Ngăn ngừa tóc rụng và hư tổn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một trong những nỗi lo lớn nhất khi chúng ta lớn tuổi có lẽ là rụng tóc hoặc tóc bị hư tổn. Thuật ngữ chỉ tình trạng rụng tóc khi có yếu tố nào đó ngăn cản tóc phát triển là anagen effluvium.[1] Tóc có thể rụng do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ gien di truyền, chế độ dinh dưỡng kém, đến stress hoặc bệnh lý. Tóc hư tổn có thể do việc xử lý tóc quá mạnh tay và chăm sóc kém. Với đa số trường hợp, cả hai vấn đề trên đều có thể được giải quyết và ngăn ngừa với phương pháp thích hợp.

Các bước[sửa]

Điều chỉnh Việc Chăm sóc Tóc[sửa]

  1. Tham khảo ý kiến nhà tạo mẫu tóc về kiểu tóc và cách xử lý nào không gây tổn hại tóc. Các kiểu xử lý tóc dùng hóa chất như thuốc nhuộm, tẩy, duỗi hoặc uốn có thể gây hư tổn cho tóc, khiến tóc gãy và rụng tạm thời.[2]
    • Một dạng hư tổn tóc và rụng tóc khác do tạo kiểu tóc là buộc tóc quá chặt (traction alopecia). Nang tóc có thể bị tổn thương vĩnh viễn nếu bạn tạo những kiểu tóc như buộc đuôi ngựa hoặc tết, khiến tóc bị kéo căng trong thời gian dài. Nên nới lỏng hơn khi buộc tóc đuôi ngựa hoặc tránh các kiểu tóc quá chặt trong cả ngày dài. Đau là một dấu hiệu cho thấy tóc bị kéo quá căng, có thể dẫn đến rụng tóc.[3]
    • Uốn tóc và nối tóc có thể dẫn đến tình trạng tóc hư tổn tương tự.
    • Chải tóc nhiều có thể làm yếu và tổn hại tóc. Đặc biệt, chải quá nhiều hoặc chải khi tóc còn ướt có thể làm gãy tóc.
  2. Dùng dầu gội và dầu xả thích hợp với loại tóc của bạn. Nếu có nhuộm tóc, bạn nên dùng dầu gội dành cho tóc nhuộm. Nếu tóc bạn được xử lý hóa chất hoặc đang bị hư tổn, bạn nên cân nhắc dùng dầu gội “2 trong 1”.[2]
    • Nhớ rằng cho dù giá cả có khác nhau, nhiều nhãn hiệu dầu gội và dầu xả có cùng hiệu quả như nhau. Bạn đừng nghĩ rằng mình phải bỏ nhiều tiền mới mua được dầu gội và dầu xả tốt. Dầu gội và dầu xả thích hợp với loại tóc của bạn quan trọng hơn là giá cả của sản phẩm.
    • Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy các sản phẩm được quảng cáo là ngăn rụng tóc hoặc giúp mọc tóc thực sự có tác dụng. Do đó bạn hãy đề phòng với các sản phẩm này.[4]
    • Một số chuyên gia về tóc khuyên dùng dầu gội em bé, vì nó nhẹ dịu cho tóc.[5]
    • Nếu bạn không chắc loại dầu gội hay dầu xả nào tốt nhất cho tóc của mình, hãy nhờ chuyên gia tóc hoặc bác sĩ da liễu tư vấn.
  3. Gội đầu với dầu gội và dầu xả nhẹ dịu hai ngày một lần. Gội mỗi ngày nếu tóc của bạn thuộc loại quá nhiều dầu. Có thể bạn nghĩ rằng không gội đầu có thể làm chậm quá trình rụng tóc, nhưng thực ra điều đó có thể làm tóc rụng nhanh hơn. Đó là vì khi bị nấm men, vi khuẩn và bã nhờn làm tắc nghẽn, các nang tóc sẽ không thực hiện đúng chức năng của nó.[5]
  4. Xoa kỹ dầu gội lên da đầu khi gội. Tập trung làm sạch da đầu thay vì gội toàn bộ chiều dài tóc. Chỉ chú ý gội kỹ tóc có thể khiến sợi tóc mỏng xơ xác, xỉn màu và thô. Nó còn khiến tóc dễ gãy rụng.[2]
  5. Dùng dầu xả sau mỗi lần gội đầu. Bạn không cần dùng dầu xả nếu đã dùng dầu gội “2 trong 1” vì loại này vừa làm sạch vừa dưỡng tóc trong cùng một sản phẩm. Dầu xả có thể cải thiện đáng kể vẻ ngoài của mái tóc hư tổn và xơ xác. Nó giúp tăng độ bóng, giảm độ ma sát và giúp tóc chắc khỏe hơn.[2]
  6. Chỉ xoa dầu xả vào đuôi tóc. Dầu xả có thể khiến sợi tóc vốn đã mỏng trông càng rũ xuống, hoặc làm mái tóc trở nên nặng nề, do đó bạn chỉ dùng dầu xả cho đuôi tóc. Không xoa dầu xả lên da đầu hoặc toàn bộ chiều dài của tóc.[2]
    • Bạn nên tránh dùng khăn chà xát tóc quá mạnh sau khi gội vì làm như vậy có thể khiến tóc gãy và hư tổn. Thay vào đó bạn nên cố gắng dùng khăn “vắt” tóc còn ướt.
  7. Bỏ qua máy sấy tóc và duỗi tóc. Hong gió cho khô để tóc khỏi bị kéo căng khi sấy hoặc duỗi. Nếu nhất định phải dùng máy sấy tóc, bạn nên để nhiệt độ thấp và đừng kéo tóc nếu bị rối. Dùng lược thưa nhẹ nhàng gỡ tóc.[2]
  8. Tạo kiểu khi tóc đã khô. Làm tóc khi còn ướt sẽ khiến tóc bị giãn và gãy. Vì vậy chỉ tết và xoắn tóc khi tóc đã khô hoặc chỉ còn hơi ẩm.[2]
    • Tránh đánh rối hoặc chải ngược tóc vì những kiểu này có thể gây tổn hại cho tóc.
  9. Hạn chế hóa chất khi làm tóc. Nếu có thói quen nhuộm tóc mỗi tháng hoặc dùng hóa chất xử lý tóc, bạn cần giảm bớt các hóa chất đó. Không nên xử lý tóc bằng hóa chất quá thường xuyên vì việc này có thể khiến nang tóc bị tổn thương và yếu đi, dẫn đến hậu quả là tóc gãy và rụng.[2]
    • Cố gắng tránh các sản phẩm “giữ nếp lâu”, vì chúng thường làm hại tóc.
  10. Bảo vệ tóc khi đi bơi. Quan trọng là bảo vệ tóc khỏi bị hư tổn do chất chlorine trong hồ bơi. Bạn nên làm ướt tóc và dùng dầu xả để dưỡng tóc trước khi đi bơi. Đội mũ bơi kín khít trước khi xuống hồ bơi.[2]
    • Sau khi bơi, bạn cũng nên dùng loại dầu gội và dầu xả sâu chuyên dành cho người đi bơi để bù lại độ ẩm cho tóc và da đầu.

Điều chỉnh Chế độ Dinh dưỡng và Lối sống[sửa]

  1. Duy trì chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Ăn uống không đủ chất có thể góp phần làm rụng tóc do thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết cho mái tóc khỏe đẹp. Đó là lý do tại sao người mắc chứng rối loạn ăn uống và người ăn chay không nạp đủ protein thường bị rụng tóc.[6] Để cải thiện độ chắc khỏe và vẻ sáng bóng của tóc, bạn nên tập trung duy trì chế độ ăn bao gồm:[7]
    • Sắt và kẽm. Sắt và kẽm giúp cho nang tóc phát triển. Hai khoáng chất này có trong thịt nạc đỏ và các thực phẩm chay khác như đậu nành hoặc đậu lăng.[8]
    • Protein. Đây là một trong những thành phần xây dựng cơ thể, hỗ trợ phát triển và sửa chữa tế bào, kể cả tóc. Phụ nữ nên ăn 46 gram protein một ngày (tham khảo: 85 gram gà chứa khoảng 23 gram protein). Các nguồn protein khác gồm cá, đậu, quả hạch và sữa chua.[9]
    • A-xít béo omega-3. Ăn các loại cá béo như cá hồi mỗi tuần hai lần để cải thiện độ chắc khỏe và vẻ sáng bóng của tóc. Ngoài tác dụng làm mượt tóc, omega-3 còn giúp giảm trầm cảm và cải thiện sức khỏe tim mạch.[6]
    • Biotin. Trong trứng có nhiều vitamin B, một loại vitamin cần thiết cho sự phát triển của tế bào và tóc. Trứng cũng là nguồn dồi dào protein, choline, và vitamin D.
    • Ngoài các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất trên, bạn cũng nên ăn đủ rau và hoa quả. Những loại hoa quả có múi như cam, các rau quả khác như dâu, dứa, cà chua, rau lá xanh đậm đều có vitamin C. Vitamin C có đặc tính chống ô-xy hóa, giúp da và tóc khỏe nhờ thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đồng thời chuyển hóa chất béo và tinh bột thành năng lượng.[6]
  2. Uống thực phẩm bổ sung vitamin. Một số loại vitamin như vitamin D có thể giúp tóc khỏe nhưng lại khó thu nạp qua thức ăn. Bạn cần uống thực phẩm bổ sung vitamin D với liều lượng khoảng 1.000 IU một ngày.[10]
    • Bạn cũng nên uống thực phẩm bổ sung vitamin B, vitamin E, và ma-giê mỗi ngày một lần để đảm bảo nạp đủ các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu.
    • Nhớ rằng không có kiểm chứng khoa học nào về mối liên hệ giữa thực phẩm bổ sung vitamin và việc ngăn ngừa rụng tóc. Tuy nhiên thực phẩm bổ sung có thể duy trì tóc hiện có, đồng thời giúp bạn có sức khỏe tốt.[4]
  3. Kiểm tra xem liệu gia đình bạn có tiền sử rụng tóc không. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc ở người lớn là rụng tóc do di truyền, đôi khi còn được gọi là chứng hói đầu kiểu nam và hói đầu kiểu nữ. Dạng rụng tóc này là do nguyên nhân kết hợp giữa gien di truyền và hormone.[3]
    • Dạng hói đầu kiểu nam tác động đến khoảng một nửa số nam giới từ 50 tuổi trở lên, thường bắt đầu từ độ tuổi trên dưới 30. Các triệu chứng bao gồm tóc trước trán lùi dần lên và tóc trên đỉnh đầu thưa đi, tạo thành hình móng ngựa ở đằng sau và hai bên đầu, thậm chí đôi khi còn tiến triển đến mức hói hoàn toàn.[3]
    • Dạng hói đầu kiểu nữ không phổ biến như hói đầu kiểu nam. Trong quá trình hói kiểu nữ, chỉ có tóc trên đỉnh đầu bị thưa đi. Không rõ hói đầu nữ có phải do di truyền hay không, nhưng việc rụng tóc dễ nhận thấy hơn ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Điều này có thể là do phụ nữ sau khi mãn kinh có ít hormon nữ hơn, dẫn đến hói đầu hoặc rụng tóc.[3]
    • Người ta thường cho rằng nam giới rụng tóc hay không là do thừa hưởng gien di truyền từ cha mẹ. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy rụng tóc do di truyền từ gien của cha và mẹ tác động đến cả nam giới và nữ giới.[11]
    • Nếu gia đình bạn có tiền sử hói đầu, bạn có thể thử dùng thuốc không kê toa điều trị rụng tóc như minoxidil (tên thương mại là Rogaine), rất có hiệu quả nếu dùng kiên trì lâu dài. Nhưng bạn nên nhớ rằng mục đích của các loại thuốc không kê toa này là để ngăn chặn tóc rụng chứ không giúp tóc mọc lại.[4]
    • Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên dùng minoxidil.
    • Tuy nhiên không có cách nào ngăn được rụng tóc do gien di truyền.
  4. Cố gắng xử lý những tác nhân gây stress trong cuộc sống. Stress và chứng rụng tóc chắc chắn là có liên quan, đặc biệt khi bạn đang đối phó với biến cố đau buồn mới xảy ra hoặc liên tục chịu áp lực. Chứng rụng tóc do sinh lý và tâm lý gọi là telogen effluvium, và nó có thể khiến bạn rụng một nửa đến ba phần tư số tóc. Tóc có thể rơi ra từng nắm khi gội, chải hoặc luồn tay vào vuốt tóc.[10]
    • Telogen effluvium thường chỉ xảy ra tạm thời, vì bạn sẽ phục hồi sau khi stress và sự kiện gây sang chấn qua đi. Nhưng nếu bạn không xử lý những tác nhân gây stress thì tình trạng rụng tóc sẽ xảy ra trong thời gian dài hoặc trở thành mạn tính. Tuy nhiên tóc có khả năng mọc lại nếu bạn kiểm soát được stress.[12]
  5. Tham gia các hoạt động giải tỏa stress như yoga, thiền hoặc chạy bộ. Bạn cũng có thể điều chỉnh lề thói hàng ngày để có thêm thời gian làm những điều mình thích, đồng thời có được sự bình yên và thanh thản trong cuộc sống.
  6. Nói chuyện với bác sĩ trị liệu hay chuyên gia tư vấn. Nếu cảm thấy stress vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc khó khăn khi đối phó với biến cố đau buồn, bạn đừng để trong lòng. Việc giãi bày với ai đó có thể giúp bạn bình tâm lại và vơi bớt căng thẳng hoặc áp lực.

Sử dụng các Liệu pháp Tại Nhà[sửa]

  1. Dưỡng tóc bằng trứng tươi. Trứng tươi là một liệu pháp tự nhiên tuyệt vời để chăm sóc mái tóc hư tổn, đồng thời cũng là một loại dưỡng tóc thiên nhiên dành cho tóc khô. Bạn có thể dùng trứng dưỡng tóc theo hai cách:[13]
    • Đánh tan hai lòng đỏ trứng, xoa lên da đầu và mát- xa. Để yên trong vài phút, sau đó gội đầu với nước mát và dầu gội. Bạn có thể dùng cách này mỗi tuần một lần.
    • Bạn cũng có thể dùng lòng đỏ trứng như dầu gội đầu tự chế. Pha trộn xà phòng nước thảo mộc, thảo mộc hữu cơ, tinh dầu và dầu ô liu. Sau đó thêm vào một quả trứng đánh tan. Xoa hỗn hợp lên da đầu và để yên trong khoảng 15 phút. Gội lại bằng nước lạnh. Bạn có thể dùng loại dầu gội này mỗi ngày một lần.
    • Dầu trứng tiện lợi hơn và không nặng mùi như trứng tươi.
  2. Làm ẩm da đầu bằng dầu dừa. Dầu dừa giàu a- xít lauric và stearic, có tác dụng làm trơn tóc. Chất dầu còn thấm sâu vào thân tóc, bảo vệ lớp biểu bì khỏi hư tổn, nhờ đó tóc của bạn trông khỏe mạnh và tươi mát.[14]
    • Dùng dầu dừa nguyên chất mát- xa lên da đầu. Để qua đêm. Bao đầu lại để ủ dầu dừa trong tóc.
    • Xả sạch dầu dừa dưới vòi sen nước mát vào sáng hôm sau.
  3. Dùng kem chua hoặc sữa chua để làm sạch các sản phẩm tạo kiểu tóc trên tóc. Các sản phẩm tạo kiểu tóc, cũng giống như không khí ô nhiễm, có thể bám lại trên tóc, làm mất độ ẩm và làm tóc xỉn màu. Các sản phẩm sữa như kem chua hoặc sữa chua trắng có thể giúp phục hồi những hư tổn này. A-xít lactic trong các sản phẩm sữa sẽ nhẹ nhàng rửa trôi bụi bẩn và dưỡng ẩm cho tóc.[15]
    • Dùng 1/2 cup (120 ml) kem chua hoặc sữa chua trắng mát-xa lên tóc hơi ẩm. Để yên trong 20 phút.
    • Xả sạch kem và sữa chua bằng nước ấm, sau đó xả lại bằng nước mát.
    • Gội đầu bằng dầu gội như thường lệ.
    • Bạn có thể dùng phương pháp này hai tuần một lần.
  4. Dùng bia dưỡng tóc yếu và xỉn màu. Để mái tóc có thêm sức sống, bạn hãy dùng một thức uống dường như chẳng liên quan gì đến cái đẹp: bia. Loại thức uống lên men này có thành phần nấm men, có tác dụng giữ ẩm cho mái tóc yếu hoặc xỉn màu.[15]
    • Để bia lắng xuống. Rót bia vào chậu và để yên khoảng vài tiếng để khí carbonat bay đi hết.
    • Pha trộn 1/2 cup (120 ml) bia đã làm lắng với 1 thìa cà phê dầu nhẹ như dầu hướng dương hoặc dầu hạt cải và một quả trứng tươi. Xoa hỗn hợp này lên tóc sạch và ẩm. Để yên trong 15 phút, sau đó xả với nước mát.
    • Bạn cũng có thể rót bia đã làm lắng vào bình xịt và xịt lên tóc khô. Bia sẽ bay hơi đi, để lại trên tóc chất protein của lúa mì, mạch nha hoặc cây hoa bia, giúp tóc chắc khỏe.
    • Dùng cả hai phương pháp này hai tuần một lần.
  5. Dưỡng tóc với quả bơ. Quả bơ là một loại kem dưỡng tóc tự nhiên rất tốt, vì chất béo trong quả bơ kích thích mọc tóc và khiến tóc khỏe hơn. Chất dầu và protein trong quả bơ cũng giúp làm mượt và kéo những sợi tóc ương bướng vào nếp.[15]
    • Nghiền nửa quả bơ và mát –xa lên tóc sạch và ẩm. Để yên trong 15 phút trước khi xả sạch với nước.
    • Bạn có thể tăng hiệu quả dưỡng ẩm của quả bơ bằng cách kết hợp một quả bơ với 1-2 thìa cà phê kem chua, lòng đỏ trứng hoặc sốt mayonnaise.
    • Dùng liệu pháp này hai tuần một lần.
  6. Dưỡng ẩm cho tóc bằng lô hội. Lô hội là một chất dưỡng ẩm thiên nhiên cho da và tóc. Bạn có thể dùng lô hội dưới dạng nước ép hoặc gel.[14]
    • Xoa nước lô hội lên da đầu và đuôi tóc. Sau vài phút gội sạch bằng nước ấm.
    • Bạn cũng có thể điều chế một hỗn hợp gồm 4 thìa canh gel lô hội, 2 thìa canh dầu dừa và 3 thìa canh sữa chua. Trộn đều và xoa lên tóc. Để yên trong 10 phút trước khi gội sạch bằng nước ấm.
  7. Dùng mật ong để cải thiện tóc khô và hư tổn do nắng. Có thể bạn gội đầu bằng loại nước cứng, hay bạn để đầu trần dưới ánh nắng quá lâu, hoặc ngày nào bạn cũng duỗi tóc. Nếu độ ẩm của tóc bị mất đi qua các hoạt động trên, bạn hãy dưỡng ẩm cho tóc bằng mật ong.
    • Dùng 1/2 cup (120 ml) mật ong mát-xa lên tóc sạch và ẩm. Để yên trong 20 phút, sau đó gội sạch với nước ấm.[15]
    • Bạn cũng có thể thêm 1-2 thìa canh dầu ô liu vào để làm loãng mật ong cho dễ xoa lên tóc.
    • Với mái tóc hư tổn nặng do cháy nắng, bạn hãy trộn mật ong với 1-2 thìa canh nguyên liệu giàu protein như quả bơ hoặc lòng đỏ trứng. Việc này sẽ giúp bổ sung liên kết keratin protein của tóc vốn đã bị hư tổn do tia UV.
    • Áp dụng phương pháp này mỗi tháng một lần.
  8. Làm ẩm da đầu và tóc khô với dầu ô liu và chanh. Nếu da đầu bị khô và ngứa hoặc bong vảy, bạn hãy dùng dầu ô liu và nước cốt chanh. Chất a –xít trong nước cốt chanh giúp loại bỏ các vảy khô bị bong tróc. Sau đó dầu ô liu có thể làm ẩm vùng da đầu mới lộ ra.[15]
    • Trộn 2 thìa canh nước cốt chanh tươi với 2 thìa canh dầu ô liu và 2 thìa canh nước. Dùng hỗn hợp này mát-xa lên da đầu ẩm.
    • Để yên trong 20 phút. Sau đó gội sạch với dầu gội.
    • Phương pháp này có thể áp dụng 2 tuần một lần.

Điều trị Y khoa[sửa]

  1. Bạn cần nhớ rằng thuốc ngăn rụng tóc có thể không hiệu quả. Có nhiều loại thuốc mỡ, kem và dầu gội trên thị trường hứa hẹn ngăn ngừa tóc rụng hoặc giúp tóc mọc lại. Nhưng nhiều sản phẩm trong số đó chưa được khoa học kiểm chứng hoặc được giới y khoa công nhận là có hiệu quả. Trước khi thử dùng các sản phẩm ngăn rụng tóc, bạn nên tham khảo bác sĩ về hiệu quả và các cách điều trị khác phù hợp với bạn.[3]
    • Bác sĩ có thể cho bạn thuốc uống hoặc thậm chí đề nghị điều trị laser để giúp giảm tóc rụng hoặc mọc lại tóc.
    • Thông thường bác sĩ không điều trị chứng hói đầu kiểu nam và nữ, vì các dạng rụng tóc này được cho là một phần tự nhiên của tuổi tác và không gây rủi ro về sức khỏe.
    • Nếu bạn muốn điều trị chứng hói đầu vì lý do thẩm mỹ, hiện có hai loại thuốc điều trị: finasteride vàminoxidil (tên thương mại: Rogaine). Nhưng các phương pháp điều trị này không có hiệu quả cho tất cả mọi người và chỉ có tác dụng khi nào vẫn còn dùng, ngoài ra có thể khá đắt.
    • Spironolactone có thể đem lại hiệu quả cho một số phụ nữ.
    • Ngoài ra còn có các giải pháp phẫu thuật để xử lý tình trạng rụng tóc, bao gồm cấy tóc và cấy tóc nhân tạo. Nhưng đây được coi là phẫu thuật lớn và phải do bác sĩ chính thức thực hiện. Bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi cân nhắc cấy hoặc ghép tóc.
  2. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc đổi thuốc điều trị nếu loại thuốc bạn đang dùng gây rụng tóc. Đôi khi thuốc do bác sĩ kê toa có thể gây rụng tóc. Các thuốc hóa trị chữa ung thư thường được biết là gây rụng tóc. Nhưng tóc rụng cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc trị mụn, thuốc chữa bệnh rối loạn lưỡng cực và thuốc điều trị chứng ADHD.[16]
    • Viên uống giảm cân chứa amphetamine cũng có thể gây rụng tóc.
    • Không bao giờ chỉ ngừng uống thuốc, mà nên kham khảo bác sĩ về các lựa chọn khác trong việc điều trị để xem liệu bạn có thể đổi sang loại thuốc khác không gây rụng tóc không.[16]
    • Nếu bạn bị các bệnh như tiểu đường hoặc bệnh về tuyến giáp, việc chăm sóc tốt có thể giúp giảm hoặc ngăn chặn rụng tóc.
  3. Đến bác sĩ da liệu khám khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh rụng tóc hoặc tổn thương tóc. Các triệu chứng bao gồm:[10]
    • Tóc rụng bất thường, chẳng hạn như rụng nhiều mảng hoặc chỉ rụng một phần trên da đầu.
    • Nếu tóc rụng nhanh, đặc biệt khi bạn dưới hai mươi tuổi.
    • Đau hoặc ngứa trên da đầu kèm rụng tóc.
    • Da đầu đỏ, bong vảy hoặc có vẻ bất thường.
    • Tăng cân hoặc yếu cơ, dễ nhiễm cảm cúm, dễ mệt mỏi.
    • Cố gắng tìm một bác sĩ da liễu chuyên trị rụng tóc.
  4. Nộp mẫu xét nghiệm cho bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể xem xét bệnh sử của bạn và làm một số xét nghiệm tóc và da đầu để chẩn đoán nguyên nhân gây rụng tóc. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm khác như:[10]
    • Xét nghiệm máu để loại trừ bệnh.
    • Kiểm tra sợi tóc dưới kính hiển vi.
    • Mẫu sinh thiết da.
  5. Trả lời các câu hỏi của bác sĩ da liễu. Trong khi khám bệnh, bác sĩ có thể hỏi một số câu hỏi như sau:[10]
    • Bạn chỉ bị rụng tóc trên đầu, hay còn rụng lông ở các phần khác trên cơ thể?
    • Bạn có để ý về kiểu rụng tóc, chẳng hạn như tóc mọc lùi dần lên hay mọc thưa đi trên đỉnh đầu, hay tóc rụng đều trên toàn bộ da đầu?
    • Bạn có nhuộm tóc không?
    • Bạn có sấy tóc không? Nếu có thì sử dụng thường xuyên như thế nào?
    • Bạn dùng loại dầu gội nào? Bạn sử dụng các sản phẩm nào khác dành cho tóc như gel hoặc keo xịt tóc?
    • Gần đây bạn có bị bệnh hoặc sốt cao không?
    • Gần đây bạn có bị áp lực nào đặc biệt không?
    • Bạn có thói quen lo âu nào như kéo tóc hoặc gãi đầu không?
    • Bạn có uống loại thuốc nào không, kể cả thuốc không kê toa?
  6. Kiểm tra với bác sĩ da liễu về bệnh trạng có thể gây rụng tóc. Các bệnh lý về nội tiết như bệnh tiểu đường hoặc bệnh về tuyến giáp (không được kiểm soát) có thể cản trở quá trình mọc tóc và gây rụng tóc. Người bị bệnh lupus cũng có thể bị rụng tóc.[1]
    • Tương tự, sự mất cân bằng nội tiết xảy ra ở hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây rụng tóc ở phụ nữ.[16]
    • Bạn cũng có thể bị rụng tóc nếu mắc chứng rối loạn ăn uống như biếng ăn hoặc cuồng ăn. Điều này là do cơ thể bạn không có đủ chất dinh dưỡng như protein, vitamin và khoáng chất hỗ trợ cho quá trình mọc tóc.
    • Bệnh nhiễm nấm như nấm da đầu tinea capitis, có thể gây rụng tóc ở trẻ em. Bệnh này thường làm bong vảy trên da đầu, gãy tóc kèm rụng tóc loang lổ, có thể điều trị bằng thuốc uống và dầu gội đặc biệt.[17]
    • Alopecia areata (rụng tóc từng mảng) là tình trạng hệ miễn dịch tấn công các nang tóc, có thể gây rụng tóc nghiêm trọng. Bác sĩ da liễu có thể điều trị bằng thuốc uống, thuốc bôi và thuốc tiêm.[18]
    • Một số người ăn chay bị rụng tóc vì họ không nạp đủ protein từ các nguồn thực phẩm chay. Một số vận động viên có nguy cơ cao mắc chứng thiếu máu do thiếu sắt. Chứng thiếu máu sẽ dẫn đến rụng tóc.
    • Việc mang thai hoặc mới sinh con cũng có thể liên quan đến tình trạng rụng tóc.
    • Nếu mắc bệnh trichotillomania (chứng nghiện giật tóc), bạn nên tìm sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/health-and-beauty/hair-care/hair-loss-vs--hair-shedding
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 2,6 2,7 2,8 https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/health-and-beauty/hair-care/tips-for-healthy-hair
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 http://www.nhs.uk/Conditions/Hair-loss/Pages/Introduction.aspx
  4. 4,0 4,1 4,2 http://articles.chicagotribune.com/2014-04-23/lifestyle/sns-201404220000--tms--premhnstr--k-a20140423-20140423_1_hair-loss-minoxidil-male-pattern-baldness
  5. 5,0 5,1 http://www.theguardian.com/lifeandstyle/2007/oct/28/healthandwellbeing
  6. 6,0 6,1 6,2 http://www.details.com/blogs/daily-details/2013/08/foods-that-prevent-hair-loss-what-to-eat-to-get-these-7-essential-vitamins-and-nutrients.html
  7. http://www.health.com/health/gallery/0,,20734150,00.html
  8. http://www.health.com/health/gallery/0,,20734150_4,00.html
  9. http://www.health.com/health/article/0,,20410520,00.html
  10. 10,0 10,1 10,2 10,3 10,4 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003246.htm
  11. http://www.wsj.com/articles/SB122393553747430381
  12. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/expert-answers/stress-and-hair-loss/faq-20057820
  13. https://www.organicfacts.net/home-remedies/home-remedies-for-damaged-hair.html
  14. 14,0 14,1 http://www.homeremedyshop.com/37-proven-home-remedies-for-dry-hair/
  15. 15,0 15,1 15,2 15,3 15,4 http://www.womansday.com/style/beauty/advice/a1853/8-homemade-hair-treatments-110251/
  16. 16,0 16,1 16,2 http://kidshealth.org/teen/diseases_conditions/skin/hair_loss.html#
  17. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000878.htm
  18. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/a---d/alopecia-areata

Liên kết đến đây