Những thói hư tật xấu của người Việt/149
Biếng nhác, vô cảm, lẩn tránh
(Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, năm 1944)
Hiện tượng quá đông dân và thường xuyên thiếu việc làm khiến cho nhiều người có tâm lý sống ngày nào biết ngày ấy. Ở thôn quê, những kẻ có chút tiền bạc hoặc có đủ ruộng chỉ còn thích ăn không ngồi rồi.
Xét về phương diện tinh thần, xu hướng biếng nhác này càng trầm trọng thêm bởi nền giáo dục cổ lỗ và chưa bao giờ có phương pháp. Thành ra có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy. Sau khi chất đầy trí nhớ các loại kinh sách, nhà nho xưa kia chẳng còn nghĩ đến chuyện trau dồi trí tuệ nữa. Họ thường già trước tuổi. Hoặc là họ nhẫn nhục chịu đựng cốt không để ai đó ganh ghét mà kiếm chuyện lại thôi. Hoặc là họ sa vào thói chơi ngông đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng dễ làm cạn kiệt cái năng lực phát minh cũng như năng lực lập luận khoa học.
Có những nhà quan sát nước ngoài nhận xét người Việt hay trộm cắp và dối trá. Trong một thời gian dài, người dân nước này chỉ được nhận một nền cai trị kém cỏi, trong đó thấm sâu chính sách ngu dân. Cá nhân con người luôn luôn bị săn đuổi, họ buộc phải bao quanh mình một tấm màn bí mật. Làng xã cũng vậy, trong quan hệ với chính quyền trung ương họ cố giữ lấy một thái độ nếu không độc lập thì cũng ương bướng bất phục.