Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới: Chính trị và khoa học
Nước Đức sẽ tiến hành cuộc bầu cử toàn quốc sau hai ngày nữa. Một trong những ứng cử viên thủ tướng chính là thủ tướng đương nhiệm, nữ tiến sỹ hóa học lượng tử, bà Angela Merkel - người đứng đầu danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes [1].
Mục lục
Sơ lược tiểu sử[sửa]
Angela Merkel sinh ngày 17 tháng 6 năm 1954 tại Hamburg. Sau khi học phổ thông ở Templin (Uckermark)bà theo học ngành Vật lý tại Đại học Leipzig từ 1973 – 1978. Sau khi tốt nghiệp Angela Merkel làm việc tại Viện khoa học hàn lâm Đông Béclin (1978 – 1990) và hoàn thành luận án tiến sỹ Hóa lượng tử vào năm 1986. Ba năm sau đó bà nhập đảng Demokratischer Aufbruch (tạm dịch: Đảng thức tỉnh dân chủ, một đảng mới được thành lập khi đó) và được bầu vào quốc hội năm 1990. Khi đảng của Angela Merkel sát nhập với Đảng liên minh dân chủ cơ đốc (Christlich Demokratische Union Deutschlands - CDU). Ngay sau đó bà trở thành người phát ngôn cho cuộc bầu cử tự do đầu tiên của CHDC Đức. Từ năm 1991 đến 1994 Merkel là bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên sau đó giữ cương vị bộ trưởng Môi trường, bảo vệ thiên nhiên và hạt nhân. Năm 1998 bà trở thành Tổng thư ký đảng CDU sau đó trở thành chủ tịch đảng (Vorsitzende) từ năm 2000. Hai năm sau Merkel trở thành chủ tịch của liên minh giữa Đảng dân chủ cơ đốc (CDU) với Đảng Liên minh xã hội cơ đốc tại vùng Bayern (Christlich-Soziale Union in Bayern - CSU). Cuộc bầu cử năm 2005 đã đưa bà trở thành thủ tướng của CHLB Đức [2].
Thành tích khoa học[sửa]
Merkel cùng đồng nghiệp đã công bố hàng chục công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc các lĩnh vực hóa học, lý hóa, hóa lý. Hướng nghiên cứu chính của Merkel là ảnh hưởng của mối tương quan không gian đến phản ứng hóa học của hệ khí và liên kết carbon-hydro trong gốc methyl. Đặc biệt vào năm 1998, khi đã giữ cương vị cao trong hệ thống chính trị, bà đã có bài viết trên tạp chí Science nổi tiếng với nhan đề "Vai trò của khoa học trong phát triển bền vững" - The Role of Science in Sustainable Development.
Năm 2007 bà được Đại học Hebrew (Jerusalem) trao bằng tiến sỹ danh dự. Năm tiếp theo (tháng 6 và tháng 11/2008) hai đại học Leipzig (Đức) và Wrocław (Ba Lan) lần lượt trao bằng tiến sỹ danh dự cho bà.
Angela Merkel: Khoa học trong phát triển bền vững[sửa]
Mở đầu bài viết trên Science, Angela Merkel đề cập đến những thách thức của loài người trong tương lai gần do bùng nổ dân số, tăng nhu cầu năng lượng đặc biệt tại các nước công nghiệp mới nổi ở Châu Á và Mỹ la Tinh. Tăng trưởng về kinh tế và nhu cầu cao về năng lượng tạo áp lực ngày càng lớn lên môi trường. Các vấn đề do con người tạo ra và phải đối mặt như biến đổi khí hậu, phá hủy tầng ôzôn, mất rừng che phủ. Song hành với biến đổi theo chiều hướng xấu của môi trường là sự sút giảm về điều kiện xã hội ở các nước đang phát triển.
Ước tính hơn một tỷ người sống trong điều kiện nghèo khổ, thiếu hoặc không có lương thực và nước sạch, không được tiếp cận với giáo dục và các vấn đề chính trị. Thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu ngày càng khiến các nền kinh tế liên kết và phụ thuộc lẫn nhau và có thể gọi là "làng toàn cầu: global village".
Mục tiêu của thế kỷ 21 là phát triển bền vững: phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường; sử dụng tài nguyên thiên nhiên không được vượt quá khả năng tái tạo; lượng chất thải không thể lớn hơn tốc độ đồng hóa của tự nhiên.
Để đạt được mục tiêu này các nước phát triển phải nhận lấy trách nhiệm đặc biệt, không chỉ vì những tác động họ tạo ta trong quá khứ mà còn do những công nghệ hiện tại cùng nguồn tài chính có thể được huy động. Sản xuất và tiêu dùng bền vững không chỉ bao hàm khía cạnh kỹ thuật và còn chứa đựng yếu tố văn hóa, giá trị và ứng xử của mỗi người.
Chính phủ Đức đã lựa chọn nền kinh tế thị trường sinh thái-xã hội (socio-ecological market economy; tiếng Đức: okologische und soziale Markwirtschaft) làm cơ sở cho phát triển bền vững; khuyến khích đổi mới trong sản xuất công nghiệp và xã hội luôn được tiến hành song song; giữ các giá trị truyền thống gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ thiên nhiên và đa dạng cảnh quan. Tiến bộ của khoa học, công nghệ là cơ sở thực hiện mục tiêu này. Nước Đức sẽ ổn định và phát triển dựa trên nền tảng của xã hội tri thức và có trách nhiệm.
Các chương trình lớn bao gồm phát triển công nghệ tạo và sử dụng năng lượng, hạn chế chất thải đặc biệt khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường nghiên cứu và sử dụng năng lượng tái tạo được trong đó có năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Các quy trình sản xuất thân thiện môi trường góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia. Công nghệ xử lý chất thải cùng công nghệ vật liệu không hoặc ít tác hại đến môi trường, các quy trình tiết kiệm nước và năng lượng luôn được khuyến khích ứng dụng tại Đức. Về tổng thể công nghệ "sạch" là mục tiêu của nền kinh tế Đức.
Cũng như các nước phát triển khác, khí thải do các phương tiện giao thông là yếu tố quan trọng tác động đến môi trường. Mục tiêu nước Đức đặt ra là "những xe hơi 3 lít" (xe tiêu thụ không quá 3 lít xăng cho 100 km). Ngoài các xe dùng ít nhiên liệu còn có các phương tiện sử dụng khí tự nhiên, xe điện, động cơ hydro... Công nghệ thông tin và truyền thông kết hợp với tính toán vận chuyển hàng hóa tối ưu (computerized logistics in goods transports) sẽ giúp hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông.
Công nghệ sinh học hứa hẹn những tiến bộ quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, giải quyết các vấn đề lương thực thực phẩm, tiết kiệm năng lượng, sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường và trong các dự án bảo vệ môi trường trọng điểm. Vi sinh vật biến đổi gene sẽ được sử dụng trong các hệ thống "lọc sinh học" để phân huỷ chất gây ô nhiễm. Sinh vật biến đổi gene sẽ hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc thú y.
Mục tiêu phát triển bền vững chỉ thực hiện được khi mối quan hệ "ba bên" tự nhiên - xã hội - kinh tế được "tối ưu hóa" trong "bối cảnh" sinh thái. Các nhà lãnh đạo và nhà khoa học phải thấy được quan hệ và tương tác giữa các yếu tố sinh thái , kinh tế và xã hội trong quá trình tìm kiếm giải pháp. Yêu cầu này cần cách tiếp cận và chiến lược toàn diện khi xét đến các vấn đề chính trị của các nhà lãnh đạo. Thảo luận về môi trường đặc biệt là nguy cơ tác động của công nghệ mới phải trở thành chủ đề quan trọng. Nước Đức cũng cần những tiêu chuẩn rõ ràng hơn để định hướng và đánh giá các chính sách về môi trường, đạo đức môi trường. Angela Merkel gợi ý một mô hình dùng để đánh giá và giám sát sự thành công của các chiến lược phát triển bền vững.
Theo bà, bảo vệ môi trường đóng vai trò trung tâm và là thách thức chung đối với các nhà chính trị và các nhà khoa học trong thế kỷ 21 [3].
Chính sách khoa học[sửa]
Chính phủ dưới thời Merkel luôn tăng nguồn tài chính giành cho nghiên cứu mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính. Ước tính 10 tỷ EURO được chi cho khoa học trong năm 2009 chiếm khoảng 2,5% tổng sản phẩm quốc nội, đưa Đức đến vị trí thứ 9 trên thế giới về đầu tư cho khoa học công nghệ.
Tháng 6 vừa qua khoản ngân sách tới 18 tỷ EURO được duyệt nhằm mục đích tăng năng lực nghiên cứu của các trường trong hệ thống đại học thuộc 16 bang.
Công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, nghiên cứu năng lượng và y học được đầu tư thêm 14 tỷ EURO từ chưong trình công nghệ cao bắt đâu từ năm 2006. Nhờ sự ủng hộ rộng rãi của xã hội, Đức trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ xanh với các tua bin sử dụng sức gió và năng lượng mặt trời. Tháng 8/2009 một kế hoạch đưa 1 triệu phưong tiện dùng năng lượng điện vào năm 2020 được thông qua. Để thực hiện kế hoạch này, gói ngân sách 500 triệu EURO được chi cho các nghiên cứu chế tại pin và các trạm "sạc" trong hệ thống phục vụ giao thông...
Khoa học trong cuộc bầu cử 2009 tại Đức[sửa]
Trên thực tế những thay đổi trong chính sách khoa học được đưa ra bởi đảng dân chủ tự do (Freie Demokratische Partei: FDP). Nếu đảng dân chủ tự do thay thế vị trí của đảng dân chủ xã hội (Sozialdemokratische Partei Deutschlands: SPD) trong liên minh với đảng dân chủ cơ đốc sẽ dẫn đến những thã đổi lớn trong chính sách nghiên cứu của liên bang do những khác nhau của các đảng về quan điểm trong nghiên cứu tế bào gốc và sinh vật biến đổi gene.
Kế hoạch liên minh của bà Merkel nhận được 50% ý kiến đồng tình trong cuộc thăm dò trước bầu cử trong khi trong khi đảng dân chủ xã hội đối lập với ứng cử viên thủ tướng (ông Frank-Walter Steinmeier, hiện giữ chức bộ trưởng ngoại giao) chỉ nhận được 20% (con số thấp kỷ lục trong lịch sử).
Hầu hết các "công dân làm khoa học" đều cho rằng bà Merkel sẽ duy trì chính sách cho khoa học nếu tái đắc cử. Ông Matthias Kleiner, chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu liên bang (Deutschen Forschungsgemeinschaft: DFG) cho rằng "thật hài lòng khi các nhà chính trị tin tưởng đặt niềm tin vào khoa học" và "đó cũng là trách nhiệm buộc các nhà khoa học phải làm việc tận tâm để đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của xã hội."[4].
Nếu đảng dân chủ tự do liên minh với đảng của bà Merkel họ sẽ dùng ảnh hưởng để hạn chế áp lực hiện tại từ xã hội với các lĩnh vực nghiên cứu như tế bào gốc từ phôi và sinh vật biến đổi gene. Đảng này cũng cho rằng tình hình kinh tế sẽ không cho phép tăng ngân sách lớn cho khoa học và công nghệ nhưng bù lại sẽ là những chính sách cởi mở trong phát triển nghiên cứu.
Nếu liên minh thành công theo dự đoán, vị trí bộ trưởng khoa học sẽ thuộc về đảng dân chủ tự do FDP và nguồn tài chính cũng như trách nhiệm về khoa học công nghệ sẽ được chuyển giữa các bộ trong chính phủ.
Giới công nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, lĩnh vực hiện dựa vào đầu tư của chính phủ để phát triển, lo ngại rằng liên minh CDU-FDP sẽ giảm ngân sách giành cho công nghê cao và ưu tiên cho các công nghệ truyền thống của Đức như tự động hóa.
Có thể nói rằng chính trị và khoa học tại Đức, một trong những trung tâm khoa học công nghệ của thế giới, có mối ràng buộc thật mật thiết và bà Angela Merkel có thể được coi là một biểu tượng của mối quan hệ này.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- ↑ The 100 Most Powerful Women [1]
- ↑ Website cá nhân của nữ thủ tướng [2]
- ↑ "The role of science in sustainable development". Science 281 (5375): 336–337.
- ↑ German science looks to new political players. Nature 461, 456-457 (2009)
(đang
viết),
xem
tin
khác