Những thói hư tật xấu của người Việt/146

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một vài thói tục đã thành di truyền

(Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng dân, 1929)

Một là học để làm quan: Người sinh ra ở đời có học mới khôn, có khôn mới làm hết được bổn phận làm người. Làm quan chẳng qua là một việc trong sự làm người đó mà thôi. Thế mà người mình có cái tính di truyền “đi học cốt để làm quan “, cha truyền con nối, trước bày nay làm, dầu cho ngày nay phép học phép thi đổi ra cách mới, mà người đi học vẫn ôm cái hy vọng làm quan là chủ chốt.

Hai là làm quan ăn lót: Làm quan... cốt là mượn cái địa vị thế lực mà làm cái lợi riêng, thói ăn của dân cho là cái quyền lợi tự nhiên mình được hưởng, tập dữ tính thành[1] không ai cho là điều quái lạ hổ thẹn.

Ba là a dua người quyền quý: Ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức... bất cứ việc gì người ra thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương.

Bốn là trọng xác thịt[2]: Ngoài sự ăn sung mặc sướng, ở yên ra gần như không có tư tưởng gì nữa. Đối với kẻ khác cũng lấy cái mục đích đó mà xem xét. Nghĩa là không hỏi nhân cách thế nào, mà chỉ thấy ăn mặc xa hoa, lầu cao nhà lớn thì sinh lòng hâm mộ, dầu có hại nòi nát giống, mà đạt được mục đích thì cũng không từ.

Những điều như thế kể ra không xiết. Lại thêm cái văn minh xu xác[3] thế lực kim tiền, noi theo mà thối giục[4] lên nữa, thôi thì lửa nọ được dầu, sóng kia thuận gió, không những quét sạch bao nhiêu tính di truyền tốt của ông bà ngày trước, mà còn có thể cuốn cả hai mươi triệu đồng bào ta xoay vào cái rốn biển trầm luân, không sao ngóc đầu lên được.

Chú thích[sửa]

  1. làm quen mãi rồi thành ra một thuộc tính tự nhiên
  2. tức là trọng vật chất
  3. xu xác: chưa rõ. Có lẽ là gần nghĩa với xu phụ, tức chạy theo nịnh bợ
  4. thối giục: cũng như hối thúc

← Mục lục

Liên kết đến đây