Làm túi chườm ấm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Túi chườm ấm có thể dùng để điều trị nhiều vấn đề về sức khỏe, từ đau nhức cơ đến cứng khớp. Mặc dù có thể mua túi chườm nóng ở hiệu thuốc nhưng bạn cũng có thể tự làm bằng vật liệu đơn giản, ít tốn kém hơn có sẵn trong nhà. Túi chườm ấm có thể giúp giảm đau trong kỳ kinh nguyệt, đau do co thắt cơ vùng bụng và chuột rút.[1] Trước khi dùng túi chườm ấm, bạn cần xác định xem các cơn đau này cần được điều trị bằng phương pháp chườm ấm hay chườm lạnh. Đồng thời, cần đảm bảo tuân thủ các cảnh báo an toàn để bảo vệ bản thân khỏi bị bỏng.

Các bước[sửa]

Làm túi chườm ấm có mùi hương[sửa]

  1. Chuẩn bị vật liệu. Vật liệu cơ bản gồm có vớ (tất) dài sạch, một ít gạo, đậu hoặc yến mạch khô, chưa nấu chín để cho vào trong vớ. Nếu muốn túi chườm ấm có thêm hương dễ dịu, bạn cần chuẩn bị thêm một ít bột bạc hà, quế hoặc thảo mộc mà bạn thích. Bạn có thể dùng thảo mộc có sẵn trong bếp, xác túi trà thảo mộc hoặc tinh dầu.[2][3]
    • Thử cho oải hương, hoa cúc, xô thơm hoặc bạc hà vào vớ để tăng thêm khả năng xoa dịu.
  2. Cho nguyên liệu vào vớ. Đổ gạo, đậu hoặc yến mạch vào gần đầy vớ - khoảng 1/2-3/4 vớ. Nhớ chừa lại đủ khoảng vớ để thắt nút. Hoặc bạn có thể đổ nguyên liệu gần chạm đến đầu vớ nếu muốn may lại để làm túi chườm ấm dùng lâu dài.[2]
    • Khi đổ nguyên liệu vào vớ, bạn có thể cho thêm một ít bột hoặc thảo mộc có mùi hương vào để tạo hương thơm dễ chịu trong khi chườm ấm.
  3. Buộc hoặc may đầu vớ dài lại. Tùy vào thời gian muốn bảo quản túi chườm ấm mà bạn có thể buộc tạm thời hoặc may đầu vớ vĩnh viễn. Phương pháp buộc chặt giúp giữ nguyên liệu bên trong khoảng một thời gian ngắn và có thể tái sử dụng vớ. Hoặc bạn có thể may đầu vớ lại để làm túi chườm vĩnh viễn. [2]
    • May đầu vớ gần phần nguyên liệu bên trong sẽ tạo ra túi chườm cứng, và ngược lại, may cách xa phần nguyên liệu sẽ tạo ra túi chườm mềm. Bạn nên tự điều chỉnh độ cứng hoặc mềm của túi chườm theo ý muốn trước khi may lại.
    • Nếu làm túi chườm mềm, bạn có thể dễ dàng chườm lên vùng cổ và vai để điều trị cơn đau.
  4. Cho túi chườm vào lò vi sóng. Sau khi may đầu lại, cho vớ vào lò vi sóng khoảng 30 giây. Sau 30 giây, bạn có thể cảm nhận được độ ấm từ túi chườm. Nếu đã hài lòng, bạn có thể lấy túi chườm ra để dùng. Nếu muốn túi chườm ấm hơn, tiếp tục cho vào lò vi sóng khoảng 10 giây cho đến khi đạt độ ấm mong muốn.[2]
    • Nên nhớ rằng đặt vật liệu nóng lên da có thể gây bỏng và mụn nước.[4] Nhiệt độ tối ưu nên nằm trong khoảng 21 đến 27 độ C.[5]
  5. Đặt vật chắn giữa da và túi chườm. Bạn có thể quấn túi chườm lại hoặc đặt khăn tắm/áo phông lên vùng da chuẩn bị chườm ấm. Cách này giúp phòng ngừa tổn thương da hoặc bỏng. Bạn nên kiểm tra da mỗi vài phút để đảm bảo da không bị tổn thương.
  6. Đặt túi chườm ấm lên da. Ngưng chườm và chờ túi chườm nguội bớt nếu thấy nóng và khó chịu. Khi túi chườm đạt nhiệt độ thoải mái, bạn có thể chườm lên vị trí đau khoảng 10 phút. Sau 10 phút, lấy túi chườm ra cho da lạnh bớt rồi chườm tiếp 10 phút nếu muốn.
    • Nếu da bắt đầu chuyển màu đỏ đậm, hơi tím, xuất hiện đốm đỏ và trứng, nổi mụn nước, sưng hoặc nổi mề đay, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Có thể da đã bị tổn thương do nhiệt.[6]

Làm túi chườm ấm bốc hơi[sửa]

  1. Làm ẩm khăn sạch. Cho nước chảy xuống khăn sạch đến khi khăn thấm đầy nước (nhỏ nước xuống). Cho khăn vào túi nhựa kín (ví dụ như túi khóa vuốt). Xếp khăn gọn gàng để đảm bảo khăn ấm đều lên khi cho vào lò vi sóng. Lúc này, bạn chưa cần kéo khóa túi đựng.
  2. Cho túi đựng khăn vào lò vi sóng. Đặt túi đựng khăn (túi mở) vào giữa lò vi sóng. Làm nóng ở nhiệt độ cao khoảng 30-60 giây và tăng thêm 10 giây cho đến khi đạt nhiệt độ mong muốn.
  3. Dùng ấm nước để thay thế. Nếu không có lò vi sóng hoặc cảm thấy không an toàn khi cho túi nhựa vào lò vi sóng, bạn có thể đun sôi một ít nước trong ấm. Sau đó, cho khăn vào bát rồi đổ nước sôi lên. Cuối cùng, dùng dụng cụ gắp khăn cho vào túi nhựa.
    • Có thể chườm túi chườm ấm trực tiếp lên da nếu muốn da tiếp xúc với hơi ẩm. Tuy nhiên, phải thật cẩn thận và đảm bảo túi chườm không quá nóng. Túi chườm ấm bốc hơi giúp ích trong trường hợp đau xoang nhưng bạn cũng cần cẩn thận để tránh bị bỏng.[7]
  4. Cẩn thận khi xử lý túi nhựa. Vì khăn thấm nước nên có thể sẽ có hơi nước nóng tỏa ra từ túi nhựa. Do đó, bạn cần thận trọng khi lấy túi đựng khăn ra khỏi lò vi sóng để tránh bị bỏng. Hơi nóng có thể gây bóng nghiêm trọng cho da ngay cả khi bạn không tiếp xúc trực tiếp với vật nóng.[8]
    • Dùng dụng cụ gắp khi xử lý nếu túi đựng khăn quá nóng.
  5. Đóng kín khăn trong túi. Sau khi khăn ướt đã được làm nóng bằng lò vi sóng và đạt nhiệt độ lý tưởng, bạn cần tìm cách giữ hơi nước nóng trong túi để khăn không nguội quá nhanh. Lưu ý rằng hơi nóng có thể gây bỏng nghiêm trọng nên bạn phải thật cẩn thận và tự bảo vệ bản thân. Quấn khăn quanh ngón tay hoặc đeo găng tay nhà bếp để bảo vệ da trong quá trình kéo khóa vuốt của túi nhựa.
  6. Quấn túi nhựa trong khăn sạch. Không nên chườm túi nhựa trực tiếp lên da. Vì vậy, bạn có thể dùng khăn sạch làm vật chắn. Đặt túi nhựa vào giữa khăn rồi quấn khăn lại. Cách này giúp ngăn không cho túi nhựa trượt ra khỏi khăn và chỉ để lại một lớp khăn duy nhất giữa túi chườm với da.
  7. Đặt túi chườm đã quấn khăn lên da. Chờ túi chườm bớt nóng nếu cảm thấy nhiệt độ không thoải mái. Nên nhớ phải cho da nghỉ mỗi 10 phút và không chườm ấm quá 20 phút.
    • Nếu da bắt đầu chuyển màu đỏ đậm, hơi tím, xuất hiện đốm đỏ và trứng, nổi mụn nước, sưng hoặc nổi mề đay, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Có thể da đã bị tổn thương do nhiệt.[9]

Biết khi nào nên dùng túi chườm ấm[sửa]

  1. Chườm ấm lên cơ bị đau. Đau cơ thường là do axit lactic tích tụ quá nhiều trong mô cơ.[10] Khi đắp túi chườm ấm lên cơ bị đau, hơi nóng sẽ hút thêm máu về vị trí đau.[11] Tuần hoàn máu được tăng cường sẽ giúp đẩy axit lactic dư thừa đi, giúp giảm đau cơ. Không những vậy, cách này còn giúp đưa thêm khí oxy đến cơ bị đau, nhờ đó tăng tốc độ chữa lành của cơ bị tổn thương. Cảm giác ấm có thể “đánh lừa” hệ thần kinh, giảm tín hiệu đau đến não.[12]
  2. Dùng túi chườm ấm bốc hơi để chữa chuột rút. Nếu bị chuột rút kéo dài, đầu tiên bạn cần cho cơ bị chuột rút được nghỉ ngơi. Không làm việc quá sức và tránh các hoạt động gây căng thẳng cho cơ đến mức gây chuột rút. Chờ 72 tiếng trước khi tiến hành chườm ấm để tình trạng viêm ở cơ (nếu có) giảm bớt. Sau 3 ngày, bạn có thể chườm túi chườm ấm bốc hơi lên cơ bị ảnh hưởng để tăng tốc độ chữa lành. [13]
  3. Điều trị cứng khớp và đau khớp bằng phương pháp chườm ấm hoặc chườm lạnh. Cả hai phương pháp này đều hiệu quả trong việc điều trị các vấn đề về khớp. Bạn có thể thử áp dụng từng liệu pháp để xác định xem liệu pháp nào hiệu quả hơn.
    • Túi chườm lạnh giúp làm tê cơn đau và giảm viêm, giảm sưng ở khớp bằng cách làm co mạch máu. Mặc dù ban đầu có thể không thoải mái nhưng phương pháp chườm lạnh rất hữu ích để gây tê cơn đau cấp tính.
    • Túi chườm ấm làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn máu để giúp tăng tốc độ chữa lành. Nhiệt độ cao còn giúp giãn mô và dây chằng ở vị trí bị căng cứng, nhờ đó tăng phạm vi chuyển động của cơ/khớp.[14]
    • Bạn có thể chườm nhiệt bằng cách ngâm vị trí bị đau vào nước ấm. Ví dụ như bơi trong hồ nước ấm hoặc đơn giản là ngâm mình trong bồn nước ấm.
  4. Không áp dụng liệu pháp chườm nhiệt khi đang mắc một số vấn đề sức khỏe. Phụ nữ mang thai, người bị tiểu đường, tuần hoàn kém và người mắc bệnh tim mạch (ví dụ như huyết áp cao) có thể phản ứng tiêu cực với liệu pháp chườm nhiệt. Trao đổi với bác sĩ trước khi muốn chườm nhiệt để giảm đau cơ hoặc đau khớp. [11]
    • Luôn nhớ phải có một lớp khăn giữa nguồn nhiệt với da để tránh bị bỏng.
  5. Không chườm ấm đối với chấn thương cấp tính.[15] Chườm ấm là phương pháp tốt nhất khi áp dụng cho trường hợp chấn thương mãn tính như cơn đau cơ phát triển hoặc đau khớp mãn tính. Mặt khác, chườm lạnh là phương pháp tốt nhất ngay sau khi bị chấn thương cấp tính như bong gân khớp. Vì vậy, nếu bị bong gân, bạn nên chườm đá ngay để giảm sưng trong 48 tiếng đầu tiên. Nếu cơn đau dai dẳng trong nhiều ngày, bạn có thể chườm ấm để tăng tốc độ hồi phục.

Cảnh báo[sửa]

  • Không đặt túi chườm ấm lên một vị trí trong thời gian quá dài để tránh gây bỏng. Nên đổi vị trí chườm ấm mỗi vài phút.
  • Không cho túi chườm vào lò vi sóng quá 1 phút để tránh khiến túi chườm trở nên quá nóng và làm chảy túi nhựa.
  • Chườm ấm phải giúp bạn thấy thoải mái. Ngừng chườm ấm nếu thấy khó chịu.
  • Không dùng túi chườm ấm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. [16]

Những thứ bạn cần[sửa]

Phương pháp 1[sửa]

  • Vớ dạng ống, sạch
  • Gạo, đậu hoặc yến mạch để cho vào đầy nửa vớ
  • Bột có mùi hương hoặc tinh dầu yêu thích (không bắt buộc)
  • Lò vi sóng
  • Khăn tắm

Phương pháp 2[sửa]

  • Khăn
  • Nước
  • Lò vi sóng hoặc ấm nước
  • Túi nhựa có khóa vuốt
  • Khăn tắm khô hoặc vỏ gối
  • Dụng cụ gắp

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây