Những thói hư tật xấu của người Việt/188
Nhắm mắt bắt chước điều không hay của cổ nhân và ngại thay đổi
(Lương Dũ Thúc, Nông cổ mín đàm, 1902)
Người nước chúng ta sự tính lợi hại xét hơn thua không rõ, cứ người sau thì làm theo những điều người trước hay làm. Bởi vậy cho nên cả nước giàu không đặng giàu nhiều, nghèo thì nghèo đến đỗi không áo không quần mà thay, rồi mỗi mỗi cứ đổ lỗi cho trời cho số, cho ngày sinh tháng đẻ.
Cổ đạo[1] là những lẽ phải: có vua tôi, có cha con, có anh em, có vợ chồng, có bạn hữu; nếu người nay mà trái những điều đó mới mang tai[2]. Chớ ví như đổi tục gian ra ngay, tục làm biếng ra siêng, đổi dối ra thiệt, tục nghịch ra thuận, tục ngu ra trí, tục hèn ra sang, tục dơ ra sạch, tục vụng ra khéo, tục trược [3] ra thanh, đổi như vậy thì là phải lắm.
Xin hãy coi gương người dị quốc[4], hoặc phương đông phương tây, phương nam cùng phương bắc, người ta thường hay đổi hay sửa, ít bắt chước những điều tệ của người trước; bởi vậy nay người ta thanh lịch lắm. Nếu mà cứ theo tục sai không đổi thì quả là khờ và bị thiệt hại.
Chú thích[sửa]
- ↑ đạo lý cổ truyền
- ↑ chịu những điều khốn khổ, có hại
- ↑ trược tức là trọc, có nghĩa là đục, không trong sạch
- ↑ người các nước khác