Lịch sử khoa học – một hình thức cho Dạy học tích hợp
Dẫn nhập
Dạy học vốn là sự giúp người học giải quyết vấn đề cuộc sống, những câu hỏi từ cuộc sống. Và cách giải quyết có tính khách quan khoa học và toàn diện là điều kiện để có cuộc sống hiệu quả, thành công và hạnh phúc. Sự phiến diện và chủ quan thường nảy sinh từ nền tảng tri thức yếu (nó yếu bởi không đủ giữ vững người đó trước trận gió thông tin từ nhiều hướng của người khác, quan điểm khác, văn hóa khác…). Dạy học tích hợp dẫu sao cũng chỉ là tên gọi thể hiện cho mục đích dạy học này. Liên môn hay không liên môn chỉ là hình thức chương trình, người dạy vẫn cần giúp cho người học tiếp xúc với cái tri thức đa dạng và hướng giải quyết vấn đề đa chiều - vốn là một sự hấp dẫn bẩm sinh của tri thức cũng như sự tồn tại từ thời sơ khai của đời sống tự nhiên và xã hội. Từ đó, sự hấp dẫn ấy đưa người học đến lựa chọn của cá nhân mình. Đối với người dạy, dạy học tích hợp dường như là một phương pháp rõ ràng, cụ thể giúp người dạy kiến tạo sự đa dạng cho bài học để cuộc sống thực sẽ hiện lên gần hơn, rõ hơn ngay trong giờ học. Lịch sử khoa học với tính chất không chỉ bao hàm các sự kiện lịch sử đơn thuần, nó thực sự là một bức tranh sinh động gây nhiều cảm xúc đối với người xem bởi những con người thật và hoạt động khoa học của họ. Bức tranh quá khứ sống động với tri thức khoa học (tự nhiên, xã hội) làm điểm giữa sẽ là phương tiện thông tin đa năng để người dạy kết nối tới người học. Lịch sử bao trùm lên mỗi thời điểm của thực tại, tai mỗi kiến thức khoa học đều lịch sử khoa học riêng của nó. Và đặc tính của lịch sử là nó thường gợi người ta đến với những sự kiện và cả những cảm xúc mà như G.Bachelard gọi là tri-thức-cảm-xúc. Phương châm dạy học hiện nay không còn là sự gượng ép mà thành sự lôi cuốn – sự lôi cuốn bởi cảm xúc từ tri thức.
Thay cho lời kết
Mục tiêu dạy học hiện nay cho thấy sự cần thiết của kỹ năng thực hành, kỹ năng nghề nghiệp đối với học sinh. Những có lẽ đối với một cơ thể đang phát triển mạnh mẽ bên trong nội tâm và nội tố, thì sự cần thiết của thái độ, cảm xúc tốt đẹp về việc thực hành, thực hiện nghề nghiệp còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. Với học sinh, không hẳn là chuyện định hướng về học nghề mà là những chuẩn bị cho học nghề. Họ cần nội lực hơn là kỹ thuật. Trong mục tiêu đó, việc hình thức hóa nội dung bằng lịch sử khoa học trong quá trình dạy học có chăng sẽ kiến thiết được những mầm sống khỏe mạnh và biểu tượng đẹp đẽ trong tâm khảm người học.
(Trích “Lịch sử khoa học - “cây cầu” thân thiện cho người thầy” của Trần Mạnh Hào trong Hội thảo Nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông tại Hải Dương 24 Jan. 2015)