Những thói hư tật xấu của người Việt/156
Học không biết cách
(Nguyễn Văn Vĩnh, Đông Dương tạp chí, năm 1913)
Về đạo cương thường cứ nói rằng thâm nhiễm[1] của Tàu nhiều lắm rồi, nhưng tôi xét ra chưa có điều gì gọi là thâm nhiễm cả. Trong hết cả số người theo Nho học thì họa là có mấy ông vào bực giỏi, hiểu biết được đạo Khổng Mạnh. Còn những bực nhoàng nhoàng thì thường cứ thấy người học cũng học, học cho thuộc cách mà thôi, chứ không có định trong bụng rằng theo những điều nào, kháp[2] đạo ấy vào tính tình riêng của người nước mình nó ra sao... Vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức[3] đi, mà làm ra cả một pho luật mới chép tuốt cả của Tàu, cả từ điều nước mình có, cho đến những điều mình không có, cũng bắt chước. Thành ra luật pháp cũng hồ đồ. Cương thường đạo lý toàn là giả dối hết cả, không có điều gì là có kinh có điển.
Chú thích[sửa]
- ↑ Thâm nhiễm: ảnh hưởng sâu sắc.
- ↑ Kháp: tức khớp, ghép lại cho khít, cho phù hợp
- ↑ Bộ luật cổ của nước ta có từ thời Lê, tham khảo nhiều từ bộ luật đời Đường