Phân biệt rạch ròi đức tin với giáo dục và khoa học
Bài viết “Ánh sáng của đức tin” trên Tia Sáng ngày 24/12/2019 vừa qua đưa ra một quan điểm đáng chú ý rằng đức tin tôn giáo là một hệ giá trị cao cả, dường như có thể soi đường cả khoa học, và việc “tuyệt đối hóa thuyết vô thần trong giáo dục” mang lại những hệ quả rất tồi tệ. Tôi xin phép nêu ra một góc nhìn khác, có phần đi ngược lại với kết luận của tác giả.
Bằng lập luận cùng dẫn chứng những tên tuổi nổi tiếng trong khoa học và văn hoá, bài viết dường như đưa ra ba kết luận. Một là cho dù đấng sáng thế (chúa trời, thượng đế, hay tên gọi nào khác) có tồn tại hay không thì ta cũng nên có đức tin. Hai là sự tồn tại của tín ngưỡng là nền tảng đạo đức xã hội loài người mà nếu mất đi thì sẽ “trượt dốc đến mức nguy hiểm”. Và ba là nhiều nhà khoa học, chính trị, quân sự, văn hóa tài ba đã có đức tin tôn giáo mãnh liệt và nêu ra những lợi ích của nó, do đó chúng ta nên noi theo. Tôi cho rằng cả ba lập luận này đều không thuyết phục cho sự cần thiết phải có “ánh sáng của đức tin”.
Câu chuyện về lợi ích thiết thực của đức tin ở phần đầu bài viết qua cuộc đối thoại của một học giả vô thần và người phụ nữ ngoan đạo chính là một phiên bản của “lập luận đánh cược Pascal” (pari de Pascal), đặt theo nhà toán học Blaise Pascal nổi tiếng của Pháp sống vào thế kỷ XVII. Pascal cho rằng quyết định có tin theo chúa trời hay không cũng giống như quyết định đánh cược, tức ta nên suy xét “đặt cược” theo cái nào có lợi nhất (hay đỡ tệ hại nhất). Theo Pascal (cũng như người phụ nữ ngoan đạo trong câu chuyện ở bài viết trước) thì nếu chúa trời tồn tại thì người có đức tin sẽ được lên thiên đàng, kẻ vô thần sẽ xuống hoả ngục; còn nếu chúa trời không tồn tại thì cả người có đức tin lẫn kẻ vô thần đều không lợi, cũng chẳng thiệt hại gì. Tóm lại, ta nên “đặt cược” vào đức tin, vì kết cục tệ nhất của việc có đức tin là chẳng hại gì; còn nếu “đặt cược” theo vô thần thì kết cục tệ nhất là rất bi thảm.
Thực tế không đơn giản như giả thiết của Pascal. Đức tin không chỉ có lợi ích mà còn cả những hậu quả. Đêm trường trung cổ ở châu Âu là một trong nhiều ví dụ về hệ quả tiêu cực của tôn giáo ở mức vĩ mô. Ở từng cá nhân, đức tin giúp con người vượt qua nhiều khó khăn về tâm linh lẫn vật chất, song cũng có thể đưa đến những hành vi mê tín, cuồng tín, kỳ thị kẻ ngoại đạo. Cái logic của Pascal còn sơ hở ở chỗ là nếu hiểu kinh sách của Ki-tô giáo (tôn giáo của Pascal), Do Thái giáo, và Hồi giáo theo nghĩa đen thì không chỉ những kẻ vô thần mới xuống hoả ngục, mà những ai tin vào thánh thần khác cũng chung số phận (việc nên hiểu kinh sách theo nghĩa đen hay nghĩa bóng là một đề tài khác vượt quá phạm vi bài viết này). Như vậy thì không-vô-thần thôi chưa đủ, mà phải hữu-thần-cho-đúng. Và vấn đề chúa của ai mới là chân thượng đế là quá trình đã tốn biết bao giấy mực lẫn xương máu của nhân loại kể từ khi tôn giáo xuất hiện cho đến nay.
Tóm lại, ta không thể nói đức tin chỉ có lợi mà không bao giờ có hại, và logic “đánh cược” của Pascal không thể đem áp dụng trong thực tế.
Thậm chí cứ cho rằng phần tích cực của tôn giáo lấn át hoàn toàn những hệ quả tiêu cực. Vậy có đúng là đạo đức xã hội sẽ “trượt dốc đến mức nguy hiểm” nếu tín ngưỡng biến mất? Châu Âu một lần nữa là một khu vực đáng chú ý khi tìm hiểu vấn đề này. Những nước có tỷ lệ người trưởng thành sùng đạo cao nhất là Romania, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia; còn những nước có tỷ lệ này thấp nhất là Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp (xem bản đồ đính kèm)[1]. Khi so sánh các tỷ lệ này với tỷ lệ tội phạm giết người và cướp giật toàn châu Âu thì ta không thấy có sự tương quan rõ rệt cho thấy mức độ tín ngưỡng cao đem lại xã hội an toàn hơn[2]. Nhìn rộng ra thế giới, những nơi có mức độ tín ngưỡng cao nhất hiện nay như các nước châu Phi vùng hạ Sahara hay Nam Á đều là những nơi còn nhiều vấn đề kinh tế lẫn an toàn xã hội nổi cộm. Ngay ở những nước phát triển, nhiều tổ chức tôn cũng phải đang giải quyết những vấn đề đạo đức của chính mình (lạm dụng trẻ em là một ví dụ nhức nhối). Do đó, bản thân đức tin không phải là một bảo chứng cho đạo đức cá nhân hay an sinh xã hội.
Nước Mỹ là nơi có tỷ lệ người dân theo tín ngưỡng cao nhất trong các nước phát triển; những người tuyên bố mình là vô thần chỉ chiếm hơn 3% dân số một chút. Nếu đúng là việc thiếu vắng đức tin khiến “phần ‘con’ trong mỗi cá nhân sẽ mặc sức hoành hành” thì tỷ lệ những người phạm pháp là vô thần phải cao hơn con số 3% rất nhiều. Trên thực tế, chỉ 0,1% số tù nhân Mỹ là người vô thần[3]. Con số này chưa chắc khẳng định được vô thần thì ít phạm pháp; đó là vì điều kiện kinh tế, nguồn gốc xuất thân cùng trình độ giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phạm pháp của một con người. Nhưng chắc chắn con số này không chứng minh cho lập luận vô thần sẽ đưa đến hủy hoại đạo đức xã hội của bài viết trước.
Một thực tế rõ ràng là tuy khoa học và tín ngưỡng thường trái nghịch nhau trên nhiều phương diện, nhưng vẫn có nhiều nhà khoa học, văn hoá, quân sự và chính khách lẫy lừng luôn tuyên xưng đức tin tôn giáo của mình như bài viết trước đã chỉ ra. Tuy nhiên, ta cần nhớ những tên tuổi lẫy lừng này đa số sinh trưởng trong điều kiện xã hội coi vô thần gần như là điều không tưởng (tuy vẫn có một vài trường hợp lẻ loi như Alfred Nobel, một người vô thần sống trong thế kỷ XIX). Ta không nghi ngờ đức tin của những người này cũng như ta không thể hoài nghi đức tin coi nhà vua là “thiên tử” đang thay trời mà cai trị của nhiều danh nhân lẫy lừng ở Á Đông vậy.
Nếu đức tin, tín ngưỡng thực sự là điểm chung của các bộ óc tài ba thì tỷ lệ vô thần trong giới khoa bảng phải thấp hơn trung bình. Trên thực tế thì từ thế kỷ 20 cho đến nay, con số các nhà khoa học vô thần càng ngày càng nhiều, nhanh hơn tốc độ “lan truyền” của tư duy vô thần trong xã hội. Có thể kể một vài tên tuổi vô thần nổi bật như Bertrand Russell, Linus Pauling, Francis Crick, James Watson, Erwin Schrödinger, Steven Weinberg, John Forbes Nash Jr, Peter Higgs, và Stephen Hawking. Nhà vật lý Richard Feynman đạt giải Nobel năm 1965 mà bài viết trước trích lời cũng chính là một kẻ vô thần tuy xuất thân từ gia đình theo truyền thống Do Thái giáo.
Cũng tại nước Mỹ của Feynman, một khảo sát vào thập niên 1990 cho thấy tỷ lệ các nhà khoa học nói chung không tin hoặc nghi ngờ sự tồn tại của thượng đế là đến 60%; riêng trong số các viện sĩ Viện hàn lâm khoa học quốc gia (National Academy of Sciences) thì con số này lên đến hơn 90% [4]. Một khảo sát gần đây hơn (2013) trong số các hội viên Hội hoàng gia Luân Đôn (Royal Society of London: cơ quan tương đương viện hàn lâm khoa học quốc gia ở các nước khác) cũng cho thấy chỉ hơn 5% tin có Chúa trời[5].
Những nhà khoa học và tư tưởng này luôn cổ xúy cho việc thế tục hoá giáo dục, tức phát triển tư duy và phương pháp học tập không cần viện dẫn đến thánh thần. Sự “tuyệt đối hoá thuyết vô thần trong giáo dục” theo nghĩa “cười nhạo… những người hữu thần là những kẻ ngu ngốc” như trong bài “Ánh sáng của đức tin” có thể đúng là mang lại nhiều vấn đề rất tiêu cực, nhưng việc phân biệt rạch ròi giữa đức tin với giáo dục và khoa học vẫn là cần thiết.
Thay vì để khoa học và giáo dục tìm ra chân lý; đưa đức tin vào khoa học – giáo dục có thể dẫn đến việc dùng vế sau xác nhận một chân lý mà vế trước đã định. Một ví dụ điển hình trong những năm gần đây là việc trích dẫn lời của Alberta Einstein cho rằng “Phật giáo bao gồm cả khoa học” trước những hiện tượng dường như vật lý xác nhận những thứ Phật giáo đã biết.
Trên thực tế, không có nguồn tài liệu tin cậy nào cho thấy Einstein có nói “Phật giáo bao gồm cả khoa học” tuy ông có ca ngợi Phật giáo có “yếu tố vũ trụ” (cosmic element). Trong bài viết “Tôn giáo và khoa học” trên Thời báo New York năm 1930, Einstein nói đến các mức độ tôn giáo khác nhau. Mức thứ nhất là tôn giáo từ nỗi sợ hãi mà ra. Mức thứ hai là tôn giáo hướng thiện. Mức thứ ba là “ý nghĩa tôn giáo vũ trụ” (cosmic religious sense) mà theo đó người ta muốn cảm nghiệm “cái toàn thể của sự tồn tại như một khối thống nhất đầy ý nghĩa”. Einstein nêu ra một vài ví dụ ý nghĩa tôn giáo ở mức thứ ba này như các câu trong Thánh vịnh (“Psalms”) và Ngôn sứ (“Prophets”) của Kinh thánh Cựu ước, và một số triết gia có tín ngưỡng lẫn vô thần (như Democritus, Francesco xứ Assisi, hay Baruch Spinoza). Trong đó Phật giáo được đánh giá cao là có yếu tố vũ trụ này rất mạnh (“The cosmic element is much stronger in Buddhism…”)[6]. Nhưng Einstein không nói rằng Phật giáo là tôn giáo của tương lai hay bao hàm cả khoa học.
Ngoài khát khao tìm kiếm một mục đích tối thượng nào đó (mà có thể không tồn tại) cho mọi thứ trong vũ trụ, thì có lẽ nhiều người lo ngại rường cột đạo đức xã hội hay “phần hồn” bị mất đi khi cổ xúy giá trị của đức tin trong khoa học bằng những câu chuyện dù là thật (như trường hợp Wernher von Braun mà bài trước nêu) hay không chính xác (như trường hợp phát biểu của Alberta Einstein). Sự thực là tuy có những lúc tư duy vô thần cực đoan gây ra tai họa, nhưng nhân loại đây đó đã chứng minh được khả năng sống cuộc đời tốt đẹp, chăm lo cho nhau mà không cần viện dẫn đến thần thánh hay hiện tượng siêu nhiên. Tư duy khoa học cùng những giá trị dân chủ thế tục (trong đó tôn trọng tín ngưỡng và không tín ngưỡng của cá nhân) có lẽ là loại ánh sáng bao trùm mà chúng ta cần.
Chú thích[sửa]
-
↑
1,0
1,1
Jonathan
Evans,
Chris
Baronavski
(2018).
How
do
European
countries
differ
in
religious
commitment?
https://www.pewresearch.org/fact-tank/2018/12/05/how-do-european-countries-differ-in-religious-commitment/
[Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) là cơ quan nghiên cứu chính sách phi đảng phái, có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ). Pew chuyên tiến hành các nghiên cứu thăm dò ý kiến toàn cầu.] - ↑ European Statistical Office (2019). Crime statistics. https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php?title=Crime_statistics
-
↑
Hemant
Mehta
(2015).
Atheists
now
make
up
0.1%
of
the
federal
prison
population.
https://friendlyatheist.patheos.com/2015/08/21/atheists-now-make-up-0-1-of-the-federal-prison-population/
[Hemant Mehta là một nhà hoạt động vì quyền lợi của người vô thần ở Mỹ. Số liệu của Mehta dựa theo con số công bố của Cục giam giữ (Federal Bureau of Prisons) thuộc Bộ tư pháp Hoa Kỳ. Số liệu này được công bố trong bài kèm với bản sao văn bản công bố số liệu chính thức.] - ↑ Edward J Larson, Larry William (1998). Leading scientists still reject God. Nature 394:313. https://www.nature.com/articles/28478
- ↑ Michael Stirrat, R Elisabeth Cornwell (2013). Eminent scientists reject the supernatural: a survey of the fellows of the Royal Society. Evolution: Education and Outreach 6:33. https://evolution-outreach.biomedcentral.com/articles/10.1186/1936-6434-6-33
- ↑ Albert Einstein (1930). Religion and science. The New York Times. https://www.nytimes.com/1930/11/09/archives/religion-and-science.html
Nguồn[sửa]
- Tạp chí Tia sáng