Nhận biết khi trẻ mọc răng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Trẻ nhỏ trải qua nhiều giai đoạn phát triển trong năm đầu đời. Một trong những cột mốc quan trọng nhất của trẻ là mọc răng. Quá trình mọc răng bắt đầu ngay cả trước khi bạn nhìn thấy chiếc răng xinh xinh của em bé nhú ra. Bằng việc quan sát các dấu hiệu, bạn có thể biết khi nào em bé đang mọc răng để giúp trẻ giảm sự khó chịu khi những chiếc răng đang nứt ra khỏi lợi.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Quan sát các triệu chứng thể chất[sửa]

  1. Chú ý các dấu hiệu khi trẻ được 3 tháng tuổi. Độ tuổi bắt đầu mọc răng của trẻ khá rộng. Một số cha mẹ có thể nhận ra các dấu hiệu này khi trẻ được 3 tháng tuổi, và chiếc răng nhú ra khỏi lợi khi trẻ được 4 đến 7 tháng tuổi. Hầu hết trẻ em có đủ 20 chiếc răng sữa khi lên ba tuổi.[1] Việc quan sát các dấu hiệu có thể giúp bạn kiểm tra răng, xoa dịu sự khó chịu và làm sạch vi khuẩn trong miệng cho trẻ.[2]
    • Lưu ý rằng một số trẻ không có biểu hiện mọc răng. Trong trường hợp này, bạn hãy kiểm tra miệng của em bé để nhận biết chiếc răng đang nhú ra.[3]
  2. Kiểm tra vùng miệng của trẻ. Nếu nghi ngờ con bạn đang mọc răng, bạn có thể kiểm tra các dấu hiệu ở vùng miệng của trẻ. Kiểm tra vùng da xung quanh miệng và sau đó nhìn vào trong miệng trẻ.[4]
    • Đảm bảo bàn tay và các ngón tay của bạn phải sạch trước khi kiểm tra để tránh lây nhiễm vi khuẩn cho trẻ.
    • Chú ý xem trẻ có chảy nước dãi hoặc miệng trẻ có ướt nhiều không. Đó là dấu hiệu rõ rệt cho thấy trẻ chuẩn bị mọc răng hoặc đang mọc răng.
    • Quan sát hiện tượng mẩn đỏ trên mặt trẻ hoặc da đỏ hồng. Mẩn đỏ trên mặt thường là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mọc răng. Có thể các nốt mẩn đỏ không đậm màu lắm, nhưng nếu da của trẻ hồng hoặc đỏ hơn bình thường thì có lẽ là có hiện tượng mẩn đỏ.
    • Nhẹ nhàng vén môi của trẻ lên để kiểm tra lợi. Lưu ý rằng có thể bạn nhìn thấy lợi của em bé sưng lên, nhất là vùng răng hàm. Một số trường hợp khác, bạn có thể nhận thấy dịch lỏng tích tụ, có màu hơi xanh. Hiện tượng này là hoàn toàn bình thường và nên để yên.[5]
    • Mát-xa lợi cho trẻ khi bạn sờ kiểm tra răng hoặc các chỗ cứng. Động tác mát-xa có thể giúp trẻ bớt khó chịu, đồng thời giúp bạn xác định trẻ có mọc răng hay không.
  3. Để ý xem trẻ có mút hoặc cắn nhiều không. Hầu hết trẻ em đều biểu hiện các triệu chứng thể chất của hiện tượng mọc răng trước khi chiếc răng đầu tiên nứt ra khỏi lợi. Nhiều trẻ cắn hoặc mút đồ chơi, ngón tay hoặc các đồ vật khác. Nếu bạn nhận thấy con mình dường như cắn hoặc mút đồ vật nhiều hơn, có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy trẻ sắp mọc răng.[6]
    • Chú ý xem trẻ có dùng các đồ vật đang mút hoặc cắn để cọ vào lợi không. Nhiều trẻ đang mọc răng thường cọ vào lợi ngoài việc cắn và mút đồ vật.
  4. Kiểm tra tai của trẻ. Trẻ em thường cảm thấy cơn đau do mọc răng như đau tai. Nếu bạn thấy em bé kéo hoặc vò tai ngoài các triệu chứng khác, có thể đó là do trẻ đang mọc răng .[7]
    • Hiểu rằng trẻ em thường kéo tai hoặc nghịch tai vì tò mò. Tuy nhiên đó cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm. Gọi cho bác sĩ nhi khoa nếu bạn không chắc hành động kéo tai của trẻ là do mọc răng hay viêm tai, một bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng nếu không được điều trị.
    • Các dấu hiệu khác cho thấy tình trạng nhiễm trùng tai gồm có sốt, lạnh hoặc trẻ cáu kỉnh khi kéo tai, khi nằm xuống hoặc khí bú bình.
  5. Kiểm tra thân nhiệt của trẻ. Nếu má hoặc da của em bé hồng lên hoặc ấm hơn, có lẽ trẻ đang sốt nhẹ do mọc răng; tuy nhiên, bạn nên biết rằng mọc răng chỉ gây sốt nhẹ. Nếu em bé sốt cao, có thể trẻ vừa mọc răng vừa có yếu tố nào đó gây sốt. Trong trường hợp này, bạn hãy gọi cho bác sĩ để biết có cần đưa trẻ đi khám không.[6]

Nhận biết các dấu hiệu hành vi[sửa]

  1. Quan sát tâm trạng của trẻ. Ngoài các triệu chứng thể chất cho thấy trẻ mọc răng, trẻ có thể còn có các biểu hiện về hành vi. Hai trong số các triệu chứng hành vi phổ biến nhất là bứt rứt và khóc nhiều.[5]
    • Lưu ý xem trẻ có cáu kỉnh hơn bình thường hoặc thậm chí bứt rứt không. Hiện tượng này có thể là do trẻ bị đau hoặc khó chịu khi mọc răng. Bạn có thể nhận thấy trẻ bứt rứt và cáu kỉnh hơn vào buổi tối, vì răng phát triển nhanh hơn vào ban đêm.[8]
    • Nghe xem trẻ có khóc nhiều hơn bình thường hoặc khóc liên tục vài ngày không. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mọc răng, nhất là khi trẻ còn có các triệu chứng khác; tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng trẻ khóc nhiều có thể là do đầy hơi, đau bụng hoặc các bệnh lý khác như viêm tai.[9]
  2. Chú ý sự thay đổi trong thói quen ăn của trẻ. Quá trình mọc răng khiến trẻ thấy khó chịu trong miệng, từ đó có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn của trẻ. Chú ý kỹ xem trẻ có chịu ăn không và ăn nhiều hay ít, vì điều này có thể báo hiệu rằng trẻ đang mọc răng hoặc sắp mọc răng.[8]
    • Nếu trẻ thường ăn thức ăn đặc, để ý xem trẻ có đột nhiên thích bú mẹ hoặc bú bình hơn không. Điều này có thể là do thìa chạm vào lợi đang sưng khiến trẻ khó chịu; tuy nhiên cũng có khi trẻ thích ăn thức ăn đặc hơn vì cảm thấy dễ chịu hơn khi thìa cọ vào lợi.
    • Hiểu rằng trẻ có thể không chịu bú mẹ hoặc bú bình vì động tác bú có thể gây áp lực khó chịu lên lợi và ống tai.
    • Đảm bảo đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa nếu trẻ không chịu ăn. Hiện tượng này có thể là do trẻ mọc răng hoặc trẻ bị bệnh nào đó. Trong cả hai trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị.
  3. Quan sát kỹ giấc ngủ của trẻ. Vì sự phát triển của răng xảy ra chủ yếu vào ban đêm, quá trình mọc răng có thể cản trở giấc ngủ ban đêm của trẻ, thậm chí cả các giấc ngủ ngắn. Lưu ý sự thay đổi trong nếp ngủ ban đêm của trẻ, bao gồm hiện tượng thức giấc hoặc giấc ngủ bị gián đoạn. Những giấc ngủ ngắn thường ngày của trẻ cũng có thể thay đổi. Nếu em bé của bạn có những triệu chứng này kèm theo các dấu hiệu khác, có lẽ trẻ đang chuẩn bị mọc răng.[10]
    • Nhớ rằng tình trạng rối loạn giấc ngủ do mọc răng có thể gây ra hoặc tăng sự khó chịu và cáu kỉnh ở trẻ.

Xoa dịu cho trẻ[sửa]

  1. Mát-xa lợi cho trẻ. Việc mát-xa nhẹ nhàng có thể làm dịu sự khó chịu của em bé. Hơn nữa bạn có thể sờ xem trẻ có răng đang nứt ra không, hoặc phát hiện các vấn đề răng miệng của trẻ trong khi mát-xa.[11]
    • Rửa tay trước khi mát-xa lợi cho trẻ. Nhớ rửa thật sạch xà phòng vì em bé có thể nuốt phải xà phòng cón sót lại trên tay bạn.
    • Dùng một hoặc hai ngón tay cọ lên lợi trẻ. Nhẹ nhàng xoa với động tác xoay tròn.
  2. Dùng khăn lạnh chấm lên miệng và lợi của trẻ. Nếu nhận thấy dấu hiệu mọc răng ở em bé, nhất là hiện tượng chảy nước dãi, bạn hãy dùng khăn mát lau cho trẻ. Không những giúp trẻ dễ chịu hơn mà việc này còn giúp ngăn ngừa phát ban trong miệng trẻ và làm sạch vi khuẩn tích tụ.[2]
    • Dùng khăn sạch giặt bằng xà phòng không mùi dành cho da nhạy cảm để đảm bảo không làm kích ứng làn da mỏng manh hoặc lợi của trẻ. Nhúng nước mát hoặc nước lạnh và vắt bớt nước.
    • Lau miệng cho em bé khi trẻ chảy dãi. Sau đó nhẹ nhàng mở miệng trẻ và dùng khăn mát-xa lợi cho trẻ. Hai động tác này có thể giúp làm sạch vi khuẩn cả trong và ngoài miệng của trẻ.[11]
    • Bắt đầu chế độ mát-xa và làm sạch lợi cho trẻ càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là ngay sau khi sinh.[5]
  3. Cho trẻ đồ chơi dành cho thời kỳ mọc răng. Việc gặm đồ chơi có thể giúp trẻ giảm khó chịu. Bạn có thể thử nhiều loại, từ vòng ngậm cho đến bánh quy dành cho trẻ mọc răng.[11]
    • Cho khăn ẩm vào tủ lạnh hoặc ngăn đá khoảng 30 phút và cho trẻ gặm. Đảm bảo không để khăn đông cứng thành đá vì nó có thể làm bầm tím lợi đang bị sưng của trẻ.
    • Làm lạnh vòng cao su mọc răng trong tủ lạnh và cho trẻ ngậm. Lưu ý, không bao giờ bỏ vòng ngậm mọc răng vào ngăn đá hoặc đun sôi để khử trùng. Sự thay đổi nhiệt độ cực đoan có thể làm hỏng cao su hoặc nhựa và rò rỉ hóa chất. Bạn cũng nên nhớ không bao giờ buộc vòng ngậm mọc răng quanh cổ của em bé do rủi ro thắt cổ.
  4. Cho trẻ ăn hoặc uống lạnh. Bất cứ thứ gì mát đều có thể giúp giảm sự khó chịu cho em bé. Cho trẻ uống hoặc ăn lạnh để giúp trẻ dễ chịu hơn. Điều này cũng giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ nếu trẻ gặp vấn đề trong ăn uống vì khó chịu khi mọc răng.[3]
    • Cho em bé bú bình hoặc uống nước đá lạnh nếu trẻ trên 6 tháng tuổi. Nếu con của bạn dưới 6 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ một uống một lượng nước nhỏ không có đá (30-60 ml) bằng bình bú hoặc cốc. Không cho trẻ uống nước quá 1-2 lần mỗi ngày, trừ khi có lời khuyên của bác sĩ.
    • Cho trẻ ăn các thức ăn lạnh như sữa chua, đào xay hoặc sốt táo để xoa dịu lợi. Bạn cũng có thể cho trẻ mút kem que hoặc hoa quả để lạnh như chuối và đào bỏ trong túi lưới tập nhai. Túi này sẽ giúp trẻ khỏi bị hóc thức ăn. Chỉ cho trẻ ăn bánh quy dành cho trẻ mọc răng hoặc thức ăn lạnh khi trẻ đã biết ăn đặc.[11] Nhớ cho trẻ ngồi thẳng khi ăn những thức ăn này.[3]
  5. Cho trẻ uống thuốc giảm đau. Nếu con của bạn trên 6 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ uống một liều thuốc ibuprofen hoặc acetaminophen. Trẻ nhỏ hơn có thể uống acetaminophen với sự chấp thuận của bác sĩ. Thuốc giảm đau có thể giúp trẻ giảm khó chịu và bứt rứt. Đảm bảo tham khảo bác sĩ nhi khoa trước khi cho trẻ uống bất cứ loại thuốc giảm đau nào.[11]
    • Cân nhắc cho trẻ uống thuốc giảm đau ibuprofen hoặc acetaminophen với công thức cho trẻ em. Sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc hoặc hỏi bác sĩ nhi khoa nếu bạn không chắc chắn.
    • Nhớ rằng không bao giờ nên cho trẻ uống thuốc aspirin trừ khi có hướng dẫn đặc biệt của bác sĩ nhi khoa. Việc uống thuốc aspirin có thể dẫn đến hội chứng Reye ở trẻ em.[12]
  6. Lưu ý những điều cần tránh. Có nhiều phương pháp có thể giúp xoa dịu trẻ đang mọc răng, nhưng cũng có vài điều bạn nên tránh. Các liệu pháp dùng cồn và gel hoặc viên uống cho trẻ mọc răng có thể gây hại cho trẻ.[11] Bạn cần chú ý những điều sau đây:
    • Không đặt viên aspirin vào răng hoặc lợi trẻ
    • Không xoa cồn lên lợi trẻ
    • Không cho trẻ uống thuốc mọc răng
    • Không dùng gel mọc răng hoặc gel gây tê mát-xa trên lợi của em bé, vì một số loại gel có chứa dược chất có thể nguy hiểm cho trẻ.
    • Không đeo chuỗi hạt hổ phách cho trẻ vì chúng không có tác dụng và lại còn có rủi ro làm trẻ hóc[13]
    • Không chấm rượu whiskey lên lợi em bé vì có thể khiến trẻ ngủ và gây nguy hiểm cho trẻ
  7. Tham khảo nha sĩ. Nếu lo lắng về quá trình mọc răng của con, bạn hãy hẹn với nha sĩ để đưa em bé đến khám. Việc kiểm tra răng cho trẻ sẽ giúp nha sĩ biết các vấn đề tiềm ẩn và chỉ định cách điều trị.
    • Trao đổi với nha sĩ về các lo lắng cụ thể của bạn. Bạn nên thông báo cho nha sĩ về các dấu hiệu và triệu chứng mọc răng của con bạn và bất cứ những biện pháp nào bạn đã làm để giảm các triệu chứng của trẻ.

Lời khuyên[sửa]

  • Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tổng quát để xác định các loại thuốc giảm đau tốt nhất có thể cho trẻ uống trong thời kỳ mọc răng.

Cảnh báo[sửa]

  • Tham khảo bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tổng quát nếu cơn đau do mọc răng khiến trẻ ngừng ăn hoàn toàn, tiêu chảy hoặc sốt trên 38.33°C. Những dấu hiệu này có thể biểu thị một căn bệnh nghiêm trọng hơn hoặc không liên quan đến việc mọc răng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này