Mô hình chuyển dịch trên đất lúa
Theo tổng hợp của trung tâm khuyến nông các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, bà con nông dân đã áp dụng rất hiệu quả 4 mô hình chuyển dịch xen canh trên đất lúa như: lúa - màu; lúa - cá; lúa - tôm và lúa - rau, vừa góp phần phá thế độc canh cây lúa, cắt đi nguồn sâu bệnh có hại trên đồng ruộng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao (15 - 70 triệu đồng /ha). Những mô hình này đang được các tỉnh khuyến khích nhân rộng. .
Mô hình 2 lúa - 1 màu: Từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, khi bắt đầu vụ lúa đông - xuân, bà con nên gieo sạ bằng các giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao và có khả năng kháng sâu bệnh như OM 576, VND 95-20, AS 996, OMCS 2000, IR 50404, OM 2517, OM 4498 và OM 2395. Hạn chế các loại lúa như Jasmine 85 có phẩm chất gạo thơm ngon nhưng sức đề kháng sâu bệnh thấp. Từ tháng 2 đến tháng 6 (vụ màu), trồng bắp (ngô), đậu nành, mè (vừng) tuỳ từng điều kiện đất đai để canh tác đúng kỹ thuật. Có thể trồng các giống bắp như V991, DK888, WN10; đậu nành MTL176, MTĐ45-3; mè V6, mè đen, mè trắng. Các loại cây này sẽ bổ sung nguồn phân xanh và đạm dinh dưỡng cho đất. Vụ lúa hè -thu bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9, tiếp tục gieo sạ với các giống ngắn ngày OM2517, OM2513, OM2518, OM4498... Mô hình này có khả năng cho thu nhập 30 - 35 triệu đồng /ha/năm.
Mô hình lúa - cá: Thời vụ có thể thả cá bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5, tuỳ vào việc chuẩn bị đất và sản xuất lúa hè -thu. Khi sạ lúa 15 - 20 ngày có thể thả cá. Các loại cá thích hợp trên ruộng lúa là mè Vinh, rô phi, chép, mè trắng, trôi, sặc rằn, cá rô, thát lát, cá lóc. Mô hình này cho thu nhập 40 - 45 triệu đồng /ha, lãi 20 - 25 triệu đồng /ha.
Mô hình tôm - lúa: Có thể áp dụng cho vùng đất bị nhiễm mặn, không chủ động được nước vào mùa khô nhưng có nước ngọt dồi dào trong mùa mưa. Thời vụ nuôi tôm sú bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8, trồng lúa từ tháng 9 đến tháng Giêng năm sau. Bình quân thu nhập 45 - 55 triệu đồng /ha, trừ chi phí, lãi 25 - 30 triệu đồng /ha.
Mô hình lúa - rau: Đây là mô hình phá thế độc canh cây lúa và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích có hiệu quả được nhiều địa phương áp dụng. Các giống rau, dưa được khuyến cáo gieo trồng gồm: dưa hấu Sugar Babig, Hồng Lương, Xuân Lan, Hắc Mỹ Nhân. Dưa leo: Mummy 331, 756, Mỹ trắng, Mỹ xanh và bí đỏ Vàm Răng. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân bà con xen canh dưa hấu, rau màu các loại rồi sau đó gieo trồng tiếp vụ lúa hè -thu. Mô hình này cho thu nhập 35 - 70 triệu đồng /ha, lãi 15 - 40 triệu đồng /ha.
Riêng ở TP. Cần Thơ, vụ đông xuân 2006-2007, nông dân ngoại thành đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày (trên 15.000ha), tăng gần 100ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích rau màu gần 7.000ha, chủ yếu là dưa hấu, dưa leo, đậu, rau; cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 8.000ha, với 2 loại cây chính là đậu nành và mè, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Nguồn: Kinh tế nông thôn