Làm thế nào phát hiện được ung thư dạ dày?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Các giai đoạn ung thư dạ dày (Hình ảnh từ Quora.com)

Dạ dày (bao tử) là gì?[sửa]

Dạ dày là một phần của ống tiêu hóa, hình chứ J, chịu trách nhiệm dự trữ và tiêu hóa một phần thức ăn. thức ăn di chuyển từ miệng qua thực quản đến dạ dày, sau đó được tiêu hóa hoàn toàn ở ruột non và ruột già. Dạ dày có 3 lớp: lớp niêm mạc (trong cùng), lớp cơ (giữa) và lớp thanh mạc (ngoài cùng). Ung thư dạ dày thường xuất phát từ lớp niêm mạc (là loại ung thư biểu mô tuyến mà bạn đang hỏi) .

Tại sao một số người dễ mắc ung thư dạ dày hơn so với những người khác?[sửa]

Những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh gọi là yếu tố nguy cơ, tuy nhiên không phải tất cả những người có yếu tố nguy cơ đều sẽ mắc bệnh và cũng không phải những người không có yếu tố nguy cơ sẽ không mắc bệnh.

Các yếu tố nguy cơ thường gặp của ung thư dạ dày là:

- Tình trạng sức khỏe: nhiễm Helicobacter Pylori (H.P) trong dạ dày; viêm dạ dày mạn tính: thiếu máu mạn tính; chuyển sản ruột (tình trạng lớp niêm mạc lót dạ dày bị thay thế bởi lớp niêm mạc của ruột); bệnh đa polyp gia đình (FAP) hoặc polyp dạ dày.

- Chế độ ăn nhiều muối, thịt hun khói, ít trái cây và rau.

- Thức ăn được chế biến và bảo quản không đúng cách.

- Người già và giới tính nam.

- Hút thuốc lá.

- Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày.

Các dấu hiệu của ung thư dạ dày?[sửa]

Các dấu hiệu của ung thư dạ dày thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác.

Trong giai đoạn đầu có thể có các dấu hiệu: cảm giác khó tiêu, đầy bụng sau ăn, buồn nôn, ợ nóng, ăn không ngon.

Trong giai đoạn trễ hơn có thể có các dấu hiệu: đau bụng, khó nuốt, buồn nôn và nôn, sụt cân, có máu trong phân, báng bụng, vàng da.

Làm thế nào phát hiện được ung thư dạ dày?[sửa]

- Khám bệnh và hỏi quá trình bệnh cũng như tiền căn (các bệnh đã mắc trước đó của bản thân và gia đình) có thể cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết để định hướng chẩn đoán.

- Xét nghiệm máu để đếm số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu cũng như lượng hemoglobin trong máu.

- Nội soi dạ dày: qua một ống soi nhỏ luồn vào dạ dày bác sĩ có thể thấy được các sang thương trong lòng dạ dày.

- Chụp thực quản có cản quang: bệnh nhân được uống thuốc cản quang qua đường miệng và chụp Xquang để ghi lại hình ảnh gián tiếp của dạ dày qua đó phát hiện các sang thương.

- CTscan: chụp cắt lớp vi tính có thể cho hình ảnh rõ ràng hơn của dạ dày và các cơ quan lân cận.

- Sinh thiết - giải phẫu bệnh: có thể được thực hiện qua soi dạ dày để lấy một mẩu sang thương và xét nghiệm để xác định loại ung thư (loại tế bào gì) và xét nghiệm một số yếu tố khác như gen HER2, protein HER2. (ung thư biểu mô tuyến loại tế bào nhẫn là được xác định bằng xét nghiệm này).

Các yếu tố ảnh hưởng đến chọn lựa phương pháp điều trị và tiên lượng (khả năng điều trị, khỏi bệnh)[sửa]

- Giai đoạn của bệnh: Ung thư dạ dày nếu được phát hiện càng sớm thì khả năng khỏi bệnh sẽ tốt hơn, nhưng đa số bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn tiến triển do các dấu hiệu phát hiện bệnh thường mơ hồ và dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác.

- Loại ung thư: Là loại tế bào phát triển thành ung thư (như biểu mô tuyến loại tế bào nhẫn). Cùng là ung thư dạ dày nhưng mỗi loại sẽ có tốc độ phát triển cũng như đáp ứng với điều trị là khác nhau.

- Tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh: để đánh giá khả năng chịu được các phương pháp điều trị.

- Ngoài ra còn một số các yếu tố khác như gen gây bệnh, Protein HER2…

Phẫu thuật cắt một phần hoặc hoàn toàn dạ dày thường là lựa chon tối ưu nhất, sau đó việc hóa trị (truyền thuốc hóa chất vào máu nhằm giảm khả năng bướu tái phát).

Việc chọn lựa phương pháp điều trị nào là hiệu quả nhất là tổng hợp tất cả các yếu tố này, do đó đối với mỗi người bệnh sẽ có quá trình điều trị khác nhau (cá thể hóa). Khi có các vấn đề về điều trị, nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ để có tư vấn đúng và đầy đủ nhất.

Nguồn[sửa]

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này