Nguyên nhân và kết quả (Chủ nghĩa Marx-Lenin)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nguyên nhân và kết quả là một cặp phạm trù trong phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lenin[1][2][3] và là một trong những nội dung của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ mối quan hệ biện chứng hai phạm trù giữa cái Nguyên nhân phạm trù chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó với Kết quả là phạm trù chỉ những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra, qua đó phản ánh mối quan hệ hình thành của các sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan[4]. Theo định nghĩa của B.Ratxen: Định luật nhân quả… là bất kỳ định luật nào có thể cho chúng ta khả năng dựa tên một biến cố để đưa ra một kết luận nào đó về một biến cố khác (hay nhiều biến cố khác).[5] Nội dung về cặp phạm trù này đã được đưa vào chương trình giảng dạy của một số khối trường Đại học ở Việt Nam theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo[6].

Mối quan hệ[sửa]

Nguyên nhân xuất hiện trước và sinh ra kết quả[sửa]

Tuy nhiên không phải hai hiện tượng nào nối tiếp nhau về mặt thời gian cũng là quan hệ nhân quả. (ví dụ: sau mùa Đông là mùa Xuân, ta không thể nói mùa Đông là nguyên nhân của mùa Xuân. Nguyên nhân của mùa Đông cũng như của mùa Xuân là do sự vận chuyển của quả đất chung quanh mặt trời[4], nhưng không phải đêm là nguyên nhân của ngày, mùa xuân là nguyên nhân của mùa hè v.v..) Cái phân biệt quan hệ nhân quả với quan hệ kế tiếp về mặt thời gian là ở chỗ nguyên nhân và kết quả có quan hệ sản sinh ra nhau[4].

Nguyên nhân sinh ra kết quả rất phức tạp, bởi vì nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Mặt khác, một nguyên nhân trong những điều kiện khác nhau cũng có thể sinh ra những kết quả khác nhau. và nếu nhiều nguyên nhân cùng tồn tại và tác động cùng chiều trong một sự vật thì chúng sẽ gây ảnh hưởng cùng chiều đến sự hình thành kết quả, làm cho kết quả xuất hiện nhanh hơn. Ngược lại nếu những nguyên nhân tác động đồng thời theo các hướng khác nhau, thì sẽ cản trở tác dụng của nhau, thậm chí triệt tiêu tác dụng của nhau. Điều đó sẽ ngăn cản sự xuất hiện của kết quả.

Ăng-ghen viết: Khoa học của tự nhiên xác nhận câu nói của Hegel cho rằng sự tương tác là nguyên nhân cuối cùng (causa finalis) thật sự của các sự vật.[7]

Hoán đổi[sửa]

Tập tin:Friedrich Engels-1840-cropped.jpg
Ăngghen đã nêu lên mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả

Nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi vị trí cho nhau Điều này có nghĩa là một sự vật, hiện tượng nào đó trong mối quan hệ này là nguyên nhân, nhưng trong mối quan hệ khác lại là kết quả và ngược lại. Engels nhận xét rằng:

Nguyên nhân và kết quả là những khái niệm chỉ có ý nghĩa là nguyên nhân và kết quả khi được áp dụng vào một trường hợp riêng biệt nhất định. Nhưng một khi chúng ta nghiên cứu trường hợp riêng biệt ấy trong mối liên hệ chung của nó với toàn bộ thế giới, thì những khái niệm ấy lại gắn với nhau trong một khái niệm về sự tác động qua lại một cách phổ biến, trong đó nguyên nhân và kết quả luôn thay đổi vị trí cho nhau. Chuỗi nhân quả là vô cùng, không có bắt đầu và không có kết thúc. Một hiện tượng nào đấy được coi là nguyên nhân hay kết quả bao giờ cũng ở trong một quan hệ xác định cụ thể

.

Ông cũng khẳng định: Nguyên nhân và kết quả là những biểu tượng có ý nghĩa là nguyên nhân và kết quả khi nào được áp dụng vào một trường hợp riêng biệt, nhưng khi ta xét trường hợp riêng biệt ấy trong mối liên hệ chung của nó với toàn bộ thế giới, thì nguyên nhân hội tụ lại và quyện vào nhau trong biểu tượng về sự tác động qua lại phổ biến trong đó nguyên nhân và kết quả luôn đổi chỗ cho nhau: cái ở đây hay bây giờ là nguyên nhân, thì ở chỗ khác hay lúc khác lại trở thành kết quả và ngược lại.[9][10]

Trong những quan hệ xác định, kết quả do nguyên nhân sinh ra, nhưng sau khi xuất hiện, kết quả lại có ảnh hưởng trở lại đối với nguyên nhân. Sự ảnh hưởng đó có thể diễn ra theo hai hướng:

  • Hướng tích cực, tức là thúc đẩy sự hoạt động của nguyên nhân
  • Hướng tiêu cực, tức cản trở sự hoạt động của nguyên nhân.

Tính chất[sửa]

Phép biện chứng duy vật của triết học Marx-Lenin khẳng định mối liên hệ nhân quả có tính khách quan, tính phổ biến, tính tất yếu.

  • Tính khách quan: mối liên hệ nhân quả là cái vốn có của bản thân sự vật, không phụ thuộc vào ý thức của con người. Dù con người biết hay không biết, thì các sự vật vẫn tác động lẫn nhau và sự tác động đó tất yếu gây nên biến đổi nhất định. Con người chỉ phản ánh vào trong đầu óc mình những tác động và những biến đổi, tức là mối liên hệ nhân quả của hiện thực, chứ không sáng tạo ra mối liên hệ nhân quả của hiện thực từ trong đầu mình.
  • Tính phổ biến: mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội đều có nguyên nhân nhất định gây ra. Không có hiện tượng nào không có nguyên nhân, chỉ có điều là nguyên nhân đó đã được nhận thức hay chưa mà thôi. Không nên đồng nhất vấn đề nhận thức của con người về mối liên hệ nhân quả với vấn đề tồn tại của mối liên hệ đó trong hiện thực.
  • Tính tất yếu: cùng một nguyên nhân nhất định, trong những điều kiện giống nhau sẽ gây ra kết quả như nhau. Tuy nhiên trong thực tế không thể có sự vật nào tồn tại trong những điều kiện, hoàn cảnh hoàn toàn giống nhau. Do vậy tính tất yếu của mối liên hệ nhân quả trên thực tế phải được hiểu là: Nguyên nhân tác động trong những điều kiện và hoàn cảnh càng ít khác nhau bao nhiêu thì kết quả do chúng gây ra càng giống nhau bấy nhiêu.

Ý nghĩa phương pháp luận[sửa]

Từ việc phát hiện mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả, Triết học Mác-Lenin nêu ra một số ý nghĩa phương pháp luận cho mối quan hệ này để ứng dụng vào thực tiễn và tư duy, cụ thể là:

Mối liên hệ nhân quả có tính khách quan và tính phổ biến, nghĩa là không có sự vật, hiện tượng nào trong thế giới vật chất lại không có nguyên nhân. Nhưng không phải con người có thể nhận thức ngay được mọi nguyên nhân. Nhiệm vụ của nhận thức khoa học là phải tìm ra nguyên nhân của những hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy để giải thích được những hiện tượng đó. Muốn tìm nguyên nhân phải tìm trong thế giới hiện thực, trong bản thân các sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới vật chất chứ không được tưởng tượng ra từ trong đầu óc của con người, tách rời thế giới hiện thực.

Hoạt động của con người là hòn đá thử vàng của tính nhân quả

Vì nguyên nhân luôn có trước kết quả nên muốn tìm nguyên nhân của một hiện tượng nào đấy cần tìm trong những sự kiện những mối liên hệ xảy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện.

Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Những nguyên nhân này có vai trò khác nhau đối với việc hình thành kết quả. Vì vậy trong hoạt động thực tiễn chủ thể cần phân loại các nguyên nhân, tìm ra nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân bên trong, nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan... Đồng thời phải nắm được chiều hướng tác động của các nguyên nhân, từ đó có biện pháp thích hợp tạo điều kiện cho nguyên nhân có tác động tích cực đến hoạt động và hạn chế sự hoạt động của nguyên nhân có tác động tiêu cực.

Tham khảo[sửa]

Xem thêm[sửa]

Chú thích[sửa]

  1. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính: Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, trang 15-16, trang 20-21
  2. Cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả trong triết học Mác - Lenin
  3. Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật
  4. 4,0 4,1 4,2 “DCSVN”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  5. B.Ratxen: Sự nhận thức của con người, Nhà xuất bản Tiến bộ Matcova, năm 1957, trang 362
  6. Quyết định số 45/2002/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
  7. C. Mác – Ph. Ăng ghen: Toàn tập, tập 20, nhà xuất bản Tiến bộ Matcova, trang 546
  8. Giáo trình Triết học Mác - Lê nin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2006, trang 107
  9. C. Mác – Ph. Ăng–ghen: Toàn tập, tập 20, Nhà xuất bản tiến bộ Matcova, trang 22
  10. Ph. Ăng-ghen: Chống Duyring, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, năm 1971, trang 36
  11. P. Ăng-ghen: Biện chứng của tự nhiên, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, năm 1971, trang 356

Liên kết đến đây