Tạo một trang wiki

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Wiki là một cách hay để tạo dựng cộng đồng với mục đích trao đổi và học hỏi thông tin, và còn là những tác phẩm tập thể đáng kinh ngạc. Nếu bạn có những ý tưởng tuyệt vời, không gì đơn giản hơn là tạo ra một trang wiki. Dù bạn sử dụng dịch vụ lưu trữ wiki (wiki farm) hay tự tạo máy chủ (host) riêng cho mình, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách để bắt đầu gây dựng một cộng đồng tuyệt vời.

Các bước[sửa]

Lập Kế hoạch cho Trang Wiki của Bạn[sửa]

  1. Xác định trang wiki của bạn được tạo ra để làm gì. Biết mục đích của trang wiki sẽ giúp bạn quyết định chọn phần mềm và máy chủ nào. Wiki có thể là trang cá nhân, trang cộng đồng mở rộng, hoặc bất cứ thứ gì tương tự. Bạn có thể dùng wiki để theo dõi mục tiêu của cuộc đời mình, tạo tài liệu hướng dẫn sản phẩm phục vụ kinh doanh, hợp tác với đồng nghiệp trong một dự án, mở một tờ báo địa phương, tạo địa điểm thảo luận về một sở thích, và hơn thế nữa.
    • Wiki hoạt động tốt nhất khi có chủ đề mở, sao cho càng nhiều người cùng đóng góp viết bài và biên tập càng tốt. Nếu bạn đang cố gắng xây dựng một trang wiki thông dụng thu hút cộng đồng tham gia thì trọng tâm của nó phải thật phong phú để có thể phát triển.
    • Ví dụ như, xây dựng một trang wiki về một công ty trò chơi và những trò chơi do họ tạo ra thì sẽ hay hơn là chỉ viết về một trò chơi duy nhất của họ.
  2. Kiểm tra liệu đã có trang wiki nào có cùng chủ đề. Thật phí sức khi tạo ra một trang wiki mà lại bị trùng với một trang đã có sẵn. Mục tiêu của wiki là cùng viết, thay vì cô lập lẫn nhau. Thậm chí, nếu bạn nghĩ rằng trang wiki kia có quan điểm chỉ hơi khác của bạn, vậy nếu bạn không sẵn sàng chấp nhận quan điểm của trang wiki đó thì tại sao người khác phải dễ dàng chấp nhận quan điểm của bạn?
  3. Chuẩn bị nhân lực trước khi xây dựng trang wiki. Bạn cần có lời khuyên và động lực để tạo ra một trang wiki, vì vậy, hãy kể về dự án của bạn và tranh thủ sự ủng hộ của mọi người. Nếu được hỏi ý kiến, mọi người sẽ muốn đóng góp cho trang wiki hơn, vì điều đó khiến họ cảm thấy mình là những người đồng sáng lập ra trang web.
  4. Quyết định tự tạo máy chủ riêng cho mình hay sử dụng dịch vụ lưu trữ wiki. Nếu cần kiểm soát trang wiki nhiều, hoặc tự vận hành trang wiki, bạn nên tạo máy chủ riêng cho trang wiki. Nếu bạn không có kinh nghiệm về kỹ thuật, hãy sử dụng dịch vụ lưu trữ wiki để xây dựng và vận hành trang wiki dễ hơn, dù bạn sẽ không có nhiều quyền kiểm soát.
    • Nếu dự đoán trang wiki sẽ được nhiều người biết đến, có nhiều nội dung và nhiều lượt truy cập, bạn sẽ thấy hạn chế khi thuê máy chủ để chạy wiki. Việc chuyển nội dung trang wiki từ dịch vụ lưu trữ sang đưa vào máy chủ riêng của bạn sau này cũng sẽ rất khó khăn.[1]
    • Sử dụng dịch vụ lưu trữ wiki có nghĩa là địa chỉ trang wiki sẽ có tên của dịch vụ đó. Chẳng hạn, nếu bạn dùng Wikia, địa chỉ trang wiki của bạn sẽ là yourwiki.wikia.com. Nếu tự tạo máy chủ cho trang wiki của mình, bạn có thể mua tên miền riêng và tạo địa chỉ wiki như sau: yourwiki.com.
    • Chi phí tự lưu trữ trang wiki của bạn nhiều hay ít tùy vào máy chủ mà bạn chọn. Hãy đảm bảo bạn tìm được máy chủ có bảo hành thời gian chạy máy tốt và dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao. Hãy tìm hiểu thêm các bài liên quan trong cùng mục để biết cách chọn máy chủ riêng cho mình.
  5. Chọn gói phần mềm. Dù sử dụng dịch vụ lưu trữ wiki hay dùng tên miền riêng, bạn cũng đang đứng trước một số lựa chọn gói phần mềm khác nhau. Hầu hết các dịch vụ lưu trữ wiki đều chào mời phần mềm mà họ đang sử dụng, nhưng nếu bạn có máy chủ riêng thì hãy dùng gói nào phù hợp với bạn nhất. Hãy dùng những dịch vụ như WikiMatrix[2] để so sánh đặc tính kỹ thuật của các gói phần mềm.
    • MediaWiki – Là phần mềm wiki phổ biến nhất trên mạng và đang vận hành trang wikiHow, Wikipedia, hay nhiều trang wiki khác. Nhiều dịch vụ lưu trữ wiki thông dụng cũng dùng phần mềm MediaWiki.[3]
    • TikiWiki – Là phần mềm wiki phổ biến thứ hai, và cũng được dùng để chạy nhiều trang wiki và dịch vụ lưu trữ wiki. TikiWiki có hỗ trợ plugin (chương trình bổ trợ) rất mạnh, cho phép bạn thêm các tiện ích như diễn đàn, thư viện ảnh, lịch, v.v...
    • UserPress – Là chương trình hỗ trợ wiki dành cho WordPress. Nó có đầy đủ tính năng như MediaWiki và các phần mềm wiki độc lập khác, nhưng dễ sử dụng hơn nhiều.
    • DokuWiki – Là chương trình phần mềm wiki nhỏ hơn và đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là tại các doanh nghiệp. Nó được thiết kế hoàn toàn dành cho các nhóm làm việc và có nhiều tầng truy cập.[4]

Xây dựng Một Trang Wiki Sử dụng Wiki Farm[sửa]

  1. Chọn dịch vụ lưu trữ wiki. Nếu bạn quyết định sử dụng dịch vụ lưu trữ cho trang wiki mới của mình, bạn cần có sự so sánh. Ngoài thị trường có rất nhiều lựa chọn, cả miễn phí lẫn trả phí. Lợi ích chính của việc sử dụng dịch vụ lưu trữ wiki là dễ khởi tạo và vận hành trang wiki của bạn. Hãy nhớ là sẽ rất khó khăn khi chuyển sang sử dụng một dịch vụ lưu trữ khác hoặc chạy máy chủ riêng. Một số dịch vụ lưu trữ thông dụng bao gồm:
    • Wikia – Là máy chủ lưu trữ wiki về phong cách sống và giải trí phổ biến. Wikia là một trong những dịch vụ lưu trữ wiki về video game lớn nhất trên mạng, và cũng là một trong những dịch vụ lưu trữ phát triển nhanh nhất xét ở các khía cạnh khác.
    • "'WikiFoundry'" – Là dịch vụ tương tự wikia và dùng cho các trang cá nhân. Đó là một trong những trang wiki mà người ta có thể đưa ra yêu cầu trạng thái người viết để cho phép biên tập.
    • Wikispaces – Là máy chủ wiki được thiết kế cho mục đích giáo dục và học thuật. Dịch vụ này rất phổ biến trong các thiết lập web của trường đại học.
    • Wikispot – Là máy chủ thiết kế cho cộng đồng và các dịch vụ phi lợi nhuận, mặc dù không nhất thiết chỉ là những mục đích trên. Tuy nhiên, dịch vụ này đã ngừng hoạt động vào ngày 30/4/2015 để tập trung vào dự án wiki hướng địa: LocalWiki[5].
    • Wikidot – Là dịch vụ lưu trữ wiki phục vụ mọi mục đích (kinh doanh, cá nhân, cộng đồng, giáo dục) cho phép bạn dùng tên miền mua được với tài khoản Wikidot miễn phí. Bạn cũng có thể dùng Wikidot để tạo các trang web khác không chỉ là wiki.
  2. Tạo trang wiki của bạn. Quy trình này ở mỗi trang web một khác, nhưng thường thì tất cả những gì bạn cần làm là tạo ra username (tên người sử dụng) và nhấp chuột vào đường dẫn "Create Wiki" (“Tạo Wiki”) trên trang chủ của dịch vụ lưu trữ wiki. Một số dịch vụ lưu trữ wiki yêu cầu bạn điền thông tin để được chấp nhận, trong khi những dịch vụ khác chỉ yêu cầu danh xưng và một số thông tin cơ bản khác.
    • Hướng dẫn các bước tạo Wikia (xem thêm các bài liên quan trong cùng chuyên mục).
    • Hướng dẫn các bước tạo trang Wikidot (xem thêm các bài liên quan trong cùng chuyên mục).
    • Hầu hết các dịch vụ lưu trữ wiki khác đều rất giống với những gì hai hướng dẫn nêu trên đề cập đến.
    • Khi trang wiki của bạn được tạo, bạn có thể chuyển sang phần tiếp theo của hướng dẫn.
  3. Tùy chỉnh trang wiki mới tạo. Hầu hết các dịch vụ lưu trữ wiki đều cung cấp nhiều lựa chọn tùy chỉnh, bao gồm các template (định dạng) và hình ảnh cài sẵn. Hãy tìm một template phù hợp với trang wiki của bạn, hoặc đăng tải các banner và những hình ảnh khác để tạo ra một trang wiki thống nhất.
    • Xem thêm các bài liên quan trong cùng mục để học cách tùy chỉnh một trang Wikia.

Tạo Máy chủ riêng cho Trang Wiki của Bạn[sửa]

  1. Tải phần mềm wiki lên máy chủ của bạn. Nếu bạn quyết định tạo máy chủ riêng để lưu trữ trang wiki của mình, bạn cần cài phần mềm wiki trên máy chủ. Một số máy chủ đã có sẵn phần mềm wiki để cài đặt, nhưng có thể không phù hợp với phần mềm bạn muốn sử dụng (ví dụ, các máy chủ có sẵn TikiWiki để cài đặt, nhưng bạn lại muốn dùng MediaWiki). Xem thêm các bài liên quan trong mục để học cách cài đặt MediaWiki, hay TikiWiki.
    • Phần mềm wiki sẽ được lưu dưới dạng file nén. Bạn có thể giải nén file ở máy tính của mình hoặc trên máy chủ.
    • Đặt thư mục (folder) chứa phần mềm wiki đã giải nén trong đường dẫn "web" trên máy chủ của bạn.
    • Đổi tên thư mục thành tên địa chỉ trang wiki. Chẳng hạn, nếu trang web của bạn có địa chỉ là www.example.com, đổi tên thư mục thành "w" sẽ tạo địa chỉ cho trang chủ của trang wiki là www.example.com/w/index.php.
  2. Tạo cơ sở dữ liệu (database). Phần mềm MediaWiki hỗ trợ các hệ quản trị MySQL và SQLite. Nếu bạn dùng SQLite, bạn chỉ cần chọn tên cho cơ sở dữ liệu và nó sẽ được cài đặt tự động. Nếu bạn dùng MySQL, bạn cần tải chương trình này xuống máy chủ nếu chưa cài đặt sẵn, và tạo một cơ sở dữ liệu mới sử dụng những lệnh sau:

    create database wikidb;

    grant index, create, select, insert, update, delete, alter, lock tables on wikidb.* to 'username'@'localhost' identified by 'password';
    • Thay username password bằng tên người sử dụng và mật khẩu mà bạn muốn dùng cho trang wiki của mình.
    • localhost Có thể giữ nguyên là "localhost" trừ phi cơ sở dữ liệu của bạn đặt ở máy chủ khác không phải là máy chủ bạn đã cài đặt trang wiki. Trong trường hợp đó, hãy thay localhost bằng địa chỉ máy chủ của cơ sở dữ liệu.
    • Xem thêm các bài liên quan trong cùng mục để học cách tạo cơ sở dữ liệu trên hệ quản trị MySQL.
  3. Chạy ngôn ngữ cài đặt (installer script) từ trình duyệt. Khi tải xong các file của MediaWiki và tạo cơ sở dữ liệu, bạn có thể vào trang index.php trên máy chủ bằng trình duyệt để chạy ngôn ngữ cài đặt tự động. Sau khi Mediawiki hoàn thành kiểm tra cấu hình, bạn sẽ được yêu cầu điền thông tin về trang wiki của bạn:[6]
    • Tên trang Wiki – Là tên trang wiki của bạn, xuất hiện trong siêu dữ liệu (metadata) của trang wiki và được tích hợp trong toàn bộ trang web.
    • E-mail liên hệ - Là địa chỉ email quản trị, được hiển thị trên các thông báo email và một số trang bị báo lỗi.
    • Ngôn ngữ - Dùng menu dạng thả (drop down menu) để chọn ngôn ngữ cho giao diện trang wiki.
    • Bản quyền và Giấy phép - Chọn thông tin về giấy phép. Chẳng hạn Wikipedia dùng Giấy phép tạo Tài liệu tự do GNU.
    • Tên và mật khẩu quản trị (Admin username and password) - Là tài khoản quản trị đầu tiên dùng để hạn chế người sử dụng biên tập hoặc thực hiện các hoạt động quản trị khác. Bạn có thể tạo thêm những tài khoản như vậy sau này.
    • Máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu - Là nơi cơ sở dữ liệu được lưu trữ. Nếu cũng chính là máy chủ chạy phần mềm wiki thì hãy đặt là localhost.
    • Tên cơ sở dữ liệu - Là tên cơ sở dữ liệu của bạn.
    • Tên người sử dụng/mật khẩu cơ sở dữ liệu - Là tên và mật khẩu dùng để truy cập cơ sở dữ liệu.[7]
  4. Tùy chỉnh trang wiki của bạn. Khi đã tạo và chạy được trang wiki, bạn có thể thay đổi hình thức trang web bằng cách dùng bố cục phù hợp với người sử dụng hoặc dùng mã CSS. Thay đổi logo trên trang wiki để phù hợp với chức năng của nó.

Ra mắt Trang Wiki[sửa]

  1. Điều chỉnh quyền cho phép. Trang wiki của bạn sẽ được cài đặt với những quyền cho phép mặc định cần thiết, nhưng bạn có thể thay đổi đối tượng và nội dung được phép truy cập và biên tập nếu muốn. Điều này đặc biệt quan trọng trong các thiết lập web kinh doanh khi bạn muốn phát triển mạng lưới cộng tác viên làm việc trên một trang sản phẩm nhưng không muốn trang web bị phá hỏng bởi những người dùng ẩn danh.
    • Bạn có thể dùng file chứa các quyền cho phép để tạo ra các mức độ sử dụng khác nhau, chẳng hạn như tạo quản trị viên giám sát, những người có thể biên tập mà không bị lưu lại trong nhật ký những thay đổi gần đây, hoặc các cộng tác viên điều hành hệ thống, những người có thể gộp các trang lại với nhau không cần phải xin phép. Điều này sẽ giúp bạn tạo ra cơ sở người sử dụng mạnh và đa dạng, giúp trang wiki chạy một cách trơn tru.
  2. Bắt đầu xây dựng nội dung. Ngay sau khi trang wiki được tạo và chạy, đã đến lúc bắt tay vào viết bài! Khi trang wiki của bạn mới được khởi tạo, nó vẫn chưa có các trang con và chưa có cộng tác viên. Để thay đổi điều đó, bạn cần bổ sung nội dung. Nội dung hay sẽ thu hút mọi người đến với trang wiki của bạn. Khi lượng truy cập tăng, các khách truy cập bắt đầu đóng góp bài viết của họ và chỉnh sửa nội dung trang wiki của bạn. Sẽ mất một thời gian nhưng bạn sẽ có cả một cộng đồng trước khi bạn biết đến họ!
    • Hãy nhớ rằng, khi bạn bắt đầu làm, mọi thứ đều tùy thuộc vào việc BẠN sẽ tạo nội dung như thế nào để thu hút mọi người vào trang wiki của mình. Hãy đảm bảo rằng bạn nắm chắc về chủ đề đang đề cập đến để có thể viết những bài chuyên sâu ngay từ ngày đầu ra mắt trang web.
  3. Tạo các hạng mục. Trang category bao gồm danh mục các trang liên quan. Bên cạnh những hạng mục chứa nội dung chính, bạn có thể tạo một trang category tên là "Organization" (Tổ chức) cho những trang như trang chủ chẳng hạn, hay một trang category tên là "Help" (Hỗ trợ) dành cho những bài viết về trợ giúp của trang web. Hãy nhớ rằng bản thân các hạng mục cũng có những hạng mục con nhờ việc phân mục trong chính trang category.
  4. Tạo tài liệu hướng dẫn chính sách cho trang wiki. Tài liệu hướng dẫn chính sách là các quy định chung đối với việc viết bài trên trang wiki của bạn. Tài liệu này sẽ hướng dẫn cộng tác viên cách trình bày thông tin trên trang wiki. Bạn không nên cứng nhắc khi đưa ra các quy định này. Hãy linh hoạt vì khó có thể làm việc hay đóng góp cho trang wiki nếu có những quy định quá nghiêm ngặt.
    • Bạn có thể phải tạo ra các tiêu chuẩn về cách kết nối đường dẫn, hoặc về chất lượng bài viết.
    • Không phải mọi cộng tác viên đều làm theo hướng dẫn về phong cách viết nhưng hướng dẫn này sẽ hỗ trợ việc giám sát và biên tập bài.
    • Một tài liệu hướng dẫn nghe thân thiện hơn là khiển trách bằng lời. Sẽ thoải mái hơn khi được sửa lỗi bởi một câu lệnh thay vì bởi một người khác.
  5. Hãy học một số cú pháp wiki. Bạn sẽ thấy tạo bài viết hiệu quả hơn nếu học một số cú pháp wiki cơ bản. Điều này giúp bạn trực tiếp biên tập các trang không phải dùng đến các trình soạn thảo, điều đó cũng giúp bạn điều chỉnh bố cục và phong cách theo kiểu bạn thích.
  6. Sao chép từ các trang wiki khác. Nếu việc sao chép nội dung bị coi là đạo văn thì việc sử dụng lại phong cách và template của các trang wiki lại được khuyến khích. Template là những trang có thể dễ dàng gán vào các trang khác. Template có thể được dùng cho việc chọn bài để xóa, đánh dấu bài mới viết, hoặc chỉ đơn giản ghi nhớ điều gì đó; nhưng bạn cũng có thể sử dụng template vào những việc sáng tạo khác. Wiki, cộng đồng mở, là một ví dụ. Hãy nhìn cách các trang web này hoạt động, mọi người giao tiếp với nhau, sử dụng lại thói quen của họ và hiểu vì sao trang wiki khác lại thành công. Hãy so sánh trang web của bạn với trang wiki khác cùng quy mô, đừng so với Wikipedia. Wikipedia là trang web lớn và cần nhiều quy tắc hơn bạn.
  7. Giám sát trang web của mình. Sức hấp dẫn của một trang wiki nằm ở chỗ là ai cũng có thể sửa bài, nhưng đó cũng là thách thức lớn nhất. Càng nhiều người truy cập, nguy cơ bài bị sửa lung tung càng cao. Thật may là hầu hết các phần mềm wiki đều cho phép ngay lập tức quay trở lại phiên bản trước đó của bài viết. Bạn cần kiên nhẫn. Nếu bài viết của bạn và phần sửa lại đều chính xác thì hãy chọn phần sửa đó của cộng tác viên. Việc làm này sẽ mở rộng quan điểm của trang wiki và hoan nghênh sự đóng góp của những cộng tác viên khác.
  8. Khuyến khích các thành viên năng động trong cộng đồng. Nếu trang wiki của bạn thú vị, bạn sẽ thấy một số khách quay lại thường xuyên để tạo ra nội dung và chăm chút cho nội dung đó. Nếu bạn thấy họ nhiệt tình với trang web của mình, hãy dành cho những người tâm huyết nhất thêm quyền kiểm soát trang web. Hãy ủng hộ và đối xử tốt với các biên tập viên của bạn. Điều quan trọng là luôn sẵn sàng hướng dẫn và động viên họ viết bài trên wiki. Bằng cách tạo ra các quản trị viên từ cộng đồng mạng của mình, bạn sẽ giảm được gánh nặng phải đối mặt khi giám sát và duy trì nội dung trang web.
    • Tạo ra các diễn đàn và trang thảo luận để các thành viên trong cộng đồng trao đổi về các quy định và phong cách viết bài trên trang wiki của bạn.
    • Cho phép quản trị viên có ý kiến về những thay đổi trong quy định chung và phong cách viết bài.
    • Tổ chức các sự kiện trong cộng đồng như thi biên tập bài để tạo hứng khởi cho những cộng tác viên viết bài trung thành của bạn.
  9. Quảng bá trang wiki. Làm mọi việc để mọi người biết về sự tồn tại của trang web. Mô tả nó trên wikiindex.org. Hãy tìm các trang wiki có quy mô nhỏ và gợi ý chỉ dẫn đến những trang đó. Trang wiki của bạn là một nút trong mạng lưới wiki. Đừng ngại đặt câu hỏi trên các trang wiki khác. Bạn càng trao đổi nhiều, mọi người càng biết đến bạn. Hãy quảng cáo trang wiki qua phương tiện xã hội, kể về trang web với những người bạn biết để họ lại kể cho những người họ quen, đăng bài trên các diễn đàn liên quan đến trang wiki của bạn, và gắn đường dẫn đến trang wiki trong các bình luận trên blog. Bất cứ điều gì bạn có thể làm để thu hút mọi người đến với trang web đều sẽ tăng cơ hội thành công đối với trang web của bạn.
  10. Mở rộng trang web. Khi trang wiki của bạn ngày càng trở nên quen thuộc với mọi người, hãy tiếp tục thêm những đặc tính mới cho trang web. Những thứ như diễn đàn, chat room (phòng tán gẫu), thăm dò ý kiến, lịch, v.v… sẽ tạo thêm chức năng thú vị cho trang wiki của bạn. Hãy sáng tạo với nội dung của trang wiki! Hãy chắc chắn rằng bạn đang cập nhật phiên bản mới nhất của gói phần mềm wiki bất cứ lúc nào có thể để nhận những đặc tính mới nhất và sửa lỗi bảo mật.
  11. Cùng thưởng thức thành quả! Một trang wiki là nỗ lực có tính chất cộng đồng, hợp tác. Hãy tận hưởng cộng đồng mà bạn đã tạo ra bằng wiki, và luôn cố gắng làm cho cộng đồng ấy phát triển hơn. Mạng Internet được tạo ra để thúc đẩy giao tiếp và wiki là một trong những môi trường hiệu quả nhất để thu thập và chia sẻ thông tin. Chúc mừng bạn đã tạo ra trang wiki cho riêng mình!

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn học PHP (ngôn ngữ lập trình kịch bản) và một chút Javascript, bạn có thể tạo ra những nội dung động trên trang wiki. Nếu bạn có kiến thức sâu về ngôn ngữ lập trình đó, đừng ngại tự cập nhật phần mềm chạy trang wiki của bạn.
  • Khi bạn học được HTML, CSS, và thậm chí Javascript, hãy thử thêm/cập nhật bố cục mới cho trang wiki của bạn.
  • Một trang wiki phải dễ sử dụng. Bất cứ trang nào trên wiki của bạn cũng là những trang độc lập, điều đó có nghĩa là bạn không cần phải đọc một trang khác để hiểu và biên tập một trang nào đó. Bách khoa toàn thư là một ví dụ điển hình vì mỗi bài viết của trang web này có thể đứng độc lập. Trong khi Wikibooks, trang web có nội dung link đến nhiều trang wiki khác, có tính độc lập ít hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Một số người sẽ xóa nội dung mà bạn đã mất nhiều công sức để đưa lên trang wiki. Vậy hãy đảm bảo xử lý được các tình huống đó và theo dõi trang lưu giữ "những thay đổi mới đây" trên wiki của bạn, nếu phần mềm chạy wiki hỗ trợ đặc tính đó. Trong trường hợp này, bạn hãy sao lưu thông tin trang web của mình ra một chỗ khác.
  • Như đã nêu ở trên, hãy hỗ trợ cộng tác viên viết bài. Nếu họ lúng túng, hoặc lỡ kiểm soát trang web của bạn quá mức, đừng bực mình và đừng nói với họ những điều mà bạn sẽ không nói với ai trong đời thực.
  • Nếu sử dụng dịch vụ lưu trữ wiki, hãy chắc chắn là bạn sẽ đọc quy định của các dịch vụ này để quy định hay trang web của bạn không xung đột/vi phạm các quy định đó.
  • Đăng tải những thông tin vi phạm bản quyền trên trang wiki sẽ khiến bạn đối mặt với vấn đề pháp lý nếu trang wiki của bạn được truy cập công khai.
  • Cố gắng không sử dụng trang wiki vì các mục đích thiếu đạo đức.
  • Tuân thủ các quy định để ngăn chặn các trường hợp lừa đảo và vi phạm pháp luật.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Tài liệu Tham khảo[sửa]

Liên kết đến đây