Chăm sóc chó Husky

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Husky là giống chó rất hoạt bát, nghĩa là chúng cần chạy nhảy và hoạt động hàng ngày để vui vẻ.[1] Chúng là giống chó trung thành và tốt bụng và yêu cuộc sống, rất nhiều người muốn nuôi Husky. Tuy nhiên, đôi khi chúng khá bướng bỉnh và khó huấn luyện, vậy nên bạn cần sẵn sàng cho từng nhiệm vụ. Nếu bạn đang định nuôi một chú chó Husky, hãy xem liệu bạn có thời gian, kiên nhẫn, năng lượng và sự cống hiến để dành cho chúng một cuộc sống lâu dài, hạnh phúc và đầy đủ hay không.

Các bước[sửa]

Huấn luyện Husky[sửa]

  1. Giúp Husky hòa nhập. Sự hòa nhập xã hội dạy cún con cách tương tác phù hợp với nhiều khía cạnh của môi trường (ví dụ: con người, đồng loại), điều này giúp chúng phát triển thành chú chó tự tin và có tính cách tốt. Cho phép cún con dành thời gian với nhiều người khác nhau và trải nghiệm khung cảnh và âm thanh đa dạng.[2]
    • Lớp huấn luyện cún con là cách tuyệt vời để dạy chó Husky nhỏ cách tương tác với những con chó khác.[2] Hãy cho chó tham gia lớp huấn luyện khi chúng được 4-5 tháng tuổi.[3]
    • Ngoài ra, bạn có thể giúp cún hòa nhập bằng cách đưa ra các tình huống khác nhau trong môi trường sống, chẳng hạn như âm thanh của xe chạy và tiếng còi xe. Bạn có thể mời bạn bè tới nhà để cún làm quen với việc tiếp xúc với người mới.[4]
    • Đưa cún con ra công viên cũng là một cách hay để cún tiếp xúc với nhiều người, âm thanh và khung cảnh khác nhau.
    • Quan sát cún con khám phá thế giới mới. Nếu cún tỏ ra sợ hãi hay cảnh giác, đừng cố ép chúng trải qua tình huống đó.
  2. Cho chó Husky trưởng thành tham gia lớp huấn luyện nghe lệnh. Theo tự nhiên, Husky là loài chó vô cùng độc lập và thông minh.[2] Tuy nhiên, đôi khi chúng rất cứng đầu,[5] nên khó huấn luyện. Lớp huấn luyện lệnh là thích hợp nhất cho chó Husky.[2]
    • Đăng ký cho Husky vào lớp huấn luyện lệnh "nhỏ tuổi" khi chúng được 4 tháng tuổi và theo lên khóa huấn luyện trưởng thành khi chúng được 12 tháng.[3] Để Husky vâng lời, tốt nhất là bạn nên huấn luyện chúng từ khi còn bé.
    • Cẩn thận Husky có thể dùng trí thông minh để phân biệt lớp huấn luyện và nhà, có thể chúng thể hiện bài tập huấn luyện một cách hoàn hảo trên lớp, nhưng khi về nhà lại không vâng lời.[2] Nếu gặp trường hợp này, bạn cần tiếp tục cho chó luyện tập tại nhà.
  3. Huấn luyện Husky trong lồng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn nuôi cún con. Huấn luyện trong lồng giúp quá trình huấn luyện tại gia thuận lợi hơn, chúng sẽ không đi tiểu hay đại tiện ở nơi chúng ngủ.[6] Ngoài ra, huấn luyện trong lồng sẽ biến chiếc lồng thành nơi trú ngụ an toàn khi chúng cảm thấy sợ hãi hoặc cần nghỉ ngơi.[2]
    • Lồng của Husky không phải là địa điểm chịu phạt.[6] Nhốt cún vào lồng khi không vâng lời có thể khiến chúng phát triển theo hướng tiêu cực với chiếc lồng.
  4. Huấn luyện dây xích. Nếu bạn thả xích, husky sẽ chạy ra xa hoặc đuổi theo một vật gì đó ở xa.[2] Chúng yêu chủ của mình nhưng nếu có cơ hội thì chúng vẫn thích chạy nhảy và rượt đuổi hơn (bản năng săn mồi).[2] Vì vậy, việc huấn luyện Husky với dây xích là điều quan trọng.
    • Huấn luyện với dây xích sẽ tránh tình trạng Husky kéo dây. Nếu chúng bắt đầu kéo xích, bạn có thể đứng im hoặc gọi chúng lại, hoặc nhanh chóng đi về hướng ngược lại với chúng. [7]
    • Không được giật hay kéo ngược lại dây xích, điều này sẽ khiến Husky kéo xích mạnh hơn.
    • Không dùng dây xích co giãn, điều này có thể khiến Husky kéo dây mạnh hơn vì kéo mạnh sẽ giúp nó đi xa hơn.[7]
    • Nếu bạn nuôi cún con, hãy để chúng đánh hơi và "khám phá" dây xích và vòng cổ trong nhà trước khi bạn dắt cún ra ngoài.[3]
    • Lớp huấn luyện nghe lệnh có thể giúp bạn dạy Husky dùng dây xích.
  5. Thiết lập rằng bạn là chỉ huy của Husky. Husky là chó kéo xe và luôn có con đầu đàn để dẫn đường.[2] Bạn cần làm cho Husky coi bạn là người dẫn đường. Cách tốt nhất để thiết lập mối quan hệ chỉ huy là bắt chó đợi tới bữa ăn.[2]
    • Khi kiểm soát bữa ăn, Husky sẽ coi bạn là nguồn thực phẩm và nguồn lực duy nhất của nó, giống như người chỉ huy.[2]
    • Một cách khác để hình thành mối quan hệ chỉ huy với Husky là dắt chó đi dạo theo ý của bạn.[8] Khi đi trước, bạn sẽ thể hiện sự tự tin rằng Husky đang đi theo bạn, thay vì để nó kéo bạn đi lung tung.
    • Đừng quá bất ngờ nếu Husky cố gắng trở thành con đầu đàn dẫn đường. Nếu chó có xu hướng như trên, bạn cần kiên quyết và nhất quán với mối quan hệ chỉ huy.[2]
    • Không được thiết lập mối quan hệ chỉ huy bằng cách bắt nạt hay đánh đập chó.[2] Husky sẽ không tin tưởng và tôn trọng bạn như người chỉ huy nếu bạn cố gắng thiết lập mối quan hệ đó bằng việc đe dọa thể chất.

Tập thể dục và Chơi cùng Husky[sửa]

  1. Tập thể dục cùng Husky hằng ngày. Husky là chó làm việc có nguồn gốc từ Siberia, ở đây chúng phải kéo những xe trượt tuyết nặng suốt một quãng đường dài.[9] Vì vậy chúng cần vận động hàng ngày (ít nhất 30-60 phút) để giải phóng năng lượng.[10][2]
    • Đi bộ đường dài là bài tập thích hợp cho Husky.[5]
    • Để khuyến khích phương diện "làm việc" của Husky (và nếu bạn ưa mạo hiểm), bạn có thể buộc dây xích vào xe đạp hoặc cút kít để chó kéo đi.[11] Đừng thử trò này nếu chó chưa được huấn luyện cẩn thận.
    • Chơi ném đĩa hoặc leo núi với Husky cũng là cách hay để chó giải phóng năng lượng.[11][2]
    • Nếu bạn sống gần sông hồ, bạn có thể đưa chó đi bơi.[12]
    • Luôn ghi nhớ rằng Husky là loài chó năng động, luôn sẵn sàng để chạy nhảy và tập thể dục.[5] Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ năng lượng để theo kịp chúng!
  2. Làm hàng rào bảo vệ để chó không trốn ra ngoài. Husky là bậc thầy "đào tẩu".[5] Nếu bạn để chó chạy nhảy ở sân sau, hãy làm hàng rào để chó không trốn ra ngoài.[5] Vậy thôi chưa đủ, nếu Husky thích đào đất thì nó thể trốn ra ngoài bằng cách đào hầm bí mật.[5]
    • Để ngăn việc chó "đào đất" trốn ra ngoài, bạn nên cắm hàng rào sâu xuống đất khoảng vài 10cm.[2] Bạn có thể đặt tấm bê tông hoặc tấm lưới ở dưới hàng rào để ngăn không cho chó đào bới.[11]
    • Liên hệ với công ty làm hàng rào để thiết kế hàng rào sao cho chó không thể đào đất trốn ra ngoài.
    • Nếu Husky vẫn đào được hố, bạn có thể đổ than xuống hố để chó không thể tiếp tục đào.[3]
    • Luôn quan sát Husky khi thả chúng ra sân sau. Mặc dù chúng thích chạy nhảy bên ngoài nhưng nếu để mặc chúng ở sân sau, chúng sẽ cảm thấy cô đơn và buồn chán, và bắt đầu đào bới phá hoại.[10]
  3. Tìm cho Husky một người bạn. Husky là giống chó rất thân thiện.[5] Chúng sẽ thích thú nếu có một người bạn cùng chơi. Bạn chơi lý tưởng của Husky là một chú cún khác cùng kích cỡ và có thể theo kịp Husky.[5]
    • Để Husky tiếp xúc với những chú chó khác và tự chọn bạn chơi cùng.[5]
  4. Không cho Husky vận động trong thời tiết nóng. Husky có lớp lông dày để thích nghi với khi hậu lạnh.[10] Điều này không hẳn là bạn không nên nuôi Husky nếu sống ở môi trường ấm, nhưng bạn cần chú ý hơn khi cho chó chơi đùa và vận động khi thời tiết nóng nực.
    • Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu nóng, chỉ nên cho Husky vận động vào lúc sáng sớm khi nhiệt độ ngoài trời chưa quá cao.[13]
    • Husky có thể bị sốc nhiệt nếu ở ngoài quá lâu dưới cái nóng oi bức của mùa hè. Cố gắng giữ chúng ở trong nhà trong những ngày nóng nực.
  5. Giải trí cho cún. Husky là giống chó thông minh nên cần kích thích tâm lý để chúng luôn vui vẻ và thoải mái. Đồ chơi Kong cực kỳ phù hợp cho Husky: chúng rèn luyện sự kiên nhẫn và thử thách tinh thần Husky khi chúng tìm cách lôi thức ăn ra ngoài.[14]
    • Bỏ đồ ăn yêu thích của Husky vào trong đồ chơi Kong.
    • Nhớ rằng Husky đôi khi rất phá hoại. Bạn nên chọn đồ chơi bền để khiến Husky mải mê chơi và không dễ dàng phá hỏng đồ chơi.
    • Thay vì sử dụng đồ chơi, bạn có thể dạy Husky một vài trò (chẳng hạn như trò giả chết hoặc đùa nghịch) để kích thích tinh thần.

Nuôi ăn và Chăm sóc Husky[sửa]

  1. Cho Husky ăn thực phẩm chất lượng cao dành cho chó. Husky chỉ cần một lượng thức ăn nhỏ để tồn tại. Do đó, bạn không cần cung cấp cho chó quá nhiều calo để chó khỏe mạnh và có đủ năng lượng để chơi đùa và tập luyện.[2]
    • Cho chó ăn một hoặc hai lần mỗi ngày và tránh vận động ít nhất 90 phút sau khi ăn.[2][3]
    • Lượng thức ăn cần thiết tùy thuộc vào kích thước, tuổi vầ tình trạng sức khỏe của chó.[2]
    • Nếu bạn nuôi cún con, hãy bắt đầu cho cún ăn 3 lần một ngày — sáng sớm, đầu giờ chiều và buổi tối. Khi chó được 3-4 tháng tuổi, chúng sẽ tự động giảm khẩu phần xuống còn 2 bữa mỗi ngày.
    • Thực phẩm cho người hay đồ ăn đóng hộp có thể khiến Husky trở nên kén ăn/ hoặc bị tiêu chảy.[3]
    • Nếu bạn mua Husky từ người phối giống, họ có thể giới thiệu thực phẩm phù hợp cho chó.[2] Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ thú y hoặc những người nuôi Husky khác để chọn loại thực phẩm phù hợp.
  2. Chải lông cho Husky. Husky là giống chó sạch sẽ. Chúng không có mùi hôi và tự chăm sóc lông khá thường xuyên nên bạn không cần phải để tâm quá nhiều.[15] Tuy nhiên, Husky rụng lông khá nhiều, đặc biệt là vào mùa xuân và mùa thu khi chúng thay lông (lớp lông bên dưới rụng hoàn toàn).[16][15]
    • Thời kỳ "thay lông" kéo dài ít nhất 3 tuần.[15]
    • Chải lông cho Husky bằng bàn chải lông thưa ít nhất một lần mỗi tuần để loại bỏ lông rụng và giữ cho bộ lông luôn bóng mượt.[2][16][15] Bạn có thể mua lược chải lông cho chó ở cửa hàng bán vật dụng thú cưng.
    • Không cạo lông Husky vào mùa hè. Có thể bạn nghĩ cạo lông sẽ giúp chó thấy mát hơn, nhưng như vậy là bạn đã loại bỏ lớp bảo vệ tia cực tím của chúng.[17]
  3. Tắm cho Husky. Vì Husky rất sạch sẽ nên ít khi cần tắm. Bạn chỉ cần tắm cho Husky mỗi năm một lần.[15] Nếu bạn không thể tự tắm cho chó, bạn có thể đưa chúng tới dịch vụ chăm sóc thú cưng.
  4. Cắt móng cho Husky. Bạn nên cắt móng cho chó một hoặc hai tuần một lần.[16] Nếu năng lượng và kích thước của Husky khiến bạn không thể tự cắt móng cho chúng, bạn có thể đưa chúng đến bác sĩ thú y. Hãy luôn ghi nhớ rằng móng của Husky luôn bị chỉa xuống khi chúng chơi đùa và luyện tập. .[16]
  5. Chải răng cho Husky. Nếu abnj có thể tự chải răng cho chó thì nên làm ít nhất 2-3 lần mỗi tuần.[2] Bạn có thể mua kem chải răng từ chỗ bác sĩ thú y.[16]
    • Chải răng thường xuyên không chỉ giúp hơi thở thơm mát mà còn ngăn ngừa mảng bám tích tụ dẫn đến các bệnh răng miệng và toàn thân nghiêm trọng.[16]
    • Cân nhắc đến việc trao đổi với bác sĩ thú y để được hướng dẫn cụ thể cách chải răng cho Husky.
    • Nếu bạn không thể tự chải răng cho chó, bạn có thể hẹn lịch vệ sinh răng miệng với bác sĩ thú y. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải gây mê toàn thân và chi phí khá cao.

Lời khuyên[sửa]

  • Trung bình chó Husky sống được 12-15 năm.[2][10]
  • Với bản chất có ý chí mạnh mẽ, Husky thích hợp với những người chủ có kinh nghiệm vì họ có luôn tự tin và khẳng định khả năng lãnh đạo.[2]
  • Bạn cần kiên trì khi huấn luyện Husky.[11]
  • Đưa Husky đến khám bác sĩ thú y thường xuyên để đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt và tiêm chủng đầy đủ.
  • Phòng ngừa sán tim, bọ chét hàng tháng cho Husky.
  • Cho Husky uống nhiều nước.

Cảnh báo[sửa]

  • Husky là giống chó săn mồi.[18] Husky có thể coi mèo là con mồi. Nếu bạn nuôi mèo thì bạn chỉ nên nuôi giống chó nào ít có bản năng săn mồi.
  • Husky không phải là chó giữ nhà.[18] Trên thực tế, có khi chúng lại nhiệt tình chào đón những kẻ đột nhập lạ mặt gây nguy hiểm cho gia đình bạn. Bạn nên nuôi chó German shepherd hoặc Doberman pinscher nếu cần một chú chó trông nhà.
  • Khi rảnh rỗi một mình Husky rất phá hoại.[2] Hãy cho Husky thật nhiều đồ chơi khi bạn không ở nhà và giám sát cẩn thận khi bạn ở nhà.
  • Husky dễ bị các bệnh như rối loạn xương khớp và các bệnh về mắt (ví dụ như teo võng mạng tiến triển, đục thủy tinh thể) mà không thể phát hiện khi còn nhỏ.[18] Bạn nên cân nhắc việc mua chó từ người phối giống uy tín và có kiểm dịch bệnh xương khớp và PRA (teo võng mạc tiến triển). Đưa Husky tới bác sĩ thú y nếu bạn nhận thấy chúng gặp vấn đề khi vận động hoặc tầm nhìn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Bài liên quan[sửa]

Bài cùng chủ đề[sửa]

chăm sóc thông thường ...

ngăn và chữa bệnh ...

chăm sóc và huấn luyện chuyên biệt ...

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.