Vệ sinh cho chó

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thú cưng được chăm sóc thường xuyên sẽ luôn sạch sẽ, khỏe mạnh, và hạnh phúc. Nhiều người thích sử dụng dịch vụ chăm sóc vệ sinh vật nuôi chuyên nghiệp để tân trang vẻ ngoài cũng như bảo đảm an toàn cho chúng. Tuy nhiên, nếu tại địa phương không có dịch vụ này hoặc muốn tiết kiệm tiền, bạn có thể tự vệ sinh cho chó tại nhà.

Các bước[sửa]

Vệ sinh cho chó trước khi tắm[sửa]

  1. Chuẩn bị dụng cụ vệ sinh. Bạn nên xếp sẵn đồ đạc trước khi bắt đầu chải chuốt cho cún cưng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai. Tham khảo phần "Những thứ bạn cần" ở cuối bài viết để thu thập đầy đủ dụng cụ vệ sinh cho thú cưng.
  2. Chải lông cho chó trước.[1] Bạn nên thực hiện hằng ngày hoặc cách ngày để bộ lông luôn bóng mượt. Việc chải nhanh không thể gỡ rối hết vì dễ dàng bỏ qua những chỗ rối xù. Bạn nên chải thật kỹ trước khi vệ sinh cho thú cưng vì phần lông rối sẽ khó xử lý hơn sau khi khô ráo. Bắt đầu chải từ phần đầu dọc xuống cơ thể. Cẩn thận khi chải lông phần bụng vì đây là khu vực nhạy cảm, cũng như không nên bỏ sót lông đuôi. Trong lúc chải lông, gặp phần nào rối thì dùng lược xử lý triệt để. Không nên chỉ tập trung chải một chỗ khiến chú cún khó chịu. Thay vào đó, bạn có thể thử nghiệm lên vùng da nhạy cảm của mình để nắm rõ cảm giác của thú cưng
    • Bạn có thể dùng bàn chải ngựa hoặc găng tay để chải lông cho giống chó lông ngắn.
    • Đối với chó lông dài thì nên chải bằng lược thép, bàn chải mát-xa, bàn chải nhựa, hoặc bàn chải loại bỏ lớp lông tơ.
    • Dù là loại bàn chải nào, chúng phải có tác dụng gỡ phần tóc rụng và tán đều lớp dầu từ da sang toàn bộ lớp lông.
  3. Khen ngợi chú chó trong lúc chải lông cho chúng. Bạn nên động viên hành vi điềm tĩnh, yên lặng để thú cưng phát huy điều này. Bạn có thể thưởng đồ ăn cho chúng vì đã cư xử tốt.
  4. Cho chú cún giải lao nếu cần. Bạn không nên tạo áp lực cho chúng, vì rất dễ tạo nên trải nghiệm không tốt khiến cho việc chải chuốt sau này trở nên khó khăn hơn. Bạn có thể mang lại niềm vui cho thú cưng bằng cách cho chúng giải lao, khen ngợi, thưởng đồ ăn, vuốt ve, và thậm chí là chơi đùa với chúng.
    • Bước này cực kỳ quan trọng đối với chó con nếu được huấn luyện từ nhỏ để làm quen với thao tác này.
  5. Cắt bỏ phần lông rối không thể gỡ ra được. Lông bù xù nhiều có thể kéo mạnh da mỗi khi chó di chuyển, khiến chúng cảm thấy đau đớn. Nếu không thể gỡ rối, bạn có thể cắt bớt hoặc cạo phần lông đó, tùy vào khoảng cách có gần bề mặt da hay không. Bạn nên cẩn thận khi dùng kéo cắt để tránh làm tổn thương bản thân và/hoặc thú cưng. Cắt song song với chiều mọc của lông để tránh tình trạng lông mọc lởm chởm.
    • Nếu không có khả năng loại bỏ phần lông rối một cách an toàn, bạn nên đưa chú cún đến gặp người chuyên vệ sinh cho chó để họ thực hiện thao tác này.
    • Đôi lúc phần lông xù siết chặt và ép vào da gây nhiễm khuẩn dưới lớp lông. Nếu nghi ngờ viêm nhiễm, bạn cần đưa chú cún đi khám bác sĩ thú y càng sớm càng tốt.
    • Triệu chứng nhiễm khuẩn có thể quan sát bằng mắt thường đó là đỏ tấy và ẩm nước, trong trường hợp nặng có thể tiết mủ.[2] Chú cún có thể gặm hoặc gãi vào khu vực này vì rất ngứa.
  6. Vệ sinh mắt cho chó. Giống chó lông trắng hoặc có mắt to hay chảy nước (Chó Bắc Kinh, chó Púc, chó Phốc sóc, v.v…) cần được chăm sóc cẩn thận hơn những giống khác. Tùy vào từng giống chó, bạn có thể loại bỏ ghèn mắt tích tụ trong hốc mắt. Còn chó lông dài hoặc lông trắng cần lưu ý đặc biệt phải lau sạch chất nhầy ra khỏi lông, vì nước mắt chảy ra có thể bám lại trên lông. Bạn có thể mua sản phẩm dùng để vệ sinh "gỉ mắt" tại cửa hàng vật nuôi.
    • Đôi mắt khỏe mạnh cần phải trong suốt và không có dấu hiệu kích ứng hoặc dịch tiết bất thường.
    • Không nên tự tỉa lông xung quanh mắt vì có thể làm tổn thương thú cưng. Đưa chúng đến bác sĩ thú y hoặc người chăm sóc chuyên nghiệp để làm thay.
  7. Vệ sinh tai cho chó. Tai có thể xuất hiện ít ráy tai, nhưng không nên có mùi lạ. Để vệ sinh tai cho chó, bạn dùng bông gòn thấm dung dịch vệ sinh (mua tại cửa hàng vật nuôi) rồi lau sạch bụi bẩn và ráy tai phía trong, nhưng không nên chà mạnh làm cho thú cưng bị đau. Ngoài ra, không nên tiếp cận quá sâu bên trong tai. Nguyên tắc vệ sinh đó là chỉ lau những gì mà bạn thấy.
    • Làm ấm dung dịch vệ sinh tai bằng nhiệt độ cơ thể trước khi dùng cho thú cưng. Nhúng chai dung dịch vào nước ấm, giống như khi làm ấm bình sữa em bé.
    • Sau khi dùng bông gòn hoặc khăn ẩm lau sạch tai, tiếp tục lấy bông gòn hoặc khăn khô thấm nhẹ nước còn sót lại.
    • Khen ngợi chú cún! Tai là bộ phận nhạy cảm của cơ thể, và chúng cần được xoa dịu tinh thần.
  8. Liên lạc với bác sĩ thú y nếu tai có vấn đề. Chú cún cần được chăm sóc y tế trong trường hợp tai bị sưng phù, đỏ tấy, ngứa rát hoặc thâm đen. Ngoài ra nếu xuất hiện dịch tiết hoặc cơn đau, hay mùi hôi chua khó chịu, bạn cần liên lạc với bác sĩ thú y ngay lập tức.
    • Thú cưng cần được đi khám bác sĩ thú y nếu tai có dịch tiết nhiều, viêm nhiễm, một bên tai bẩn hơn bên kia, và có mùi khó chịu báo hiệu tình trạng viêm tai.
  9. Chải răng cho chó.[3] Bạn nên vệ sinh răng cho vật nuôi hằng ngày bằng kem đánh răng dành cho chó để giúp chúng có được hàm răng và nướu khỏe mạnh. Không nên dùng sản phẩm dành cho người vì có thể gây ngộ độc cho chó vì có chất flo-rit. Nếu chú cún cắn bạn, KHÔNG NÊN cố gắng chải răng cho chúng. Trong trường hợp thú cưng cảm thấy khó chịu, bạn nên xoa dịu tinh thần cho chúng.
    • Bắt đầu bằng cách cho một lượng nhỏ kem đánh răng lên ngón tay và thoa đều lên hàm răng trong vài giây. Thưởng cho chú cún vì đã cho phép bạn làm điều này.
    • Sau khi chà kem đánh răng khoảng 20-30 giây, bạn có thể chuyển sang dùng gạc hoặc bàn chải ngón tay mua tại cửa hàng vật nuôi. Sau đó dùng bàn chải dành cho chó.
    • Trong mọi trường hợp bạn cần dỗ dành chú cún hợp tác để chúng có trải nghiệm tốt đẹp thay vì cảm thấy căng thẳng.
  10. Sử dụng dịch vụ vệ sinh thú y nếu cần thiết. Trong trường hợp tích tụ cao răng và bựa răng, bàn chải thông thường sẽ không làm sạch triệt để. Cũng giống như người, vật nuôi cũng cần được bác sĩ thú y tiến hành vệ sinh chuyên nghiệp. Một dịch vụ khác đó là vệ sinh tai không gây tê nhưng bác sĩ thú y thường ít khi thực hiện.
    • Quan sát nướu đỏ hoặc vật thể màu nâu dính vào răng. Đây là những dấu hiệu mà nếu dùng bàn chải thông thường sẽ gây đau cho thú cưng. Bạn không nên vệ sinh răng cho chúng cho đến khi đưa đi khám bác sĩ.
  11. Cắt móng cho chó.[4] Nếu không cắt, móng sẽ mọc dài và đâm vào đệm thịt hoặc siết chặt ngón chân gây tổn hại khớp xương. Bạn cần cắt tỉa móng thường xuyên để duy trì độ dài thích hợp, tùy thuộc vào tốc độ mọc của móng. Nếu nghe tiếng móng chạm đất, điều này có nghĩa là móng đã mọc quá dài. [5]
    • Dùng kèm cắt một ít phần móng (0,15 cm). Đối với chó con hoặc chó nhỏ thì bạn có thể dùng kèm dành cho người dạng kèm kéo thay vì kèm xén. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn loại kèm với kích thước phù hợp dành cho chó con.
    • Nếu móng có màu trong suốt, bạn sẽ thấy phần thịt màu hồng có chứa mạch máu. Không nên cắt vào phần này mà chỉ tỉa phần móng cứng.
    • Lưu ý đặc biệt với móng có màu sậm nhằm tránh cắt phải mạch máu. Thực hiện chậm rãi, và mỗi lần chỉ nên cắt từng phần nhỏ. Máy tỉa thường an toàn và không làm tổn thương thịt mềm, vì mỗi lần chỉ cắt một phần móng nhỏ. Dùng dụng cụ tỉa an toàn dành cho thú cưng không dây, vì loại có dây sẽ không ngừng hoạt động nếu chạm vào lông.
    • Nếu cắt quá sâu và đụng phải mạch máu, bạn có thể dùng bột cầm máu, bột bắp, hoặc bột mì dặm lên vết thương để ngăn máu không tiếp tục chảy.

Tắm cho chó[sửa]

  1. Chuẩn bị dụng cụ. Bạn cần xếp sẵn vật dụng thay vì chạy quanh đi tìm đồ đạc trong lúc chú cún đang ướt đẫm người. Hơn nữa, bạn nên mặc quần áo bình thường vì sẽ không tránh khỏi bị ướt.[6] Sau đó chuẩn bị ít nhất những dụng cụ sau: [7]
    • Dầu gội dành cho chó
    • Thức ăn vặt
    • Vài chiếc khăn
    • Trải khăn lên cạnh bồn để nước không văng ra ngoài. Còn những khăn khác dùng để lau khô thú cưng.
  2. Trải miếng chống trượt dưới đáy bồn. Bề mặt của bồn tắm thường rất trơn trượt nếu dính xà phòng. Để chú cún không bị trượt ngã, bạn nên trải khăn hoặc miếng chống trượt dưới đáy bồn.
  3. Xả nước ấm vào bồn. Nước nóng có thể làm tổn hại đến da chó, đặc biệt nếu chúng có lông ngắn. Không nên xả nước khi chú cún đang ở trong bồn vì có thể làm chúng căng thẳng. Bạn nên dành thời gian tập cho thú cưng làm quen với âm thanh của tiếng nước chảy bằng món ăn ưa thích của chúng. Luôn thực hiện từ từ nhằm tránh gây áp lực cho chú cún cũng như khó khăn cho cả hai.
    • Bạn có thể hòa một ít dầu gội vào 20 lít nước âm ấm để rút gọn quy trình.
  4. Bảo vệ chú chó trong bồn tắm. Một số con chó muốn chạy ra ngoài trong lúc tắm. Nếu thú cưng có hành vi như vậy, bạn có thể mua dây xích đặc biệt dành cho chó tại cửa hàng vật nuôi. Loại dây này được gắn vào thành tường bằng miếng hút và giữ thú cưng ở vị trí cố định trong lúc tắm rửa.
    • Thay vòng cổ thông thường bằng loại không thấm màu ra bộ lông hoặc bị hư khi gặp nước.
  5. Làm ẩm cho chú cún kỹ lưỡng. Bạn cần bảo đảm toàn bộ phần lông ướt đều trước khi thoa dầu gội. Nếu chú chó không sợ hãi, bạn có thể dùng ống vòi và bộ điều áp nước gắn lên vòi. Điều này khá hữu ích khi chú chó có kích thước lớn hoặc bộ lông có hai lớp. Tuy nhiên, nếu thú cưng sợ tiếng nước chảy, bạn nên dùng cốc hoặc xô để xối nước bồn tắm lên cơ thể của chúng. KHÔNG làm văng nước vào tai chó. Điều này có thể gây viêm nhiễm. Bạn chỉ nên xịt nước đến ngang phần cổ của chúng. Còn đầu sẽ vệ sinh riêng (xem hướng dẫn dưới đây)
  6. Thoa dầu gội lên cơ thể của chó. Bắt đầu với phần cổ và di chuyển xuống hai bên thân người và bốn chân, dùng ngón tay thoa đều dầu gội xuống tận lớp da. Phần đầu có thể chừa lại để vệ sinh sau, và không thoa xà phòng quanh tai và mắt (trừ phi dùng dầu gội khô dành cho chó). Thay vào đó, bạn có thể dùng khăn ẩm để vệ sinh phần đầu. Sau khi thoa dầu gội, cào nhẹ lên phần lông hai lớp của chú cún để dầu gội phân tán đều và lưu ý không cào chỗ quá lâu. Bạn nên thử tập trước để xem cảm nhận của mình như thế nào.
    • Pha loãng dầu gội để thoa đều và dễ xả sạch hơn.
  7. Xả sạch dầu gội thật kỹ. Nếu vẫn còn thấy nước bẩn hay bong bóng xà phòng chảy ra ngoài, bạn cần tiếp tục xả nước như khi làm ẩm lông trước khi thoa dầu gội. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng không dùng nước chảy trực tiếp nếu chú cún sợ âm thanh này. Thay vào đó, bạn chỉ cần dùng cốc xối nhẹ nước để rửa sạch dầu gội.
  8. Thấm khô chú cún. Dùng nùi cao su hoặc tay để vuốt nước ra khỏi lông và cơ thể. Dùng khăn lau khô hết mức có thể trong lúc thú cưng còn ở trong bồn tắm để không bị văng nước lên người. Trải khăn lên lưng, hoặc cầm khăn đặt bên cạnh chúng để cho phép chú cún lắc nước ra khỏi cơ thể. Nhiều con sẽ học được “quy định tắm rửa” và chỉ lắc mình khi bạn trải khăn lên người chúng để thấm khô nước. Nếu thú cưng có bộ lông ngắn hoặc bạn thích để khô tự nhiên thì có thể bỏ qua bước này.
    • Nếu chú cún có hai lớp lông hoặc lông dài, bạn cần dùng máy sấy để sấy khô hoàn toàn.
  9. Sấy khô nếu cần thiết. Trong trường hợp khăn không thể lau khô nước triệt để, bạn có thể sấy khô mà không làm chú cún cảm thấy quá nóng hoặc khô ráp. Nếu thú cưng có bộ lông dài, bạn cần sấy khô kết hợp dùng lược chải.
    • Đặt máy sấy ở chế độ mát! Bước này khiến cho việc sấy khô lâu hơn bình thường, nhưng bù lại lông và da chó sẽ không bị khô cứng.
    • Nếu chú cún sợ âm thanh hoặc cảm giác khi tiếp xúc với máy sấy, bạn không nên ép buộc chúng. Thay vào đó nên dùng khăn lau và dắt chó vào nơi phù hợp để tự làm khô, chẳng hạn như trong phòng giặt.

Tỉa lông chó[sửa]

  1. Cân nhắc tỉa lông cho thú cưng. Nhiều giống có lông ngắn và không cần phải cắt tỉa thường xuyên. Tuy nhiên, nếu chú cún có bộ lông dày, bạn cần tỉa thường xuyên để chúng luôn khỏe mạnh. Những giống chó cần tỉa lông thường xuyên bao gồm cocker spaniel, chó chăn cừu, chó xù, collie, chó sư tử, chó Bắc Kinh, và Đường Khuyển.[8]
  2. Tỉa lông cho chó sau khi khô ráo. Nếu có ý định cắt tỉa lông thú cưng, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn đi kèm dụng cụ cắt. Đọc sách hoặc xem video chỉ dẫn, hoặc tham khảo ý kiến người vệ sinh chuyên nghiệp về cách dùng dụng cụ cắt tỉa phù hợp. Lưỡi cắt phải sắc và phần kéo cần được bôi trơn. Lưỡi cùn có thể kéo giật lông của thú cưng.
    • Trước khi tỉa lông cho chó, bạn cần đưa ra ý tưởng tạo hình trước. Đọc, đưa ra câu hỏi và xem video để tham khảo ý kiến rồi tiến hành công việc.
  3. Nhẹ nhàng cố định chú cún. Dùng dây xích buộc lại để chúng không chạy quanh. Trong lúc tỉa lông, bạn có thể đặt một tay dưới bụng của thú cưng để khuyến khích chúng ở yên vị trí thay vì cựa quậy liên tục.
  4. Dùng tông đơ đặc biệt dành cho chó.[9] Bạn nên đầu tư cho một chiếc tông đơ chất lượng cao. Số tiền ban đầu có thể khá đắt đỏ, nhưng về sau lại có tác dụng tiết kiệm, vì bạn sẽ không phải tốn tiền cho dịch vụ chăm sóc thú cưng chuyên nghiệp.
    • Dùng lưỡi tông đơ tạo độ dài của lông theo ý muốn.
    • Kéo không có tác dụng tỉa lông thành hình và đẹp, cũng như có nguy cơ làm tổn thương chú cún nếu di chuyển đột ngột. Bạn nên dùng tông đơ thay cho kéo.
  5. Bạn có thể yên tâm di chuyển lưỡi cắt trên cơ thể của thú cưng, chỉ cần không ấn mạnh vào da. Chải lông ngược theo chiều mọc trước khi chạy tông đơ theo hướng kia; cùng với hướng hoặc chiều mọc của lông. Di chuyển tông đơ ngược theo chiều mọc của lông có tác dụng giống như chải lông theo chiều ngược, nhưng sẽ có độ dài ngắn hơn so với khi dùng lưỡi tông đơ. Nếu muốn cạo ngược theo chiều mọc của lông, bạn nên thử lên phần bụng để xem độ dài như vậy đã phù hợp hay chưa. Di chuyển tông đơ cố định, nhưng phải từ từ dọc theo cơ thể của chú cún để loại bỏ phần lông thừa. Nếu di chuyển quá nhanh sẽ làm cho đường cắt không đều. Luôn di chuyển lưỡi cắt theo hướng mọc của lông trừ khi muốn cắt ngắn hơn chiều dài tiêu chuẩn của lưỡi tông đơ. Bắt đầu với phần cổ, sau đó di chuyển xuống vai, dưới tai, và hướng về phía cằm, cổ họng, và vùng ngực. KHÔNG tỉa phần lông ở khu vực cổ họng hoặc bất kỳ vị trí trên cơ thể có khoảng cách hẹp, chẳng hạn như dây chằng trên gót chân, vùng da dưới cánh tay, bộ phận sinh dục, phần chóp đuôi, hoặc hậu môn. Sau đó tỉa phần lông ở lưng và hai bên thân người và cuối cùng là bốn chân.
  6. Cẩn trọng khi tỉa lông xung quanh hậu môn. Bộ phận này có thể vọt ra, giống như nút, bất ngờ và bạn sẽ vô tình cắt phải. Do đó bạn nên lường trước vấn đề này.
    • Cẩn thận khi tỉa lông ở chân, đuôi và mặt. Đây là những bộ phận rất nhạy cảm.
    • Kiểm tra tông đơ thường xuyên để điều chỉnh nhiệt độ không quá nóng làm tổn thương da của chú cún.
    • Nếu lưỡi cắt nóng lên, bạn nên ngừng lại và để nguội và/hoặc dùng sản phẩm xịt làm mát và có tác dụng loại bỏ lớp dầu ra khỏi lưỡi cắt khiến nhiệt độ nóng lên nhanh hơn, vì thế bạn nên chuẩn bị thêm lưỡi cắt hoặc chờ cho đến khi nhiệt độ hạ thấp.
  7. Thưởng cho chú cún. Việc đứng im không động đậy thật sự là một thử thách! Nếu thú cưng có cảm giác khó chịu khi trải qua quá trình này, bạn nên để chúng nghỉ ngơi vài phút. Khen ngợi chú cún trong lúc vệ sinh, và thưởng đồ ăn trong lúc giải lao. Không chơi đùa với vật nuôi khiến chúng bị bẩn lại.
  8. Kiên nhẫn. Bạn cần phải rà nhiều đường trên lông chó mới có được đường cắt mềm mịn và thẳng tắp. Không nên vội vàng! Cho phép thú cưng nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, và phải di chuyển tông đơ nhẹ nhàng.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu không có thời gian tắm rửa cho chó, bạn nên đưa thú cưng đến người chăm sóc vật nuôi chuyên nghiệp để cơ thể luôn sạch sẽ, khỏe mạnh, và hạnh phúc.
  • Nếu cần sấy khô thú cưng, bạn có thể mua máy sấy chất lượng cao của hãng Double K Airmax. Giống chó hai lớp lông chẳng hạn như Chó núi Bern cần phải sấy lâu hơn khiến chúng dễ bị bỏng. Đối với chó nhỏ, bạn có thể mua loại máy sấy dành cho chó, chẳng hạn như máy sấy Crazy Dog, để ngăn chặn hoặc giảm thiểu nguy cơ làm bỏng thú cưng.
  • Thỉnh thoảng bạn cần phải nhổ lông tai. Hỏi bác sĩ thú y hoặc người chăm sóc chuyên nghiệp về cách nhổ lông tai cho chó an toàn và chính xác. Bạn có thể dùng bột vệ sinh tai để thực hiện dễ dàng và nhanh chóng vì bột làm cho lông tai trơn tuột hơn.
  • Dùng một ít dầu xả dành cho chó để bộ lông sạch sẽ cũng như chú cún ko cảm thấy nhờn khó chịu .
  • Tìm hiểu nhu cầu chăm sóc lông cần thiết dành cho giống chó hoặc kiểu lông của thú cưng. Bạn sẽ cần phải hoàn thành một số yêu cầu cụ thể đối với từng giống chó để bộ lông sạch sẽ và/hoặc ở trạng thái nhất định. Ví dụ, giống chó Komondor (chó giẻ lau) cần lưu ý đặc biệt khi tách phần lông rối khá dài.
  • Bàn vệ sinh thấp và bồn tắm khiến bạn phải thường xuyên gập lưng gây khó chịu. Bạn có thể dùng bất kỳ loại bàn hoặc bề mặt vững chắc để làm chỗ vệ sinh tạm thời, nhưng cần phải có độ bám cao dành cho thú cưng. Điều này có nghĩa là không nên dùng bàn có xe lăn phía dưới. Bạn có thể mua miếng cao su chống trượt tại cửa hàng ngũ kim và cắt theo kích thước vừa vặn với mặt bàn.
  • Không để nước dính vào mũi chó, vì sẽ khiến chúng không thở được và xuất hiện phản ứng stress cấp tính. Nếu chó hít phải nước và khó thở, bạn cần hạ thấp đầu chúng xuống để nước chảy ra ngoài.
  • Nếu không đủ khả năng mua dụng cụ vệ sinh đắt tiền, bạn có thể sử dụng dịch vụ tự vệ sinh cho chó. Dịch vụ này cung cấp dụng cụ chuyên nghiệp với mức giá thấp hơn chi phí thanh toán cho một người chăm sóc thú cưng chuyên nghiệp. Điều tiện lợi nhất đó là dịch vụ này có dọn dẹp thay cho bạn!
  • Đối với thú cưng có hai lớp lông, bạn có thể dùng lược chải rụng lông để loại bỏ lớp lông tơ. Nếu dùng loại này, bạn cần chú ý không nên chải một chỗ quá lâu mà chủ yếu tập trung vào phần gáy, chân sau, và cả phần lưng. Đây là những chỗ có bộ lông dày nhất.
  • Nếu nuôi chó sói hoặc giống chó lớn tương tự chó sói, bạn không bao giờ nên tỉa lông ngắn vì chúng sẽ trở nên rất hung hăn. Ngoài ra, chó sói có bản tính hoang dã, vì thế bạn chỉ nên tắm rửa và chải chuốt cho chúng .

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh sử dụng dầu gội dành cho người lên thú cưng và loại này không sản xuất dành cho chó. Chú cún có thể bị ngứa rát da.
  • Chó thường hay có phản xạ đạp chân sau nếu được nhấc lên. Không dạng chân của chúng sang hai bên vì sẽ khiến chúng cảm thấy khó chịu. Thay vào đó, bạn nên nắm bàn chân và kéo nhẹ ra trước hoặc sau. Không nên bối rối hay phạt chú cún mà nên kiên nhẫn cũng như khen ngợi chúng khi chúng đứng yên tại chỗ. Nếu thú cưng có lông dài vừa hoặc dài, bạn có thể hoàn thành bước cắt móng hai chân sau một cách suôn sẻ mà không cần phải nhấc bàn chân của chúng lên.
  • Không dùng kem đánh răng dành cho người để vệ sinh răng cho thú cưng. Chú cún có thể nuốt phải kem và bị ảnh hưởng do chất flo-rit có trong kem đánh răng. Bạn chỉ nên dùng kem đánh răng do bác sĩ thú y khuyến cáo.
  • Nếu mắt chú cún bị kích ứng, bạn có thể dùng dung dịch vệ sinh và lau sạch mắt.
  • Tránh để dầu gội dính vào mắt thú cưng vì có thể gây kích ứng nghiêm trọng. Cho dầu gội vào lòng bàn tay trước khi thoa lên lông chó thay vì đổ trực tiếp lên người chúng. Khi xả nước không để bọt xà phòng chảy vào mắt của chú cún, và nhẹ nhàng vắt sạch nước trên tai khi xử lý những khu vực này. Bạn có thể nhét bông gòn vào tai chó để nước không chải vào ống tai. Sau khi vệ sinh xong, bạn cần nhớ phải tháo bông gòn ra.
  • Không để nước dính vào tai và mắt. Trong trường hợp xảy ra sự cố này, bạn có thể dùng bông gòn hoặc miếng bông (không dùng bông tai vì có thể tiếp cận quá sâu) và nhẹ nhàng thấm vào bên trong tai của chó. Chúng sẽ lắc đầu để nước chảy ra (giống như sau khi bơi). Nếu thú cưng liên tục gãi tai sau khi tắm, bạn cần đưa chúng đi khám bác sĩ thú y để giải quyết vấn đề.
  • Đưa thú cưng đi khám bác sĩ thú y nếu da có vấn đề.
  • Nếu cảm thấy ngại khi chạm vào một vài bộ phận trên cơ thể của chó, bạn cần phải tập làm quen với điều này. Nếu muốn vệ sinh cho thú cưng, bạn cần tắm sạch toàn bộ cơ thể của chúng. Nếu trên lông có bọ chét hay bọ ve, bạn nên để dầu gội trong vòng mười phút sau khi thoa lên lông. Khi đã diệt sạch ký sinh trùng, bạn cần xả sạch ra khỏi cơ thể của thú cưng. Nếu còn sót lại, chú cún có thể bị bệnh. Bạn cần chà xát toàn bộ cơ thể của chúng, ngay cả những vị trí nhạy cảm. Không tắm bằng nước nóng, và đặc biệt là không để nước ấm hoặc dầu gội có tẩm thuốc dính vào bộ phận sinh dục vì đây là cơ quan nhạy cảm.
  • Không tắm cho chó quá nhiều. 2 hoặc 4 tuần một lần là vừa đủ. Dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp khuyến cáo nên tắm cho chó lông dài 4 hoặc 6 tuần một lần. Việc tắm rửa quá thường xuyên có thể làm khô da vì làm mất lớp dầu tự nhiên. Bạn có thể dùng dầu gội khô để vệ sinh phần chân và bộ phận khác. Xịt trực tiếp vào một điểm và dùng mút ẩm hút nước. Sử dụng dầu gội không gây dị ứng hoặc yến mạch dịu nhẹ để tắm cho chó. Nếu thú cưng có vấn đề về da, bạn nên dùng loại dầu gội không mùi không gây dị ứng trước khi đi khám bác sĩ thú y. Nếu tình trạng kéo dài, bác sĩ thú y có thể khuyến cáo dầu gội tẩm thuốc. Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y nếu lo ngại về tình trạng da của thú cưng.

Những thứ bạn cần[sửa]

Chó lông ngắn:

  • Bàn chải nhựa hoặc găng tay
  • Dung dịch vệ sinh tai
  • Cồn lau
  • Bông gòn/khăn bông
  • Bàn chải đánh răng dành cho thú cưng
  • Kèm cắt móng dành cho chó
  • Vòng cổ
  • Dầu gội dành cho chó
  • Máy sấy/khăn tắm

Chó lông dài và vừa:

  • Bàn chải vuông, bàn chải mát-xa hoặc bàn chải loại bỏ lớp lông tơ
  • Dung dịch vệ sinh tai
  • Cồn lau
  • Bông gòn/khăn bông
  • Bàn chải đánh răng dành cho thú cưng
  • Kèm cắt móng dành cho chó
  • Vòng cổ
  • Dầu gội dành cho chó
  • Máy sấy/khăn tắm


Nguồn và Trích dẫn[sửa]


Bài cùng chủ đề[sửa]

chăm sóc thông thường ...

ngăn và chữa bệnh ...

chăm sóc và huấn luyện chuyên biệt ...

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.