Những thói hư tật xấu của người Việt/197
Không học được cách tư duy hợp lý
(Phạm Quỳnh, Giải nghĩa đồng hoá, Nam Phong, 1931)
Người mình vốn có cái thiên tính dễ đồng hoá, nghĩa là có tư cách[1], dễ am hiểu dễ thu nạp lấy những gì khác lạ với mình, dễ đem những điều hay điều dở của người ngoài mà hoá làm của mình.
Nhưng cái tài đồng hoá đó thường thường chỉ là cái khoé tinh[2], biết xem xét và bắt chước của người, phảng phất ở bề ngoài, chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để[3], chỗ tinh tuý.
Cái cách đồng hoá dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt.
Như học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu được thấu, đã hoá được hẳn những cái người ta dạy mình, và chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy nó đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.
Có những người mặc thì mặc theo đúng mốt tối tân ở Paris, nói năng ba hoa đi đứng đường đột; bề ngoài như vậy mà bề trong nghị luận mơ hồ, tư tưởng lộn xộn, không có thống hệ[4], không biết bắt chước lấy cái lối nói năng gãy gọn, biện lẽ phân minh như người Tây phương.
Chú thích[sửa]
- ↑ nghĩa cũ: tài lực trình độ khả năng
- ↑ mánh khóe ranh ma
- ↑ gốc rễ
- ↑ ngày nay hay nói ngược lại: hệ thống