Nhận biết dấu hiệu sẩy thai

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sẩy thai, còn gọi là sẩy thai tự nhiên, xảy ra khi tình trạng thai nghén chấm dứt trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Sẩy thai là hiện tượng khá phổ biến, ảnh hưởng đến 25% số trường hợp mang thai được nhận biết.[1] Để biết mình có bị sẩy thai hay không, bạn cần đánh giá các yếu tố nguy cơ và theo dõi các triệu chứng như chảy máu nhiều ở âm đạo và đau. Tuy nhiên tình trạng sẩy thai cũng có thể khó xác định do một số triệu chứng tương tự cũng xảy ra trong thai kỳ khỏe mạnh, khi đó bạn cần được xác nhận y khoa. Luôn luôn tuân theo lời khuyên của bác sĩ trong trường hợp nghi ngờ sẩy thai.

Các bước[sửa]

Nguyên nhân và triệu chứng của hiện tượng sẩy thai[sửa]

  1. Hiểu nguyên nhân sẩy thai. Hiện tượng sẩy thai thường xảy ra nhất trong những tuần đầu tiên của thai kỳ. Các bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây sẩy thai, và trong hầu hết các trường hợp, thai phụ không thể làm gì để ngăn ngừa. Nguy cơ sẩy thai giảm xuống sau khi thai được 30 tuần. Khi đó, hầu hết những trường hợp thai bất thường về nhiễm sắc thể đã bị sẩy. Các yếu tố sau đây gây nguy cơ sẩy thai:[2]
    • Phụ nữ lớn tuổi có rủi ro cao hơn. Phụ nữ từ 35 đến 45 tuổi có 20-30% nguy cơ sẩy thai, và nguy cơ sẩy thai ở phụ nữ trên 45 tuổi là 50%.
    • Phụ nữ mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng như tiểu đường hoặc lupus có nguy cơ sẩy thai cao hơn.
    • Các bất thường trong tử cung, chẳng hạn như mô sẹo, có thể dẫn đến sẩy thai.
    • Hút thuốc, sử dụng thuốc và rượu có thể gây sẩy thai.
    • Phụ nữ thừa cân hoặc nhẹ cân đều có nguy cơ cao bị sẩy thai.
    • Phụ nữ từng bị sẩy thai hơn một lần có rủi ro sẩy thai cao hơn.
  2. Lưu ý hiện tượng xuất huyết âm đạo. Chảy máu nhiều ở âm đạo là dấu hiệu thường gặp nhất của tình trạng sẩy thai. Xuất huyết âm đạo thường đi kèm với hiện tượng co thắt tương tự như trong kỳ kinh nguyệt.[2] Máu âm đạo thường có màu nâu hoặc đỏ tươi.[1]
    • Hiện tượng rỉ máu, thậm chí chảy máu tương đối có thể xảy ra trong các trường hợp mang thai khỏe mạnh. Xuất huyết nhiều và vón cục có thể là dấu hiệu sẩy thai. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn bị xuất huyết trong suốt thai kỳ.
    • Theo Hiệp hội Sản khoa Hoa Kỳ, có 50-75% ca sẩy thai thuộc về thai sinh hóa, tức là hiện tượng sẩy thai xảy ra ngay sau khi thụ thai. Thông thường người phụ nữ không nhận ra mình đang mang thai và cho rằng hiện tượng xuất huyết là kỳ kinh nguyệt bình thường. Máu có thể chảy nhiều hơn bình thường và sự co thắt có thể nặng hơn.[1]
  3. Kiểm tra chất nhầy âm đạo. Các triệu chứng sẩy thai bao gồm sự xuất hiện chất nhầy màu trắng hồng, trong đó có thể bao gồm mô thai. Nếu dịch âm đạo trông giống như mô đóng cục hoặc có chất rắn, có thể đó là dấu hiệu cho thấy tình trạng sẩy thai đang hoặc đã xảy ra; bạn cần đến bác sĩ khám ngay lập tức.
    • Hầu hết phụ nữ mang thai thường tăng tiết dịch âm đạo không màu hoặc có màu trắng sữa gọi là Leukorrhea.[3] Bạn không phải lo lắng nếu có nhiều dịch tiết loại này.
    • Bạn cũng có thể nhầm nước tiểu rỉ ra là dịch tiết âm đạo. Tình trạng són tiểu thường xảy ra trong thai kỳ khỏe mạnh.
  4. Chú ý các cơn đau và nhức. Thai nghén thường kèm theo tình trạng đau nhức. Trong quá trình sẩy thai, cơn đau thường khu trú ở vùng thắt lưng và có thể đau ít hoặc nhiều. Nếu bị đau vùng thắt lưng, bạn cần thông báo với bác sĩ ngay lập tức.[2]
    • Các cơn đau nhói hoặc nhức ở bụng, vùng chậu và lưng thường là do cơ thể đang điều chỉnh để thích nghi với sự phát triển của bào thai. Nếu tình trạng đau xảy ra nghiêm trọng, dai dẳng hoặc đau từng cơn, có lẽ bạn đã bị sẩy thai, đặc biệt nếu bạn không bị xuất huyết.
    • Cũng có thể xảy hiện tượng “co thắt thực sự” khi sẩy thai. Các cơn co thắt xảy ra cách nhau 15-20 phút và thường rất đau đớn.[1]
  5. Phân tích các triệu chứng thai nghén. Thai nghén thường đi kèm nhiều triệu chứng khác nhau, tất cả là do sự gia tăng mức hormone trong cơ thể. Nếu các triệu chứng này giảm xuống, có thể đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng sẩy thai đã xảy ra, và mức hormone trong cơ thể quay trở lại như trước khi mang thai.
    • Nếu đã sẩy thai, bạn có thể nhận thấy ít buồn nôn vào buổi sáng hơn, bầu vú bớt sưng và đau, đồng thời không còn cảm giác mang thai nữa. Ở thai kỳ khỏe mạnh, các triệu chứng sớm này thường tự giảm nhẹ vào tuần thứ 13, cũng là thời gian nguy cơ sẩy thai giảm xuống.
    • Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy từng trường hợp mang thai. Bạn cần gọi cho bác sĩ nếu nhận thấy có sự thay đổi đột ngột ở tuần thứ 13 của thai kỳ.
  6. Đến bác sĩ khám để chắc chắn. Đến phòng khám bác sĩ, phòng cấp cứu hoặc khoa sản ở bệnh viện để có câu trả lời chắc chắn. Cho dù bạn có tất cả các triệu chứng trên, bào thai vẫn có khả năng sống sót, tùy vào từng dạng sẩy thai.
    • Dựa vào tuổi thai, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, kiểm tra vùng chậu hoặc siêu âm để chẩn đoán khả năng sống sót của bào thai.
    • Nếu bạn bị xuất huyết nhiều trong giai đoạn sớm của thai kỳ, bác sĩ có thể không bảo bạn đến phòng khám, trừ khi bạn muốn đến.

Điều trị sẩy thai[sửa]

  1. Biết về các dạng sẩy thai khác nhau. Tình trạng sẩy thai có tác động khác nhau đôi chút tùy từng phụ nữ. Trong một số trường hợp, các mô thai nhanh chóng bị đào thải khỏi cơ thể, một số trường hợp khác quá trình sẩy thai có thể kéo dài hơn và khó khăn hơn. Sau đây là các dạng sẩy thai và tác động lên cơ thể thai phụ:
    • Dọa sẩy thai (threatened miscarriage): Cổ tử cung vẫn đóng. Có khả năng hiện tượng xuất huyết và các triệu chứng sẩy thai khác sẽ ngừng, và thai kỳ sẽ tiếp tục tiến triển bình thường.[1]
    • Sẩy thai không tránh được (inevitable miscarriage): Xuất huyết nặng và cổ tử cung bắt đầu mở. Đến lúc này thai phụ sẽ không có cơ hội tiếp tục thai kỳ.
    • Sẩy thai không hoàn toàn (incomplete miscarriage): Một số mô thai ra khỏi cơ thể, nhưng một số khác vẫn còn bên trong. Đôi khi việc phẫu thuật là cần thiết để lấy mô thai còn sót lại.
    • Sẩy thai hoàn toàn (complete miscarriage): Tất cả các mô thai đều bị đào thải khỏi cơ thể.
    • Sẩy thai chết lưu (missed abortion): Mặc dù thai kỳ đã chấm dứt, mô thai vẫn còn trong cơ thể. Đôi khi mô thai có thể tự ra ngoài, nhưng đôi khi phải cần điều trị để loại bỏ.[2]
    • Thai ngoài tử cung: Về mặt kỹ thuật thì đây không phải là một dạng sẩy thai, nhưng cũng là một dạng mất thai khác. Thay vì làm tổ trong tử cung, trứng thụ tinh lại làm tổ trong ống dẫn trứng hoặc buồng trứng, những vị trí mà thai không thể phát triển.
  2. Gọi cho bác sĩ nếu tình trạng xuất huyết tự hết. Nếu bạn bị xuất huyết nhiều nhưng cuối cùng giảm bớt, và hiện tượng này xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kỳ, có thể bạn phải đến bệnh viện.[4] Nhiều phụ nữ không thích đến bệnh viện và muốn nghỉ ngơi ở nhà. Bạn có thể không cần đến bệnh viện nếu hiện tượng chảy máu chấm dứt trong vòng 10 ngày hoặc 2 tuần.
    • Nếu bạn bị đau hoặc co thắt, bác sĩ có thể hướng dẫn các phương pháp giúp bạn dễ chịu hơn khi bị sẩy thai.
    • Nếu muốn biết chắc chắn đã bị sẩy thai, bạn có thể đi siêu âm.[1]
  3. Tìm cách điều trị nếu bị xuất huyết không ngừng. Nếu bạn bị chảy máu nhiều kèm theo các triệu chứng khác, và bạn không biết chắc đây là dạng sẩy thai hoàn toàn hay không hoàn toàn, bác sĩ có thể quyết định các lựa chọn sau:
    • Chờ đợi và quan sát: Bạn sẽ chờ và xem các mô còn sót lại có ra ngoài không và hiện tượng xuất huyết có tự ngừng không.
    • Điều trị nội khoa: Việc điều trị nội khoa là cần thiết để lấy mô còn sót lại ra khỏi cơ thể. Bạn cần nằm bệnh viện một thời gian ngắn và có thể chảy máu đến ba tuần sau đó.
    • Điều trị ngoại khoa: Bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung, còn gọi là D&C, để loại bỏ mô còn sót. Thời gian xuất huyết sẽ chấm dứt nhanh hơn so với phương pháp điều trị nội khoa.[1] Bạn có thể được dùng thuốc để giúp chảy máu chậm lại.
  4. Theo dõi các triệu chứng. Nếu hiện tượng xuất huyết vẫn tiếp tục sau thời gian bác sĩ cho rằng sẽ chậm lại và hết, bạn cần nhanh chóng tìm cách điều trị. Nếu kèm theo đó là các triệu chứng khác như sốt hoặc lạnh, bạn hãy đến bác sĩ hoặc bệnh viện ngay lập tức.
  5. Cân nhắc tìm chuyên gia tư vấn đau buồn. Sẩy thai ở bất cứ thời kỳ nào cũng gây sang chấn tinh thần. Bạn sẽ có một thời gian đau buồn vì mất mát, và việc nói chuyện với chuyên gia tư vấn có thể giúp ích. Bạn hãy nhờ bác sĩ giới thiệu một chuyên gia tư vấn đau buồn hoặc hẹn một chuyên gia trị liệu gần nơi bạn ở.
    • Có thể bạn phải mất một thời gian mới cảm thấy nhẹ bớt; điều này còn tùy vào từng người. Bạn nên cho bản thân một thời gian để đau buồn.
    • Khi chuẩn bị mang thai lại, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc hẹn gặp bác sĩ chuyên về các trường hợp mang thai có yếu tố rủi ro cao. Điều này là cần thiết cho những phụ nữ đã bị sẩy thai hai lần trở lên.

Lời khuyên[sửa]

  • Trong đa số trường hợp, tình trạng sẩy thai sắp xảy ra không thể ngăn chặn được, và cũng không do sức khỏe hoặc lối sống của người mẹ. Phụ nữ mang thai nên uống vitamin trước khi sinh, tránh sử dụng thuốc, thuốc lá và rượu bia, nhưng ngay cả những phụ nữ có ý thức chăm sóc sức khỏe thai nghén tốt cũng không hoàn toàn tránh được sẩy thai.

Cảnh báo[sửa]

  • Bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu đã mang thai quá 20 tuần và bị chảy máu nhiều hoặc co thắt. Thai kỳ chấm dứt sau thời điểm này gọi là thai chết lưu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]