Phẫu thuật có làm lan tràn ung thư?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Phẫu thuật là gì?[sửa]

Phẫu thuật, hay gọi theo cách bình dân là “mổ”, là một quá trình nhằm lấy đi hoặc sửa chữa một phần của cơ thể hay tìm hiểu xem cơ thể có thật sự bị bệnh hay không.

Ảnh minh họa

Trong chuyên ngành ung thư, phẫu thuật là trụ cột trong chẩn đoán cũng như điều trị và cũng là hy vọng chính giúp chữa lành cho phần nhiều bệnh nhân mang bướu đặc ở giai đoạn sớm.

Tại sao phải phẫu thuật?[sửa]

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu 5 vai trò chính của phẫu thuật trong ung thư.

Thứ nhất: chẩn đoán và xếp giai đoạn[sửa]

Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán một người mắc ung thư là giải phẫu bệnh, là kết quả có được khi bác sĩ đem mẫu bướu nghi ngờ cắt thành nhiều lát rất mỏng và đem chúng quan sát dưới kính hiển vi để xác định có tế bào ung thư hay không. Ngoài ra, nhận diện sự xâm nhập tế bào ung thư qua các lớp của cơ quan mang bướu hay sự có mặt của chúng ở các cơ quan khác mà bác sĩ có thể đánh giá giai đoạn bệnh ung thư. Cũng có những trường hợp bướu nằm ở sâu trong cơ hay trong xoang bụng thì phẫu thuật giúp bộc lộ bướu và lấy mẫu để kiểm tra.

Thứ hai: phẫu thuật điều trị[sửa]

Cho đến nay phẫu thuật vẫn luôn luôn đóng vai trò chủ chốt trong điều trị các bướu đặc. Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để các khối u ở giai đoạn sớm, còn khu trú tại chỗ tại vùng và kết quả của nó có thể thấy trực tiếp (mổ lấy khối u, một phần cơ quan mang khối u ra khỏi cơ thể).

Ngoài ra, trong một số loại ung thư như ở buồng trứng, dù bướu ở giai đoạn trễ, lan tràn khắp trong bụng, phẫu thuật lúc này vẫn được chọn lựa đầu tiên, gọi là phẫu thuật giảm tổng khối bướu, giúp lấy đi càng nhiều mô bướu càng tốt tạo điều kiện cho các phương pháp điều trị sau (như hóa trị).

Thứ ba: phẫu thuật giảm nhẹ[sửa]

Đôi khi bệnh ở giai đoạn nặng, di căn nhiều nơi, phẫu thuật không thể lấy tất cả những nơi có bướu ra khỏi cơ thể nhưng có thể giải quyết những biến chứng trước mắt đe dọa tính mạng bệnh nhân. Như trong ung thư đại-trực tràng, khối u làm tắc ruột, bệnh nhân không đi tiêu được, nếu để lâu có thể gây nhiễm trùng nhiễm độc và dẫn đến tử vong. Lúc này có thể phẫu thuật mở một lỗ ở đoạn ruột phía trên ra ngoài bụng để phân thoát ra đường này, gọi là hậu môn nhân tạo. Hay khi ung thư ở đường thở phía trên trái cổ (ung thư thanh quản, ung thư a-mi-đan…), bướu có thể làm chít hẹp làm bệnh nhân khó thở, sẽ phẫu thuật tạo một lỗ mở đường thở phía dưới trái cổ ra ngoài giúp bệnh nhân thở qua đường này.

Thứ tư: Phẫu thuật phòng ngừa[sửa]

Khi nguy cơ xuất hiện ung thư ở một cơ quan là rất cao thì có thể phải cắt bỏ cơ quan đó để phòng ngừa. Trường hợp của nữ diễn viên Angelina Jolie là một ví dụ, cô mang gen có tên BRCA1, nguy cơ mắc ung thư vú trong suốt cuộc đời ở người mang gen này từ 65% đến 90% , cô đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú (gọi là đoạn nhũ) 2 bên để phòng ngừa ung thư vú năm 2013. Tuy nhiên cần hiểu rằng, sau phẫu thuật phòng ngừa, không phải 100% bạn sẽ không mắc bệnh ung thư đó nữa, vì phẫu thuật chỉ lấy đi mô của cơ quan đó ở mức độ mắt người thấy được, vẫn có khả năng những tế bào còn sót lại phát triển ung thư.

Thứ năm: Phẫu thuật tái tạo và phục hồi[sửa]

Mục đích của phẫu thuật này là gia tăng chất lượng sống cho người bệnh, giúp họ trở lại cuộc sống gần như bình thường trước khi bệnh. Phẫu thuật tái tạo tuyến vú sau đoạn nhũ, tái tạo và làm các bộ phận giả sau phẫu thuật các ung thư vùng đầu mặt cổ hay tái tạo tiếng nói sau mổ ung thư thanh quản là những ví dụ.

Phẫu thuật có làm lan tràn trong ung thư?[sửa]

Ngày nay người ta biết rằng ung thư tự nó sẽ lan tràn theo 3 con đường chủ yếu: xâm lấn trực tiếp, theo hệ bạch huyết và theo đường máu. Hầu hết ung thư đều gieo rắc theo cả 3 cách này, tuy nhiên tùy theo loại bướu mà con đường lan tràn nào ưu thế hơn. Do đó phẫu thuật trong ung thư có những nguyên tắc để không làm ung thư lan tràn hay nặng nề hơn do điều trị:

Không cắt ngang khối bướu khi mục đích phẫu thuật là điều trị tận gốc. Do tính chất xâm lấn trực tiếp của ung thư nên các mô nhìn “có vẻ lành” xung quanh bướu rất có thể đã có các tế bào ác tính mà mắt thường không thấy được. Vì vậy phẫu thuật phải lấy rộng xung quanh khối u một khoảng cách an toàn. Đối với mổ sinh thiết phải cắt vào bướu để chẩn đoán thì đường mổ cũng phải được tính toán để sao cho nếu kết quả xác định là ung thư thì cuộc mổ sau đó sẽ lấy trọn sẹo mổ sinh thiết vì khi cắt vào bướu các tế bào ác tính có thể gieo rắc theo sẹo mổ.

Phẫu thuật không phải là phương pháp riêng lẻ trong điều trị ung thư mà phải được cân nhắc phối hợp với các liệu pháp khác như xạ trị (thường gọi “đi tia”) và hóa trị (thường gọi “vô thuốc”) trong một chiến lược điều trị toàn diện gọi là đa mô thức. Mức độ phẫu thuật và điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật được quyết định dựa vào bản chất sinh học của bướu, giai đoạn bệnh và tình trạng người bệnh.

Vì vậy, chuyện một người có bướu nghĩ là ung thư, sau mổ không bao lâu lại thấy bướu phát triển ở chỗ cũ, hay ở xung quanh và thậm chí một khối ở cơ quan khác mà dân gian hay nói là “mổ xong nó nhảy tùm lum?” có thể do các nguyên nhân sau:

  • Một là khi phẫu thuật không đúng cách: khi người thực hiện không phải là bác sĩ chuyên khoa cho nên không đảm bảo các nguyên tắc khi mổ và vì vậy mổ xong thay vì chữa lành lại làm bướu phát triển sang các mô lành kế cận hay di căn xa rất sớm.
  • Hai là khi lúc phát hiện bướu: đã có những tế bào di căn xa ở những nơi khác nhưng chưa đủ phát triển thành bướu để thấy được. Theo diễn tiến tự nhiên của bệnh, sau một thời gian dù có can thiệp phẫu thuật hay không thì bướu cũng sẽ nổi lên ở những nơi đó.
  • Ba là sau khi phẫu thuật đúng và đầy đủ, bác sĩ khuyến cáo cần phải điều trị hỗ trợ nhưng người bệnh tự ý bỏ điều trị. Lẽ dĩ nhiên sau đó bệnh sẽ tái phát nhanh chóng.

Tóm lại, phẫu thuật cho đến nay vẫn là phương pháp chủ yếu trong chẩn đoán và điều trị ung thư, nhất là với các bướu đặc. Điều trị phẫu thuật được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa ung thư đúng cách và cân nhắc điều trị hỗ trợ với xạ trị và hóa trị sẽ góp phần chữa khỏi các ung thư ở giai đoạn sớm cũng như kéo dài thời gian sống khỏe mạnh của người bệnh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. UICC manual of clinical oncology, ninth edition (2015), chapter 9: Principles of surgery
  2. Oxford handbook of oncology, fourth edition (2015), chapter 3: Surgical oncology.
  3. NCI, Common cancer myths and misconceptions (accessed on 2016December 26th), available at: https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/myths
  4. Primary breast cancer: ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up. Published in 2015 – Ann Oncol (2015) 26 (suppl 5): v8-v30.
  5. Celebrity Influence and Identification: A Test of the Angelina Effect (accessed on 2016December 28th), available at: http://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/10810730.2015.1064498

Thông tin bài viết[sửa]

  • Chịu trách nhiệm thông tin: BS. Trương Thị Ngọc Diệp, Bác sĩ nội trú chuyên ngành Ung thư, Đại học Y Dược TP.HCM.
  • Lần cuối xem xét khoa học: 31/03/2017
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này