Đáp ứng nhu cầu cơ bản của chó

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cũng giống như những sinh vật khác, loài chó cần được đáp ứng một vài nhu cầu thiết yếu để sống khỏe mạnh, vui vẻ, và hành xử tốt. Là một người nuôi chó, bạn cần phải thỏa mãn nhu cầu của chúng. Nhưng bạn không nên quá lo lắng vì trách nhiệm này không quá đỗi khó khăn. Dẫu vậy, chúng lại đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian nhưng bù lại bạn sẽ có được một người bạn trung thành tuyệt đối với mình.

Các bước[sửa]

Lựa chọn thức ăn dành cho chó[sửa]

  1. Sử dụng thức ăn khô cho thú cưng. Loại thức ăn này có giá thành rẻ và phù hợp sử dụng lâu dài, cũng như duy trì sức khỏe răng miệng vì các hạt thức ăn khô có khả năng tẩy sạch bựa răng và dễ bảo quản hơn do đặc tính khô ráo. Tuy nhiên, thức ăn khô lại không có vị hấp dẫn như thức ăn ướt khiến cho một số con chó từ chối hoặc không đụng vào chúng. Bạn cần chuẩn bị nước sạch cho chú cún vì chúng không thể hấp thụ nước từ thức ăn khô.
  2. Lựa chọn thức ăn đóng hộp. Loại này có mùi vị hấp dẫn và chứa lượng nước cần thiết cho thú cưng. Tuy nhiên, bạn cần hết sức thận trọng khi cho chó ăn thức ăn đóng hộp vì chúng có thể hình thành bựa và cao răng.
    • Thức ăn đóng hộp thường có giá thành cao hơn thức ăn khô.
    • Việc xử lý hộp thức ăn sẽ gây nhiều trở ngại hơn.
  3. Sử dụng thức ăn bán ẩm. Thức ăn bán ẩm thường không phổ biến bằng thức ăn đóng hộp hoặc thức ăn khô. Loại này dễ bảo quản và dọn dẹp hơn thức ăn đóng hộp, nhưng vẫn có nguy cơ hình thành bựa và cao răng. Ngoài ra, giá thành của thức ăn bán ẩm cao hơn thức ăn khô.
  4. Trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng về chế độ thức ăn sống. Chế độ thực phẩm sống vẫn mang lại nhiều lợi ích cho chú cún, mặc dù bạn sẽ phải dành nhiều thời gian chuẩn bị và bảo quản phù hợp. Nếu muốn áp dụng chế độ này cho thú cưng, điều quan trọng là bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để bảo đảm rằng chú cún được cung cấp những dưỡng chất cần thiết.[1] Nhu cầu dinh dưỡng của chó khác với con người chúng ta.
  5. Không bao giờ cho chó ăn một số loại thức ăn dành cho người. Con người có thể ăn nhiều loại thực phẩm nhưng chó thì không vì một số thức ăn có nguy cơ gây độc cho thú cưng. Một số thực phẩm không nên cho chó ăn bao gồm:
    • Rượu bia
    • Nho và nho khô
    • Sô-cô-la
    • Bất kỳ thực phẩm có chất làm ngọt Xylitol
    • Cà phê và trà
    • Hạt trái cây hoặc hạt táo
    • Tỏi và hành tây
    • Quả hồ đào và hạt macadamia
    • Bột nhào làm từ nấm men
  6. Đọc thành phần ghi trên nhãn bao bì thức ăn. Bạn cần lựa chọn thức ăn có chất lượng cao, vì thế nên đọc và tìm hiểu nội dung in trên vỏ bao. Hầu hết loài chó hấp thụ thức ăn công nghiệp tốt miễn là bạn không quên đọc danh sách thành phần trên hộp hoặc túi đựng nhằm đảm bảo rằng thực phẩm này tốt cho sức khỏe của thú cưng. Danh sách được liệt kê theo thứ tự thành phần chủ yếu có trong thức ăn.
    • Danh sách thành phần nên liệt kê thịt đầu tiên (và tốt nhất là thứ hai), tiếp theo là ngũ cốc. Thức ăn có thể chứa sản phẩm phụ nhưng chỉ nên được liên kê gần cuối danh sách.
    • Bạn có thể hỏi bác sĩ thú y để được tư vấn lựa chọn thức ăn dành cho thú cưng của mình.

Xác định số lượng và tần suất cho ăn[sửa]

  1. Tuân theo chỉ dẫn cho ăn của nhà sản xuất. Vấn đề dinh dưỡng lớn nhất ở vật nuôi hiện nay đó là tình trạng béo phì.[2] Bạn cần phải làm theo khuyến cáo cho ăn của nhà sản xuất khi cho thú cưng ăn bằng cách dùng cốc đo để xác định lượng thức ăn hằng ngày chính xác. Trên hộp hay bao bì thức ăn thường có ghi số lượng cho ăn tiêu chuẩn.
    • Làm theo lời khuyên và hạn chế ăn vặt xuống còn một đến hai lần mỗi ngày để chú cún duy trì cân nặng bình thường.[3]
  2. Cho chó trưởng thành ăn từ một đến hai lần mỗi ngày. Thú cưng trên một tuổi nên ăn hai lần một ngày. Còn chó trên hai tuổi chỉ cần ăn một lần một ngày.
    • Giống chó kích thước lớn hoặc có ngực lớn cần ăn bữa nhỏ hai đến ba lần một ngày nhằm tránh tình trạng sình bụng, và không hoạt động ngay sau khi ăn. Nếu không thú cưng sẽ có nguy cơ gặp phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
  3. Cho chó con ăn thường xuyên hơn. Chó con nhỏ hơn ba tháng tuổi cần ăn ba đến bốn bữa theo tiêu chuẩn hằng ngày. Chó con dưới một tuổi cần ăn hai đến ba bữa mỗi ngày.
  4. Thay đổi lượng thức ăn tùy theo điều kiện cơ thể của thú cưng. Bạn có thể quan sát tình trạng cơ thể của chú cún để xác định xem chúng có cân nặng bình thường hay phải giảm vài kg hoặc phải tăng thêm (điều này thường hiếm xảy ra). Thú cưng có cân nặng bình thường sẽ xuất hiện “nếp gấp” ở bụng. Khi quan sát từ phía bên, phần bụng sẽ ngả về hai chân sau. Còn khi nhìn từ phía trước, chú cún sẽ có thân hình đồng hồ cát lý tưởng. Nếu dùng tay bạn sẽ cảm nhận được xương sườn dưới lớp mỡ bình thường.
    • Chó gầy sẽ có nếp gấp lớn và bạn có thể dễ dàng cảm nhận và thấy rõ xương sườn ở chó lông ngắn. Trong trường hợp này bạn nên thêm 10% thức ăn so với tiêu chuẩn bình thường vào chế độ hằng ngày của chúng.
    • Chó thừa cân hoặc béo phì sẽ không có nếp gấp ở bụng và bạn sẽ khó sờ được xương sườn (thừa cân) hoặc thậm chí là không thể cảm nhận được (béo phì). Khi đó bạn cần giảm bớt 10% số thức ăn theo tiêu chuẩn thông thường của chúng.
    • Tính điểm thể trạng của chú cún một lần nữa trong bốn tuần. Nếu chúng vẫn gầy hoặc mập, bạn cần tiếp tục điều chỉnh lượng thức ăn tăng thêm hoặc giảm xuống 10%.
    • Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y nếu có bất kỳ lo ngại nào.

Tập luyện cho thú cưng[sửa]

  1. Dắt chó đi dạo. Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, việc hoạt động thể chất cũng giúp chú cún luôn khỏe mạnh về tinh thần lẫn thể chất. Bạn nên dắt chúng đi dạo ít nhất hai lần một ngày. Lưu ý quan sát chú cún trong lúc đi dạo, và giao tiếp cũng như chơi đùa với chúng. Bạn có thể thay đổi địa điểm đi dạo để tăng thêm phần hấp dẫn.
    • Thời gian đi dạo tùy thuộc vào độ tuổi và giống chó: chó con và giống chó nhỏ cần đi dạo quãng ngắn (tối đa khoảng 15 phút), trong khi những giống lớn hoặc lực lưỡng cần tập luyện tối đa một giờ mỗi ngày.
    • Chó đầu ngắn (có mũi ấn sâu vào khuôn mặt giống chó bun) chỉ nên đi dạo quãng ngắn (khoảng 10 phút) từ ba đến bốn lần một ngày.
    • Có một điều hiển nhiên đó là chó không nên hoạt động thể chất quá nhiều trừ khi chúng được rèn luyện giống như vận động viên.[4]
  2. Trao đổi với bác sĩ thú y về việc rèn luyện thú cưng có vấn đề liên quan đến sức khỏe. Nếu chú cún mắc một số bệnh như là khớp hoặc tiểu đường, bạn cần lưu ý khi cho chúng hoạt động thể chất. Đau xương khớp có thể khiến thú cưng không muốn đi dạo. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ tập luyện nhẹ nhàng, cũng như phương pháp điều trị hoặc khắc phục cơn đau cho vật nuôi.
    • Chó già mắc bệnh xương khớp chỉ nên đi dạo quãng ngắn (khoảng 10 phút) ba đến bốn lần một ngày.
  3. Chơi trò chơi với thú cưng. Một cách hiệu quả để tập luyện và đùa vui với chú cún đó là chơi các trò chơi tương tác. Ném bóng là trò chơi lý tưởng nếu được diễn ra trong khuôn viên hoặc sân vườn khép kín để chúng không chạy đi mất trong lúc đang chơi trò chơi.
    • Bạn có thể áp dụng trò chơi thổi bong bóng để chú cún đuổi theo nếu không muốn tiêu hao quá nhiều năng lượng.
  4. Kiểm tra thời tiết trước khi ra ngoài. Thời tiết không nên quá khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến chú cún khi tập luyện ngoài trời. Nếu trời quá nóng, thú cưng có nguy cơ bị say nắng. Còn khi nhiệt độ ngoài trời quá thấp, chú cún có thể bị hoại tử vì tê cóng.[5]

Đưa chó con đi khám bác sĩ thú y[sửa]

  1. Đưa chó con đi khám bác sĩ thú y khi được tám tuần tuổi. Nếu nuôi chó con, bạn cần đưa chúng đi khám khi được tám tuần tuổi. Nếu thú cưng đã hơn độ tuổi này và chưa được đi khám, thì bây giờ là lúc bạn phải liên lạc với bác sĩ thú y để chúng được kiểm tra sức khỏe và bắt đầu hoặc tiêm thêm vắc-xin. Điều này hết sức quan trọng đối với sức khỏe của chú cún. [6]
    • Bạn cần mang chú cún đi tiêm ngừa phòng bệnh dại, vì đây là căn bệnh có thể truyền sang người gây tử vong. Chính quyền ở nhiều tỉnh thành có quy định tiêm phòng bệnh dại.
  2. Lên lịch tiêm ngừa lần đầu. Khi gặp bác sĩ thú y lần đầu tiên, bạn cần sắp xếp hai buổi gặp. Buổi thứ nhất là tiêm ngừa đầu tiên, sau ba đến bốn tuần (tùy thuộc và khuyến cáo của bác sĩ thú y) tiếp tục tiêm ngừa lần hai. Điều này giúp chú cún tăng cường hệ miễn dịch chống lại mọi bệnh tật.
    • Bác sĩ thú y sẽ thảo luận về loại vắc-xin theo yêu cầu ở địa phương. Các vắc-xin cơ bản bao gồm bệnh sài sốt chó, dại, và có thể là vắc-xin phòng bệnh nhiễm khuẩn do bọ ve gây ra.
    • Các mũi tiêm vắc-xin thường cách nhau một hoặc hai năm. Phòng khám thú y thường có dịch vụ nhắc nhở tiêm ngừa bằng thư từ hoặc thư điện tử trước ngày tiêm phòng vài tuần sau khi chú cún được tiêm mũi đầu tiên.
  3. Ngăn ngừa ký sinh trùng trong tim cho thú cưng. Đây là bệnh có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của loài chó. Bệnh lây lan qua muỗi và sống trong tim của chó, gây nên vấn đề sức khỏe. Thú cưng của bạn sẽ cần xét nghiệm để xác định không bị nhiễm bệnh này. Biện pháp phòng ngừa ký sinh trùng trong tim cần được tiến hành càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh nếu chú cún được chẩn đoán âm tính. Bác sĩ thú y sẽ tiêm một mũi bảo vệ lên đến sáu tháng, hoặc hàng tháng cho uống thuốc ngăn ngừa ký sinh trùng trong tim.
    • Nếu thú cưng dương tính với ký sinh trùng trong tim, bác sĩ thú y sẽ thảo luận phương pháp điều trị bao gồm xét nghiệm máu, chụp X-quang tim, và biện pháp chữa trị (đau đớn) bao gồm tiêm thuốc mạnh và uống thuốc.
  4. Trao đổi về việc tẩy giun với bác sĩ thú y. Bác sĩ thú y cũng sẽ khuyến cáo tẩy giun thường xuyên cho thú cưng. Chó con sẽ được tẩy giun khi tiêm ngừa nhằm bảo đảm rằng chúng không mắc phải giun tròn và giun móc, hai loại bệnh đường ruột phổ biến ở chó con.
    • Bác sĩ thú y sẽ xét nghiệm phân của chú cún khi tiêm ngừa lần hai nhằm xác định chúng không nhiễm ký sinh trùng đường ruột.
  5. Cân nhắc triệt sản cho chó. Biện pháp này giúp ngăn chặn tình trạng bùng nổ số lượng chó con được sinh ra và một số vấn đề sau đây: chó đực đánh nhau, ung thư đường sinh sản, và chó đực đi lang thang. Nếu thú cưng chưa được triệt sản, bạn nên sắp xếp với bác sĩ thú y để tiến hành.

Chăm sóc sức khỏe cho thú cưng tại nhà[sửa]

  1. Vệ sinh răng miệng cho chú cún. Loài chó, cũng giống như người, thường gặp phải tình trạng hình thành bựa răng trong miệng và cần phải được loại bỏ sạch sẽ.[7] Mua bàn chải và kem đánh răng dành cho chó tại phòng khám thú y hoặc cửa hàng vật nuôi. Không dùng kem đánh răng dành cho người vì có chứa flo-rit gây hại cho chú cún.
    • Cho một lượng nhỏ kem đánh răng lên đầu ngón tay. Nhẹ nhàng chà xát ngón tay dọc theo nướu răng trên để chú cún làm quen với kem đánh răng.
    • Nếu chú cún cảm thấy thoải mái, ngày hôm sau bạn có thể thoa kem đánh răng lên bàn chải. Chải theo đường nướu của răng trên và nâng lên một góc để phần lông bàn chải nằm dưới đường nướu.
    • Chải từ sau ra trước, tạo thành vòng tròn nhỏ dọc theo đường nướu khoảng 30 giây.
    • Bạn nên đánh răng cho chó mỗi ngày hoặc ít nhất vài lần một tuần.[8]
    • Bạn có thể dùng thức ăn vệ sinh miệng có công thức đặc biệt giúp loại bỏ bựa răng khi chú cún đang nhai thức ăn. Các loại đồ ăn vặt chẳng hạn như da sống hoặc thức ăn vệ sinh răng cũng có tác dụng tương tự.
  2. Tỉa móng cho chó. Bạn nên nhờ bác sĩ thú y hoặc kỹ thuật viên hướng dẫn vị trí cắt so với đệm thịt trước khi tự thực hiện. Phần thịt mềm có chứa mạch máu và dây thần kinh sẽ khiến cho thú cưng bị chảy máu nếu cắt phải.
    • Nhờ người giữ chặt chú cún trong vài lần đầu cắt tỉa móng.
    • Bắt đầu với móng chân sau. Móng thường ngắn hơn và chó thường cho phép bạn đụng chạm vào chân sau của chúng.
    • Tìm vị trí đệm thịt hoặc ước chừng trước khi cắt móng. Cẩn thận khi cắt tỉa về hướng đệm thịt. Cắt chừa lại 2 đến 3 mm ngay trước phần thịt mềm.
    • Tiếp tục với các bàn chân còn lại, khen thưởng cho chú cún vì hành vi tốt trong lúc bạn cắt tỉa móng cho chúng.
  3. Thường xuyên chải lông cho chú cún. Chó cần được chải lông kỹ càng cho dù lông ngắn hay dài. Đây là cách hiệu quả để tăng cường mối quan hệ với thú cưng. Ngoài ra, bạn cũng có thể theo dõi tình trạng da của chúng.
    • Đối với chó lông dài, bạn có thể mua lược tách để gỡ rối. Chải dọc theo bộ lông ít nhất hai ngày một lần nếu bạn không có điều kiện chải hằng ngày. Nếu không, bộ lông sẽ hình thành mớ rối bù gây đau cho chúng. Không những chú cún trông xấu xí, mà lớp da bên dưới có thể bị tổn thương.
    • Còn chó lông ngắn thì bạn có thể dụng lược mềm để gỡ bỏ tóc rụng và kích thích da.
  4. Kiểm tra lớp da bên dưới trong lúc chải lông. Đây là thời điểm thích hợp để phát hiện ký sinh trùng (bọ chét), hoặc u bướu. Ngoài ra ban cũng có thể kiểm tra tình trạng rụng lông, viêm nhiễm và các vết xước hoặc tổn thương.[9]
    • Nếu phát hiện bọ chét, bạn cần tiến hành diệt trừ ngay lập tức, dọn sạch ổ nằm, và toàn bộ ngôi nhà trước khi mọi thứ vượt xa tầm kiểm soát. Bạn có thể dùng kem thoa và thuốc diệt côn trùng trong nhà để diệt bọ chét tận gốc. Nhân viên phòng khám thú y hoặc cửa hàng vật nuôi sẽ đưa ra lời khuyên về việc loại bỏ ký sinh trùng trên chó và trong nhà bạn.
  5. Tắm cho chó một tháng một lần. Nếu thú cưng cần tắm, bạn có thể dùng dầu gội đa năng dành cho chó. Làm theo hướng dẫn ghi trên chai. Không nên tắm cho chó quá nhiều. Hầu hết chỉ cần tắm một lần một tháng, hoặc da chúng sẽ bị thô ráp.
    • Nếu chú cún hay bị bẩn hoặc có mùi hôi, bạn cần vệ sinh cho chúng thường xuyên hơn. Tiến hành thận trọng và trao đổi với bác sĩ thú y nếu có bất kỳ thắc mắc nào.

Huấn luyện thú cưng đi vệ sinh[sửa]

  1. Chọn vị trí mà bạn muốn chú cún đi vệ sinh. Bạn cần dạy cho thú cưng bài học quan trọng nhất đó là tự đi vệ sinh ở địa điểm quy định. Vị trí có thể ở ngoài vườn và tránh xa đường đi.
  2. Dắt chó ra ngoài thường xuyên trong thời gian đầu. Khi bắt đầu huấn luyện chó đi vệ sinh, bạn nên tạo nhiều cơ hội cho chúng tự giải quyết nỗi buồn. Dắt thú cưng ra ngoài thường xuyên, tối đa nửa tiếng một lần. Chó con đặc biệt có bàng quang nhỏ và cần đi vệ sinh thường xuyên.
  3. Quan sát dấu hiệu chú cún cần giải quyết nỗi buồn. Bạn cần xem chừng thú cưng của mình để phát hiện khi nào chúng cần đi vệ sinh lúc đang ở trong nhà. Nếu thấy dấu hiệu thở hổn hển, nén người lại, đánh hơi xung quanh, hoặc sủa lên, bạn cần đưa chú cún ra ngoài ngay lập tức.
    • Khen ngợi thú cưng thật nhiều khi chúng đi vệ sinh ở ngoài.
    • Nếu chó đi bậy trong nhà, bạn không nên la mắng hoặc đánh chúng. Chỉ cần im lặng dọn dẹp và thử lại lần nữa.
  4. Khen ngợi chú cún thật nhiều. Sau khi chó đi vệ sinh bên ngoài, bạn có thể khen ngợi và âu yếm chúng, cũng như thưởng đồ ăn vặt. Bạn cần thực hiện những điều này ngay lập tức để chú cún liên kết một loạt hành động tích cực với việc đi vệ sinh.
  5. Mang theo túi để dọn chất thải. Bạn cần mang theo túi bên mình để dọn dẹp phân chó ngay lập tức và không được trì hoãn. Nếu không sẽ gây ô nhiễm môi trường xung quanh và tạo điều kiện cho bệnh tật lây lan khắp nơi.
  6. Nhốt thú cưng vào phòng nhỏ cho đến khi chúng được huấn luyện bài bản. Trước khi chú cún tiếp thu bài học, bạn nên nhốt chúng vào phòng nhỏ (phòng tắm, phòng để đồ, phòng giặt) với chất liệu sàn nhà dễ lau chùi.
    • Bước này đặc biệt quan trọng nếu bạn không thể theo dõi chú cún thường xuyên vì việc huấn luyện chó con đi vệ sinh cần sự giám sát liên tục.
  7. Huấn luyện chó sử dụng chuồng. Quá trình huấn luyện này sử dụng chuồng để nhốt thú cưng trong lúc bạn không có ở nhà. Bạn không cần lo ngại về vấn đề này vì nếu được huấn luyện tốt, chú cún sẽ xem đây là ngôi nhà an toàn để tránh xa những phiền nhiễu thường ngày. Đặt chuồng trong phòng khách, mở cửa và lót chăn dưới đáy chuồng. Khuyến khích thú cưng vào trong bằng cách ném phần thưởng vào chuồng. Sau vài ngày, bạn có thể đóng cửa chuồng lại khoảng 10 phút. Từ từ tăng dần thời gian cho đến khi chú cún cảm thấy thoải mái khi ở trong chuồng (không kêu rền rĩ hoặc tru tréo) tối đa bốn tiếng.
    • Kích thước chuồng phải phù hợp với thú cưng sao cho chúng có thể đứng lên bình thường mà không phải cúi gập lưng. Ngoài ra, chuồng phải rộng rãi để chú cún có thể quay người xung quanh mà không bị vướng.
    • Không nhốt chó trong chuồng hơn bốn tiếng. Không dùng cách này để trừng phạt, nếu không chú cún sẽ không bao giờ bước vào trong đó một lần nữa.

Tập thích nghi cho thú cưng[sửa]

  1. Thưởng cho hành vi tốt. Chó cần phải học cách tiếp xúc với những con khác, kể cả con người để có một cuộc sống trọn vẹn. Là chủ nhân của chúng, bạn có thể tùy ý huấn luyện thú cưng của mình. Thật không may, cách cư xử tệ là nguyên nhân hàng đầu khiến chó thường bị bỏ rơi vào các trại động vật. Cách tốt nhất để huấn luyện loài này đó là sử dụng phần thưởng. Khi đó chú cún sẽ được thưởng đồ ăn và nhận lời khen vì đã tuân theo yêu cầu của chủ nhân.
    • Chó là loài vật trung thành và thích hòa đồng với con người. Biện pháp sử dụng phần thưởng mang lại hiệu quả nhanh chóng khi huấn luyện chúng.
    • Bạn sẽ phớt lờ hành vi không phù hợp hoặc không tốt trong hầu hết trường hợp, trừ khi gây hại cho những con chó hoặc người khác.
  2. Cho thú cưng làm quen với hoạt động trong nhà hằng ngày. Chó cần học cách trở thành một phần của xã hội loài người và chó theo hướng tích cực. Bạn nên bắt đầu quá trình thích nghi cho chó con bằng cách cho chúng tiếp xúc với âm thành và hoạt động diễn ra trong nhà không gây nguy hiểm.[10]
    • Không dùng máy hút bụi hoặc chổi để rượt đuổi chú cún.
    • Chở thú cưng bằng xe máy để chúng làm quen với cảm giác ngồi trên xe và cảnh vật ở ngoài đường.
  3. Dắt chú cún đến công viên dành cho chó. Đây là nơi mà thú cưng có cơ hội tiếp xúc với những con chó khác cũng như con người. Mang dây xích cho chó, đặc biệt trong những lần đầu tiên đi dạo ở công viên. KHÔNG thả rông chú cún trừ khi chúng đã làm quen với những con chó và người khác.
  4. Cho chú cún tham gia lớp học thích nghi. Đây là một trong những cách hiệu quả để thú cưng làm quen với những con chó, người khác, và quang cảnh cũng như âm thanh thường ngày. Các lớp này thường do giáo dục cộng đồng, câu lạc bộ, hoặc cửa hàng vật nuôi tổ chức cũng như tạo môi trường học tập an toàn cho cả thú cưng lẫn chủ nhân của chúng. Bạn có thể tìm các lớp này trên báo địa phương hoặc trực tuyến.
    • Nếu cần tập thích nghi cho chó trưởng thành, bạn có thể đăng ký lớp dạy hành vi phục tùng.

Lời khuyên[sửa]

  • Trước khi nhận nuôi hoặc mua chó, bạn cần bảo đảm rằng mình có thời gian, tiền bạc, và nguồn lực để chăm sóc thú cưng. Điều này thật sự không công bằng cho chúng lẫn người khác nếu như bạn không có khả năng tài chính để thanh toán chí phí khám thú y hoặc cho thú cưng ăn uống đầy đủ, cũng như không có thời gian để chăm lo và chơi đùa với chúng.
  • Chơi đùa với chú cún! Chúng sẽ bắt chước theo hành vi tích cực của bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Trong trường hợp chú cún “né tránh” việc huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện đi vệ sinh, có thể chúng đang gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe.
  • Không bao giờ được đánh chó. Hành động này chỉ khiến chúng sợ hãi và phẫn nộ, làm cho mối quan hệ giữa bạn và chúng bị rạn nứt.
  • Chỉ kỷ luật thú cưng nếu bạn bắt gặp hành vi không phù hợp. Chúng không thể liên kết hình phạt sau khi đã gây ra lỗi lầm.


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Bài liên quan[sửa]

Bài cùng chủ đề[sửa]

chăm sóc thông thường ...

ngăn và chữa bệnh ...

chăm sóc và huấn luyện chuyên biệt ...

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.