Sâu bướm ăn thịt đồng loại vì chất tự vệ của cây

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Các nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison phát hiện loài sâu bướm phổ biến ở Mỹ tên Spodoptera exigua, ăn thịt đồng loại khi thấy lá cây cà chua không còn ngon miệng, Science Daily ngày 10/7 đưa tin. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology and Evolution.

John Orrock, nhà sinh thái học, đồng tác giả nghiên cứu và đồng nghiệp phun 4 loại dung dịch gồm chất tẩy và chất methyl jasmonate cây thường tiết ra để tự vệ trước sâu bướm với nồng độ thấp, vừa và cao lên 10 cây cà chua trong chậu kính. Mỗi chậu cây sau đó được đặt 8 sâu bướm.

Sau 8 ngày, đội nghiên cứu đếm số sâu và đo vật chất còn lại của cây. "Sâu bướm thực sự chỉ có hai lựa chọn: ăn thịt nhau hoặc ăn lá cây", Orrock nói. "Khi lá cây không còn hấp dẫn, việc ăn một con sâu bướm khác có thể cũng không phải là quyết định tồi".

Sâu bướm ăn sạch lá của những cây cà chua được phun thuốc tẩy hoặc chất tự vệ có nồng độ thấp trước khi ăn thịt đồng loại. Những cây được phun chất tự vệ với nồng độ cao gần như nguyên vẹn. Sâu bướm trên những cây này nhanh tấn công đồng loại hơn.

Theo nghiên cứu, cây thường tiết methyl jasmonate để xua đuổi kẻ tấn công do không thể bỏ chạy. Sự xuất hiện của chất này trong không khí có thể kích thích cây lân cận tiết chất tương tự để tự vệ. Sâu bướm trong tình cảnh đó phải ăn thịt đồng loại để sinh tồn.

"Chúng ta biết loài ăn cỏ nhạy cảm với khả năng tự vệ của cây nhưng đã không đánh giá đúng việc cây tiết ra chất tự vệ có thể tác động đến quyết định ăn thịt đồng loại của sâu bướm", Orrock nói.

Khoa học trước đây biết một số loài sâu bướm ăn thịt đồng loại và cây xanh có các cơ chế tự vệ song không nắm rõ có mối liên hệ giữa hai hiện tượng này hay không.

Nguồn[sửa]

  • Vũ Phong, VnExpress
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này