Những thói hư tật xấu của người Việt/58
Thủ cựu và ngại thay đổi
(Nghiêm Xuân Yêm, Nông dân mới trong nghề nông xử ta, Thanh Nghị, năm 1945)
Trước hết nông dân ta ngày nay (bài này viết tháng 02/1945 - VTN chú) đều còn dốt nát. Bởi dốt nên thủ cựu mà thủ cựu một cách bướng bỉnh. Bao nhiêu điều gì mới lạ khác và thói thường, với sự quen dùng, họ đều coi như không tốt và không bao giờ có ý tò mò muốn dùng. Đại đa số chỉ sống lần hồi từng ngày, nên họ không hề có những sự trông xa hoặc lâu dài và phiền phức rắc rối. Họ cần những hoa lợi mau chóng chắc chắn và dễ dàng, dẫu rằng ít ỏi. Họ nhận thấy ruộng thiếu phân bón nhưng họ chẳng biết làm thế nào cho có nhiều phân. Vì hình như họ cho sự thiếu thốn ấy là dĩ nhiên. Họ nghiệm thấy những giống thóc họ thường cấy là không cứng cây, không chịu được nước ngập... nhưng họ chẳng muốn tìm các giống tốt hơn và giả sử có tìm thấy họ cũng không dám cấy thí nghiệm. Họ cũng từng biết nghĩ rằng nếu rất nhiều người họp lại chung công của để đắp một khúc đê, xây vài ba cửa cống thi hờ lê giữ được nước mưa để cả một cánh đồng bằng khô khan trở nên chan hòa nước và cây cối tươi tốt. Nhưng họ cũng lại tin rằng đó là một sự chẳng bao giờ nên dám làm, vì chắc đâu đã được lợi. Vả lại trong việc khó khăn và lâu dài lắm. Thà rằng chẳng nghĩ đến làm còn hơn(!). Dốt nát, thủ cựu, nghèo, ưa thực tế, hay ngờ vực nhút nhát, mọi nhẽ ấy đã tạo thành những người nông dân khó hiểu, khó dìu dắt và khiến cho người nào nông nổi ương tính phải bực mình, có khi đến phải cáu phải ghét.