Ngăn ngừa rụng tóc do căng thẳng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đôi khi, căng thẳng thể chất hoặc tinh thần có thể dễn đến rụng tóc, đây là mối quan tâm hàng đầu đối với hầu hết mọi người và là một quá trình mà bất kỳ người nào cũng muốn đảo ngược. Tuy nhiên, do chu kỳ phát triển của tóc khá lâu, mọi người thường sẽ bắt đầu rụng tóc một vài tuần hoặc một vài tháng sau khi gặp phải sự kiện gây căng thẳng, và quá trình này có thể tiếp tục trong nhiều tháng sau đó. May mắn thay, tóc thường sẽ mọc trở lại một khi nguồn gây căng thẳng đã bị loại bỏ, và có khá nhiều phương pháp mà bạn có thể thực hiện nhằm hỗ trợ cho quá trình này. Tiến hành tham khảo Bước 1 dưới đây để tìm hiểu biện pháp xoa dịu sự căng thẳng và chăm sóc tóc phù hợp để giảm thiểu trình trạng rụng tóc.

Các bước[sửa]

Tìm hiểu về Tình trạng Rụng tóc do Căng thẳng[sửa]

  1. Làm quen với những loại rụng tóc do căng thẳng. Tình trạng rụng tóc liên quan đến căng thẳng có ba loại chính như sau:
    • Telogen effluvium: Đối với tình trạng rụng tóc telogen, căng thẳng có thể làm một số nang tóc bước vào giai đoạn nghỉ, khiến tóc ngừng mọc. Một vài tháng sau, sợi tóc gắn liền với nang tóc bị ảnh hưởng sẽ bắt đầu rụng, và tóc sẽ rụng nhiều hơn so với bình thường. Đây có thể là tình trạng rụng tóc do căng thẳng phổ biến nhất.
    • Alopecia areata: Đối với tình trạng rụng tóc theo từng phần (alopecia areata), hệ miễn dịch của cơ thể bất ngờ tấn công nang tóc và gây rụng tóc, đôi khi với số lượng lớn. Tình trạng rụng tóc này có thể có nhiều nguyên nhân, và căng thẳng cũng nằm trong số những nguyên nhân đó.
    • Trichotillomania: Đây là tình trạng hoàn toàn khác biệt với hai loại trên, vì nó liên quan đến hành động thích giật tóc của người bệnh đối với mái tóc của chính mình, cho dù là tóc trên đầu, lông mày hoặc tại những vị trí khác trên cơ thể. Người bệnh sử dụng thói quen này như là cách để đối phó với căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, cô đơn hoặc chán nản.[1]
  2. Đi khám bệnh để được chuẩn đoán cụ thể. Mối liên quan giữa các loại rụng tóc với căng thẳng vẫn chưa được nghiên cứu rõ.
    • Mặc dù trong một vài trường hợp, căng thẳng chính là nguyên nhân trực tiếp gây rụng tóc, trong nhiều trường hợp khác, căng thẳng lại là tác nhân khiến tình trạng rụng tóc của bạn trở nên trầm trọng hơn. Và đôi khi, rụng tóc sẽ khiến bạn bị căng thẳng, chứ không phải ngược lại.
    • Mặc dù hầu hết các tình trạng rụng tóc sẽ không đòi hỏi sự chăm sóc y tế, tuy nhiên, có nhiều trường hợp rụng tóc không phải là kết quả của căng thẳng (như là bạn nghĩ), nhưng thực chất lại là dấu hiệu của vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên đi khám bệnh hơn là tự mình chuẩn đoán.
    • Một vài loại bệnh lý nghiêm trọng có thể gây rụng tóc bao gồm suy giáp, các chứng bệnh tự miễn chẳng hạn như lupus và hội chứng buồng trứng đa năng (PCOS). Nếu bạn bị suy giáp hoặc PCOS, có nhiều phương pháp điều trị mà bạn có thể lựa chọn để giúp tóc mọc trở lại. Tuy nhiên, đối với tình trạng rụng tóc liên quan đến chứng bệnh tự miễn, tóc của bạn sẽ vĩnh viễn không thể mọc trở lại. [2]
  3. Cần biết rằng tóc thường sẽ tự mọc lại. Nếu rụng tóc thật sự là do căng thẳng, bạn nên tập trung vào phương pháp điều trị giúp giảm thiểu hoặc loại bỏ sự căng thẳng.
    • Một khi sự căng thẳng đã được loại bỏ, tóc của bạn sẽ tự mọc trở lại mà không cần phải sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.[3]
    • Điều quan trọng là bạn phải kiên nhẫn. Chu kỳ tăng trưởng của tóc thường khá chậm, và bạn có thể sẽ phải chờ đợi một vài tháng trước khi có thể nhận thấy sự cải thiện đáng kể.
    • Bạn chỉ cần cố gắng hết sức để tránh cảm thấy căng thẳng khi đang trong quá trình này, vì như vậy sẽ chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn. Bạn nên tin tưởng vào khả năng tái tạo tóc của nang tóc và chỉ có như vậy bạn mới không còn cần phải lo lắng.

Giảm thiểu Căng thẳng Thể chất và Tinh thần[sửa]

  1. Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ có thể góp phần gây căng thẳng thể chất và tinh thần, đặc biệt nếu tình trạng thiếu ngủ kéo dài. Nó có thể ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng, năng suất làm việc và tâm trạng tổng thể của bạn, và từ đó, có thể dẫn đến căng thẳng hoặc lo âu gây rụng tóc.
    • Cải thiện giấc ngủ bằng cách hình thành thói quen ngủ đều đặn - điều này có nghĩa là thức dậy và đi ngủ đúng giờ mỗi ngày. Bạn nên cố gắng ngủ ít nhất 7 - 8 giờ mỗi đêm.
    • Tránh thực hiện bất kỳ một hành động nào quá kích thích trước khi đi ngủ. Không nên xem phim hoặc chương trình TV kinh dị, tránh xa ánh sáng từ màn hình máy tính và điện thoại và không tập thể dục hoặc ăn uống bất kỳ thứ gì. Thay vào đó, bạn có thể đọc sách hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng trước khi đi ngủ.
  2. Sở hữu chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn uống lành mạnh sẽ cung cấp thêm nhiều năng lượng cho cơ thể, cho phép cơ thể có thể đối phó tốt hơn với căng thẳng. Chế độ dinh dưỡng cũng góp phần làm tăng sự chắc khỏe cho tóc, giảm thiểu tình trạng rụng tóc.
    • Ăn ít nhất ba bữa mỗi ngày. Không bao giờ được bỏ bữa sáng, vì bữa sáng sẽ giúp sự trao đổi chất trong cơ thể hoạt động và giúp bạn tránh được tình trạng thèm ăn những đồ ăn vặt không lành mạnh trước giờ ăn trưa.
    • Tránh xa thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều đường và axit béo cấu hình trans. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn, chẳng hạn như quả bơ, cá béo, đậu hạt và quả oliu.
    • Tăng cường lượng vitamin và khoáng chất cần thiết góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của tóc và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn, chẳng hạn như vitamin A, B, C và E, kẽm, selen và magiê. Axit béo omega-3 cũng rất có lợi vì chúng giúp cải thiện sức khỏe da đầu của bạn.
  3. Tập thể dục nhiều hơn. Tập thể dục là hành động cực kỳ có lợi trong việc xoa dịu căng thẳng về mặt tinh thần. Khi bạn tập thể dục, cơ thể của bạn giải phóng endorphin - còn được biết đến dưới tên gọi hormon hạnh phúc - giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn và thư giãn hơn.
    • Bạn có thể lựa chọn loại thể dục thể thao mà bạn thích - khi bàn về vấn đề giải tỏa căng thẳng, hãy tìm đến hoạt động mà bạn yêu thích, cho dù nó có là chạy bộ, chèo thuyền, đạp xe, khiêu vũ hay leo núi. Bạn có thể thực hiện bất kỳ điều gì làm tăng nhịp tim và đem lại nụ cười trên khuôn mặt bạn.
    • Ngoài ra, bạn cũng nên thêm yoga hoặc thiền vào thói quen mỗi tuần của bạn, vì các nghiên cứu đã được chứng minh rằng chúng có khả năng giảm thiểu căng thẳng một cách hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể tập thiền tại nhà hoặc tại bàn làm việc - bất kỳ nơi nào mà bạn có thể tách biệt bản thân khỏi sự hối hả của thế giới trong một vài phút và chỉ phải tập trung vào việc làm trống tâm trí.
  4. Đến gặp nhà trị liệu. Theo thời gian, căng thẳng tinh thần có thể trở nên khá tồi tệ nếu bạn kìm nén cảm xúc của mình và lảng tránh khi phải bàn về nguồn gốc gây căng thẳng của bản thân. Vì vậy, đến gặp nhà trị liệu để trò chuyện về mối lo lắng của bạn có thể khá hữu ích và giúp bạn giảm thiểu căng thẳng.
    • Nếu bạn không thích đến gặp nhà trị liệu, ít nhất bạn cũng nên cởi mở với bạn bè mà bạn tin tưởng hoặc gia đình của bạn. Đừng ngần ngại khi phải biến họ thành người mà bạn có thể trút bỏ tâm sự - họ sẽ vô cùng vui vẻ khi được sẻ chia cùng bạn.
    • Ngay cả khi phương pháp trò chuyện không thể xoa dịu tình trạng căng thẳng, nó có thể giúp bạn thay đổi quan điểm của bạn và cung cấp cho bạn cái nhìn tích cực hơn. Chia sẻ cùng bạn bè và gia đình cũng có thể giúp bạn nhận thức được rằng bạn có nguồn hỗ trợ mạnh mẽ xung quanh bạn và rằng bạn không cần phải một mình đối mặt với căng thẳng.
  5. Cho phép cơ thể có thời gian để hồi phục sau sự thay đổi quan trọng trong sinh lý. Thay đổi quan trọng trong sinh lý - chẳng hạn như phẫu thuật, tai nạn xe, bệnh tật hoặc sinh nở - có thể gây chấn thương khá lớn cho cơ thể của bạn, ngay cả khi tinh thần của bạn hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Đây cũng là lý do vì sao mọi người thường nhận thấy rằng họ bắt đầu bị rụng tóc sau 3 - 6 tháng kể từ khi có sự thay đổi về mặt sinh lý.
    • Khi tình trạng này xuất hiện, điều quan trọng mà bạn cần nhớ chính là mọi chuyện đã xảy ra. Bạn không thể làm gì để thay đổi ảnh hưởng của chấn thương sinh lý sau khi nó xuất hiện.
    • Vì vậy, giải pháp duy nhất đó chính là cho phép cơ thể có thời gian để hồi phục. Tình trạng rụng tóc không phải là vĩnh viễn, do đó, một khi cơ thể bạn đã hồi phục sau sự kiện căng thẳng, tóc của bạn sẽ bắt đầu mọc trở lại.
  6. Kiểm tra các loại thuốc mà bạn sử dụng. Nhiều loại thuốc có thể gây rụng tóc, do đó khiến tình trạng rụng tóc liên quan đến căng thẳng trở nên tồi tệ hơn.
    • Loại thuốc phổ biến nhất gây nên vấn đề này bao gồm thuốc làm loãng máu và thuốc huyết áp (thuốc ức chế beta). Các loại thuốc khác có thể gây ảnh hưởng tương tự bao gồm methotrexate (đối với tình trạng thấp khớp), lithium (dành cho bệnh rối loạn lưỡng cực) và một vài loại thuốc kháng viêm không chứa steroid khác. [2]
    • Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào trong các loại thuốc trên và bạn nghi ngờ rằng chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến mái tóc của bạn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc hạ thấp liều lượng thuốc hoặc thay đổi sang loại thuốc khác.

Thúc đẩy Sự phát triển của Mái tóc Khỏe mạnh[sửa]

  1. Ăn nhiều protein. Mái tóc của bạn được cấu tạo chủ yếu từ protein, vì vậy, tăng cường lượng protein trong chế độ ăn uống hằng ngày rất cần thiết cho một mái tóc khỏe mạnh. Nếu bạn không cung cấp đủ lượng protein, cơ thể của bạn sẽ ngừng cung cấp protein cho tóc để có thể tập trung chúng vào các chức năng khác của cơ thể.
    • Khi mái tóc của bạn không có đủ lượng protein cần thiết, nó sẽ ngừng phát triển. Và kết quả là khi sợi tóc hiện tại kết thúc chu kỳ tăng trưởng và rụng đi (quá trình này được gọi là catagen), tóc bạn sẽ trông ít hơn bình thường.
    • Tuy nhiên, bạn không nên lo lắng - một khi bạn cung cấp đủ lượng protein thông qua chế độ dinh dưỡng hằng ngày, tóc sẽ bắt đầu mọc lại và nhanh chóng trở nên dày hơn.
    • Nguồn protein tốt nhất bao gồm cá (chẳng hạn như cá ngừ, cá hồi và cá bơn), thịt gia cầm trắng (ví dụ như thịt gà thông thường và thịt gà tây), trứng, sản phẩm chế biến từ sữa (chẳng hạn như sữa tươi, phó mát và sữa chua), đậu (như đậu tây đỏ, đậu trắng, đậu lima và đậu đen) và thịt bò, thịt bê, thịt lợn và đậu phụ.[4]
  2. Tăng cường lượng vitamin B và giảm lượng vitamin A. Vitamin B khá cần thiết cho sự tăng trưởng của một mái tóc khỏe mạnh, vì vậy, nếu bạn không cung cấp đủ lượng vitamin B cần thiết, tóc của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, quá nhiều vitamin A cũng có thể gây rụng tóc, do đó, bạn cũng cần phải giảm thiểu lượng vitamin A.
    • Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin B khá phổ biến, nhưng nó có thể gây nên nhiều vấn đề cho một số người. Để tăng cường lượng vitamin B, bạn nên ăn nhiều cá và thịt nạc, rau có chứa tinh bột và hoa quả không thuộc họ cam quýt.
    • Để giảm lượng vitamin A, hãy hạn chế sử dụng thực phẩm bổ sung hoặc thuốc có chứa vitamin A. Bạn nên nhớ rằng lượng vitamin A được khuyến cáo tiêu thụ mỗi ngày (đối với người trên bốn tuổi) là 5000 IU.[2]
  3. Tránh chế độ ăn kiêng có hàm lượng calo thấp. Chế độ ăn kiêng ít calo thường loại bỏ nhiều vitamin, dưỡng chất và chất béo lành mạnh cần thiết cho sự hoạt động của cơ thể và duy trì sự phát triển của mái tóc khỏe mạnh.
    • Ngoài ra, giảm cân nhanh (là kết quả của quá trình ăn kiêng ít calo) có thể gây căng thẳng thể chất nghiêm trọng cho cơ thể, và có thể gây rụng tóc.
    • Điều quan trọng là bạn phải ăn uống lành mạnh và điều này có nghĩa là cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng cần thiết. Nếu bạn đang cố gắng giảm cân, bạn có thể tiến hành bằng cách tuân theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn, nhiều dưỡng chất hơn và bằng cách thường xuyên tập thể dục.
    • Cố gắng giảm cân một cách từ từ và ổn định thay vì bỏ đói bản thân để giảm cân nhanh. Mục tiêu an toàn và dễ kiểm soát nhất đó là giảm từ 0,5 - 1 kg mỗi tuần.
    • Nhiều loại thực phẩm có nhiều chất béo và có lượng calo cao thực chất lại rất tốt cho sức khỏe của bạn và cung cấp cho bạn dưỡng chất cần thiết. Các loại đậu hạt, quả bơ và cá béo đều là thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn, nhưng chúng cũng rất tốt cho sức khỏe và bạn nên thêm chúng vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày của bạn.
  4. Chăm sóc tốt cho tóc. Chăm sóc tốt cho tóc sẽ góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể của tóc, khiến tóc chắc khỏe hơn và ít rụng hơn.
    • Bắt đầu bằng việc sử dụng dầu gội và dầu xả phù hợp với loại tóc của bạn. Tóc khô sẽ cần sản phẩm tăng cường độ ẩm, trong khi tóc dầu hoặc tóc mỏng nên sử dụng các loại sản phẩm dịu nhẹ hơn.
    • Tránh sản phẩm chăm sóc tóc chứa nhiều hóa chất. Bạn nên tránh dầu gội chứa sulfat hoặc paraben và nên dùng sản phẩm có thành phần thiên nhiên và hữu cơ.
    • Ngoài ra, bạn cũng nên tránh gội đầu quá thường xuyên, vì hành động này có thể loại bỏ lượng dầu tự nhiên trên tóc, khiến chúng bị khô, xơ và dễ gãy. Đối với hầu hết các loại tóc, bạn chỉ nên gội đầu sau mỗi hai hoặc ba ngày.
    • Nuôi dưỡng tóc nhiều hơn bằng cách đến tiệm làm tóc để thực hiện biện pháp giúp cung cấp độ ẩm và sự bóng mượt cho tóc, hoặc bằng cách sử dụng mặt nạ cho tóc được làm tại nhà. Các loại dầu chẳng hạn như dầu dừa, dầu argan và dầu hạnh nhân có thể cải thiện tình trạng của tóc một cách tối ưu, khiến tóc trở nên mềm mượt và óng ả hơn.
    • Tỉa tóc mỗi 6 - 8 tuần để duy trì vẻ đẹp cho tóc. Cách này sẽ giúp loại bỏ tình trạng chẻ ngọn và giúp tóc của bạn trông đẹp hơn.[5]
  5. Không nên tạo kiểu tóc quá nhiều. Thường xuyên tạo kiểu cho tóc là một trong những vấn đề to lớn ảnh hưởng đến sự chắc khỏe của tóc. Ngày nay, phụ nữ thường thích sấy tóc, duỗi tóc và uốn tóc bằng những dụng cụ tạo kiểu bằng nhiệt. Chúng sẽ tàn phá sức khỏe của tóc.
    • Hạn chế sử dụng các thiết bị tạo kiểu cho tóc. Bạn nên để tóc khô tự nhiên, tạo kiểu cho tóc bằng cách sử dụng một ít mousse hoặc uốn tóc thông qua phương pháp không sử dụng nhiệt, chẳng hạn như dùng ống cuốn tóc.
    • Tránh nghịch tóc quá nhiều, ví dụ như vặn tóc, kéo tóc hoặc tách bỏ phần chẻ ngọn của tóc. Bạn cũng nên cẩn thận khi buộc tóc đuôi ngựa - buộc tóc quá chặt có thể gây rụng tóc (rụng tóc từng phần). Không buộc tóc càng thường xuyên càng tốt (đặc biệt vào ban đêm) và chỉ nên buộc tóc đuôi ngựa hoặc tết tóc thấp và lỏng. Bạn cũng không nên chải tóc quá thường xuyên.
    • Cẩn thận khi sử dụng thuốc nhuộm tóc, vì chúng có thể nhanh chóng khiến tóc bị khô, hư tổn và xử lý tóc quá mức. Mỗi lần nhuộm tóc nên cách nhau càng lâu càng tóc, và suy nghĩ kỹ càng trước khi bạn tiến hành nhuộm tóc theo phương pháp có liên quan đến việc tẩy màu tóc. Bạn nên xem xét sử dụng kỹ thuật nhuộm tóc tự nhiên, chẳng hạn như henna, là biện pháp nhuộm tóc nhưng đồng thời giúp nuôi dưỡng tóc.

Lời khuyên[sửa]

  • Kiểm tra và giảm thiểu áp lực về mặt xã hội, tình cảm, và công việc đang đè nặng trên vai bạn, cũng như áp lực mà bạn đang đặt trên vai người khác, sẽ có thể giúp bạn giảm thiểu căng thẳng.
  • Mát-xa không chỉ giúp xoa dịu tình trạng căng cơ bắp mà còn thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể và làm giảm sự căng thẳng về mặt tinh thần và cảm xúc.
  • Viết nhật ký sẽ cho phép bạn có thể bộc lộ nỗi thất vọng mà bạn kìm nén.

Cảnh báo[sửa]

  • Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 60 có thể gặp phải tình trạng rụng tóc telogen effluvium mãn tính và quá trình này sẽ thay đổi theo thời gian. Nó có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ da đầu nhưng sẽ không gây hói đầu. Đây cũng là tình trạng bệnh lý tự giới hạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây