Tại sao quốc khánh thứ 150 của Canada gây tranh cãi?
Canada kỷ niệm quốc khánh thứ 150 của mình vào ngày 1/7 vừa qua. Khoảng 500.000 người đã tụ tập trên bãi cỏ của tòa nhà quốc hội theo phong cách Gothic mới ở Ottawa vào ngày thứ Bảy để cùng ngâm nga các ca khúc với ca sĩ nhạc dân gian Gordon Lightfoot và trầm trồ với màn pháo hoa, được nhà tài trợ hứa hẹn sẽ là màn biểu diễn lớn nhất vào ngày Quốc khánh Canada từ trước tới nay. Canada được đánh giá cao trên toàn thế giới, và công dân của đất nước này cảm thấy họ xứng đáng với bữa tiệc này. Vậy tại sao ngày kỷ niệm thành lập nước Canada lại gây tranh cãi?
Có rất nhiều điều để ăn mừng. Canada vẫn là một quốc gia độc lập mặc dù đã hai lần bị xâm lăng bởi người Mỹ với dự định chiếm toàn bộ phía bắc của lục địa này. Nó đã vượt qua được cuộc khủng hoảng mang tính sống còn của chủ nghĩa ly khai ở Quebec, phong trào này giờ đây đang bị đóng băng, theo lời của Chantal Hébert, một nhà nghiên cứu Quebec. Trong khi phần lớn thế giới phương Tây đang hướng nội thì Canada lại mạnh mẽ khuyến khích những giá trị của toàn cầu hóa, đa văn hóa và chấp nhận người tị nạn. Người dẫn đầu cho phong trào này là Justin Trudeau, vị thủ tướng ăn ảnh, người đã thể hiện sự ủng hộ tính đa dạng của mình vào tuần trước bằng cách tham gia cuộc diễu hành Toronto Pride (của những người thuộc giới LGBT) trong khi mang đôi vớ ghi dòng chữ Eid Mubarak nhằm đánh dấu lễ hội Hồi giáo vào cuối tháng Ramadan. Trong số những người Mỹ biết đến ông, Trudeau được ưa chuộng hơn so với Donald Trump.
Tuy nhiên, đối với 1,4 triệu thổ dân, người Inuit và Métis, những cư dân gốc của mảnh đất này, thì không có gì điều gì đáng để ăn mừng. Pam Palmater, một luật sư người Mi’kmaw và là giáo sư trường đại học cho biết: “Quốc khánh lần thứ 150 của Canada là một điều gây xúc phạm. Chúng tôi đã ở đây hàng chục ngàn năm.”
Nỗi bất bình của họ vượt quá cả cuộc tranh luận về vấn đề ngày tháng. Sau khi Quốc gia Tự trị Canada được thành lập vào năm 1867, chính phủ mới đã tiếp tục các chính sách thực dân để chiếm đoạt đất của người bản địa và đẩy họ vào những khu bảo tồn. Tệ hơn nữa, chính phủ đã cố gắng xóa bỏ văn hoá và ngôn ngữ của họ bằng cách tách trẻ em bản xứ ra khỏi gia đình và đưa chúng vào “các trường học nội trú”. Những người thổ dân không thể thuê luật sư để bảo vệ các đòi hỏi về đất đai của họ mãi cho đến năm 1951. Những người sống trong khu vực bảo tồn (một số đã từ bỏ thân phận này và chuyển đến các thành phố) không được phép bỏ phiếu mãi cho đến năm 1960.
Stephen Harper, cựu Thủ tướng đảng Bảo thủ, đã xin lỗi vào năm 2008 về vấn đề các trường học nội trú, và ngôi trường cuối cùng thuộc kiểu này đã đóng cửa vào năm 1996. Chính phủ của đảng Tự do tuyên bố sẽ khắc phục mối quan hệ đã tan nát này. Nhưng tiến bộ đạt được là không đồng đều.
Cũng ngay trong tuần mà ông Trudeau tuyên bố rằng mối quan hệ của Canada với các sắc dân bản địa là mối quan hệ quan trọng nhất của quốc gia này thì chính phủ của ông cũng đã trì hoãn việc trao cho trẻ em bản địa quyền tiếp cận tương tự với các dịch vụ của chính phủ như những đứa trẻ không phải người bản địa bằng cách quay sang tòa án để yêu cầu làm rõ.
Murray Sinclair, một người Ojibwe và cựu giám đốc của một ủy ban quốc gia có nhiệm vụ điều tra vấn đề các trường học nội trú, nói rằng cho đến khi chính phủ đưa ra một kế hoạch rõ ràng về cách thức để đạt được sự hòa giải thực sự, thì tuyên bố của họ có nguy cơ trở thành những lời sáo rỗng. Ông Trudeau nói rằng sẽ mất “rất nhiều thế hệ” để khôi phục những tổn hại kéo dài hàng trăm năm qua. Với tốc độ này, người dân bản địa có thể vẫn sẽ không phải là những người tham dự cuộc vui khi Canada tròn 200 tuổi vào năm 2067.
Nguồn[sửa]
- Bản gốc: “Why is Canada’s 150th birthday controversial”, The Economist, 29/6/2017
- Bản dịch: Nghiên cứu quốc tế ; Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan ; Biên tập: Lê Hồng Hiệp