Sản phẩm nghiên cứu và mối quan hệ với học hàm học vị
Làm thế nào để sản phẩm khoa học Việt Nam bao gồm: bài báo NCCB, học vị Tiến sĩ và học hàm giáo sư, phó giáo sư sẽ tiến đến gần chuẩn mực Quốc tế? Bài viết này đề xuất một số giải pháp trả lời cho câu hỏi đó.
Mục lục
CÔNG BỐ BÀI BÁO KHOA HỌC[sửa]
Thừa kế kết quả khoa học[sửa]
Khi nghiên cứu một đề tài khoa học thì việc trước hết người nghiên cứu phải thừa kế những kết quả đã công bố. Phần mở đầu của một bài báo công bố trong một Tạp chí Khoa học Quốc tế phải so sánh kết quả thu được của tác giả với những kết quả của các tác giả khác, phải chỉ rõ tác giả bằng cách nào đã vượt qua được những khó khăn để giải quyết những hạn chế mà các tác giả khác trước đó không làm được. Nội dung cập nhật thông tin khoa học để thừa kế tôi hiểu có 3 mức: Hiểu được ý nghĩa, tác dụng của bài báo khoa học là mức sơ bộ; Hiểu cặn kẽ để áp dụng cho trường hợp cụ thể là mức độ cần thiết cho kỹ sư; Cảm giác và thấu hiểu những khó khăn của tác giả bài báo làm cho kết quả khoa học còn hạn chế và sau đó tìm cách khắc phục khó khăn và phát triển là mức độ cần thiết cho người nghiên cứu.
Tiêu chuẩn của bài báo khoa học[sửa]
Danh sách các Tạp chí khoa học Quốc tế khách quan nhất và đã được chấp thuận rộng rãi trên thế giới, là theo Institute for Scientific Information (ISI), website: www.isinet.com. Các Tạp chí uy tín nhất từ tất cả các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật có trong danh sách đã được lựa chọn bởi ISI (gọi tắt Danh sách ISI). Theo Danh sách này: Science Citation Index bao gồm 3772 Tạp chí tốt nhất và Science Citation Index Expanded bao gồm 6592 Tạp chí. Có thể theo các góc nhìn khác nhau thì Danh sách ISI chưa hoàn toàn công bằng, tuy nhiên ISI là cơ quan có uy tín và duy nhất hiện nay đánh giá bao quát tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và có phân loại. Liên Hợp Quốc, các Chính phủ và các Tổ chức Quốc tế thường sử dụng thống kê của ISI trong quản lý và hoạch định các chính sách khoa học kỹ thuật. Thống kê của Việt Nam về khoa học kỹ thuật nếu không theo ISI thì bị lệch so với thống kê của các Tổ chức Quốc tế.
Số lượng các Tạp chí được các Hội khoa học chuyên ngành xem xét ( Review) rộng rãi hơn và do đó nhiều hơn nhiều so với số lượng Tạp chí do ISI lựa chọn. Có đến vài chục các Hội khoa học chuyên ngành Quốc tế lập ra Review cho ngành của mình. Ví dụ: Mathematical Review, Applied Mechanics Review, Chemical Abstracts...
Hiện nay chưa có Tạp chí Khoa học Việt Nam nào được đưa vào Danh sách Tạp chí của ISI, mà chỉ có một số rất ít Tạp chí khoa học Việt Nam đạt mức được Review của Hội chuyên ngành Quốc tế. Định nghĩa tiêu chuẩn Quốc tế của bài báo NCCB có 2 mức:
- Mức 1: Science Citation Index hoặc Science Citation Index Expanded theo ISI là mức chuẩn.
- Mức 2: Review theo Hội chuyên ngành Quốc tế là mức chuẩn mở rộng.
Cần và nên công bố bài báo NCCB trong Tạp chí khoa học Quốc tế[sửa]
Khi nhà khoa học giải quyết xong một vấn đề được đặt ra trong kế hoạch nghiên cứu thì công trình cần được kiểm tra. Nội dung chủ yếu của kiểm tra như sau:
Nhà khoa học cần tự nghi ngờ kết quả của mình, cần một thời gian bình tâm xem xét và tự phản bác lại kết quả của mình. Nếu có bạn đồng nghiệp đang nghiên cứu cùng một hướng thì cùng nhau thảo luận và đánh giá kết quả thu được. Viết chi tiết tất cả những chứng minh kết quả, kể cả những chứng minh được coi là “tương tự” với ý thức vừa viết vừa suy ngẫm kiểm tra lại những gì làm được.Trên cơ sở bản viết chi tiết tác giả viết súc tích lại theo văn phong (style) quy định của Tạp chí mà tác giả cần gửi đăng.
Tác giả có thể theo dõi quá trình thẩm định bài báo được thông báo ở mục Automated status enquiry ở website của Tạp chí Quốc tế mà tác giả gửi đăng.
Bình thường thì mỗi bài báo được 2 phản biện không nêu danh kiểm tra và đánh giá. Nếu ý kiến nhận xét trái ngược nhau thì Ban Biên tập Tạp chí mời phản biện thứ 3 ( adjudicator).
Một bài báo nghiêm túc gửi đăng ở Tạp chí có uy tín thường thường dẫn đến tình huống sau đây. Ban Biên tập Tạp chí viết thư trả lời tác giả kèm theo những báo cáo của phản biện. Tác giả nhận được những ý kiến phê phán của những chuyên gia hàng đầu đang nghiên cứu thành công trong lĩnh vực của tác giả. Đó là những nhận xét xác đáng về đặt vấn đề, giải quyết vấn đề của tác giả, về sửa chữa những chỗ chứng minh sai, yêu cầu trích dẫn và so sánh kết quả của mình với các kết quả khác... Ban Biên tập đồng ý sẽ xem xét lại bài báo được sửa chữa theo ý kiến của phản biện. Nếu tác giả gửi đăng Tạp chí trong nước thì hầu như không thể nhận được những ý kiến xác đáng có chất lượng cao.
Như vậy bài báo công bố trong Tạp chí thuộc Danh sách ISI được Science Citation Index hoặc Science Citation Index Expanded là kết quả khoa học đích thực và có bản quyền.
MỐI QUAN HỆ VỚI HỌC HÀM VÀ HỌC VỊ[sửa]
1. Ở Hàn Quốc một luận án Tiến sĩ tối thiểu phải có 2 bài báo công bố đạt mức 1, ở Philippines yêu cầu luận án Tiến sĩ phải có 1 bài báo công bố đạt mức 1.
Định nghĩa Tiêu chuẩn chất lượng của luận án tiến sĩ viết ở trên chưa được chấp nhận ở Việt Nam, cho nên hệ quả là:
Sau nhiều năm nhiều thầy giáo hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) không có bài báo công bố trong Tạp chí Quốc tế và nhiều luận án Tiến sĩ (TS) của học trò của thầy đã được bảo vệ “thành công” không có bài báo công bố trong Tạp chí thuộc hai mức nêu trên.
Sau nhiều năm nhiều Giáo sư Tiến sĩ khoa học (GS TSKH) ở trong Ban biên tập Tạp chí khoa học chuyên ngành Quốc gia Việt Nam không có báo công bố Quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Nhiều GS TSKH được cấp trên và ban Tổ chức – Cán bộ tín nhiệm giao cho những chức vị lãnh đạo quản lý khoa học, xin gọi tắt các GS này là các quyền chức khoa học (QCKH). Những QCKH đã có hoặc đang có chức vụ hành chính và hiện đang có ảnh hưởng lớn hoặc có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất trong cơ quan của mình. Các QCKH hiện đang đóng vai trò lãnh đạo hoặc chi phối các hội đồng khoa học. Ở nhiều nơi kinh phí của các đề tài của các QCKH nhận nhiều tiền hơn nhiều lần so với các đề tài khác vì có nhiều sản phẩm thuộc loại: báo cáo hội nghị và bài báo đăng trong nước, đa số những sản phẩm này công bố không có phản biện, hoặc phản biện “hình thức”. Đề tài NCCB, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ do các QCKH làm chủ nhiệm được nghiệm thu thành công và được đánh giá từ loại Khá đến loại Xuất sắc. Đa số những đề tài nghiệm thu thành công không có hoặc có rất ít bài báo công bố Quốc tế.
NCS tìm đến QCKH để xin được hướng dẫn là hiện tượng phổ biến. NCS có nhiều thuận lợi rõ ràng khi được các QCKH hướng dẫn.
2. Theo chỉ tiêu kế hoạch trong 10 năm tới sẽ đào tạo 20.000 TS. Nếu mỗi luận án TS chứa đựng một kết quả mới (1 bài báo công bố ở mức 1 hoặc mức 2) thì riêng trong lĩnh vực đào tạo Việt Nam sẽ đóng góp cho sự phát triển khoa học Quốc tế với 20.000 bài báo Quốc tế, còn nếu không làm được điều đó thì để đạt chỉ tiêu, luận án TS sẽ vẫn như hiện nay, nghĩa là không yêu cầu bắt buộc phải có bài báo công bố Quốc tế.
Tính điểm cho các công trình khoa học để xét phong GS và PGS của Việt Nam là cách đánh giá độc đáo, cần có đủ tổng số điểm là được xét phong GS hoặc PGS mà không yêu cầu bắt buộc phải có bài báo công bố Quốc tế.
Giải pháp[sửa]
Trong việc tính điểm để phong GS và PGS, nếu tác giả có bài báo công bố Quốc tế thì được cộng thêm điểm so với bài báo đăng trong nước.Việc so sánh 2 đại lượng không cùng một thứ nguyên, nghĩa là so sánh một sản phẩm khoa học đích thực với một sản phẩm chưa biết chất lượng là thế nào là việc làm vô nghĩa. Tuy nhiên, không có cách nào khác vẫn phải so sánh, hiện nay cách so sánh 2 loại sản phẩm này ở Trung Quốc và ở nhiều nước cách biệt rất xa với cách so sánh ở Việt Nam.
Đối với người thực sự muốn làm khoa học thì những quan niệm và định nghĩa trình bày trong các mục 1,2,3 của phần A là hiển nhiên và đương nhiên. Tuy nhiên điều hiển nhiên và đương nhiên này không dễ dàng được xã hội Việt Nam chấp nhận.Tôi hy vọng nội dung những quan niệm và định nghĩa viết ở phần A sẽ được các Bộ và các cơ quan chức năng có liên quan tham khảo và chấp nhận trong khi xây dựng các văn bản quản lý NCCB và phong học hàm, học vị. Nếu điều này được chấp nhận thì sẽ hạn chế được tư duy ích kỷ có cách làm“vòng vo”của nhiều QCKH. Tôi đề nghị cụ thể:
- Yêu cầu luận án TS tối thiểu phải có1 bài báo công bố Quốc tế đạt mức 2. Yêu cầu tối thiểu này còn thấp hơn so với các nước khác và yêu cầu trong 5 năm gần đây người hướng dẫn NCS phải có ít nhất có1 bài báo công bố đạt mức 1. Trong danh mục công trình nghiên cứu của tác giả được xét phong học hàm giáo sư và phó giáo sư trong 5 năm gần đây ít nhất có 1 bài báo công bố đạt mức 1.
- Các ủy viên trong ban biên tập Tạp chí khoa học chuyên ngành Quốc gia và các chủ nhiệm các đề tài NCCB phải có ít nhất trong 5 năm gần đây 1 bài báo đạt mức 1.
- Danh mục các bài báo công bố của thầy giáo hướng dẫn NCS, của các thành viên tham gia đề tài NCCB cần được công khai thông báo cho sinh viên được biết để tìm thầy hướng dẫn phù hợp với luận án và để cơ quan chức năng biết để quản lý.
Tác giả[sửa]
- Phạm Lợi Vũ, Tạp chí Tia sáng