Những thói hư tật xấu của người Việt/178

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không có nghề nào đạt tới trình độ chuyên nghiệp

(Phan Kế Bính, Việt nam phong tục, 1915)

Phần nhiều người nước ta chỉ nô nức về đường công danh sĩ hoạn, mà coi nghề buôn bán là một nghề khinh thường. Người giàu có cho con đi học mong cho con về sau nhất ra thì làm nên ông nghè ông bảng, chớ nào ai mong cho con mai sau làm nên bác lái này ông lái nọ. Người làm quan trở về thì lấy gió mát trăng thanh, cúc thơm lan tốt, chè chuyên thuốc quấn, đàn ngọt hát hay làm vui thú, chớ nào ai thiết gì ông chủ cửa hàng nọ ông quản lý cửa hiệu kia. Mà đủ bát ăn thì cũng lấy sự thanh nhàn làm thú trên đời, còn việc buôn bán thây mẹ đĩ.

Té ra bao nhiêu ông việc buôn bán phần nhiều ở trong tay người đàn bà và ở trong bọn mấy chú lái thì mong sao mở mang ra to được?!

Lại như việc chữa bệnh, xưa kia nước ta không biết trọng nghề làm thuốc, thường cho là một nghề nhỏ mọn, không mấy người lưu tâm. Chốn dân gian chỉ những người bất đắc chí trong đường khoa cử mới xoay ra xem sách thuốc để lấy nghề sinh nhai. Phần nhiều là những người thiển học[1], rồi cũng dám lên mặt ông lang đi khắp chợ cùng quê để chữa bệnh cho thiên hạ. Mạch thấy nắm cũng nắm, mà có hiểu thế nào là mạch thực mạch hư; bệnh thấy xem cũng xem, mà có hiểu thế nào là bệnh hàn bệnh nhiệt. Đệm thêm một nắm lá xì xằng cho gói thuốc to, để lấy cho đáng đồng tiền của người ta. Cũng may dân ta phần nhiều còn dại dột, sống chết đổ cho tại số, chớ không thì các ông lang ấy chắc không ăn ngon ngủ yên.

Chú thích[sửa]

  1. sức học nông cạn

← Mục lục

Liên kết đến đây