Lúa lai và an ninh lương thực trên thế giới
Dân số hiện nay của thế giới đã là hơn 6 tỷ người. Con số này sẽ đạt tới 8 tỷ vào năm 2030. Trong khi dân số tăng thì diện tích đất canh tác bị thu hẹp dần do đất được chuyển sang các mục đích sử dụng khác. Áp lực của tăng dân số cùng với áp lực từ thu hẹp diện tích đất trồng trọt lên sản xuất lương thực của thế giới ngày càng tăng. Cách duy nhất để con người giải quyết vấn đề này là ứng dụng khoa học kỹ thuật tìm cách nâng cao năng suất các loại cây trồng.
Lúa là một loại cây lương thực chính và cung cấp lương thực cho hơn một nửa dân số thế giới. Người ta ước tính đến năm 2030 sản lượng lúa của thế giới phải tăng thêm 60% so với sản lượng năm 1995. Về mặt lý thuyết, lúa có khả năng cho sản lượng cao hơn nếu điều kiện canh tác như hệ thống tưới tiêu, chất lượng đất, biện pháp thâm canh và giống được cải thiện. Trong tất cả các yếu tó đó, cải tạo giống đóng vai trò rất quan trọng. Thành công và đóng góp từ nghiên cứu lúa lai từ Trung quốc mở ra một triển vọng mới giúp thế giới có một cái nhìn lạc quan hơn về an ninh lương thực trong tương lai.
Thực tế cho thấy lúa lai có thể cho năng suất cao hơn 20% so với năng suất lúa thuần. Trong những năm gần đây, diện tích lúa lai đã chiếm 50% (15 triệu ha) trong tổng diện tích trồng lúa của Trung quốc. Năng suất trung bình của lúa lai là 7 tấn/ha trong khi năng suất trung bình của lúa thuần là 5,6 tấn/ha. Nếu làm một phép tính đơn giản chúng ta cũng có thể thấy sự gia tăng về tổng sản lượng do lúa lai mang lại lớn như thế nào. Lúa lai đã và đang giúp Trung quốc giải quyết vấn đề lương thực và là nước có khả năng tự cung cấp lương thực lớn nhất thế giới.
Trung quốc đang tiếp tục đạt được tiến bộ mới trong phát triển công nghệ sản xuất lúa lai. Tiếp theo thành công sản xuất lúa lai ba dòng vào những năm 70, lúa lai hai dòng được thương mại hóa vào năm 1995. Sau khi được thương mại hóa, việc ứng dụng đưa vào sản xuất lúa lai hai dòng phát triển nhanh chóng và đạt tới diện tích 2,6 triệu ha và chiếm gần 20% tổng diện tích trồng lúa lai. Năng suất của lúa lai hai dòng cao hơn từ 5-10% so với năng suất lúa lai ba dòng.
Năm 1996, Trung quốc tiến hành chương trình nghiên cứu siêu lúa lai và đã cho ra đời những giống lúa có ưu thế về năng suất cao hơn khoảng 20% so với lúa lai ba dòng. Diện tích dự định dành cho những giống siêu cao sản này là 240 ngàn ha (năm 2000) vơi năng suất trung bình 9,6 tấn/ha. Vào năm 2002, diện tích siêu lúa lai tăng đến 1,4 triệu ha với năng suất trung bình 9,1 tấn/ha. Các giống siêu hai dòng P64S/E32 và siêu ba dòng II-32A/Ming86 đạt năng suất kỷ lục 17,1 tấn/ha vào năm 1999 và 17,95 tấn/ha vào năm 2001. Chất lượng gạo của lúa lai cũng được chú ý đảm bảo trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sản xuất. Trung quốc tập trung phát triển các giông siêu thế hệ thứ hai với mục tiêu đạt năng suất 12 tấn/ha khi đưa vào sản xuất đại trà. Các nhà khoa học Trung quốc cho rằng lúa siêu có một tương lai phát triển sáng sủa khi đã phủ diện tích tới 13 triệu ha hàng năm và làm tăng năng suất thêm 2,25 tấn/ha. Thành công này giúp nền nông nghiệp Trung quốc tin rằng sản lượng lương thực đạt được 30 triệu tấn/năm đồng nghĩa với việc đảm bảo lương thực cho thêm 75 triệu người.
Việt Nam và Ấn Độ là những nước tiếp theo tiến hành nghiên cứu và thương mại hóa các giống lúa lai với năng suất cao hơn các giống lúa thuần truyền thống. Thành công trong sản xuất lúa lai góp phần giúp Việt Nam trở thành nước đứng thứ hai trong xuất khẩu gạo tại châu Á. Ngoài ra, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Ecuador, Guineas và Mỹ cũng là những nước đạt được thành công trong sản xuất lúa lai và đang đưa vào sản xuất nhiều giống lúa lai ở cả hai mức độ khảo nghiệm và sản xuất đại trà. Tại Philippines, với sự hỗ trợ của FAO, viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI và Trung Quốc, lúa lai cũng được thương mại hóa. Đặc biệt, giống lúa siêu SL-8 cũng đã được lai tạo tại nước này và được đưa ra trồng trên diện rộng (3000 ha) vào năm 2003 với năng suất bình quân 8,5 tấn/ha (cao gấp hơn hai lần năng suất lúa bình quân của nước này). Chính phủ Philippines có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát tiển lúa lai từ năm 2003 đến 2007.
Ngoài các nghiên cứu cho ra đời các giống lúa lai thì công tác phổ biến các giống lai, hoạt động khuyến nông, sự hỗ trợ về chính sách và tài chính của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng đưa vào sản xuất các giống lúa lai mới.
Nguồn: "Hybrid rice technology for food security in the world" của tác giả Yuan Longping (người được coi như "cha đẻ" của lúa lai. Tác giả hiện đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai quốc gia Trung Quốc.
Người dịch : Veterinary