Nguồn gốc Tết Đoan ngọ
Từ rất xa xưa, cùng với một số dân tộc Đông Á khác, người Việt Nam đã có ngày tết Đoan ngọ, còn gọi là tết Đoan dương, Đoan ngũ hay tết nửa năm. Các gia đình truyền thống giữ tục làm cơm rượu và nấu chè trôi nước, trước cúng gia tiên, sau để quây quần ăn uống. Một số địa phương còn tổ chức đua thuyền rồng cùng nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng. Dù vậy, nếu được hỏi tết Đoan ngọ bắt đầu từ đâu, nhiều người trả lời là không biết hoặc mơ hồ chỉ là “hình như để tưởng nhớ ông Khuất Nguyên” ở tận Trung Hoa!
Mục lục
- 1 Thuyết thứ nhất: Tưởng nhớ Khuất Nguyên
- 2 Thuyết thứ hai: Tưởng nhớ Ngũ Tử Tư
- 3 Thuyết thứ ba: Phong tục của cư dân Bách Việt
- 4 Thuyết thứ tư: Từ Việt vương Câu Tiễn
- 5 Thuyết thứ năm: Tưởng nhớ hiếu nữ Tào Nga, quan hiền Trần Lâm
- 6 Thuyết thứ sáu: Bắt nguồn từ đời sống nông nghiệp
- 7 Thuyết thứ bảy: Ngày giỗ mẫu Âu Cơ
- 8 Kết luận
- 9 Nguồn và tác giả
Thuyết thứ nhất: Tưởng nhớ Khuất Nguyên[sửa]
Hiện tại có nhiều thuyết lý giải về nguồn gốc ngày Đoan ngọ. Không ít người cho rằng phong tục này bắt đầu từ cái chết của công thần nước Sở là Khuất Nguyên thời Chiến Quốc. Khuất Nguyên vì bị các thế lực quan lại khác hãm hại, bị vua Sở hất hủi đã trẫm mình giữa dòng Mịch La vào ngày 5 tháng 5 âm lịch năm 278 trCN. Một số sử sách Trung Hoa về sau như Tục Tề Giai Ký, Tùy Thư, Phong Thổ Ký, Cảnh Sở Tuế Thời Ký từ thời Nam Bắc Triều đến thời Đường đã gắn ngày tết Đoan ngọ với sự kiện này và truyền bá ra cộng đồng, từ đó hình thành quan niệm “tưởng nhớ Khuất Nguyên”. Cách lý giải này hoàn toàn có chủ đích và thật ấu trĩ.
Thuyết thứ hai: Tưởng nhớ Ngũ Tử Tư[sửa]
Thuyết thứ hai phủ nhận nguồn gốc tưởng nhớ Khuất Nguyên, song lại quy về vị công thần người nước Sở khác sang đầu quân cho Ngô vương Phù Sai thời Ngô - Việt giao tranh (thế kỷ 5 trCN) là Ngũ Tử Tư. Căn cứ chính cho thuyết này chính là những ghi chép trên bia Tào Nga có từ thời Đông Hán, trong đó có chi tiết “cư dân vùng Chiết Giang (Trung Quốc) đua thuyền rồng ngày Đoan ngọ để nghênh tiếp Ngũ quân”. “Ngũ quân” (伍君) ở đây chính là tướng Ngũ Tử Tư, người hết lời khuyên can Ngô vương Phù Sai đừng vì tửu sắc (chỉ Tây Thi, Trịnh Đán) mà bỏ bê việc nước, cuối cùng bị Phù Sai ban cho thanh bảo kiếm để tự sát năm 484 trCN. Tương truyền, sau khi mất ông đã biến thành thủy thần sông Đào (tức Đào thần 淘神). Đến thời nhà Đường ở Trung Quốc, một số văn sĩ thuật lại câu chuyện này trong các quyển Việt Địa Truyện, Tuế Hóa Kỷ Lệ v.v.. để lý giải nguồn gốc tết Đoan ngọ. So với thuyết thứ nhất, thuyết này quy nguồn gốc tết Đoan ngọ về sớm hơn đến hơn 200 năm so với thuyết Khuất Nguyên.
Thuyết thứ ba: Phong tục của cư dân Bách Việt[sửa]
Thuyết thứ ba chủ trương ngày Đoan ngọ bắt nguồn từ phong tục thờ rồng của cư dân Bách Việt vùng Ngô – Việt sông Dương Tử. Văn sĩ Văn Nhất Đa (1899-1946) ở Trung Quốc cho rằng ngày Đoan ngọ chính là ngày “Long tử” (ngày tế bái rồng) của người Ngô Việt. Cần nhớ rằng, người Bách Việt xưa có tục “xăm mình” cho giống giao long dưới nước để khỏi bị hại. Chính trong ngày tế bái vật tổ này, người Ngô Việt tổ chức đua thuyền rồng, ăn bánh ú (粽子) cùng nhiều hoạt động khác, sau lan ra cộng đồng các dân tộc Đông Á.
Thuyết thứ tư: Từ Việt vương Câu Tiễn[sửa]
Thuyết thứ tư cho gốc tích của ngày Đoan ngọ bắt đầu từ hiệu lệnh phát động luyện tập thủy chiến trên thuyền rồng của Việt vương Câu Tiễn. Sau 10 năm làm lao dịch, “nằm gai nếm mật” ở Ngô cung, Câu Tiễn trở về nước củng cố quân đội, cuối cùng tiến công diệt Ngô vào năm 428 trCN.
Thuyết thứ năm: Tưởng nhớ hiếu nữ Tào Nga, quan hiền Trần Lâm[sửa]
Thuyết thứ năm gắn với tấm gương liệt nữ hiếu đạo Tào Nga (曹娥) thời Đông Hán ở Trung Hoa. Nàng quê ở Cối Kê (thủ đô nước Vu Việt cổ, nay là Thiệu Hưng). Cha nàng là vu sư, một hôm đi thuyền trên sông Thuấn (nay thuộc Chiết Giang) để triệu kiến thủy thần Ngũ Quân (Ngũ Tử Tư), chẳng may bị nước cuốn trôi mất xác. Tào Nga xót thương cha, lặn lội đi tìm 17 ngày nhưng không thấy. Ngày mồng 5 tháng năm (năm 143), nàng nhảy sông tự vẫn, ba ngày sau thì nổi lên trong tư thế ôm chặt thây cha. Người đời sau trong vùng hễ đến 5 tháng năm mở hội Đoan ngọ vừa tưởng nhớ Ngũ Tử Tư vừa tiếc thương “hiếu nữ” Tào Nga.
Ngoài ra vùng Quảng Tây còn có thuyết Ngày Đoan ngọ gắn với công đức hy sinh của vị quan hiền Trần Lâm (陈临) hết lòng yêu dân, sau khi qua đời được dân tưởng nhớ, mở hội Đoan dương để khánh chúc.
Thuyết thứ sáu: Bắt nguồn từ đời sống nông nghiệp[sửa]
Tất cả các thuyết trên đây đều không trả lời được câu hỏi “liệu trước thời Câu Tiễn đã có tục đón tết Đoan ngọ hay chưa?”. Tất cả đều mặc nhiên không bàn đến. Theo chúng tôi, chỉ có thuyết thứ sáu lý giải tết Đoan ngọ bắt đầu từ đời sống nông nghiệp thực tiễn và do quần chúng lao động sáng tạo ra mới là câu trả lời xác đáng.
Về từ nguyên, Đoan ngọ có thể hiểu nôm na là “ngày nóng nhất trong năm”, hoặc “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Đoan (开) nghĩa là bắt đầu (khai đoan). Ngọ (午) chỉ giờ ngọ, tức khoảng thời khắc nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều). Theo lịch kiến Dần (nông lịch hiện nay), tháng năm chính là tháng Ngọ (tháng giêng là tháng Dần). “Ngày 5” âm Hán Việt đọc là “ngũ nhật” (五日/wu rì/), trong đó “ngũ” (五/wu/) gần với “ngọ” (午/wu/), cho nên Đoan ngọ còn gọi là Đoan ngũ (端五). Tóm lại, giờ ngọ ngày Đoan ngọ là thời điểm giờ dương nhất, ngày dương nhất, tháng dương nhất trong năm (nên gọi tết Đoan dương). Một chi tiết nữa là ngày Đoan ngọ rất gần với tiết Hạ chí trong nhị thập tứ tiết khí nông lịch, tức là ngày bắt đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm. Rõ ràng theo lối giải thích này, tết Đoan ngọ hoàn toàn không liên quan đến các nhân vật Ngũ Tử Tư, Câu Tiễn, Khuất Nguyên, Tào Nga hay Trần Lâm nào cả.
Từ ngàn xưa vùng đất từ Nam Dương Tử đến Bắc Đông Dương đã là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Chính sự phụ thuộc vào tự nhiên theo kiểu “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm” để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mới là cơ sở để người nông nghiệp quan sát tự nhiên, quan sát thời tiết, từ đó biết được ngày 5 tháng năm âm lịch là ngày dài nhất và nóng nhất trong năm, là “ngày đại kỵ”. Trong điều kiện thời tiết khác thường như vậy, người Bách Việt cổ chủ trương không đi làm đồng (để bảo vệ sức khỏe), chỉ nên tổ chức nấu nướng cúng tổ tiên và ăn uống (để tưởng nhớ tổ tiên và đoàn kết gia đình), đua thuyền rồng, tắm sông (để giải nhiệt, cầu mưa (rồng: thủy thần)), đeo bùa ngũ sắc cho trẻ em (để tránh tà ma) hoặc đi hái thảo dược (hoặc trà) với niềm tin thảo dược sẽ có dược tính cao nhất vào giờ ngọ trong ngày.
Cần chú ý thêm rằng, ngày tết Đoan ngọ là một trong chuỗi các ngày tết truyền thống ứng với ngày tháng số lẻ (Tết Nguyên đán: 1 tháng giêng; Tết xuống đồng: 3 tháng ba (xem thêm [Nguyễn Ngọc Thơ 2008: www.vanhoahoc.edu.vn]), Tết Đoan ngọ: 5 tháng năm, Tết Ngâu: 7 tháng bảy; Tết Trùng cửu: 9 tháng chín) và có liên quan đến tư duy số lẻ phương Nam (như trong cách nói “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”). Hơn nữa, tết Nguyên đán của người Việt xưa tổ chức vào đầu tháng Tý, tức tháng 11 âm lịch (nay tổ chức vào đầu tháng Dần – tháng giêng). Từ đầu tháng tý tính đến đầu tháng ngọ (tháng năm) là vừa tròn nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam còn gọi ngày Đoan ngọ là Tết nửa năm.
Thuyết thứ bảy: Ngày giỗ mẫu Âu Cơ[sửa]
Một lối giải thích khác cũng đáng để quan tâm là ngày mồng 5 tháng năm âm lịch còn là ngày giỗ quốc mẫu Âu Cơ như trong câu ca dao:
“Tháng năm ngày tết Đoan dương
Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang”
Ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ được chọn vào ngày 5 tháng năm được giải thích là xuất phát từ hai chuỗi chấm đen (mỗi dãy 5 chấm) bao quanh chòm 5 chấm trắng ở phần trung tâm Hà đồ trong thuyết Âm dương – Ngũ hành. Số 10 (số âm lớn nhất trong dãy 10 chữ số từ 1 đến 10) ở bên ngoài bao lấy con số 5 ở bên trong được hiểu là bao lấy trung tâm của vũ trụ, bao lấy Ngũ hành. Đó chính là hình ảnh mẹ Âu Cơ yêu thương đùm bọc đàn con trăm trứng để gầy dựng nên nong sông Việt Nam hôm nay. Lấy số 10 tách đôi ra thì thành cặp 5-5, ứng với ngày 5 tháng 5, tượng trưng bằng 2 dãy 5 chấm đen trong Hà đồ (hình). Tuy nhiên, cách lý giải này chưa thật sự thuyết phục vì nó mang tính phiếm định và chưa thể hiện mối liên hệ nào với tục ăn tết Đoan ngọ hiện nay.
Ở vùng đồng bằng Nam Bộ, ngày mồng 5 tháng năm âm lịch còn là ngày "vía Bà" Linh Sơn thánh Mẫu trên núi Bà Đen (Tây Ninh). Khu du lịch Suối Tiên trong những ngày này mở hội trái cây Nam Bộ. Dân gian trong vùng vẫn còn giữ tục buổi sáng ăn cơm rượu, trưa ăn khế hoặc chuối chát với hy vọng “trừ được sâu bọ, giun sán gây bệnh trong người”, ăn chè trôi nước hay đi tắm sông. Đến hẹn lại lên, các bãi tắm cạn đầu các cù lao sông Tiền, sông Hậu lại đón hàng ngàn cư dân địa phương và các vùng xa xôi đổ về tắm làm náo nhiệt một khúc sông. Không ít trong số họ tin rằng nước sông Mê-kông trong ngày Đoan dương trở nên “linh thiêng”, có thể giúp “tẩy rửa bệnh tật”, song cái chính vẫn là để được vui chơi, gặp gỡ bạn bè và giải nhiệt.
Kết luận[sửa]
Có lẽ bắt nguồn từ hiện thực tết Đoan ngọ sản sinh từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam, được người Trung Hoa về sau tại nhiều địa phương khác nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau từ Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Khuất Nguyên đến Tào Nga, Trần Lâm v.v. để biến ý nghĩa sơ khai của ngày tết này theo những chủ đích riêng. Sự thật rằng tết Đoan ngọ xưa do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể. Chính ở điểm này, người Trung Hoa đã tìm cách này hay cách khác gắn nó với một giai thoại, một điển tích nào đó giống như họ đã từng làm với nghề mộc (Lỗ Ban), binh pháp (Tôn Tử) v.v.. Nếu quan sát kỹ, cả các thuyết mà người Trung Hoa dựng nên đều gắn với những con người phương Nam, như Câu Tiễn người nước Việt, Ngũ Tử Tư người nước Sở về đầu quân nước Ngô, Khuất Nguyên người nước Sở, Tào Nga người gốc Bách Việt cổ, Trần Lâm người vùng Quảng Tây v.v.. Còn quá sớm để nói Sở - Việt đồng nguyên, song Cảnh Sở vẫn là cư dân sông nước phương Nam. Tương tự như vậy, tết Đoan ngọ ở Trung Hoa được tổ chức đặc biệt long trọng ở vùng sông nước Dương Tử và Hoa Nam, ứng với vùng văn hóa Bách Việt cổ. Thêm vào đó, một số dân tộc phương Nam hoặc là hậu duệ Bách Việt hoặc có quan hệ lịch sử mật thiết với Bách Việt như người Choang, Đồng, Miêu, Thủy, Bố Y v.v.. cũng hân hoan mở hội Đoan ngọ cho riêng mình.
Nguồn và tác giả[sửa]
- Th.S. Nguyễn Ngọc Thơ, Trường ĐHKHXH&NV
- Tác giả - Đại học Sun Yat-sen, Quảng Châu, 15/5/2008
- vanhoahoc.vn