cún con và chó bất kỳ lúc nào. Họ phải thấy vui vẻ khi bạn ngắm nghía xung quanh, và chắc chắn phải tự hào về cơ sở của họ. Họ cũng nên có chính sách hoàn trả — một người phối giống chó không cho bạn hoàn trả cún vì bất kỳ lý do gì tức là họ không có trách nhiệm đối với bầy chó do mình phối giống. Một người phối giống có trách nhiệm cũng sẽ không phối nhiều lứa hơn mức thông thường trong vòng một năm.
    • Đảm bảo rằng chó mẹ đã được tiêm vắc-xin đúng hạn, và cún con bắt đầu điều trị ký sinh trùng thường xuyên khi được 4 tuần tuổi.[10]
    • Tại Hoa Kỳ, hãy tìm kiếm "thông tin mật" được đăng tải bởi Hiệp Hội Chó Giống Hoa Kỳ (AKC) về Shiba Inu tại những cơ sở phối giống đạt tiêu chuẩn của AKC gần nơi bạn sinh sống.[11]
  2. Nhận biết những dấu hiệu của người phối giống Shiba Inu không đáng tin cậy. Nhìn chung, bạn nên tránh xa những người phối giống nhận nuôi cún con trước 8 tuần tuổi. Cún con dưới độ tuổi này vẫn còn quá nhỏ để tách mẹ một cách an toàn, và không một người phối giống có trách nhiệm nào nên thử làm điều đó.[12] Tình trạng chuồng cũi bẩn thỉu hoặc quá đông đúc cũng có thể là những dấu hiệu của hoạt động phối giống không đạt tiêu chuẩn.
    • Loại bỏ những người phối giống không thể cung cấp cho bạn thông tin kiểm tra sức khoẻ của cún con.
    • Tương tự, nếu bạn không được gặp chó mẹ, hãy rời khỏi đó. Dù những người phối giống có đưa ra lý do thuyết phục tới mức nào về việc bạn không thể gặp chó mẹ, đừng tin lời họ. Đây là chiêu bài kinh điển của những tên phối giống lừa đảo và các trại phối giống hàng loạt. Mua cún từ chúng chỉ khuyến khích thêm hoạt động thương mại vô đạo đức ấy.
  3. Đánh giá sức khoẻ của cún con. Ngay cả khi đang làm việc cùng một người phối giống có uy tín, bạn vẫn cần cẩn thận với những chú cún mắc bệnh hay yếu ớt. Những yếu tố thể chất mà bạn cần đánh giá bao gồm:[13]
    • Năng lượng: cún con không nên có vẻ ngoài chậm chạp mà phải tỉnh táo và nhiều năng lượng
    • Mắt trong và lỗ mũi sạch: không nên có ghèn hoặc lớp sần xung quanh
    • Hơi thở: cún con không nên ho hoặc hắt hơi quá nhiều, tiếng thở nhẹ
    • Vệ sinh: cún con nên có bộ phận sinh dục sạch sẽ, không có phân, mủ đóng vảy hoặc mùi khó chịu
    • Cân nặng: cún con nên tròn trịa và có mỡ em bé quanh lồng ngực
    • Bộ lông: lông phải sạch và bóng, không bị bẩn hay có gàu. Lông bết hoặc mảng trọc là dấu hiệu đáng cảnh báo.
    • Thính giác: vỗ tay vài tiếng sau đầu cún để chắc chắn cún có phản ứng và quay về phía có âm thanh
    • Thị giác: lăn nhẹ một quả bóng về phía cún (trong phạm vi cún có thể nhìn được) để chắc chắn cún có phản ứng với vật chuyển động
    • Tứ chi: quan sát cún con đi lại và chạy nhảy để tìm dấu hiệu khập khiễng, cứng khớp, hoặc đau nhức
  4. Đánh giá ngoại hình của chó bố mẹ. Đặc biệt khi bạn có kế hoạch đưa chú cún này đi thi, điều quan trọng là chú cún của bạn phải có đủ các tiêu chuẩn về giống. Sẽ khó để biết được cún con lớn lên như thế nào, nhưng chó bố mẹ sẽ giúp bạn hình dung được cún con khi trưởng thành. Tại Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn tóm tắt của AKC về giống Shiba Inu bao gồm:[14]
    • Kích thước: Con đực có chiều cao khoảng 37-42 cm và cân nặng khoảng 10,4 kg. Con cái cao khoảng 34,3-39,4 cm và cân nặng khoảng 7,7 kg.
    • Đầu: Shiba nên có ánh nhìn tự tin cùng tròng mắt nâu sẫm viền đen. Trán rộng, phẳng, hơi nhăn lại, mõm chó thẳng. Răng không bị hô và không bị khớp cắn ngược.
    • Thân mình: Lưng thẳng từ gáy cho đến đuôi. Mình chó có cơ bắp đẹp, độ sâu ngực (từ vai đến điểm thấp nhất của xương ức) bằng khoảng một nửa hoặc ngắn hơn một chút so với chiều cao từ vai đến mặt đất. Đuôi cong một vòng thay vì hai vòng.
    • Bộ lông: những màu lông được chấp nhận là đỏ, màu hạt vừng, hoặc đen.[15] Lớp lông ngoài cứng và thẳng, lớp lông trong mềm và dày.
    • Chó bị khớp cắn ngược hoặc hàm hô, con đực cao quá 41,9 cm hoặc thấp hơn 36,8 cm, con cái cao quá 39,4 cm hoặc thấp hơn 34,3 cm đều không có tư cách tham gia các cuộc thi.

Đánh giá tính cách của chú chó[sửa]

  1. Nghiên cứu cả lứa cún con.[13] Khi chọn cún, quan trọng là bạn phải xem xét cả đàn chó và quan sát cách các bé cún tương tác với nhau. Cún con Shiba Inu nên hiếu kỳ và không ngại con người. Ngoài ra, hãy theo dõi tương tác giữa những chú cún khi chơi đùa, tránh chọn những bé cún dè dặt và khó hiểu. Nhìn chung, một chú cún với tính khí không quá hung hăng và không quá nhút nhát là lựa chọn phù hợp.
    • Đối với giống Shiba Inu, những chú cún hung hăng, hay bắt nạt có khả năng trở thành chó dữ khi lớn lên.
  2. Đừng để bị đánh lừa bởi sự đáng yêu của cún con. Cún Shiba Inu có thể trông giống như những chú gấu bông. Tuy nhiên, đừng để ngoại hình của chúng đánh lạc hướng bạn khỏi việc đánh giá tính cách.
  3. Tìm một chú cún có sự hiếu kỳ tự nhiên về con người. Hãy ghi nhớ trong đầu liệu cún có tự tiếp xúc với bạn trước hay không và ở bên bạn bao lâu. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá độ thân thiện của cún cũng như cún thích ở bên con người đến mức nào.
  4. Chắc chắn rằng cún con giao lưu tốt.[16] Giao lưu là quá trình cho cún con tiếp xúc với tất cả những kinh nghiệm khác nhau trong vòng 3 đến 18 tuần tuổi. Cún sẽ học cách chấp nhận tất cả những điều mà chúng gặp phải trong độ tuổi này, điều đó sẽ khiến cún trở nên ổn định và tự tin. Giao lưu là hoạt động đặc biệt quan trọng đối với mọi chú cún, nhưng cần thiết hơn hẳn với loài Shiba. Chúng có tính cách mạnh mẽ và dễ bày tỏ quan điểm riêng. Điều mà bạn không mong muốn nhất chính là một chú chó dễ sợ hãi hay lo âu, có thể dùng năng lượng âu lo của mình để phá hoại.
    • Cún con nên có ít nhất 1 tiếng rưỡi mỗi ngày để tương tác với con người.
    • Lý tưởng nhất, hãy chọn một chú cún được nuôi dạy trong gia đình con người/trong nhà, thay vì trong chuồng cũi. Điều này có lợi cho bạn vì cún con đã được tiếp xúc với những quang cảnh, âm thanh, mùi hương của cuộc sống cùng gia đình con người từ những ngày đầu tiên trong đời.
    • Cún con được nuôi trong cũi ngoài trời sẽ xa cách cuộc sống bình thường hơn những chú cún khác. Cùng bản tính độc lập của Shiba Inu, người phối giống chó phải nỗ lực hơn để chắc chắn rằng cún con được giao lưu đầy đủ.
  5. Kiểm tra mức độ tiếp thu của cún. Tuy rất khó đoán trước tương lai của cún con khi chúng trưởng thành, bạn có thể nhận biết sơ qua điều này ngay cả khi chúng còn nhỏ. Hãy cho cún một món đồ chơi và quan sát xem việc lấy lại món đồ đó dễ hay khó tới mức nào. Bạn cũng có thể thử cho cún thức ăn để đổi lại món đồ chơi. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá cách thức phản ứng của cún con với quá trình huấn luyện, liệu rằng bạn có còn phải đối mặt với cuộc chiến với cún hay không.
  6. Thực hiện một bài kiểm tra nhỏ về sự hung hăng.[17] Lăn cún nằm ngửa và nhẹ nhàng giữ cún trong tư thế đó. Dù có một số tranh cãi về mức độ hữu dụng của phương pháp này, nhiều chuyên gia đã sử dụng nó như một phép ước đoán sự hung hăng của cún khi trưởng thành. Nếu cún sủa và cố đẩy bạn ra, rất có khả năng cún sẽ trở nên hung hãn. Nếu cún nằm yên quy phục, (rất hiếm thấy ở chó Shiba!) nhiều khả năng cún sẽ trở nên quá dễ bảo. Phản ứng tốt nhất nằm ở khoảng giữa, tức là cún sẽ cố vùng vẫy nhưng không sủa hay cắn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Bài liên quan[sửa]

Bài cùng chủ đề[sửa]

chăm sóc thông thường ...

ngăn và chữa bệnh ...

chăm sóc và huấn luyện chuyên biệt ...

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.