Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương VI: Sự bóc lột

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
CHƯƠNG VI
SỰ BÓC LỘT

Ngoài việc thúc đẩy tính tích cực làm việc, nhu cầu sinh tồn, chế độ sở hữu còn kích thích ham muốn tạo ra nhiều hoặc có nhiều giá trị, nhiều của cải trong mỗi con người. Tính tích cực đem đến nhiều lợi ích, làm gia tăng của cải, nâng cao đời sống cá nhân và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Còn ham muốn của cải vật chất và cuộc sống đầy đủ tiện nghi có thể là động lực thúc đẩy tính tích cực lao động, nhưng cũng có thể thúc đẩy sự tham lam, muốn được chia nhiều hơn, muốn chiếm đoạt được nhiều của cải trong xã hội. Khi ham muốn là động cơ của tính tích cực thì nó làm cho tính chất lao động là trong sáng, nó thúc đẩy người lao động tạo ra nhiều giá trị hơn, và khi ham muốn tạo ra nhiều giá trị của người lao động trùng hợp với nhu cầu chung của xã hội thì người lao động không chỉ tạo ra lợi ích cho bản thân người lao động mà còn mang đến lợi ích chung cho xã hội. Còn khi ham muốn được sở hữu giá trị cao hơn khả năng tạo ra thì sự ham muốn thúc đẩy sự hình thành các thủ đoạn hòng chiếm được nhiều giá trị, nhiều của cải của người khác hoặc của chung. Sự ham muốn là quý giá khi nó thúc đẩy mỗi người không chỉ làm giàu cho mình mà còn cho toàn xã hội và nó trở thành tội lỗi khi nó biến con người thành những kẻ vì lợi ích riêng của mình mà làm tổn hại đến người khác và tổn hại cho xã hội.

Một sự phân biệt rất quan trọng và cần được nhận thức rõ, đó là sự phân biệt giữa ham muốn và tư lợi. Ham muốn là một khái niệm rộng và bao hàm nhiều ý nghĩa, có cả những ý nghĩa tốt đẹp và ý nghĩa xấu. Có những ham muốn mưu cầu lợi ích riêng nhưng không làm tổn hại đến lợi ích chung, có những ham muốn mưu cầu lợi ích riêng từ việc làm tổn hại đến người khác, có ham muốn về sự đầy đủ vật chất, có những ham muốn được thoả mãn hoặc yên ổn về tinh thần và cũng có không ít ham muốn được hy sinh vì người khác, được xả thân vì một ý nghĩa cao cả. Trong khi đó tư lợi là sự mưu cầu lợi ích cho cá nhân từ lợi ích chung. Tư lợi chỉ xuất hiện khi trong xã hội có những lợi ích chung và những người tư lợi tìm cách chiếm đoạt cho mình nhiều lợi ích nhất từ những lợi ích chung đó. Tư lợi thường xuất phát từ ham muốn vật chất và thúc đẩy con người tìm mọi cách có được lợi ích vật chất, trong đó có những cách xấu xa. Tư lợi là một phần của ham muốn và là một vấn đề của xã hội.

Con người được sinh ra và trưởng thành, làm việc và lìa đời trong nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau. Sự tồn tại và phát triển của mỗi người trong xã hội phụ thuộc vào một số mối quan hệ xã hội. Một cá nhân không thể tồn tại nếu không gắn bó với một quan hệ xã hội nào hoặc không có xã hội, nói cách khác là con người không thể tồn tại ngoài xã hội. Với mối quan hệ nào thì họ cũng có trách nhiệm và lợi ích. Các mối quan hệ đó xác lập nên các lợi ích và trách nhiệm khác nhau của mỗi người tương ứng với từng mối quan hệ. Sự cân bằng về lợi ích và trách nhiệm đảm bảo cho tính bền vững của các mối quan hệ. Nhưng lợi ích và trách nhiệm thường không cùng song hành, có người được hưởng lợi ích trước thực hiện trách nhiệm sau và cũng có nhiều người phải thực hiện trách nhiệm trước nhưng không được hưởng quyền lợi do những người đã nhận lợi ích từ họ chuyển cho. Vì vậy trong từng giai đoạn, sự cân bằng của các mối quan hệ có thể xô lệch, bị phá vỡ. Sự mất cân bằng có thể được chấp nhận trong một giới hạn nào đó về giá trị hoặc về thời gian tuỳ theo từng mối quan hệ. Sự mất cân bằng trong mối quan hệ cha mẹ với con cái mà phần trách nhiệm nhiều hơn lợi ích thuộc về cha mẹ thì dễ được chấp nhận hơn mối quan hệ anh em ruột thịt. Nhiều người thu được lợi ích từ sự mất cân bằng luôn muốn duy trì sự mất cân bằng đó. Ngược lại, những người phải gánh trách nhiệm nhiều hơn quyền lợi hoặc những người không muốn nhìn thấy sự mất cân bằng của các mối quan hệ trong xã hội thì có xu hướng muốn xoá bỏ và tìm cách xoá bỏ sự mất cân bằng đó để lập lại sự cân bằng hoặc thiết lập một sự cân bằng mới. Việc đấu tranh để lập lại cân bằng sẽ xảy ra khi các mối quan hệ xã hội bị mất cân bằng hoặc giới hạn mất cân bằng lớn.

Sự mất cân bằng trong các mối quan hệ xã hội, về bản chất, là sự chênh lệch giữa các giá trị mà một cá nhân, một cộng đồng tạo ra so với những giá trị mà họ được nhận. Giá trị tạo ra là giá trị trách nhiệm, còn giá trị được nhận là giá trị lợi ích. Giá trị trách nhiệm và giá trị lợi ích, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà có thể định lượng hoặc không thể định lượng được. Không ai có thể định lượng được sự đảm bảo an toàn cho một cá nhân do cộng đồng đem lại. Do đó không phải trường hợp nào cũng có thể định lượng được sự mất cân bằng giữa lợi ích và trách nhiệm. Trong những trường hợp này việc xác định sự mất cân bằng về mặt định tính là quan trọng. Nhận thức sai lệch về sự mất cân bằng xã hội không chỉ không giải quyết được sự mất cân bằng mà còn có thể làm cho sự mất cân bằng trầm trọng thêm.

Các mối quan hệ xã hội rất đa dạng và phong phú. Có những mối quan hệ mang tính lâu dài như quan hệ huyết thống, dân tộc, có quan hệ tạm thời và ngắn ngủi như quan hệ giữa người mua và người bán hàng trong một lần mua bán, thậm trí rất ngắn như mối quan hệ giữa người bị hại và kẻ cướp giật, có quan hệ chặt chẽ và cũng có quan hệ lỏng lẻo, có quan hệ mới được sinh ra và cũng có nhiều mối quan hệ chỉ xuất hiện trong một thời kỳ nào đó của lịch sử, có mối quan hệ trực tiếp như quan hệ giữa cha mẹ với con cái, quan hệ giữa thầy và trò...và cũng có những mối quan hệ gián tiếp như mối quan hệ giữa người sản xuất hàng hoá với người tiêu dùng thông qua các nhà buôn bán. Nói chung, mỗi quan hệ xã hội đều mang một số tính chất và đặc điểm riêng và tuỳ theo từng mối quan hệ mà chế độ trách nhiệm và lợi ích được quy định mang tính tổ chức, được hình thành theo tập quán hoặc không được quy định trước. Sự hình thành các quy định về trách nhiệm và quyền lợi trong từng mối quan hệ trong thực tế cũng không hoàn toàn xuất phát từ việc đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích và trách nhiệm mà trong rất nhiều trường hợp là xuất phát từ lợi ích của những người đề ra các quy định. Điều này có nghĩa là những quy định có thể tạo ra sự mất cân bằng. Khi các quy định làm cho sự mất cân bằng vượt quá giới hạn hoặc trở nên nghiêm trọng thì tất yếu sẽ dẫn đến sự đấu tranh nhằm thay đổi các quy định đó. Ngược lại cũng có những quy định hoặc quy ước công nhận sự mất cân bằng trong một giới hạn nào đó như một giá trị đạo đức và truyền thống văn hoá, việc đấu tranh đòi lập lại đúng nghĩa sự cân bằng trong những trường hợp này dễ bị lên án là thiếu đạo đức hay thiếu văn hoá. Quan hệ giữa cha mẹ với con cái và giữa con cái với cha mẹ rất khó xác định và thiết lập được sự cân bằng giữa lợi ích và trách nhiệm , về đạo đức thì trong các mối quan hệ này trách nhiệm được đặt trước mà không cần có lợi ích làm đối trọng. Xác định được tính chất cân bằng giữa lợi ích và trách nhiệm trong mỗi mối quan hệ xã hội, tìm ra các đặc trưng của sự cân bằng trong từng mối quan hệ là việc làm góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tìm ra được các biện pháp đảm bảo sự cân bằng, tránh được các xung đột lợi ích, duy trì được tính ổn định và bền vững trong các mối quan hệ xã hội.

Trong các yếu tố có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong các mối quan hệ xã hội có một yếu tố chiếm vị trí hàng đầu là sự bóc lột. Sự bóc lột là sự chiếm đoạt lợi ích của người khác làm lợi ích của mình mà không hoặc chỉ thực hiện hạn chế phần trách nhiệm của mình. Có thể thấy ngay rằng sự bóc lột là yếu tố gây ra sự mất cần bằng cho các mối quan hệ xã hội nhiều nhất và trầm trọng nhất. Nó có thể xuất hiện trong bất kỳ một mối quan hệ xã hội nào và bao gồm cả những quan hệ huyết thống. Không ít trường hợp con cái đòi hỏi trách nhiệm hết mình của cha mẹ đối với mình trong khi không hề thực hiện một nghĩa vụ nào của con cái đối với cha mẹ, họ sẵn sàng đẩy cha mẹ vào nhà dưỡng lão sau khi đã tìm cách chiếm đoạt hết tài sản của cha mẹ. Một việc làm rất vô đạo đức tưởng không thể xảy ra là việc có một số cặp vợ chồng lười lao động đẩy những đứa con nhỏ của mình ra đường ăn xin để nuôi họ. Trường hợp trước là con cái bóc lột cha mẹ, còn trường hợp sau cha mẹ bóc lột con cái. Có nhiều người con lợi dụng vấn đề đạo đức trong quan hệ huyết thống để bóc lột người thân của mình. Nhưng sự bóc lột xảy ra trong quan hệ huyết thống nêu trên không phải là phổ biến mà chúng chỉ là cá biệt bởi chúng bị vấn đề đạo đức chi phối. Cái thường xuyên, cái phổ biến, cái trầm trọng của sự bóc lột dễ xuất hiện trong các mối quan hệ khác khi trong các mối quan hệ đó không có các yếu tố ngăn chặn hoặc ngăn chặn không triệt để, thậm trí chúng còn được hợp pháp hoá. Các mối quan hệ xã hội là đa dạng và các hình thức bóc lột cũng đa dạng không kém. Nhưng không phải các hình thức bóc lột là tương ứng với các mối quan hệ. Có thể có nhiều hình thức bóc lột trong một mối quan hệ và ngược lại một hình thức bóc lột có thể xuất hiện trong nhiều mối quan hệ.

Bóc lột là một hiện tượng vừa mang tính xã hội, vừa mang tính kinh tế bởi nó có ảnh hưởng không chỉ trong sự phát triển kinh tế mà còn làm phát sinh nhiều vấn đề trong sự phát triển của xã hội. Vì vậy việc nghiên cưú về sự bóc lột không nên giới hạn trong các công trình nghiên cứu về kinh tế và chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Tính đa dạng của các hình thức bóc lột có thể gây khó khăn cho nghiên cứu về chúng. Nhưng điều đó không phải là lý do để giới hạn việc nghiên cứu. Việc xây dựng các tiêu chí để phân loại các hình thức bóc lột sẽ phần nào giảm bớt được một số khó khăn có thể xảy ra. Về đại thể, có thể phân loại các hình thức bóc lột theo một số tiêu chí sau:

1- Phân loại theo phương thức, thủ đoạn bóc lột.

Về phương thức bóc lột thì có hai phương thức chủ yếu là bóc lột trực tiếp và bóc lột gián tiếp, tự thực hiện hay thực hiện thông qua người khác và có thể vô tình tham gia thực hiện hành vi bóc lột. Trong thực tế hai phương thức này có thể biến đổi thành nhiều phương thức bóc lột khác bởi các thủ đoạn bóc lột. Các thủ đoạn bóc lột có thể có rất nhiều, từ các thủ đoạn cưỡng ép trắng trợn đến những thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Sự phát triển về nhận thức xã hội làm cho bản chất và sự xấu xa của bóc lột ngày càng lộ rõ. Vì vậy những phương thức bóc lột cũng dần chuyển hoá để tránh bị lật tẩy. Các phương thức bóc lột chuyển dần từ bóc lột trực tiếp sang bóc lột gián tiếp, từ cưỡng bức trắng trợn sang lừa đảo tinh vi khiến cho người bị bóc lột không nhận ra được rằng mình đang bị bóc lột.

Lịch sử phát triển của loài người đã trải qua rất nhiều giai đoạn có sự hiện diện của bóc lột. Có thể nói rằng sự bóc lột đã hiện diện trong phần lớn thời gian từ thời nguyên thuỷ đến thế kỷ XXI này và có thể vẫn còn kéo dài. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ có một phương thức bóc lột chủ yếu. Trong thời kỳ đầu khi xã hội bắt đầu phân chia giai cấp, có thể do nguồn của cải còn dễ kiếm, sự phân hoá giai cấp chưa rõ ràng thì sự bóc lột cũng chưa thể hiện rõ. Đến thời kỳ ra đời của chế độ chiếm hữu nô lệ, sự phân hoá giai cấp đã rõ ràng thì phương thức bóc lột là cưỡng bức, các chủ nô thực hiện hành vi bóc lột trắng trợn sức lao động của các nô lệ thuộc quyền chiếm hữu của họ. Các vua chúa, quan lại, địa chủ trong chế độ phong kiến bóc lột sức lao động của nông dân không hoàn toàn là sự cưỡng bức mà là sự pha trộn gữa sự cưỡng bức và các thủ đoạn lừa đảo. Sự bóc lột trắng trợn dẫn đến hệ quả tạo ra sự phản ứng mạnh mẽ từ những người bị bóc lột. Đây là một trong những nguyên nhân và là nguyên nhân chính dẫn đến việc xoá bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ. Sự bóc lột trong chế độ phong kiến không tàn bạo và trắng trợn bằng sự bóc lột trong chế độ chiếm hữu nô lệ nên chế độ phong kiến tồn tại được lâu hơn. Sự bóc lột trong chế độ tư bản được thực hiện trong nhiều phương thức khác nhau. Trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, phương thức bóc lột được thực hiện là bóc lột giá trị thặng dư. Phương thức bóc lột giá trị thặng dư là phương thức bóc lột được thực hiện giữa người sử dụng lao động với người lao động, giữa giới chủ và giới thợ thuyền. Đây là phương thức bóc lột trực tiếp do giới chủ thực hiện bằng việc chiếm đoạt phần giá trị mới do những người lao động tạo ra cao hơn hao phí lao động của những người lao động. Trong thời kỳ này, lao động chủ yếu là thủ công, năng suất lao động thấp cho nên phần giá trị tăng thêm không nhiều, phần giá trị thu được từ bóc lột giá trị thặng dư không cao nên giới chủ phải áp dụng các phương thức có tính cưỡng ép như ép giá sức lao động thấp hơn chi phí lao động hoặc không chịu chi phí cho việc đảm bảo môi trường làm việc tốt và an toàn. Việc áp dụng phương thức bóc lột bổ xung này đã trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động và do đó làm gia tăng tới mức sâu sắc mâu thuẫn giữa giới chủ và thợ thuyền. Mâu thuẫn này tất yếu dẫn đến sự đấu tranh đòi xoá bỏ sự bóc lột. Sự xuất hiện các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của thợ thuyền đã buộc giới chủ phải tìm các phương thức bóc lột kín đáo hơn, tinh vi hơn, không đối đầu trực tiếp với quyền lợi của người lao động nhằm tránh xung đột. Phương thức bóc lột được giới chủ áp dụng là bóc lột thông qua nhu cầu tiêu dùng. Với phương thức bóc lột này, đối tượng bị bóc lột không còn giới hạn trong những người lao động nữa mà đã mở rộng đến mọi đối tượng tiêu dùng, địa bàn bóc lột cũng không còn bó hẹp trong một quốc gia mà vươn tới mọi nơi trên toàn thế giới, do đó lượng giá trị bóc lột mà giới chủ thu được có thể với tốc độ chóng mặt. Người lao động đồng thời là người tiêu dùng, họ bị bóc lột không phải ở nơi họ làm việc mà bị bóc lột khi họ phải mua hàng hoá giá cao do sự độc quyền của các nhà sản xuất. Việc người lao động không bị bóc lột trực tiếp bởi những người sử dụng lao động đã triệt tiêu mâu thuẫn hoặc mâu thuẫn không còn trầm trọng giữa chủ và thợ, giữa người sử dụng lao động và người lao động, do đó làm giảm số lượng và quy mô các cuộc đấu tranh về quyền lợi giữa hai giới này mặc dù sự bóc lột vẫn được thực hiện và thực hiện với quy mô lớn hơn. Sự bóc lột dựa vào tính chất độc quyền và nhu cầu của người tiêu dùng đã kích thích nhiều người lao vào sản xuất loại mặt hàng đó để kiếm tìm lợi nhuận. Tính độc quyền bị mất đi do các nhà sản xuất phải cạnh tranh nhau trong tiêu thụ hàng hoá bằng việc giảm giá hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự cạnh tranh đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất và đây là điều họ không mong muốn. Vì vậy nhiều phương thức bóc lột khác được tiếp tục áp dụng. Một trong các phương thức dễ dàng và được áp dụng nhiều là phương thức dựa vào sự hám lợi của người tiêu dùng thông qua hình thức mua hàng có thưởng. Với một số ít người trúng thưởng và lượng giá trị trúng thưởng thấp hơn lượng giá trị do số đông người tiêu dùng phải mua hàng giá cao hơn nhiều giá thành, những người sản xuất và bán hàng đã trục lợi, mà thực chất là bóc lột người tiêu dùng. Biện pháp khác được giới chủ áp dụng nhằm thu được nhiều lợi nhuận khác là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm. Đây là biện pháp nhằm khai thác lao động quá khứ. Phương thức khai thác lao động quá khứ là phương thức giúp thu được lợi nhuận rất hiệu quả bởi việc chi phí cho lao động quá khứ có số lần thực hiện ít hơn số lần khai thác, đồng thời giúp tránh được việc bóc lột người lao động hiện tại để nâng cao lợi nhuận, hơn thế, nó còn làm xuất hiện cơ hội định giá cao giá trị sức lao động của người lao động hiện tại và do đó kích thích người lao động tích cực làm việc hơn, gắn bó với công việc hơn, quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động chuyển dần từ thế đối lập sang thế hợp tác, sự đấu tranh dễ dàng bị triệt tiêu. Để có thể có các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, giới chủ sử dụng sức lao động của các nhà khoa học, của những người có trình độ và năng lực lao động cao. Đây là đội ngũ lao động có giá trị sức lao động cao hoặc rất cao. Những giá trị mà họ tạo ra có thể rất lớn so với những cái mà giới chủ trả cho họ, mặc dù lượng giá trị mà họ nhận được đó nhiều hơn so với những người lao động bình thường khác. Đây là phương thức bóc lột những người có giá trị cao. Khi lượng giá trị bóc lột từ những người có giá trị sức lao động cao và một vài phương thức khác đủ thay thế cho việc bóc lột những người lao động bình thường chiếm số đông thì giới chủ sẽ không thực hiện việc bóc lột nhóm lao động chiếm số đông nữa. Điều này sẽ làm triệt tiêu các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi giữa giới chủ và những người lao động bởi những người có giá trị sức lao động cao không chiếm số đông và thu nhập của họ mặc dù thấp hơn rất nhiều giá trị sức lao động của họ nhưng vẫn đủ cao để họ không cảm thấy bị bóc lột. Cảm giác bị bóc lột là yếu tố quyết định đến sự hình thành ý thức đấu tranh đòi quyền lợi của người lao động. Người lao động sẽ cảm thấy sự bóc lột bởi tỷ lệ giữa giá trị bị bóc lột với giá trị sức lao động của họ nhiều hơn là lượng giá trị bị bóc lột. Khi người lao động tạo ra được hai phần mà bị bóc lột mất một phần thì họ sẽ cảm nhận sự bóc lột rất rõ ràng và phản ứng sẽ rất mạnh mẽ. Nhưng nếu họ có khả năng tạo ra mười phần mà bị bóc lột mất bốn phần, còn sáu phần giúp cho họ thoả mãn được mọi nhu cầu của mình thì họ sẽ không còn cảm thấy bị bóc lột và họ sẽ không còn muốn đấu tranh. Đây là xu hướng bóc lột chủ yếu trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển. Ngoài ra, việc cho vay nặng lãi cũng là một phương thức bóc lột có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội.

Sự thay đổi các phương thức bóc lột qua các thời đại, qua các thời kỳ phản ánh sự chuyển mình để thích nghi với sự phát triển của xã hội của chủ nghĩa bóc lột, còn bản chất của sự bóc lột vẫn không thay đổi. Sự thay đổi nhanh chóng của các phương thức bóc lột và các thủ đoạn bóc lột cho thấy khả năng thích nghi cao của chủ nghĩa bóc lột và điều đó cũng cho thấy sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa bóc lột. Còn những người lao động với tâm lý muốn những nhu cầu cần thiết của họ chỉ cần đủ nhưng được sống bình yên nên họ dễ thoả hiệp với chủ nghĩa bóc lột. Đây là những cơ hội cho chủ nghĩa bóc lột áp dụng nhiều thủ đoạn bóc lột tinh vi mà không bị đấu tranh.

2- Phân loại theo nội dung bóc lột.

Người lao động tạo ra các giá trị mới bằng sức lao động của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân và thực hiện trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng, với xã hội. Các giá trị bao gồm của cải vật chất hoặc các vật phẩm có giá, các giá trị về tinh thần như phẩm giá, danh dự, tình cảm, tri thức.Thông qua trao đổi , mua bán và tự tạo ra hoặc từ một nguồn hợp pháp nào đó, mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia được quyền sở hữu những tài sản, những giá trị riêng. Những tài sản, những giá trị đó có thể bị người khác, tổ chức khác chiếm đoạt dưới hình thức bóc lột. Kết quả cụ thể của việc bóc lột trong từng trường hợp khác nhau có thể không giống nhau. Trường hợp này kết quả là giá trị sức lao động, trường hợp khác là tài nguyên thiên nhiên... Kết quả cụ thể của việc bóc lột là nội dung bóc lột. Nội dung bóc lột có thể được người bóc lột định trước và áp dụng các phương thức hay thủ đoạn bóc lột thích hợp. Phân loại theo nội dung bóc lột nhằm xác định đúng những cái mà người bóc lột thu được, từ đó chỉ ra hành vi bóc lột, tạo cơ sở cho người bị bóc lột đấu tranh với người bóc lột. Cuốn sách này chủ yếu bàn về lao động và cái bị bóc lột là giá trị sức lao động. Vì vậy những nội dung bóc lột khác như bóc lột tài nguyên thiên nhiên, bóc lột phẩm giá, danh dự, tình cảm và những nội dung khác sẽ không được đề cập đến hoặc đề cập đến không nhiều. Tri thức do con người tạo ra bằng sức lao động và nó mang giá trị sức lao động. Bóc lột tri thức cũng là bóc lột giá trị sức lao động. Vì vậy tác giả cũng không nêu thành vấn đề riêng.

Trong các thời kỳ mà sức lao động là hàng hoá, thông qua sự trao đổi bất bình đẳng hoặc định giá giá trị sức lao động thấp hơn giá trị thực, những người lao động rất dễ bị bóc lột khi số lượng lao động nhiều hơn số chỗ làm việc. Cái mà họ bị bóc lột là giá trị sức lao động của họ. Và nếu họ đã bị bần cùng hoá thì cái mà họ bị bóc lột không chỉ là giá trị sức lao động mà có thể là mọi giá trị con người mà họ có. Bóc lột giá trị thặng dư là sự bóc lột giá trị sức lao động có giới hạn. Sự bóc lột này không làm thoả mãn lòng tham của chủ nghĩa bóc lột. Còn bóc lột giá trị sức lao động là bóc lột không giới hạn. Sự bóc lột không giới hạn là sự vắt kiệt sức lao động của người lao động. Người lao động không được trả lại giá trị sức lao động mà họ đã bỏ ra, họ không có cơ hội được hưởng những sản phẩm mà họ đã góp công sức tạo nên. Sức lao động của họ không được tái tạo.

3- Phân loại theo tính chất:

Mỗi phương thức bóc lột, mỗi hành vi bóc lột có thể mang một hoặc một số tính chất sau:

a- Tính liên tục hay ngắt quãng.

Tính liên tục phán ánh sự bóc lột diễn ra trong toàn bộ hay phần lớn thời gian tồn tại của mối quan hệ xã hội. Tính liên tục được duy trì khi mối quan hệ bị mất cân bằng trong một giới hạn nhất định hoặc hành vi bóc lột được che dấu khéo léo, thủ đoạn bóc lột tinh vi. Hành vi bóc lột được thực hiện đồng thời với sự phát sinh giá trị của người bị bóc lột. Tính liên tục của bóc lột chỉ có khi mối quan hệ giữa người bị bóc lột và người bóc lột tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó đủ cho người bị bóc lột có nhiều lần tạo ra giá trị. Điều này có nghĩa là tính liên tục cần có điều kiện về mối quan hệ. Mối quan hệ dễ thực hiện sự bóc lột liên tục là mối quan hệ chủ thợ. Khi người thợ tạo ra giá trị thì có một phần trong đó bị người chủ chiếm đoạt. Giá trị bị chiếm đoạt có thể là giá trị thặng dư, có thể là giá trị sức lao động. Tính liên tục không phản ánh mức độ bóc lột. Cũng trong mối quan hệ này, nếu người lao động làm việc theo chế độ khoán sản phẩm tìm cách bớt xén quy trình công nghệ, không thực hiện chế độ bảo dưỡng thiết bị quy định trong đơn giá sản phẩm, làm sai một số tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho mình mà hậu quả là máy móc thiết bị nhanh chóng bị hư hỏng, chất lượng sản phẩm thấp thì người lao động đã thực hiện được hành vi bóc lột ngược lại chủ sử dụng lao động hoặc người tiêu dùng. Người chủ sử dụng lao động phải đầu tư nhiều tiền hơn cho việc sửa chữa máy móc thiết bị nên lợi nhuận giảm sút, người tiêu dùng bị bóc lột khi họ mua phải những sản phẩm có giá trị sử dụng thấp hơn giá cả. Khi những người lao động cho ra đời những sản phẩm có chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn hoặc có giá trị sử dụng thấp và họ tiêu thụ các sản phẩm của nhau thì có nghĩa là họ bóc lột lẫn nhau. Đây là điều chẳng mang đến lợi lộc gì cho ai mà ngược lại nó hạ thấp giá trị sức lao động của người lao động khi họ phải sử dụng những sản phẩm không tương xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra để mua sản phẩm. Nói một cách đúng đắn thì khi mọi người lao động trong xã hội cùng tìm cách nâng cao giá trị sức lao động của mình không bằng con đường nâng cao năng lực và trình độ thì sự điều chỉnh tự nhiên sẽ trả họ về đúng giá trị thực của họ. Ngược lại, người lao động bị bóc lột thực sự khi có những tổ chức sản xuất và cung ứng cho họ những sản phẩm giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của họ nhưng có giá trị sử dụng thấp hơn nhiều giá cả hoặc những sản phẩm giả. Nói chung, những người có thu nhập thấp là những người dễ bị bóc lột, dễ bị tổn thất nhất trong xã hội.

Tính ngắt quãng xuất hiện ở nhiều dạng và do những nguyên nhân khác nhau. Có thể là do của mối quan hệ chấm dứt sau đó được thiết lập lại. Có thể là do sự biến động của nền kinh tế hay xã hội mà sự bóc lột có thể có tác động bất lợi cho người bóc lột nếu họ thực hiện hành vi bóc lột. Những mối quan hệ đã chấm dứt sau đó được thiết lập lại là những mối quan hệ lỏng lẻo. Một trong những mối quan hệ dạng này là mối quan hệ giữa người mua hàng và những người bán hàng. Mối quan hệ này được thiết lập khi bắt đầu của giao dịch và chấm dứt sau khi giao dịch kết thúc. Hành vi bóc lột nếu có chỉ được thực hiện trong giao dịch. Nếu những người mua và bán lại tìm đến nhau cho những đợt mua bán tiếp sau thì mối quan hệ được thiết lập lại và hành vi bóc lột có thể lại xảy ra. Tính ngắt quãng có thể diễn ra theo chu kỳ hoặc không có quy luật nhưng nó xác định các đối tượng bóc lột và bị bóc lột. Tính liên tục có phạm vi hẹp hơn tính ngắt quãng của sự bóc lột. Vì vậy nếu nghiên cứu về sự bóc lột mà chỉ nhiên cứu những sự bóc lột có tính liên tục sẽ bỏ qua việc nghiên cứu rất nhiều dạng bóc lột xuất hiện trong xã hội.

b- Tính cơ hội.

Sự bóc lột mang tính cơ hội chỉ được thực hiện khi có cơ hội. Điều đó có nghĩa là chủ thể bóc lột dù muốn nhưng cũng không thể bóc lột được nếu thiếu cơ hội. Anh đồ tể có cơ hội bóc lột người nuôi lợn khi người nuôi lợn gặp phải hoàn cảnh khó khăn bất ngờ và cần một khoản chi tiêu lớn. Anh đồ tể thực hiện hành vi bóc lột bằng cách ép giá mua bán con lợn của người nuôi thấp hơn giá thị trường. Một người bán hàng có cơ hội bóc lột người mua hàng khi người mua hàng không biết giá thực của hàng hoá. Một bác sỹ vô đức bóc lột người bệnh hiểm nghèo bằng dịch vụ chữa bệnh với giá cắt cổ và không có thương lượng. Không phải luôn có người nuôi lợn gặp hoàn cảnh khó khăn để anh đồ tể ép giá, còn người bệnh thì nhiều hơn. Điều này có nghĩa là vị bác sỹ vô đức có nhiều cơ hội bóc lột hơn anh đồ tể. Khi liên tục có cơ hội thì hành vi bóc lột có thể cũng được thực hiện liên tục. Nhưng đây không phải là sự bóc lột có tính liên tục bởi đối tượng bị bóc lột thay đổi. Sự bóc lột mang tính liên tục khác với sự bóc lột có cơ hội liên tục. Trong thực tế cũng có những trường hợp mà hành vi bóc lột vừa có tính cơ hội, vừa có tính liên tục. Anh nhân viên cung ứng vật tư liên tục được cử đi mua vật tư cho đơn vị sẽ có nhiều cơ hội thực hiện hành vi bóc lột cơ quan đơn vị của mình khi yêu cầu nơi cung cấp vật tư khuyến mãi cho anh ta sau mỗi lần bán hàng, tiền khuyến mãi nằm trong giá vật tư. Trong trường hợp này, mối lần đi mua vật tư là một cơ hội, còn đối tượng bị bóc lột là đơn vị của anh ta không thay đổi.

c- Phổ biến hay cục bộ.

Các phương thức bóc lột thay đổi theo các hoàn cảnh xã hội, các hình thái và sự phát triển kinh tế. Chúng có thể được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi , nhiều khu vực nhưng cũng có thể chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và trong một phạm vi hẹp, chúng có tính phổ biến hay cục bộ. Khi chúng mang tính phổ biến có nghĩa là chúng có những cơ sở nhất định đảm bảo cho sự tồn tại của chúng, còn khi chúng mang tính cục bộ thì khả năng tồn tại của chúng là khó khăn, chúng có nhiều nguy cơ bị phản đối. Khi trong một xã hội mà số lượng người lao động nhiều hơn số chỗ làm việc thì sự bóc lột sức lao động rất dễ xảy ra và phổ biến trong xã hội đó. Bóc lột sức lao động là bóc lột phổ biến trong các xã hội có sự phân chia giai cấp và sự thống trị. Trong luật hôn nhân của một quốc gia có quy định chia đôi tài sản khi ly hôn thì có thể xuất hiện việc có những người tìm cách lập gia đình với những người giàu sau đó ly dị để được hưởng tài sản mà không mất công sức lao động. Đây là hành vi bóc lột được hợp pháp hoá nhưng không phổ biến bởi không phải pháp luật ở mọi nơi đều quy định như vậy và đạo đức của xã hội cũng ngăn cản.

d- Theo chiều rộng hay chiều sâu.

Sự bóc lột theo chiều rộng là sự bóc lột nhiều đối tượng khác nhau. Còn sự bóc lột theo chiều sâu là sự bóc lột chỉ nhằm vào một số đối tượng hay là các đối tượng bị bóc lột có chọn lọc. Sự bóc lột theo chiều rộng nhằm vào nhiều đối tượng là sự bóc lột dựa vào nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của phần lớn các đối tượng trong xã hội. Còn sự bóc lột theo chiều sâu nhằm vào một số nhu cầu đặc biệt của một số , một nhóm đối tượng trong xã hội hoặc bóc lột những người có giá trị sức lao động rất cao. Khi bóc lột theo chiều rộng, chủ thể bóc lột dễ bị phản ứng lại mạnh mẽ nếu hành vi bóc lột lộ liễu và sự bóc lột nặng nề. Còn bóc lột theo chiều sâu thì điều này sẽ ít gặp hơn và do đó chủ thể bóc lột cũng ít nguy hiểm hơn mặc dù kết quả bóc lột có thể là như nhau. Để thực hiện bóc lột theo chiều rộng, chủ thể bóc lột sẽ phải đầu tư, phải chi phí nhiều hơn, phải bỏ công sức nhiều hơn và hiệu quả bóc lột có thể thấp khi xuất hiện sự cạnh tranh. Còn bóc lột theo chiều sâu có thể thu được siêu giá trị do chi phí ban đầu và trong quá trình bóc lột không cao.

e- Đơn lẻ, bột phát hay có tính tổ chức và có kế hoạch.

Các hành vi bóc lột có thể do cá nhân, nhóm người, tổ chức, giai cấp thống trị thực hiện. Sự bóc lột có thể diễn ra liên tục hay ngắt quãng, hoặc chỉ được thực hiện khi có cơ hội. Vì vậy sự bóc lột cũng có thể chỉ mang tính đơn lẻ do một chủ thể bóc lột thực hiện một lần hoặc bột phát do có cơ hội. Các hành vi bóc lột đơn lẻ, bột phát thường là các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp giật,v.v... Còn sự bóc lột có tính tổ chức và có kế hoạch bao gồm cả những sự bóc lột vi phạm pháp luật hoặc được hợp pháp hoá, thậm trí còn do chính quyền thực hiện. Sự bóc lột có tính tổ chức và có kế hoạch thường được che dấu dưới một hình thức nào đó hoặc nhằm một mục đích cụ thể, lượng giá trị bóc lột có thể được ấn định hoặc nhằm mức tối đa. Nói chung, lượng giá trị bị chiếm đoạt bởi sự bóc lột có tổ chức và có kế hoạch là nhiều hơn lượng giá trị bị chiếm đoạt bởi sự bóc lột đơn lẻ và bột phát.

g- Hội tụ hay đơn tuyến

Đây là những sự bóc lột mà giá trị bóc lột từ nhiều nguồn tập trung vào một nơi hoặc chủ thể bóc lột chỉ chiếm đoạt giá trị của một đối tượng bị bóc lột trong suốt thời gian tồn tại mối quan hệ giữa chủ thể bóc lột và đối tượng bị bóc lột. Sự bóc lột hội tụ thường đem lại hiệu quả bóc lột cao hơn do đó chủ thể bóc lột có thể hạ thấp mức độ bóc lột đối với từng đối tượng bị bóc lột. Mục đích của việc làm này nhằm hạn chế xung đột quyền lợi, từ đó hạn chế được sự đấu tranh từ những người bị bóc lột. Trong sự bóc lột đơn tuyến, để thu được nhiều giá trị bóc lột, chủ thể bóc lột phải áp dụng mức bóc lột cao. Vì vậy mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng dễ bị phá vỡ, chủ thể dễ mất đối tượng bóc lột. Xu hướng bóc lột hội tụ là xu hướng phổ biến.

2- Phân loại theo quy mô.

Quy mô bóc lột bao gồm quy mô về số lượng chủ thể tham gia bóc lột, số lượng đối tượng bị bóc lột, tính chất của chủ thể và đối tượng bị bóc lột, phạm vi lãnh thổ, thời gian bóc lột và lượng giá trị bóc lột. Với cách hiểu về quy mô như vậy thì có thể phân loại sự bóc lột theo quy mô như sau:

a- Cá nhân với cá nhân là sự bóc lột được thực hiện giữa chủ thể và đối tượng là các cá nhân. Mặc dù là sự bóc lột giữa các cá nhân với nhau, nhưng sự bóc lột cũng có thể chứa đựng các tính chất khác của sự bóc lột và nó được hiểu đầy đủ ý nghĩa của sự bóc lột. Vì vậy sự bóc lột cá nhân với cá nhân không có nghĩa là sự bóc lột quy mô nhỏ. Để định giá nó thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Sự bóc lột cá nhân với cá nhân có thể mang tính phổ biến hoặc đơn lẻ, có thể mang tính hội tụ hoặc đơn tuyến. Nó mang tính phổ biến khi nó là dạng bóc lột giá trị sức lao động, nó mang tính hội tụ khi chủ thể là người sử dụng lao động còn đối tượng bị bóc lột là người lao động. Tất nhiên hai trường hợp này không phải là duy nhất.

b- Tổ chức với cá nhân. Tổ chức là một tập hợp các cá nhân hoạt động theo một mô hình nào đó và các cá nhân hoạt động tuân theo những quy định nào đó do tổ chức định ra. Vì vậy sự bóc lột giữa tổ chức với cá nhân là sự bóc lột mà chủ thể là nhiều cá nhân với đối tượng bị bóc lột là các cá nhân riêng lẻ. Sự khác biệt là ở chỗ các cá nhân trong tổ chức đã liên kết với nhau để có thể bóc lột được nhiều hơn và nâng cao khả năng bảo vệ sự bóc lột của họ.

c- Cá nhân với tổ chức là hành vi bóc lột của một cá nhân với một hoặc nhiều tổ chức và có thể là với chính tổ chức mà người đó là thành viên. Tổ chức là một tập hợp nhiều cá nhân với nhiều trình độ và năng lực, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó sự bóc lột do cá nhân thực hiện với tổ chức là không dễ. Để có thể thực hiện được hành vi bóc lột này thì cá nhân đó phải có những ảnh hưởng nào đó tới tổ chức hoặc tổ chức có những sơ hở, những thiếu sót nào đó trong quản lý, các chế tài xử lý không nghiêm minh tạo cơ hội cho cá nhân lợi dụng chiếm đoạt các giá trị chung của tổ chức. Do việc thực hiện hành vi bóc lột này là không dễ nên các cá nhân thường tìm mọi cách che dấu hoặc tạo thành nhóm thông đồng với nhau trong cùng tổ chức hoặc liên kết với nhau khi ở trong các tổ chức có quan hệ với nhau để bóc lột các tổ chức của mình. Sự bóc lột của cá nhân với tổ chức còn được gọi dưới một cái tên khác là tham nhũng. Tham nhũng là một biểu hiện, một hình thức bóc lột.

d- Tổ chức với tổ chức là sự bóc lột diễn ra giữa các tổ chức có quan hệ với nhau. Các loại hình tổ chức do loài người thiết lập nên rất đa dạng và do đó có rất nhiều mối quan hệ giữa các tổ chức với nhau. Mối quan hệ có thể được thiết lập giữa hai hay nhiều tổ chức đồng thời, có thể là khăng khít, chặt chẽ hay tạm thời, lỏng lẻo. Trong mỗi mối quan hệ đó có thể xuất hiện một hình thức bóc lột tương ứng nào đó. Trong thực tế thì mối quan hệ mang tính kinh tế giữa các tổ chức là mối quan hệ thường xảy ra sự bóc lột hơn các mối quan hệ khác.

e- Quốc gia và quốc tế. Sự bóc lột mang tính quốc gia là sự bóc lột diễn ra trong phạm vi một quốc gia và do các công dân của quốc gia đó tiến hành. Còn sự bóc lột mang tính quốc tế vượt ra ngoài biên giới, là sự bóc lột xuyên quốc gia do công dân của nước này bóc lột công dân nước khác, các tổ chức, chính quyền quốc gia này bóc lột công dân, tổ chức và chính quyền quốc gia khác. Mỗi quốc gia có một hệ thống luật pháp có thể cho phép sự bóc lột tồn tại, phát triển hoặc bị hạn chế hay bị triệt tiêu. Còn trong hệ thống luật pháp quốc tế thì do vấn đề tôn trong chủ quyền quốc gia nên không có chế tài xử lý vấn đề bóc lột. Điều này làm cho sự bóc lột mang tính quốc tế tồn tại mà không bị đấu tranh loại bỏ. Nó chỉ bị hạn chế khi các quốc gia bị bóc lột tự bảo vệ mình. Sự bóc lột mang tính quốc tế do có nhiều đối tượng nên hiệu quả bóc lột là rất cao, sự tập trung giá trị bóc lột là nhiều và nhanh chóng.

g- Lượng giá trị bóc lột phản ánh quy mô và hiệu quả bóc lột. Quy mô bóc lột càng lớn thì lượng giá trị bóc lột càng nhiều. Hiệu quả bóc lột cao thể hiện khả năng chọn lựa các đối tượng và quy mô bóc lột. Các đối tượng có giá trị cao dễ đem lại hiệu quả bóc lột cao. Lựa chọn quy mô bóc lột phù hợp giúp cho chi phí ban đầu giảm tối đa.

h- Thời gian thực hiện bóc lột phản ánh tính bền vững của các mối quan hệ có bóc lột. Độ bền càng cao thì thời gian thực hiện việc bóc lột càng dài và do đó có nhiều cơ hội thu được lượng giá trị lớn.

3- Phân loại theo đối tượng bị bóc lột.

Các đối tượng bị bóc lột là các đối tượng đang sở hữu một giá trị nào đó. Các giá trị có thể là của cải vật chất, tài nguyên thiên nhiên, sức lao động, trí tuệ, tri thức, phẩm giá, v.v...Chỉ có thể nói rằng một người, một đối tượng bị bóc lột khi họ sở hữu giá trị, họ phải có một cái gì đó thì người khác mới có thể bóc lột được từ họ. Các đối tượng bị bóc lột có thể là cá nhân, tổ chức hay là cả một quốc gia. Sự phân loại theo đối tượng có thể giúp định giá tác động của sự bóc lột tới các biến động và sự phát triển của xã hội. Các đối tượng bị bóc lột có thể chia thành các nhóm sau:

a- Người lao động, người được thừa hưởng.

Người lao động là những người có sức lao động, có khả năng tạo ra giá trị sức lao động. Cái mà họ bị bóc lột là giá trị sức lao động do họ tạo ra. Còn những người được thừa hưởng là những người được sở hữu giá trị mà họ không phải bỏ công sức lao động, họ được thừa hưởng hợp pháp các giá trị đó qua việc thừa kế, được cho, biếu, tặng. Các giá trị được thừa hưởng là các giá trị cụ thể. Vì vậy các giá trị thừa hưởng bị bóc lột cũng dễ được xác định cụ thể. Còn giá trị sức lao động khó được định giá chính xác cho nên giá trị sức lao động bị bóc lột dễ dàng được che dấu. Sự bóc lột giá trị sức lao động của người lao động là sự bóc lột các giá trị mới. Còn sự bóc lột giá trị thừa hưởng là bóc lột các giá trị cũ. Người lao động tổn hao rất nhiều sức lực trong quá trình tạo ra giá trị mới. Vì vậy việc tước đoạt các giá trị do họ tạo ra dễ gây nên trong họ sự phản kháng. Việc này đối với những người được thừa hưởng sẽ là ít hơn.

b- Người giàu, người nghèo. Người giàu là người sở hữu nhiều giá trị, còn người nghèo thì ngược lại và có thể là họ không có gì để sở hữu. Việc mất đi một phần giá trị mà không ảnh hưởng tới cuộc sống thì những người giàu sẽ không cảm thấy phiền lòng và họ sẽ không có sự phản kháng hoặc phản kháng yếu ớt. Còn với người nghèo thì chỉ với một lượng nhỏ giá trị của họ mất đi đã ảnh hưởng mạnh tới cuộc sống của họ. Vì vậy sự phản kháng của người nghèo khi họ bị bóc lột là rất mạnh mẽ. Giai cấp bóc lột sẽ phải trả giá khi chỉ tập trung vào việc bóc lột người nghèo.

c- Người được bảo vệ và không được bảo vệ. Người được bảo vệ là người được một thế lực hay pháp luật bảo vệ các giá trị thuộc quyền sở hữu của họ. Còn người không được bảo vệ là người dễ bị tước đoạt các giá trị mà họ có hoặc do họ tạo ra. Thông thường, những người được bảo vệ là những thành viên trong một tổ chức, là công dân đầy đủ của một quốc gia v.v... Những người không được bảo vệ là những người đơn độc hoặc không có quyền công dân ở nơi đang cư trú. Dễ thấy rằng bóc lột những người không được bảo là dễ dàng còn bóc lột những người được bảo vệ có thể gặp nguy hiểm.

d- Người có năng lực và giá trị sức lao động cao, người có giá trị sức lao động thấp. Người có năng lực và giá trị sức lao động cao cũng thường là những người được sở hữu nhiều giá trị, còn những người có giá trị sức lao động thấp thường là những người không có nhiều cái để sở hữu. Vì vậy bóc lột người có năng lực và giá trị sức lao động cao dễ thu được nhiều giá trị hơn việc bóc lột những người có giá trị sức lao động thấp.

e- Người bóc lột và tham gia bóc lột. Mỗi người có thể có nhiều mối quan hệ xã hội. Vị thế của họ trong mỗi mối quan hệ xã hội là khác nhau. Trong mối quan hệ này họ ở thế bình đẳng, nhưng trong các mối quan hệ khác họ có thể là chủ thể bóc lột hoặc tham gia vào việc bóc lột, hoặc họ có thể là một đối tượng bị bóc lột sau khi họ đã thực hiện hành vi bóc lột. Họ là những kẻ bóc lột bị bóc lột. Sự phản kháng của những người này khi bị bóc lột thường không rõ ràng, có thể có và cũng có thể không. Xác định việc này cần xem xét từng trường hợp cụ thể, xác định được phương thức và cường độ bóc lột họ, định giá được tình trạng của họ sau khi họ bị bóc lột. Họ sẽ phản kháng khi họ bị bóc lột với những phương thức bóc lột trắng trợn hoặc cường độ bóc lột quá cao, hoặc họ bị đẩy vào tình trạng nghèo khó. Trong một số hoàn cảnh, một số thời kỳ, họ có thể là đồng minh của những đối tượng bị bóc lột khác, còn những hoàn cảnh, những thời kỳ khác là không.

4- Phân loại theo mục đích.

Có thể khi đọc đến đây sẽ có nhiều người thắc mắc rằng tại sao lại phải phân loại theo mục đích bóc lột. Chẳng lẽ ngoài việc bóc lột để làm giàu cho mình thì còn có sự bóc lột nhằm những mục đích khác? Đây là vấn đề cần được nhận thức rõ ràng bởi trong thực tế có nhiều sự bóc lột nhằm những mục đích khác với mục đích chiếm được nhiều giá trị cho mình. Và như vậy những sự bóc lột nhằm mục đích khác nhau cũng có thể có những ý nghĩa và và vai trò nào đó trong sự phát triển kinh tế và xã hội. Định giá được ý nghĩa và vai trò của từng sự bóc lột là một việc phải được tiến hành thận trọng, rõ ràng và nên làm. Xin nêu ra đây một vài mục đích của sự bóc lột:

a- Duy trì cuộc sống.

Những người cần duy trì cuộc sống trong xã hội có nhiều dạng. Họ có thể là những người không có khả năng lao động và không có sự tài trợ, bảo trợ hay giúp đỡ. Họ có thể là những người có khả năng lao động nhưng không có cơ hội lao động và không có nguồn đảm bảo sự sống nào. Và tất nhiên còn có những đối tượng bị bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra còn có các đối tượng có khả năng lao động, có cơ hội lao động và có thu nhập, nhưng do nhu cầu chi tiêu cá nhân vượt quá thu nhập nên cần có thêm nguồn tài chính khác, hoặc là những người không muốn lao động mà vẫn cần có nguồn tài chính. Những đối tượng cần duy trì sự sống và thực hiện các hành vi bóc lột để duy trì sự sống là những đối tượng còn có sức lao động để thực hiện hành vi bóc lột. Vì vậy những người bị bệnh tật không có khả năng lao động không thuộc các đối tượng này. Với mục đích duy trì sự sống, những người thuộc đối tượng này có thể sử dụng bất kỳ phương thức hay thủ đoạn bóc lột nào, tận dụng bất kỳ cơ hội nào để thực hiện hành vi bóc lột. Nhiều hành vi bóc lột do họ thực hiện có thể gây nguy hiểm cho những nạn nhân của họ. Và cũng với mục đích duy trì sự sống nên lượng giá trị mà họ bóc lột không cao. Họ có thể tạm dừng hoặc dừng việc bóc lột khi lượng giá trị mà họ bóc lột được đủ duy trì sự sống cho họ. Họ thực hiện việc bóc lột khi cần hoặc khi có cơ hội.

b-Làm giàu.

Làm giàu là mục đích của số đông các chủ thể bóc lột. Lượng giá trị do các chủ thể này bóc lột cũng là nhiều nhất trong các chủ thể bóc lột. Mặt khác nhiều hành vi bóc lột nhằm các mục đích khác được đặt dưới các tên không mang nghĩa bóc lột cho nên mục đích bóc lột để làm giàu dễ bị quan niệm rằng đây là mục đích duy nhất và bị lên án trong khi nhiều việc bóc lột nhằm những mục đích khác dễ bị bỏ qua hoặc xem xét sơ sài.

c- Bóc lột người giàu đem cho người nghèo. Những người giàu là những người có nhiều khả năng thanh toán cho mọi chi tiêu, đáp ứng tốt cho mọi nhu cầu của mình, do đó người giàu là những người có nhiều cơ hội sử dụng nhiều của cải của xã hội, tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên. Trước đây, sự giàu có của những người giàu bị quan niệm là do bóc lột. Có thể trong một giai đoạn nào đó điều này là đúng. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự tiến bộ xã hội đã giúp cho nhiều cá nhân phát huy tốt năng lực cá nhân và sức lao động của họ đã tạo ra những giá trị lớn cho xã hội và cho bản thân họ. Sự giàu có của họ xuất phát từ năng lực cá nhân chứ không phải từ sự bóc lột những người khác. Ngoài ra còn có những người giàu mà của cải của họ không phải có do bóc lột, cũng không phải từ năng lực cá nhân của họ mà do họ được thừa hưởng hoặc gặp một sự may mắn. Sự chi tiêu quá mức của người giàu sẽ dẫn đến việc khai thác mạnh mẽ tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng không tốt tới môi trường sống, sự mất ổn định xã hội do chênh lệch giàu nghèo, tạo ra nhu cầu ảo và những cuộc đua chi tiêu trong những người nghèo khiến họ càng dễ lâm vào tình trạng bần cùng hoá . Ngoài ra khi người giàu sử dụng đồng tiền của mình vào đầu tư sản xuất hàng hoá thì họ có thêm cơ hội bóc lột người lao động và làm gia tăng tài sản của họ. Việc bóc lột người giàu đem chia cho người nghèo vì một số nguyên nhân trên đây xuất hiện trong nhiều giai đoạn phát triển của xã hội. Trong thời kỳ phong kiến có một số cá nhân tiến hành việc cướp của cải của người giàu đem chia cho người nghèo. Họ thực hiện một công việc mang tính nghĩa hiệp nhưng không được luật pháp phong kiến thừa nhận cho nên hành vi đó của họ bị coi là phạm pháp. Khi xã hội phát triển và các nhà nước nhận thức được sự cần thiết phải hạn chế chi tiêu quá mức của người giàu, ngặn chặn sự gia tăng khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo nhằm đảm bảo sự ổn định xã hội thì chính các nhà nước sẽ và cần tiến hành bóc lột người giàu đem cho người nghèo. Sự bóc lột người giàu có thể thực hiện bằng nhiều hình thức nhưng chủ yếu bằng các hình thức thu thuế với nhiều sắc thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng mà chỉ có những người giàu mới tiêu thụ, thuế thu nhập cá nhân áp dụng cho những người có thu nhập cao, áp dụng giá luỹ tiến với một số mặt hàng thiết yếu mà người giàu có khả năng tiêu thụ nhiều. Việc bóc lột những người giàu mà tài sản của họ từ bóc lột mà có thực chất là việc lấy lại những giá trị không do sức lao động của những người đó tạo ra, nhưng do các quy định về quyền lợi và quyền sở hữu mà có thể tạo ra những sự phản đối hoặc phản kháng. Còn bóc lột những người có giá trị sức lao động cao nhiều khi chỉ là lượng hoá sự đóng góp của những người này cho xã hội bởi nếu không có người, không có tổ chức thực hiện việc này thì họ cũng thực hiện việc san xẻ giá trị của họ cho người khác bằng các hành động trợ giúp hoặc từ thiện. Còn đối với những người được thừa hưởng do tài sản mà họ có không phải từ sức lao động của họ nên sự chi tiêu của họ không có giới hạn. Điều này dễ gây mất ổn định xã hội cho nên áp dụng các biện pháp hạn chế việc chi tiêu của họ cũng là việc cần thực hiện. Với những mục đích cụ thể, bóc lột người giàu là cần thiết nhưng phải hợp lý và được hợp pháp hoá bởi nếu không sẽ đi từ cực mất ổn định này đến cực mất ổn định khác cho xã hội và không khuyến khích người giàu sử dụng tài sản của họ vào mục đích phát triển xã hội thông qua con đường đầu tư. Nhà nước sử dụng nguồn tài chính thu được từ việc bóc lột người giàu vào các việc đảm bảo an sinh xã hội và điều này giúp cho người giàu cũng được hưởng lợi ích từ nguồn tài chính của họ.

d- Đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Trong nền kinh tế thị trường, đảm bảo khả năng cạnh tranh là đảm bảo cho sự tồn tại. Có nhiều biện pháp đảm bảo khả năng cạnh tranh. Một trong số các biện pháp đó là giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh bằng việc giảm chi phí lao động. Để giảm chi phí lao động. Các cở sở, tổ chức, các doanh nghiệp áp dụng việc giảm chi phí lao động bằng các hình thức hạ thấp đơn giá tiền lương, tăng thời gian làm việc mà không tăng tiền công, cắt giảm các các khoản chi phí bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh công nghiệp, cải thiện môi trường làm việc nhằm hạ giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất để sản phẩm có thể tiêu thụ được trên thị trường. Bản chất của những việc làm này bóc lột giá trị sức lao động của người lao động. Nhưng việc bóc lột này không nhằm làm giàu cho người chủ sử dụng lao động mà nhằm mục đích đảm bảo khả năng cạnh tranh cho cơ sở sản xuất kinh doanh. Các giá trị bóc lột được tự nguyện chuyển cho người tiêu dùng thông qua giá sản phẩm thấp, lợi ích của người lao động được chuyển sang người tiêu dùng. Áp dụng hình thức bóc lột người lao động để đảm bảo khả năng cạnh tranh giống như việc sử dụng con dao hai lưỡi. Nó có thể đảm bảo sự tồn tại những cũng có thể xoá sổ tổ chức sản xuất kinh doanh khi người lao động không gắn bó với tổ chức của mình do quyền lợi bị xâm hại. Vì vậy có thể nói rằng bóc lột nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh là hạ sách trong chiến lược sản xuất kinh doanh.

e- Bảo hộ.

Bảo hộ bằng hình thức bóc lột là một phương thức bảo vệ quyền lợi cho một bộ phận công dân và một bộ phận nền kinh tế do nhà nước tiến hành. Nhà nước dựng lên các hàng rào thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu và các quy định về thuế và giá cả đối với hàng hoá sản xuất và tiêu thụ trong nước. Với hàng hoá nhập khẩu, hàng rào thuế quan cao sẽ hạn chế khối lượng hàng nhập khẩu, đẩy giá cả hàng hoá lên cao. Điều này đem lại lợi ích cho nhà sản xuất trong nước nhưng thiệt hại tới người tiêu dùng. Thiệt hại của người tiêu dùng là sự thiệt hại do giá trị sử dụng thấp hơn so với giá cả hàng hoá. Để đảm bảo khả năng tồn tại, các cơ sở sản xuất các loại hàng hoá đó phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm, mà biện pháp có hiệu quả nhanh nhất là hạ thấp đơn giá nhân công. Thu nhập của người lao động vì vậy giảm sút. Hình thức bảo hộ sản xuất bằng hàng rào thuế quan dẫn đến tình trạng có hai đối tượng bị bóc lột là người sản xuất ở nước ngoài và người tiêu dùng trong nước. Sự bóc lột người lao động ngoài nước là sự bóc lột xuyên quốc gia, con sự bóc lột người tiêu dùng trong nước là sự bóc lột được hợp pháp hoá. Chủ thể bóc lột trong trường hợp này là nhà nước và các cơ sở sản xuất các loại hàng hoá được nhà nước bảo hộ bởi cả hai đều thu được giá trị từ chính sách bảo hộ. Nhưng tính chất bóc lột là khác nhau. Nhà nước chủ động thực hiện chính sách bảo hộ và thu được giá trị nên tính chất bóc lột của nhà nước là chủ động, còn các nhà sản xuất được hưởng lợi từ chính sách đó là sự bóc lột thụ động. Mục đích của nhà nước là tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất có nguồn lực phát triển, đảm bảo khả năng cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu, đồng thời nhà nước cũng nâng cao được tiềm lực tài chính. Còn sự bóc lột thụ động của nhà sản xuất sẽ chuyển thành bóc lột chủ động khi nhà sản xuất không đáp ứng mục đích của nhà nước mà lợi dụng chính sách bảo hộ để làm giàu hoặc nhằm các mục đích khác. Sự bảo hộ thông qua các quy định về thuế và giá cả nhằm bảo hộ cho một số đối tượng hoặc một số nhóm, một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh một số loại hàng hoá nào đó trong một giai đoạn, một thời kỳ kinh tế. Sự bảo hộ được thực hiện bằng việc quy định các mức thuế và giá cả cụ thể cho các mặt hàng đó. Sự quy định cụ thể này làm cho giá cả có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá thành và do đó có thể gia tăng lợi ích hoặc thất thu cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, đồng thời làm thiệt hại hoặc lợi ích cho các đối tác hoặc người sử dụng các loại hàng hoá đó. Nói cụ thể hơn, trong sự bảo hộ này sẽ có một bên bị thiệt hại và một bên được lợi. Đây là một chính sách giúp cho việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Trong trường hợp cần thiết, nhà nước có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ cho cho bên bị thiệt hại. Có thể nói rằng đây là chính sách có tính hai mặt, nó có thể thúc đẩy sự phát triển và có thể ngăn chặn sự phát triển quá nóng.

Sự bóc lột trong thực tế là rất đa dạng. Sự bóc lột hiện diện khắp mọi nơi, ở bất kỳ thời điểm nào, trong mọi thời kỳ của sự phân chia giai cấp. Có những mối quan hệ mà gianh giới giữa chủ thể bóc lột và đối tượng bị bóc là rất hẹp đến mức họ dễ đổi chỗ cho nhau như trong mối quan hệ giữa kẻ mua người bán. Có những sự bóc lột để rồi bị bóc lột như sự bóc lột của những nhà sản xuất hàng xuất khẩu chịu thuế xuất cao. Sự bóc lột có thể được che đạy bởi sự thoả thuận trong quan hệ hợp tác khi hai đối tác có giá trị sức lao động như nhau nhưng có kẻ thu được nhiều lợi ích hơn đối tác của mình. Có những đối tượng bị bóc lột nhưng không dám phản đối bởi sự yếu thế của mình. Có những chủ thể thực hiện hành vi bóc lột mà không nhận thức được rằng mình đang bóc lột bởi xã hội chưa có những kiến giải cụ thể về sự bóc lột. Sự bóc lột là sự di chuyển các giá trị trong xã hội giống như lợi nhuận. Điều này làm cho các giá trị thu được từ việc bóc lột dễ được đồng hoá với lợi nhuận và dễ lẩn tránh được sự lên án. Cũng cần phân biệt giữa nghĩa vụ và sự bóc lột. Nghĩa vụ mà mỗi cá nhân phải thực hiện là sự đóng góp của họ cho nhằm mục đích được hưởng những quyền lợi khác mà họ không có khả năng tự thực hiện. Thực chất đây là một sự trao đổi mà nghĩa vụ và quyền lợi có thể không diễn ra đồng thời. Còn sự bóc lột là sự di chuyển cưỡng bức giá trị theo một chiều. Sự lưu ý phân biệt là ở chỗ trong giai đoạn thực hiện nghĩa vụ, giá trị thuộc sở hữu của người thực hiện nghĩa vụ cũng di chuyển theo một chiều như sự bóc lột. Giá trị nghĩa vụ sẽ trở thành giá trị bị bóc lột khi nơi tiếp nhận không đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho những người đã thực hiện nghĩa vụ. Một nhà nước có thể trở thành chủ thể bóc lột công dân của mình nếu bộ máy nhà nước hoạt động không hiệu quả, không đảm bảo được các quyền lợi cho công dân tương ứng với sự đóng góp của họ và nguồn tài chính thu được từ nghĩa vụ hoặc dùng để nuôi bộ máy kém hiệu quả của nhà nước- đây là sự bóc lột để tồn tại, hoặc chui vào túi các quan chức nhà nước tham nhũng- đây là sự bóc lột gián tiếp của một số cá nhân thông qua nhà nước. Sự bóc lột ngày càng trở nên tinh vi hơn theo đà phát triển của xã hội. Định giá về sự bóc lột cần một sự định giá tổng thể bởi mỗi hành vi bóc lột có thể chứa đựng nhiều yếu tố của sự phân loại trên đây. Bản chất của sự bóc lột là sự chiếm đoạt giá trị của người khác, nhưng mục đích của các hành vi bóc lột không phải là giống nhau khi xem xét đến việc sử dụng các giá trị chiếm được của các chủ thể bóc lột. Sự bóc lột làm giàu cho người này và làm nghèo cho người khác, đồng thời cũng tạo ra quá trình tập trung các giá trị của xã hội. Sự tập trung các giá trị xã hội mà biểu hiện là lượng tài sản hoặc lượng tiền tệ tạo nên sức mạnh cho các chủ thể sở hữu chúng. Sức mạnh này giúp cho các giá trị được tạo ra nhanh hơn và nhiều hơn, thúc đẩy sự tập trung giá trị ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện tốt khi đảm bảo được mức độ bóc lột hợp lý. Một trong các nguyên nhân dẫn đến các cuộc khủng hoảng thừa trong xã hội tư bản là sự bóc lột thái quá của giới chủ tư bản khiến cho người lao động không còn sức tiêu thụ hàng hoá được sản xuất ra. Nhu cầu của loài người trên trái đất về các sản phẩm phục vụ cuộc sống là rất lớn và luôn thay đổi. Vì vậy khái niệm thừa chỉ mang tính tương đối khi khả năng chi trả của người tiêu dùng là không có. Để xã hội phát triển được thì sự hài hoà giữa khả năng thanh toán của người lao động và sự tập trung tài chính là yếu tố hàng đầu. Có nhiều phương thức tập trung tài chính như huy động tự nguyện, cưỡng bức đóng góp, chiếm đoạt. Mỗi phương thức đem đến một hiệu quả tập trung riêng và hậu quả đi kèm. Chiếm đoạt để tập trung nguồn tài chính là một sự bóc lột. Như vậy bóc lột cũng có thể làm cho nguồn tài chính được tập trung. Nhưng sự tập trung này chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được sử dụng vào mục đích tạo cơ sở cho phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Khi người lao động được hưởng lợi do sản phẩm có chất lượng tốt và giá thành hạ thì một phần giá trị mà họ bị bóc lột trở thành gần giống với giá trị nghĩa vụ. Có sự gần giống bởi điều này chỉ là có thể khi xuất hiện yếu tố cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh. Còn trong trường hợp không có sự cạnh tranh thì họ có thể bị bóc lột kép khi họ phải sử dụng các loại hàng hoá dịch vụ độc quyền. Tập trung nguồn tài chính bằng việc bóc lột là phương thức dễ bị phản kháng và nó sẽ dần và phải bị thay thế bằng các phương thức khác. Phương thức huy động tự nguyện chỉ xuất hiện khi người lao động đã có khả năng tích luỹ thu nhập. Do đó trong thời kỳ đầu phát triển, khi nguồn tài chính tạo ra từ lao động còn thấp, chủ nghĩa tư bản áp dụng phương thức tập trung nguồn tài chính bằng sự bóc lột kiệt quệ sức lao động của người lao động, sự bóc lột này không chỉ là giá trị thặng dư mà là sự bóc lột đến mọi mức có thể các giá trị do người lao động tạo ra. Sự bóc lột này đã thổi bùng lên những làn sóng đấu tranh mạnh mẽ với nhiều phương thức đấu tranh quyết liệt chống lại chủ nghĩa bóc lột. Sự bóc lột có thể tập trung được nguồn tài chính cho sự phát triển, nhưng nó đem đến nhiều bất công cho xã hội. Vai trò tập trung tài chính của sự bóc lột là vai trò mang tính lịch sử.

Lao động và sự bóc lột cần một sự nhận thức đầy đủ và sâu sắc không chỉ về nhận thức luận, mà còn về thực tiễn. Vai trò của lao động đối với sự sống, đối với sự phát triển xã hội và phát triển của con người là điều dễ nhận thấy, nhưng một số vai trò của sự bóc lột trên bình diện này là khó nhận ra và càng khó được những người bị bóc lột chấp nhận bởi quan niệm bóc lột là một việc làm xấu xa, phi đạo đức. Sự nhận thức đầy đủ cần chỉ ra được mọi yếu tố tiêu cực, xấu xa của sự bóc lột, đồng thời cũng chỉ ra được những yếu tố tích cực của nó. Sự nhận thức đầy đủ và sâu sắc về lao động và bóc lột là cơ sở xác định đúng đắn giá trị sức lao động, khuyến khích lao động phát triển, đồng thời tránh được những hành vi bóc lột do thiếu nhận thức. Mục đích cuối cùng là chấm dứt sự tồn tại của bóc lột trong xã hội. Nhà nước có vai trò to lớn trong vấn đề lao động và bóc lột.

Mục lục[sửa]

Luận về Lao động và Bóc lột/GT

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương I: Lao động, sức lao động và giá trị của sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương II:Sự chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ ChươngIII: Định giá giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/Chương IV:Lao động và sự di chuyển của giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương V: Lợi nhuận và nguồn gốc lợi nhuận

Liên kết đến đây