Phòng ngừa ung thư đại tràng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ung thư đại tràng hay ung thư đại trực tràng là sự tăng trưởng tế bào ác tính trong ruột già phía dưới, đại tràng và trực tràng. Ung thư có thể lan rộng đến các cơ quan khác nên rất nguy hiểm. Rất may mắn là ung thư đại tràng có thể được phát hiện sớm nếu sàng lọc thường xuyên. Ngoài ra, bạn có thể giảm nguy cơ ung thư đại tràng bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Nhận biết yếu tố nguy cơ[sửa]

  1. Cân nhắc yếu tố nguy cơ một cách thận trọng. Sàng lọc thường xuyên có thể giúp phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư đại tràng. Biết rõ yếu tố nguy cơ giúp bạn xác định khi nào nên tiếp nhận sàng lọc. Nhận thức những yếu tố nguy cơ bệnh lý và lối sống có thể giúp bạn phát hiện sớm ung thư đại tràng và tăng cao cơ hội sống. Hầu hết trường hợp ung thư đại tràng xuất hiện sau tuổi 50, trong đó người Mỹ gốc Phi có nguy cơ cao hơn các chủng tộc khác.[1][2]
  2. Tìm hiểu tiền sử bệnh trong gia đình. Nếu có người thân bị ung thư đại tràng, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn. [3] Trong trường hợp đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được khuyến nghị sàng lọc nếu cần thiết.
  3. Nhận biết nếu mang các yếu tố nguy cơ bệnh lý khác. Bệnh viêm ruột như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Nếu được chẩn đoán mắc một trong những bệnh trên, bạn sẽ có nguy cơ ung thư đại tràng cao hơn và nên đi khám bác sĩ thường xuyên. Một số bệnh di truyền như hội chứng đa polyp có tính gia đình (FAP) và ung thư đại tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch) hoặc tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.[3]
  4. Đánh giá lối sống. Một số lối sống có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Ví dụ như:[3]
    • Thừa cân hoặc béo phì.
    • Lối sống thụ động.
    • Hút thuốc lá.
    • Uống quá nhiều rượu bia (nhiều hơn 2 phần mỗi ngày).[4]
    • Chế độ ăn quá nhiều thịt đỏ và thức ăn chế biến sẵn, chế độ ăn ít chất xơ và rau củ quả.
  5. Nhận biết triệu chứng ung thư đại tràng. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu có những triệu chứng sau:
    • Có máu trong phân.
    • Đau bụng dai dẳng.
    • Sụt cân nhanh không chủ đích.

Sàng lọc để phòng ngừa ung thư đại tràng[sửa]

  1. Tiếp nhận sàng lọc. May mắn là ung thư đại tràng thường bắt đầu như bệnh polyp đại trực tràng lành tính.[5] Loại bỏ khối u có thể ngăn khối u phát triển thành ung thư. Do đó, các chuyên gia đều cho rằng sàng lọc thường xuyên là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa ung thư đại tràng.
    • Người lớn bình thường không mang yếu tố nguy cơ nên bắt đầu sàng lọc ở tuổi 50.
    • Người lớn mang yếu tố nguy cơ nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn. Nên đi khám bác sĩ để được khuyến nghị sàng lọc nếu bạn mang một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng.
  2. Tìm hiểu về các phương pháp sàng lọc khác nhau. Mặc dù bác sĩ sẽ khuyến nghị xét nghiệm phù hợp nhất nhưng việc tìm hiểu chi tiết quá trình xét nghiệm cũng giúp ích.
    • Nội soi đại tràng. Xét nghiệm này là quy trình đưa camera vào đại tràng để quan sát đầy đủ bên trong. Đây được xem là xét nghiệm chính xác nhất. Một ưu điểm khác đó là nếu phát hiện polyp hoặc điều bất thường, bác sĩ có thể loại bỏ tại chỗ. [6]
    • Chụp CT đại tràng. Còn được gọi là nội soi đại tràng ảo, xét nghiệm này là quy trình sử dụng máy quét CT để tạo hình ảnh kỹ thuật số bên trong đại tràng. Phương pháp này sẽ là lựa chọn phù hợp nếu bạn không thể tiếp nhận nội soi đầy đủ. [6]
    • Soi đại tràng sigma linh hoạt. Xét nghiệm này tương tự với nội soi đại tràng nhưng bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ hơn để kiểm tra phần thứ ba bên dưới đại tràng. [7]
    • Xét nghiệm phân. Xét nghiệm này giúp phát hiện máu trong phân - triệu chứng sớm hay dấu hiệu ung thư đại tràng. [7]
  3. Luôn tiếp nhận sàng lọc thường xuyên. Thời gian sàng lọc có thể là mỗi 5 năm hoặc 10 năm, tùy thuộc vào loại xét nghiệm và kết quả của lần xét nghiệm trước. Tiếp nhận sàng lọc thường xuyên giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư đại tràng. Mặt khác, bác sĩ có thể khuyến nghị xét nghiệm phân thường xuyên hơn.

Phòng ngừa ung thư đại tràng thông qua chế độ ăn[sửa]

  1. Tăng cường chất xơ. Chất xơ giúp chất thải di chuyển dễ dàng hơn trong hệ tiêu hóa. Chất thải tích tụ được xem là nguyên nhân gây polyp và polyp sẽ phát triển thành ung thư. Không những giúp ngăn ngừa ung thư, tăng cường chất xơ còn tốt cho sức khỏe tổng thể.[8] Có nhiều thực phẩm giàu chất xơ cho bạn kết hợp vào chế độ ăn.[9][10]
    • Hoa quả tươi, đặc biệt là quả mọng có hạt. Ăn hoa quả nguyên vỏ giúp bổ sung hàm lượng chất xơ nhiều nhất.
    • Rau củ. Rau củ giòn và nhiều lá thường giàu chất xơ nhất. Khi ăn khoai tây, bạn nên ăn luôn vỏ để bổ sung chất xơ.
    • Ngũ cốc nguyên hạt. Ngũ cốc trắng đã trải qua quy trình tẩy trắng và không nhiều dưỡng chất bằng ngũ cốc nguyên hạt. Vì vậy, bạn nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, mì ống, ngũ cốc, yến mạch để tăng cường lượng chất xơ.
    • Đậu. Bạn có thể dễ dàng dùng đậu chế biến các món súp và rau trộn để tăng hàm lượng chất xơ.
    • Gạo lứt. Tương tự bánh mì trắng, gạo trắng không mang nhiều giá trị dinh dưỡng. Do đó, bạn nên chuyển sang ăn gạo lứt để tăng cường chất xơ trong chế độ ăn.
    • Ngoài ra, bạn có thể uống thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ như Metamucil hoặc Konsyl nếu không thể bổ sung đủ chất xơ từ chế độ ăn thông thường.
  2. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ. Thức ăn nhiều dầu mỡ sản sinh ra axit trong đại tràng có thể kích thích sự phát triển của khối u và polyp.[11]
    • Mỡ động vật có liên quan đến các trường hợp ung thư và nên được tiêu thụ ở mức điều độ. Không nên ăn quá nhiều thịt đỏ như thịt bò và thịt lợn.[12]
    • Thức ăn chế biến sẵn và thức ăn đông lạnh cũng nhiều chất béo có hại và các hóa chất khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
  3. Bổ sung axit folic từ thực phẩm. Nhiều bằng chứng cho thấy axit folic giúp phòng ngừa và chống lại ung thư. Hoa quả họ Cam và rau lá xanh như rau bina (cải bó xôi) là những thực phẩm giàu axit folic.[11]
    • Phải đảm đảo nguồn axit folic là từ thực phẩm. Nghiên cứu vẫn chưa xác định được thực phẩm chức năng bổ sung axit folic có giúp ngừa ung thư hay không.[13]
  4. Bổ sung đủ canxi. Bằng chứng cho thấy canxi giúp ngăn ngừa sự hình thành của polyp tiền ung thư. Một số thực phẩm giàu canxi gồm có: [14] Some good sources of calcium are:[15]
    • Chế phẩm từ sữa động vật như sữa, sữa chua và phô mai. Người ta cho rằng chế phẩm từ sữa động vật là nguồn thực phẩm giàu canxi nhất. Phô mai mềm như Ricotta và Mozzarella chứa nhiều canxi hơn.
    • Rau xanh. Cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn và đọt bông cải xanh chứa canxi hàm lượng cao.
    • Cá mòi và cá hồi. Tất cả các loại cá đều tốt cho sức khỏe nhưng hai loại cá này đặc biệt giàu canxi hơn. Cá mòi đóng hộp chứa lượng canxi cao nhất trong số các loại thực phẩm.[15]
    • Đậu nành. Ăn đậu nành không hoặc kết hợp chế phẩm từ đậu nành vào chế độ ăn là một cách tuyệt vời để bổ sung canxi cho cơ thể.
  5. Tăng cường chất chống oxi hóa trong chế độ ăn. Chất chống oxi hóa giúp tái tạo tế bào và tăng cường khả năng chống lại polyp tiền ung thư của cơ thể.[11] Bạn không cần uống thực phẩm chức năng để bổ sung chất chống oxi hóa mà có thể kết hợp những thực phẩm giàu chất chống oxi hóa dưới đây vào chế độ ăn: [16]
    • Quả mọng. Việt quất, dâu tây và quả mâm xôi đặc biệt giàu chất chống oxi hóa và giúp kháng viêm - nguyên nhân có thể gây polyp tiền ung thư.
    • Các loại hạt. Các loại hạt khác nhau chứa các chất chống oxi hóa khác nhau. Ví dụ, hạt hạnh nhân giàu omega-3, trong khi hạt Brazil lại chứa nhiều selen. Ăn nhiều loại hạt giúp cung cấp các chất chống oxi hóa đa dạng cho chế độ ăn.
    • Rau lá xanh. Bên cạnh nguồn chất xơ, canxi, kali và magie, rau lá xanh còn là nguồn chất chống oxi hóa dồi dào. Cải bó xôi, cải xoăn, xà lách và bông cải xanh sẽ giúp cung cấp các chất dinh dưỡng giúp chống lại ung thư.
    • Trà xanh. Tất cả các loại trà đều giàu giá trị dinh dưỡng nhưng trà xanh chứa nhiều chất oxi hóa mạnh nhất. Bạn có thể lựa chọn sản phẩm trà xanh khử caffeine nếu cơ thể nhạy cảm với caffeine.
  6. Thử dùng thực phẩm chức năng. Những chất dinh dưỡng kể trên có thể bổ sung thông qua thực phẩm chức năng. Nếu chế độ ăn không giúp cung cấp đủ dinh dưỡng, bạn có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng dưới đây để giảm nguy cơ ung thư đại tràng.[17] Nếu chưa chắc chắn, bạn có thể hỏi bác sĩ để được tư vấn về việc dùng thực phẩm chức năng.
    • Canxi.
    • Magie.
    • Vitamin nhóm B.
    • Axit béo không bão hòa đơn omega-3.
    • Vitamin D.

Thay đổi lối sống để phòng ngừa ung thư đại tràng[sửa]

  1. Bỏ thuốc lá. Bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc và không tập hút thuốc nếu chưa hút. Hút thuốc lá có liên quan đến không những nhiều loại ung thư mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác về sức khỏe. Do đó, tốt nhất bạn nên bỏ thói quen xấu này. [18][4]
  2. Uống thức uống chứa cồn có điều độ. Uống một lượng nhỏ thức uống chứa cồn có thể mang đến lợi ích và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, uống quá nhiều sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Uống quá 2 phần thức uống chứa cồn mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. [19] Nếu nghiện rượu bia nặng, tốt nhất bạn nên hạn chế để giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  3. Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân hay béo phì đều làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm ung thư đại tràng. Bạn nên duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân nếu cần thiết để giảm nguy cơ ung thư. Nên trao đổi với bác sĩ để xác định được cân nặng lý tưởng và luôn duy trì cân nặng ở mức này. [18][4]
  4. Luôn hoạt động. Lối sống thụ động làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp ngăn ngừa ung thư và tốt cho sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần. Bạn không nhất thiết phải tham gia các hoạt động quá sức mà chỉ cần tham gia những hoạt động yêu thích cũng giúp cải thiện sức khỏe đáng kể.[19]
    • Đi bộ 30-60 phút nhiều lần mỗi tuần.
    • Đạp xe.
    • Tham gia lớp học bơi.
    • Làm vườn hoặc tham gia các hoạt động thể chất khác.
  5. Cân nhắc việc lắp bồn cầu ngồi xổm. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng một số bằng chứng cho rằng bồn cầu ngồi bệt làm tăng tỉ lệ ung thư đại tràng ở các nước phát triển.[20][21] Người ta cho rằng bồn cầu ngồi xổm giúp chất thải di chuyển qua đại tràng hiệu quả và tự nhiên hơn, ngăn ngừa táo bón và giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Vì vậy, nếu có thể, bạn nên cân nhắc việc lắp đặt bồn cầu ngồi xổm ở nhà.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn có thể gọi tổng đài 1080 để hỏi thông tin về các chương trình sàng lọc miễn phí hoặc tiết kiệm chi phí tại địa phương.
  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ có vấn đề về sức khỏe.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.cdc.gov/cancer/colorectal/basic_info/prevention.htm
  2. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21107892
  3. 3,0 3,1 3,2 http://www.cdc.gov/cancer/colorectal/basic_info/risk_factors.htm
  4. 4,0 4,1 4,2 http://www.cancer.org/cancer/colonandrectumcancer/detailedguide/colorectal-cancer-risk-factors
  5. http://www.medicinenet.com/colon_cancer_prevention/page3.htm#what_are_the_risk_factors_for_colon_cancer
  6. 6,0 6,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-cancer/basics/tests-diagnosis/con-20031877
  7. 7,0 7,1 http://www.cdc.gov/cancer/colorectal/basic_info/screening/tests.htm
  8. http://www.webmd.com/colorectal-cancer/guide/eating-prevent-cancer?page=2
  9. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/high-fiber-foods/art-20050948
  10. http://www.webmd.com/diet/top-10-sources-of-fiber
  11. 11,0 11,1 11,2 http://www.webmd.com/colorectal-cancer/guide/eating-prevent-cancer
  12. https://pcrm.org/health/cancer-resources/diet-cancer/facts/meat-consumption-and-cancer-risk
  13. http://www.coloncancerfoundation.org/prevention/vitaminsAndSupplements.html
  14. http://www.medicinenet.com/colon_cancer_prevention/page5.htm#what_measures_to_prevent_colorectal_cancer_probably_are_effective_and_safe
  15. 15,0 15,1 http://nof.org/articles/886
  16. http://www.webmd.com/food-recipes/10-super-foods
  17. http://www.coloncancerfoundation.org/prevention/vitaminsAndSupplements.html#8note
  18. 18,0 18,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-cancer/basics/prevention/con-20031877
  19. 19,0 19,1 http://www.siteman.wustl.edu/contentpage.aspx?id=7054
  20. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4017696/
  21. http://www.toilet-related-ailments.com/colon-cancer.html
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này