Nghiên cứu thành công cảm biến siêu mỏng có thể ăn được
Mẫu cảm biến đặc biệt này theo đánh giá cực kỳ hữu ích cho việc theo dõi chất lượng thực phẩm trong quá trình vận chuyển và ‘độc’ hơn nữa là hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe con người.
Các nhà khoa học Thụy Sỹ vừa công bố nghiên cứu thành công loại cảm biến đặc biệt có thể ứng dụng vào việc theo dõi chất lượng thực phẩm trong quá trình vận chuyển. Theo các nhà khoa học, cảm biến thế hệ mới này cực kỳ mỏng, chỉ 16 micromet. Với “số đo” này, loại cảm biến của các nhà khoa học nghiên cứu thành công thậm chí còn mỏng hơn cả một sợi tóc người bình thường.
Không chỉ có thiết kế cực kì mỏng, mẫu cảm biến thử nghiệm còn được đảm bảo là hoàn toàn vô hại với sức khỏe con người hay nói khác đi là có thể ăn được. Để có được sự đảm bảo này, cảm biến có độ dày chỉ vỏn vẹn 16 micromet chủ yếu sử dụng vật liệu polymer được tạo ra bằng tinh bột ngô, khoai tây, magiê, silicone dioxide hòa tan và nitride. Chính nhờ những đặc tính này mà cảm biến siêu mỏng của các nhà khoa học Thụy Sỹ có thể dán lên thực phẩm mà không hề khiến nhà phân phối phải đau đầu tính toán khi tìm cách đóng gói cả lô hàng của mình trong khi vẫn có thể theo dõi nhiệt độ bên trong.
Giovanni Salvatore, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết thêm mỗi cảm biến này có thể liên tục theo dõi nhiệt độ của những loại thực phẩm cần thiết để đảm bảo mức độ tươi ngon trong suốt quá trình vận chuyển cá từ Nhật sang Châu Âu. Hiện tại, để có thể hoạt động, cảm biến này phải kết nối bằng dây dẫn với pin siêu nhỏ, bộ xử lý và cả bộ chuyển đổi.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm cách cung cấp năng lượng cho cảm biến hoạt động và truyền dữ liệu hoàn toàn không dùng đến dây dẫn. Giovanni Salvatore cũng cho biết sẽ ráo riết thúc đẩy quá trình thương mại hóa cảm biến theo dõi nhiệt độ siêu mỏng, siêu an toàn này trong một tương lai gần.
Nguồn[sửa]
- PC World VN, Mai Hoa