Phòng tránh dị tật thai nhi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dị tật thai nhi là một biến chứng xảy ra cho thai nhi trong quá trình phát triển trong tử cung. Phần lớn dị tật thai nhi thường xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu). Dị tật thai nhi có thể bao gồm những sai khác về mặt hình thể, chức năng hoặc cả hai. Khoảng 4% trẻ em được sinh ra với dị tật bẩm sinh, bất kể tình trạng mang thai của mẹ thế nào.[1] Tuy nhiên, dị tật có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: nhiễm trùng, phơi nhiễm hóa chất, lạm dụng thuốc và đồ uống chứa cồn.[2] Dưới đây là những bước mà bạn có thể thực hiện để đề phòng dị tật thai nhi, và gia tăng cơ hội sinh ra một em bé khỏe mạnh.

Các bước[sửa]

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Tránh đồ uống có cồn. Không được uống bia, rượu, rượu nặng hoặc bất kì loại đồ uống có chứa cồn nào khác trong quá trình thụ thai hoặc mang bầu. Không có hạn mức an toàn nào đối với lượng rượu bia mà bạn được phép uống trong khi mang thai, và khi sử dụng những đồ uống này, cồn sẽ đi trực tiếp từ máu của mẹ vào thai nhi.
    • Sử dụng chất cồn trong khi mang thai có thể gây ra Hội chứng rối loạn thai nhi do rượu (FASDs). Một trong những hội chứng nghiêm trọng nhất là Hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi (FAS). FAS là nguyên nhân chính gây thiểu năng trí tuệ tại Mỹ và có thể ngăn ngừa được.
    • Sử dụng rượu bia trong khi mang thai cũng có thể dẫn tới sảy thai hoặc thai chết lưu. [3] [4]
  2. Cai thuốc lá. Không có định mức khói thuốc an toàn dành cho phụ nữ có thai và em bé, vì thế, bạn phải luôn tránh hút thuốc cũng như hút thuốc thụ động trong quá trình thụ thai và mang thai.
    • Hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, dị tật thai nhi như sứt môi hoặc hở hàm ếch, và thai lưu. Những phụ nữ hút thuốc trong khi mang thai thường có nguy cơ dễ bị sảy thai hơn. Việc hút thuốc cũng có liên quan tới Hội chứng Đột tử ở Trẻ sơ sinh (SIDS).[5]
  3. Hãy nói với bác sĩ về các loại thuốc. Những loại thuốc có thể mua không cần kê đơn, cũng như thuốc cần kê đơn, thường được coi là tác nhân gây “quái thai”, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây dị tật thai nhi. Nếu bạn đang phải dùng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định thụ thai.
    • Các loại thuốc gây ra quái thai thường gây nguy hiểm nhất trong khoảng tuần đầu tiên và tuần thứ tám của thai kì, giai đoạn mà nhiều phụ nữ thường không nhận ra là mình có bầu. Vì thế, việc trao đổi với bác sĩ khi bạn đang phải dùng thuốc và đang định có bầu là một việc rất quan trọng.
    • Có rất nhiều loại thuốc được xếp vào loại thuốc gây quái thai, bao gồm các thuốc kháng sinh, lithium, thuốc điều trị tuyến giáp và ung thư, thuốc làm loãng máu, thuốc trị mụn, kích thích tố nam, thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm... Bạn có thể tìm thấy một danh sách những loại thuốc gây nguy cơ dị tật cao ở đây.[6] [1] [7]
  4. Từ chối hoặc ngừng sử dụng các chất kích thích bất hợp pháp. Việc sử dụng các chất như cocaine, methamphetamine, và heroin có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng trong và sau khi mang thai. Những loại chất kích thích đó, cũng như những chất bất hợp pháp khác, cần phải được tránh bằng mọi giá trong quá trình thụ thai và mang thai.
    • Cocaine, heroin và các chất kích thích bất hợp pháp khác có thể gây ra hiện tượng sinh non, sinh thiếu cân, dị tật tim, và các biến chứng khác cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, một em bé có mẹ sử dụng cocaine hoặc heroin trong khi mang thai có thể cũng bị nghiện các chất đó từ khi mới sinh, và sẽ phải chịu các triệu chứng cai thuốc đau đớn.
    • Việc sử dụng cocaine trong khi mang thai có thể dẫn tới các dị tật ở tay chân, ruột, thận, hệ tiết niệu và tim. Nó cũng có thể gây ra bệnh đầu nhỏ, một tình trạng dẫn tới hiện tượng não phát triển nhỏ bất thường. Đây cũng có thể là một tác hại từ cocaine. Cocaine cũng thường gây ra hiện tượng bong nhau thai, có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
    • Sử dụng heroin có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, hạ đường huyết, xuất huyết nội sọ (chảy máu trong não) và các dị tật khác. [6] [8] [9] Heroin và các loại thuốc khác cũng gây ra triệu chứng cai thuốc rất khó điều trị ở trẻ sơ sinh.
  5. Tránh bị phơi nhiễm các độc tố từ môi trường. Có nhiều chất hóa học thông dụng, thuốc trừ sâu và các loại khí độc hại khác có thể gây ra dị tật thai nhi, và bạn nên tránh các tình huống bị phơi nhiễm với các tác nhân đó.
    • Danh sách các độc tố nguy hiểm rất dài, và sự phơi nhiễm có thể xảy ra bằng nhiều cách khác nhau: sửa sang nội thất hoặc sơn chúng, các công việc đồng áng, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, sống gần khu vực có nhiều chất thải độc hại...
    • Các độc tố phổ biến mà các bà mẹ thường phải tiếp xúc nhiều là thuốc diệt sâu hại (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm), các dung môi (sơn dầu, chất pha loãng sơn, chất tẩy sơn móng tay), và thuốc nhuộm (màu kim loại, sơn nội thất, màu nhuộm vải). Để xem danh sách đầy đủ hơn về các độc tố, hãy nhấn vào đây.
    • Để xem chi tiết về những nguy cơ gây ra bởi các độc tố từ môi trường và các tình huống phơi nhiễm, hãy xem ở đây. [10]

Chuẩn bị thể chất[sửa]

  1. Lên kế hoạch có em bé. Vì phần lớn các dị tật thai nhi xuất hiện trong vòng 3 tháng đầu tiên của thai kì, bạn nhất định phải biết chắc rằng mình đang có thai. Bạn nên nói với bác sĩ trước khi có bầu để thảo luận về gia đình cũng như tiền sử dùng thuốc của mình.
    • Lên kế hoạch mang thai với lời khuyên từ bác sĩ là một việc rất quan trọng, đặc biệt đối với những phụ nữ từng sinh con mang dị tật.
    • Lên kế hoạch mang thai sẽ giúp bạn có thời gian để từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc và uống rượu, và chuẩn bị thể chất cho sự kiện lớn sắp tới.
    • Bạn cũng có thể yêu cầu xét nghiệm sàng lọc trước khi có thai để biết trước những dị tật thai nhi có khả năng hoặc thật sự sẽ xảy ra. Đó là những xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm thể mang - để xem liệu bạn hoặc chồng bạn có mang những gien xấu không, ngoài ra còn có xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán để biết trước những nguy cơ và phát hiện ra các rối loạn về gien. [4] [11]
  2. Hấp thụ axit folic. Loại vitamin này rất cần thiết trong việc ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở não và cột sống của trẻ, lần lượt bao gồm thiếu một phần não và nứt đốt sống. Phụ nữ có thai được khuyến cáo nên hấp thụ ít nhất 400 mcg axit folic hàng ngày. Bạn nên bắt đầu hấp thụ axit folic tối thiểu 3 tháng trước khi có bầu.[12]
    • Hướng xử lí an toàn nhất là đảm bảo bạn hấp thụ 400 mcg axit folic hàng ngày trước khi có bầu, và tiếp tục hấp thụ một lượng như vậy trong ít nhất ba tháng đầu tiên của thai kì.
    • Các nguồn axit folic tốt bao gồm ngũ cốc, rau chân vịt, đậu, măng tây, cam và đậu phộng. Tuy nhiên, cách dễ dàng nhất để hấp thụ đủ liều lượng axit folic là qua multivitamin. Hãy nói chuyện với bác sĩ về cách sử dụng và lợi ích của axit folic. [13] [14]
  3. Thay đổi chế độ ăn uống. Một số loại thực phẩm nhất định có thể có chứa độc tố đối với bạn và thai nhi, bao gồm thủy ngân, vi khuẩn salmonella, vi khuẩn listeria, vi khuẩn shigella và “E.coli”, và do đó, bạn phải tránh chúng trước khi thụ thai và trong quá trình mang thai.
    • Tránh ăn các loại cá như cá kiếm, cá mập, cá kình và cá thu, vì chúng có chứa hàm lượng thủy ngân cao, gây ảnh hưởng tới thính giác và thị giác, cũng như tổn thương não.
    • Không được ăn cá sống hoặc động vật có vỏ sống trong khi đang có bầu. Tránh ăn sushi và sasimi, hàu, trai và sò.
    • Ngộ độc thức ăn rất nguy hiểm đối với thai nhi. Hãy luôn nấu chín thịt gia cầm, thịt gia súc và trứng, và tránh thịt hộp, xúc xích, và các thực phẩm chứa trứng sống hoặc tái.[15] [16] [17]
  4. Sống lành mạnh. Cơ thể bạn càng khỏe mạnh, nguy cơ bị dị tật của thai nhi sẽ càng thấp. Quan trọng là bạn phải ăn theo một chế độ cân bằng, thường xuyên tập thể dục và kiểm soát trọng lượng cơ thể.
    • Một chế độ ăn cân bằng sẽ bao gồm: 5 phần hoa quả và rau xanh một ngày, 2-3 phần sản phẩm từ bơ sữa (ít béo) một ngày, thực phẩm giàu đạm mỗi này, và 2 phần cá một tuần. Hãy cẩn thận kiểm tra thực phẩm về hàm lượng thủy ngân hoặc các độc tố khác. Để biết thêm thông tin về việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh trong khi mang thai, hãy xemở đây.
    • Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu hoặc tiếp tục một chế độ tập thể dục nào đó, nhất là khi bạn đang bị bệnh (bệnh tim, huyết áp cao...) mà có thể gây nguy hiểm cho bạn và thai nhi.
    • Phụ nữ mang thai được khuyến khích 30 phút tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày. Những hoạt động lành mạnh bao gồm: đạp xe tại chỗ, bơi, thể dục nhịp điệu nhẹ, và đặc biệt là đi bộ. Lưu ý phải uống đủ nước và tránh bị quá nóng.
    • Béo phì làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi, bao gồm các biến chứng về tim và tật nứt đốt sống. Vì thế, bạn phải duy trì một lối sống lành mạnh và kiểm soát cân nặng trước khi mang thai. Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) lý tưởng nằm ở mức từ 20 tới 25, từ 30 trở lên được coi là béo phì.[18] [19]

Duy trì cơ thể khỏe mạnh[sửa]

  1. Kiểm soát các bệnh mãn tính. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng bệnh lý khiến cơ thể mệt mỏi trong khi mang thai, hoặc có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, hãy nói chuyện với bác sĩ về những cách để kiếm soát nó.
    • Tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 khiến phụ nữ có nguy cơ sảy thai cao hơn, và có thể gây ra nhiều loại dị tật thai nhi khác nhau trong não, cột sống, tim, thận và các cơ quan khác.[20]
    • Tiểu đường thai kì có thể ảnh hưởng tới tất cả phụ nữ, nhưng những phụ nữ lớn hơn 25 tuổi, có người thân từng bị tiểu đường, hoặc không phải người da trắng sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kì cao hơn. Chứng bệnh này có thể gây ra sinh con thừa cân, sinh non, đường huyết thấp và nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 ở trẻ sơ sinh.[21]
    • Đặc biệt chú ý tới bệnh động kinh, béo phì và huyết áp cao khi đang định có bầu, và nói chuyện với bác sĩ về các nguy cơ mà những tình trạng trên có thể mang lại cho quá trình thai nghén.[3]
  2. Cảnh giác với những bệnh truyền nhiễm. Có những bệnh truyền nhiễm sẽ gây ra dị tật thai nhi, và vì thế, bạn phải cẩn thận tránh xa các tình huống có thể dẫn tới nhiễm bệnh, và đảm bảo bạn đã tiêm phòng kịp thời.
    • Rubella (bệnh sởi Đức) cực kì nguy hiểm và gây ra dị tật cho thai nhi. Đảm bảo là bạn đã nói chuyện với bác sĩ trước khi mang thai để xét nghiệm máu nhằm miễn dịch với loại bệnh này.
    • Nhiễm kí sinh trùng có thể gây ra các vấn đề về thính giác và thị giác, cũng như thiểu năng trí tuệ. Kí sinh trùng sẽ phát tán qua việc ăn uống các loại rau chưa rửa sạch, thịt sống hoặc tái, cũng như việc tiếp xúc với chất thải của động vật (đặc biệt là mèo). Hãy luôn rửa và nấu rau chín rau và thịt, dùng găng tay khi làm vườn, và (nếu có thể) tránh việc dọn dẹp cát vệ sinh cho thú nuôi.
    • Virus Cytomegalo có thể gây ra các vấn đề về thính giác và thị giác, cũng như thiểu năng trí tuệ, truyền nhiễm thông qua nước tiểu và các chất lỏng khác trong cơ thể của trẻ em. Nếu bạn phải ở cạnh trẻ em thường xuyên, bạn nên sử dụng găng tay khi thay tã cho chúng và rửa tay thường xuyên.[10][22]
  3. Thường xuyên tới gặp bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ trước và trong khi mang thai là việc quan trọng để ngăng ngừa dị tật thai nhi. Hãy tới gặp bác sĩ trước khi mang thai để thảo luận về tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình, và bắt đầu chăm sóc thai sản ngay khi có bầu.[3]

Lời khuyên[sửa]

  • Tránh xông hơi, tắm bồn sục và nước nóng. Quá nhiều hơi nóng có thể gây hại cho bạn trong quá trình mang thai.
  • Hạn chế sử dụng caffein. Caffeine thường có trong cà phê, trà, đồ uống có ga và sô cô la. Hãy đọc nhãn sản phẩm trước khi cắt giảm lượng caffeine. Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết có hơn 200 loại đồ ăn, đồ uống và các loại thuốc không kê đơn có chứa caffein.
  • Tránh tiếp xúc với các loài gặm nhấm! Trong đó bao gồm cả chuột lang và chuột hamster. Không động vào nơi ở của chúng vì ở đó có phân và nước tiểu. Hãy gọi đội kiểm soát động vật để loại trừ chuột trong nhà. Nếu bạn có nuôi chuột cảnh, chúng phải được nuôi ở một nơi riêng biệt trong nhà. Hãy để thành viên trong gia đình dọn chuồng và cho thú nuôi ăn.
  • Nhiễm kí sinh trùng Toxoplasmosis sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng tới thai nhi. Đặc biệt tránh ăn thịt tái và không bao giờ động vào thùng cát vệ sinh của mèo. Luôn mang găng tay khi làm vườn.
  • Nếu bạn cần khám chữa răng hoặc làm xét nghiệm trong khi mang thai, hãy nói với nha sĩ hoặc bác sĩ rằng bạn đang có bầu. Bạn sẽ cần được chăm sóc nhiều hơn nếu họ định chụp X quang cho bạn.
  • Nếu gia đình bạn từng có vấn đề trong việc mang thai, hoặc dị tật thai nhi, hãy xin lời khuyên của bác sĩ về những vấn đề đó. Chuyên gia tư vấn về di truyền có thể cho bạn biết thêm thông tin mà bạn cần khi quyết định xây dựng gia đình.
  • Thừa cân hoặc thiếu cân trong khi mang tai cũng có thể gây ra nhiều vấn đề. Nếu được, hãy giữ cân nặng tăng giảm trong vòng 6kg so với cân nặng lý tưởng trước khi mang thai. Khi bạn đã có thai, đừng bỏ bữa hoặc bỏ ăn khi cân nặng tăng lên. Bạn và thai nhi cần phải nhận được đủ lượng calo và dinh dưỡng từ một bữa ăn lành mạnh trong khi mang thai.
  • Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang gặp phải những triệu chứng sau:

    • Đau - bất kì kiểu đau nào
    • Chuột rút nghiêm trọng
    • Có vấn đề khi đi lại
    • Thở gấp
    • Phù nề
    • Chảy máu âm đạo
    • Chóng mặt
    • Ngất
    • Thai nhi giảm hoạt động
    • Co tử cung
    • Rò rỉ nước ối
    • Trống ngực (tim đập mạnh)
    • Tim đập nhanh
    • Chóng mặt và nôn mửa dai dẳng
  • Chóng mặt, dạ dày khó chịu và ốm nghén là những hiện tượng phổ biến đối với các bà mẹ mới có bầu. Những món ăn bạn từng thích có thể sẽ làm bạn buồn nôn. Nếu việc đó xảy ra, bạn có thể thay thế món đó bằng những đồ ăn lành mạnh và có lợi hơn. Thay vì ăn ba bữa lớn trong ngày, hãy ăn 5 tới 6 bữa nhỏ một ngày.

Cảnh báo[sửa]

  • Không dùng các chất kích thích bị cấm khi đang có bầu.
  • Không tiếp xúc với các dung môi độc hại, đặc biệt là các dung môi hòa tan, thủy ngân và chì, thuốc diệt côn trùng và sơn.
  • Không uống rượu khi đang có thai.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/birth_defects_and_drugs
  2. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/birthdefects.html
  3. 3,0 3,1 3,2 http://www.cdc.gov/ncbddd/birthdefects/prevention.html
  4. 4,0 4,1 https://www.dshs.state.tx.us/birthdefects/prevent.shtm
  5. http://www.cdc.gov/reproductivehealth/tobaccousepregnancy/
  6. 6,0 6,1 http://www.aboutkidshealth.ca/en/resourcecentres/pregnancybabies/pregnancy/problemswiththebaby/pages/causes-of-birth-defects-teratogens.aspx
  7. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2154342/
  8. http://americanpregnancy.org/pregnancy-health/illegal-drugs-during-pregnancy/
  9. http://www.marchofdimes.org/pregnancy/illicit-drug-use-during-pregnancy.aspx
  10. 10,0 10,1 http://www.healthandenvironment.org/birth_defects/peer_reviewed
  11. http://www.acog.org/-/media/For-Patients/faq165.pdf?dmc=1&ts=20150630T2047091103
  12. http://www.hc-sc.gc.ca/fn-an/pubs/nutrition/folate-eng.php
  13. http://www.mass.gov/eohhs/gov/departments/dph/programs/family-health/birth-defect/prevention.html
  14. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy-nutrition/art-20045082
  15. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy-nutrition/art-20043844
  16. http://www.marchofdimes.org/pregnancy/mercury.aspx
  17. http://healthycanadians.gc.ca/eating-nutrition/healthy-eating-saine-alimentation/safety-salubrite/vulnerable-populations/pregnant-enceintes-eng.php
  18. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12728129
  19. http://sogc.org/publications/healthy-eating-exercise-and-weight-gain-beforeand-duringpregnancy/
  20. http://www.hhc.org/News-Events/Health-News/Uncontrolled-Diabetes-in-Women-Linked-to-Birth-Def
  21. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/basics/risk-factors/con-20014854
  22. http://www.cdc.gov/vaccines/adults/rec-vac/pregnant.html