Những thói hư tật xấu của người Việt/170

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không còn lễ nghĩa liêm sỉ

(Nguyễn Trường Tộ, Về việc cải cách phong tục, 1871)

Nước ta, những nơi chợ búa thành phố, không luận đàn bà trẻ con, đến người có học biết chữ mà cũng mở miệng là nói lời thô bỉ.

Tập thành thói quen, những tiếng tục tĩu, người nghe nhơ cả lỗ tai, mà người nói lại lấy làm khoái.

Cho đến câu mắng bài chửi, đọc ra có cung có điệu, người nào mắng chửi cả ngày mà không trùng lặp, thì người ta xem như Tô Tần, Trương Nghi[1], chiếm giải quán quân.

Đến lúc diễn ra cái bộ dạng mắng chửi, tiếng như mõ rao, chân như múa hát lên tay xuống ngón, mặt như sơn đổ, tóc như tơ vò, nước miếng như bọt giải, tay cầm dát lia, chân đi cà xiểng[2] không khác gì người điên.

Lại còn một điều xấu nữa, hễ có bất bình với ai thì phát thệ[3] và nguyện rủa chúc dữ[4] rất nặng.

Thường hàng ngày cùng giao du với nhau, mà đến lúc bỏ nhau, chất chứa điều bất bình lâu, thì khí yêu[5] nhân đó mà sinh ra, người nọ bảo người kia “đầy miệng điều láo, một ngày bán được ba gánh giả, đến đâu cũng dối, ba ngày không mua được một điều thực “.

Thật là không còn chút lễ nghĩa liêm sỉ nào! Cái phong tục kiêu bạc[6] đến thế là cùng.Thế giới chưa có nước nào như xứ mình!

Chú thích[sửa]

  1. các nhà thuyết khách nổi tiếng đời Chiến quốc bên Trung quốc
  2. dát lia – chưa tra cứu được; còn cà xiểng, theo Đại Nam quốc âm tự vị, là Ngao du không biết công chuyện chi mà làm, không nên sự gì
  3. thề bồi
  4. chúc: khấn. Chúc dữ: ước cho mắc sự dữ
  5. tinh thần gian tà bất chính
  6. cũng tức là khinh bạc với nghĩa cổ: kẻ không biết tự trọng

← Mục lục

Liên kết đến đây