Kiểm soát vùng dưới cánh tay nhiều mồ hôi và bốc mùi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Toát mồ hôi là quá trình tự nhiên của cơ thể để điều hòa cơ chế thân nhiệt khi tập thể dục hoặc tiếp xúc với môi trường nóng bức. Mặc dù đổ mồ hôi quá nhiều có thể khiến bạn xấu hổ, phần lớn mọi người đều không mắc chứng tăng tiết mồ hôi vùng nách (thuật ngữ y khoa chỉ hiện tượng đổ mồ hôi nhiều ở vùng dưới cánh tay, tại Hoa Kỳ, hiện tượng này chỉ ảnh hưởng tới 2,9% dân số).[1] Những người không bị tăng tiết mồ hôi có thể thực hiện các bước sau một cách dễ dàng tại nhà nhằm giảm thiểu vấn đề liên quan đến mồ hôi cùng mùi cơ thể.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Kiểm soát Chảy mồ hôi Vùng dưới cánh tay[sửa]

  1. Dùng sản phẩm ngăn tiết mồ hôi. Đổ mồ hôi là cách thức tự nhiên để cơ thể bạn tự hạ nhiệt trong nhiều trường hợp. Mặc dù mồ hôi là thứ bình thường và chắc chắn tốt cho sức khỏe, trong nhiều hoàn cảnh, bạn sẽ không muốn mình đổ mồ hôi, ví dụ như khi đang hẹn hò hoặc có buổi thuyết trình quan trọng. Những hợp chất nhôm trong sản phẩm ngăn tiết mồ hôi sẽ bít lỗ chân lông của bạn và ngăn mồ hôi tiết ra.[2]
    • Nếu cảm thấy mình đổ mồ hôi nhiều đến mức sản phẩm ngăn tiết mồ hôi không cần kê đơn cũng chẳng thể giải quyết nổi, bạn có thể trò chuyện với bác sĩ để kê đơn những sản phẩm ngăn tiết mồ hôi khác.[3] Hãy sử dụng sản phẩm này mỗi tối; có thể sẽ mất một tuần để bạn thấy được điều khác biệt.
    • Nếu bạn thích ngăn tiết mồ hôi bằng sản phẩm từ tự nhiên hơn chất hóa học, hãy thử chà xát một củ khoai tây dưới cánh tay bạn. Tinh bột trong khoai tây sẽ bít lỗ chân lông để giảm lượng mồ hôi tiết ra.[4] Phủ bột ngô lên vùng nách cũng có tác dụng tương tự.[5]
  2. Có chế độ ăn lành mạnh và cân bằng để giữ cân nặng bình thường. Những người béo phì thường toát mồ hôi nhiều hơn người khác bởi họ cần nhiều năng lượng hơn để di chuyển. Các nếp gấp da sẽ giữ mồ hôi đọng lại và tăng mùi cơ thể, đồng thời khiến vi khuẩn sinh trưởng nhiều hơn.[6]
  3. Mặc đồ với chất liệu thoáng mát. Chất liệu tổng hợp bí bách ở vùng dưới cánh tay sẽ khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn. Các chất liệu tự nhiên – sợi bông, len và lụa – sẽ giúp da bạn thông thoáng.[7]
    • Trường hợp ngoại lệ là một số chất liệu tổng hợp, đặc biệt các loại dùng cho đồ thể thao, đã được phát triển để hút ẩm trên da bạn.[7] Mua đồ thể thao làm từ những chất liệu này sẽ giúp giảm lượng mồ hôi tiết ra.
  4. Giảm căng thẳng. Những tình huống căng thẳng về cảm xúc lẫn thể chất đều khiến cơ thể bạn toát mồ hôi nhiều hơn. Tìm hiểu những kỹ thuật giảm căng thẳng như tập yoga, thiền, đưa ra khẳng định, nghe nhạc, ngủ đủ giấc và có chế độ ăn cân bằng.
    • Cách thức này cũng bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn những tình huống gây căng thẳng về mặt cảm xúc trong cuộc sống của bạn, ví dụ như những tình huống liên quan tới công việc hoặc các mối quan hệ.
  5. Tránh sử dụng đồ ăn và thức uống khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn. Caffein, chất cồn, đồ ăn cay, tỏi, cà ri và hành có thể tăng lượng mồ hôi của bạn.[5] Hãy cố gắng giảm thiểu những món ăn hoặc đồ uống chứa các nguyên liệu này.
  6. Giảm thiểu tối đa thức ăn hoặc những hoàn cảnh gây chứng nóng bừng trong người. Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh thường trải qua những kích thích gây nóng bừng trong người—ví dụ như caffein và thiếu ngủ—dẫn tới đổ mồ hôi nhiều hơn.[8] Phòng tránh những kích thích này để giảm lượng mồ hôi tiết ra.
  7. Gặp bác sĩ để xin tư vấn về những hoàn cảnh cơ bản khiến bạn tiết nhiều mồ hôi. Lượng mồ hôi tăng lên có thể là triệu chứng của các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Hãy gặp bác sĩ để loại trừ khả năng mắc các chứng bệnh sau:[8]
    • Tiểu đường (hoặc mất cân bằng đường huyết)
    • Viêm nội tâm mạc
    • Rối loạn lo âu lan tỏa
    • Vi-rút HIV
    • Tăng tiết mồ hôi (đổ mồ hôi quá nhiều)
    • Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
    • Lao
    • Ung thư máu
    • Ung thư hạch u lympho không Hodgkin
    • Một vài loại thuốc cũng có thể khiến bạn tiết ra nhiều mồ hôi hơn. Nếu có những triệu chứng liên quan đến thứ thuốc mới mà bạn dùng, hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc tương tự mà không gây toát mồ hôi.
  8. Hỏi ý kiến chuyên gia da liễu về phương pháp điều trị y khoa. Nếu không có bước nào trên đây giải quyết được vấn đề tiết mồ hôi của bạn, bạn có thể tham vấn chuyên gia da liễu để biết về những lựa chọn y khoa. Bác sĩ và chuyên gia da liễu của bạn sẽ chỉ cân nhắc những lựa chọn y khoa nếu bạn thực sự bị chẩn đoán là mắc chúng tăng tiết mồ hôi (đổ mồ hôi quá nhiều). Những lựa chọn hiện nay bao gồm:[9]
    • Tiêm botox, tức là sử dụng độc tố botulinum toxin để giảm lượng mồ hôi toát ra từ cơ thể tại vùng dưới cánh tay. Cách này sẽ ngăn chặn việc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin, tạm thời giảm tiết mồ hôi. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả song khá đắt đỏ.
    • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mồ hôi, đây là phẫu thuật cho bệnh nhân ngoại trú sử dụng thuốc gây mê.
    • Nhiệt phân bằng vi sóng, được sử dụng để phá hủy tuyến mồ hôi bằng năng lượng vi sóng. Phương pháp này được thực hiện thành hai đợt, mỗi đợt kéo dài 20–30 phút và các đợt này cách nhau ba tháng.
    • Liệu pháp ion hóa, sử dụng dòng điện để giảm lượng mồ hôi.
    • Các loại thuốc uống được kê đơn có chức năng hạn chế tiết mồ hôi một cách có hệ thống. Những loại thuốc này bao gồm thuốc kháng cholin như glycopyrrolate, oxybutynin, benztropine, propanthelin, và nhiều loại khác.
    • Cắt bỏ thần kinh giao cảm, với phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ ngăn chặn những tín hiệu thần kinh từ cơ thể bạn chuyển tới tuyến mồ hôi. Đây là ca phẫu thuật lớn và người bệnh phải nhập viện. Những tác dụng phụ bao gồm mất cảm giác vùng dưới cánh tay, huyết áp thấp, mất khả năng chịu nhiệt, thậm chí là nhịp tim bất thường.

Kiểm soát Mùi Dưới cánh tay[sửa]

  1. Tìm hiểu lý do gây mùi dưới cánh tay. Cơ thể bạn có hai loại tuyến mồ hôi khác biệt – tuyến mồ hôi toàn vẹn và tuyến mồ hôi đầu hủy.[10] Tuyến mồ hôi đầu hủy tập trung ở vùng nang lông dày, và chúng là tuyến mồ hôi liên quan tới vùng dưới cánh tay của bạn.[10] Tuy nhiên, không có tuyến mồ hôi nào gây mùi cơ thể. Mồ hôi cấu thành từ nước và muối, và mùi mồ hôi xuất hiện do hỗn hợp mồ hôi và những vi khuẩn sống tự nhiên trên da bạn.[10]
  2. Xác định những thời điểm và hoàn cảnh mà bạn có mùi mồ hôi. Vì bản thân mồ hôi không có mùi khó chịu, bạn sẽ để ý được những trường hợp cụ thể khi mình toát mồ hôi mà không có mùi đi kèm. Hãy xác định những trường hợp cụ thể mà bạn nhận thấy rõ mùi mồ hôi.
    • Một số trường hợp phổ biến là sau khi tập thể dục, khi bạn chưa tắm, chưa thay đồ, hoặc khi bạn ăn những món cay nồng hay dùng chất cồn.[5]
  3. Tắm hàng ngày. Tắm rửa hàng ngày sẽ giảm sự sinh trưởng của vi khuẩn trên người bạn, nguyên nhân tiềm tàng gây ra mùi cơ thể.[7] Bạn cũng nên tắm rửa sau khi vận động cơ thể với cường độ cao như chơi thể thao hoặc tập ở phòng thể chất, bởi lượng mồ hôi thừa tiết ra khi tập luyện sẽ tạo chốn sinh sản cho vi khuẩn.
  4. Thay đồ hàng ngày. Bên cạnh việc tắm rửa hàng ngày, bạn cũng nên thay quần áo hàng ngày. Khi áo tiếp xúc với vùng dưới cánh tay, vi khuẩn sẽ lan truyền từ da sang nách áo, và sẽ tạo mùi khó chịu nếu bạn mặc chiếc áo đó vài ngày liên tục.
  5. Dùng chất khử mùi. Chất khử mùi là sản phẩm được bán không cần kê đơn, chúng sẽ loại bỏ mùi khó chịu và để cơ thể bạn tự tiết mồ hôi làm mát.[2] Chất khử mùi thường có cồn, khiến da bạn có tính axit và ngăn ngừa vi khuẩn.[2]
    • Nếu bạn thích một giải pháp thay thế tự nhiên hơn chất khử mùi, bạn có thể dùng giấm trắng, giấm táo hoặc chanh tươi cho vùng dưới cánh tay, bởi chúng cũng tác động tới độ pH của vùng da dưới cánh tay bạn và giảm mức sinh trưởng của vi khuẩn.[11][6] Bạn có thể trộn chúng (đặc biệt là các loại giấm) với vài giọt tinh dầu mà bạn thích, bởi hỗn hợp này cũng sẽ đem lại mùi hương rất mạnh cho cơ thể bạn.
  6. Cạo lông nách. Rất nhiều chàng trai hẳn sẽ chế giễu ý tưởng này, song lông nách dày sẽ tạo không gian rộng để vi khuẩn gây mùi sinh sôi. Khi giảm lượng vi khuẩn nói chung, bạn cũng đồng thời giảm mùi cơ thể.
    • Dù phản đối cạo toàn bộ vùng nách, bạn vẫn có thể tỉa bớt lông đi, sẽ tốt hơn là không làm gì.
  7. Tránh đồ ăn thức uống làm tăng mùi cơ thể. Thức ăn bạn dùng có thể ảnh hưởng tới mùi hương tự nhiên của bạn, và sẽ tồi tệ hơn khi bạn toát mồ hôi. Những món phổ biến khiến cơ thể có mùi khó chịu bao gồm tỏi, hành, cà-ri, chất cồn, và đồ uống chứa caffein.[5] Hãy tạm thời loại bỏ những món này khỏi chế độ ăn của bạn, hoặc ít nhất giảm thiểu hết mức có thể để kiểm tra xem liệu có thay đổi gì ở mùi cơ thể của bạn không.
    • Ngay cả sự mất cân bằng về vitamin và khoáng chất, ví dụ như magiê và kẽm, trong chế độ ăn cũng có thể khiến cơ thể nặng mùi. [5]
  8. Ăn nhiều rau xanh. Bên cạnh việc tránh những món ăn nhất định, hãy ăn một số món để giảm mùi khó chịu của cơ thể. Những món có hàm lượng diệp lục cao (rau xanh) đã được chứng minh là có tiềm năng để giảm mùi cơ thể.[12]
  9. Giữ nước trong cơ thể. Những món ăn ảnh hưởng tới mùi cơ thể của bạn sẽ gây hậu quả tồi tệ hơn rất nhiều khi bạn mất nước. Khi uống nhiều nước, cơ thể bạn sẽ có năng lực tối đa để loại bỏ chất cặn bã mà không tăng mùi cơ thể.[13]

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy cố tách mình khỏi những yếu tố cụ thể dẫn tới hiện tượng tiết mồ hôi quá nhiều và/hoặc mùi cơ thể để loại bỏ chúng hoàn toàn.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng ngừng uống bất kỳ loại thuốc nào mà bạn nghi ngờ là gây ảnh hưởng tới mùi cơ thể của bạn trước khi hỏi ý kiến bác sĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này