Tạo một website

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tạo trang web là cách tốt để chia sẻ ý tưởng và suy nghĩ của bạn với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, nếu chưa từng làm việc này thì mới nhìn vào sẽ cảm thấy rất rối rắm. Toàn là những thứ như http-chấm-bất cứ cái gì và <tag cái này="">, <tag cái kia="">, rồi làm thế nào để đăng tải ảnh, văn bản lên nữa chứ? Đừng lo, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm bắt những vấn đề phức tạp này một cách nhanh chóng!

Các bước[sửa]

Thiết kế Trang web[sửa]

  1. Tìm cảm hứng. Hãy nhìn những trang web có thiết kế đẹp và nghĩ vì sao chúng lại được như vậy. Thường là vấn đề nằm ở chỗ thông tin, nguồn, đường dẫn (links), và các trang (pages) được sắp xếp theo một cách dễ nhìn và dễ sử dụng. Để có ý tưởng về việc thiết kế trang web của mình, bạn hãy tham khảo những trang web tương tự để biết cách sắp xếp các nội dung như thế nào.
    • Hãy nắm rõ khả năng của mình ra sao.
    • Dễ truy cập là điều quan trọng nhất. Nếu thông tin không dễ dàng nhìn thấy, hãy đảm bảo việc tìm được thông tin đó được thực hiện một cách khoa học.
    • Thông thường thiết kế càng đơn giản, càng ít trang càng tốt.
  2. Hãy chọn một chủ đề và mục đích. Nếu bạn đã có một ý tưởng khá hay về nội dung mà trang web tập trung khai thác thì hãy bỏ qua bước này. Nếu không, dưới đây là một số gợi ý để bạn xem xét. Đầu tiên, hãy hiểu rằng có hàng tỷ người sử dụng Internet, phần lớn trong đó có trang web. Nếu bạn tự giới hạn mình vào những thứ chưa từng được tạo ra, bạn sẽ không bao giờ bắt đầu được.
    • Khi bạn nghĩ, "Internet," điều gì sẽ nẩy ra trong đầu bạn đầu tiên? Thương mại điện tử (E-commerce)? Âm nhạc? Tin tức? Xã hội? Blog? Những nội dung đó đều rất tốt cho sự khởi đầu.
    • Bạn có thể tạo một trang web dành riêng cho nhóm nhạc yêu thích và có mục trao đổi để mọi người có thể thảo luận về nhóm nhạc đó.
    • Bạn có thể tạo một trang về gia đình mình, nhưng hãy thận trọng đối với những nội dung như vậy. Trên Internet có rất nhiều đối tượng không tử tế và thông tin bạn đưa lên có thể được sử dụng để hại bạn. Hãy cân nhắc tạo mật khẩu (password) để truy cập trang web về gia đình mình.
    • Nếu bạn là người nghiện tin tức, hoặc muốn có những nội dung đa dạng hơn báo chí truyền thống thì hãy tạo một trang web và đưa những bài viết có sẵn của các hãng tin như Reuters, BBC, AP chẳng hạn. Hãy tạo cho mình một trình đọc tin trực tuyến riêng (news aggregator) (hay thường được gọi là "báo"), và đưa tất cả những tin tức phù hợp với kỹ thuật số vào đó.
    • Nếu bạn giỏi viết lách, có thể tạo blog, nơi bạn có thể viết bất cứ điều gì bạn muốn và thu hút bạn đọc định kỳ hàng tháng!
  3. Lên kế hoạch. Xây dựng một trang web là cam kết dành thời gian và có thể là cả tiền bạc vào đó, vậy hãy đặt ra giới hạn cho hai vấn đề này và tập trung làm. Kế hoạch của bạn không cần phải là những bảng tính to lớn, phức tạp hay trình bày đồ họa cầu kỳ, nhưng ít nhất bạn cần cân nhắc điều gì là cần thiết cho bạn và người xem, bạn sẽ đưa cái gì lên trang web và sắp xếp chúng như thế nào.
  4. Hãy tập trung vào nội dung (content). Có các loại nội dung khác nhau và nhiều trong số đó được đưa ra có mục đích riêng. Bạn cần phải xem nội dung gì tốt nhất cho trang web và nhu cầu của mình. Có một số gợi ý bạn có thể cân nhắc, cụ thể là:
    • Kho hàng (Store). Nếu bạn muốn bán hàng, bạn cần biết mình muốn hiển thị các mặt hàng đó trên trang web như thế nào. Nếu bạn có ít thứ để bán, hãy kết hợp kho hàng với dịch vụ lưu trữ trên máy chủ (hosting). Society6, Amazon, và Cafepress là những hệ thống máy chủ nổi tiếng có thể giúp bạn bán nhiều mặt hàng và đặt giá cho những mặt hàng đó.
    • Truyền thông (Media). Bạn có muốn hiển thị các video? Âm nhạc? Bạn có muốn tự lưu giữ những tệp của mình (file) hay lưu giữ chúng ở đâu đó? Youtube and SoundCloud là những ví dụ tuyệt vời cho lựa chọn lưu giữ thông tin, nhưng bạn cần phải chắc chắn rằng thiết kế trang web của bạn cho phép những dạng phương tiện truyền thông đó hoạt động dễ dàng.
    • Hình ảnh (Images). Bạn có phải là nhiếp ảnh gia không? Hay nghệ sỹ? Nếu bạn định đưa những bức ảnh gốc lên trang web, bạn có thể cần định dạng (format) để đảm bảo chúng không bị đánh cắp. Hãy chắc chắn rằng dung lượng ảnh tương đối nhỏ, sử dụng mã Flash (Flash code) để tránh việc bị cóp nhặt dễ dàng.
    • Widgets (một dạng chương trình tiện ích trang trí). Đây là những chương trình nhỏ chạy trên trang web của bạn, thường để giúp bạn theo dõi người xem, họ muốn tìm kiếm gì và họ từ đâu đến. Bạn có thể tìm thấy cả widget lịch hẹn đặt chỗ, chạy lịch ghi nhớ, v.v. Hãy tìm cái nào giúp ích cho bạn (nhưng phải đảm bảo nguồn lấy widget là đáng tin cậy).
    • Thông tin liên hệ. Bạn có muốn để thông tin liên hệ trên trang web của mình không? Vì lý do an toàn, bạn nên thận trọng với việc cung cấp loại thông tin này. Bạn không nên hiển thị những thứ như địa chỉ nhà, số điện thoại nhà vì những thông tin đó có thể bị sử dụng để đánh cắp nhận dạng của bạn. Bạn có thể tạo một địa chỉ thư tín (PO box) hoặc một địa chỉ email đặc biệt dành cho những người muốn liên hệ với bạn nếu bạn không có địa chỉ doanh nghiệp.
  5. Hãy tạo một biểu đồ phân luồng. Đối với nhiều người, trang web bắt đầu từ home page (trang chủ). Đó là trang mọi người sẽ nhìn thấy khi truy cập vào www.yourSite.com. Nhưng sau đó mọi người truy cập tiếp vào đâu? Nếu bạn dành chút thời gian suy nghĩ về việc mọi người tương tác với trang web của bạn như thế nào, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn khi tạo các nút điều hướng (navigation buttons) và đường dẫn.
  6. Lập kế hoạch tương thích với các thiết bị. Trong những năm gần đây, điện thoại thông minh và máy tính bảng ngày càng trở thành những hệ điều hành phổ biến để duyệt internet, chúng cần những trang web được thiết kế riêng cho mình. Nếu bạn thực sự muốn tạo một trang web có thể tồn tại lâu dài và có lượng truy cập nhiều nhất, hãy tạo những phiên bản web khác nhau cho các thiết bị hoặc sử dụng thiết kế có thể tự điều chỉnh khi cần thiết.

Xây dựng Trang web[sửa]

  1. Hãy xác định phương pháp hay công cụ bạn dùng để tạo trang web. Khi bạn đã có ý tưởng và kế hoạch để triển khai ý tưởng đó, việc tiếp theo phải nghĩ đến là xây dựng trang web như thế nào. Các chọn lựa có vẻ như là vô tận, người ta sẽ cố bán cho bạn những ứng dụng mà họ cho là 'tuyệt vời', và những thứ khác mà bạn "chắc chắn phải có" trên trang web của mình, tuy vậy, thực tế chỉ có một số công cụ tốt cho việc xây dựng trang web, và một trong số đó sẽ phù hợp nhất với tình hình và nhu cầu của bạn.
  2. Hãy tự xây dựng trang web. Đây là lựa chọn đầu tiên. Nếu bạn có một ứng dụng tạo web như Adobe Dreamweaver chẳng hạn, thì không khó lắm để tạo trang web từ ban đầu. Bạn sẽ cần một số mã nhưng đừng sợ! HTML trông có vẻ phức tạp, nhưng cũng giống như nghe Shakespeare - lúc đầu thì khó nhưng khi đã quen rồi thì không khó như bạn tưởng.
    • Ưu điểm: phần mềm thiết kế web sẽ giúp việc xây dựng đơn giản hơn bằng cách cho phép bạn kéo-và-thả hình ảnh, văn bản, các nút điều khiển, phim ảnh và bất kể thứ gì bạn nghĩ ra, và thường không cần chuyên sâu về HTML. Nhiều ứng dụng thiết kế web còn cho phép bạn tạo trang riêng cho điện thoại thông minh và máy tính bảng. Nếu bạn định tạo một trang web cá nhân đơn giản thì đây là cách làm rất tốt.
    • Nhược điểm: Cần phải tìm tòi, dù bạn không phải nghiên cứu sâu về HTML thì điều đó không có nghĩa là không cần hiểu biết gì về công nghệ cả. Nếu bạn vội thì đây không phải là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là nếu bạn không phải là chuyên gia thiết kế đồ họa thì có thể bạn sẽ kết thúc bằng một trang web nhìn rối cả mắt. Nói tóm lại, có nhiều mẫu miễn phí trong các ứng dụng và trên internet nhưng cần biết khả năng của bạn như thế nào để sử dụng!
  3. Hãy sử dụng Hệ thống quản lý nội dung (CMS). Đây là lựa chọn thứ hai. WordPress là một ví dụ điển hình cho việc lựa chọn để tạo trang web. Nó giúp bạn tạo web và blog nhanh chóng, dễ dàng, tạo ra các menu, cho phép và quản lý bình luận của người sử dụng, và có hàng nghìn chủ đề (themes) và plugin (phần mềm hỗ trợ) bạn có thể chọn cài đặt miễn phí. Drupal và Joomla là những lựa chọn về CMS tuyệt vời khác. Khi CMS được lưu trữ trên máy chủ, bạn có thể quản lý trang web của mình ở bất cứ nơi nào (trên thế giới) mà có kết nối Internet.
    • Ưu điểm: Rất dễ sử dụng, nhanh chóng để bắt đầu thực hiện với chỉ một nhấp chuột là đã cài đặt được, và có nhiều lựa chọn cho người mới bắt đầu (có những trình độ cao đủ cho những người sử dụng có kinh nghiệm hơn).
    • Nhược điểm: Một số chủ đề bị giới hạn sử dụng, một số thì phải trả tiền.
  4. Tạo trang web từ đầu. Đây là lựa chọn thứ ba. Nếu bạn quyết định xây dựng website từ đầu, bạn cần sử dụng HTML và CSS. Có nhiều cách để mở rộng kỹ năng sử dụng HTML của bạn và thêm nhiều tính năng, chiều sâu cho trang web. Nếu bạn phát triển một trang web chuyên nghiệp, những công cụ này sẽ giúp bạn có được lợi thế cần thiết trong bất kỳ dự án kinh doanh nào.
    • CSS, viết tắt của "Mẫu định dạng phân tầng". CSS giúp định dạng HTML linh hoạt hơn và khiến việc tạo ra những thay đổi cơ bản như font chữ, tựa đề, phối màu ở một chỗ dễ dàng hơn, trên toàn bộ trang web.
    • XHTML là ngôn ngữ mạng theo tiêu chuẩn W3C. Gần giống như HTML, XHTML tuân theo những nguyên tắc định dạng thông tin nghiêm ngặt hơn. Điều đó có nghĩa là chỉ có một chút thay đổi trong việc viết code thôi.
    • Hãy tìm hiểu HTML5. Đây là phiên bản thứ 5 của chuẩn lõi HTML, và cuối cùng cũng sẽ thay thế các phiên bản hiện hành của HTML (HTML4) và cả XHTML nữa.
    • Hãy học ngôn ngữ lập trình ứng dụng phía máy khách (client-side scripting language), chẳng hạn như JavaScript. Điều này sẽ làm tăng khả năng bổ sung các yếu tố có tính tương tác vào trang web của bạn, như biểu đồ, bản đồ, v.v...
    • Hãy học ngôn ngữ lập trình ứng dụng phía máy chủ (server-side scripting language). PHP, ASP với JavaScript hay VB Script hoặc Python có thể được sử dụng để thay đổi cách trang web hiển thị đối với các đối tượng khác nhau, và cho phép bạn chỉnh sửa hoặc tạo diễn đàn. Chúng cũng giúp lưu trữ thông tin về những người đã truy cập vào trang web như username (tên người dùng), settings (cài đặt), và thậm chí là "giỏ hàng" (shopping carts) tạm thời trong các trang web thương mại.
    • AJAX (JavaScript và XML không đồng bộ) là một công nghệ sử dụng ngôn ngữ ứng dụng phía trình duyệt (browser sided language) và ngôn ngữ ứng dụng phía máy chủ (server sided language) để trang web có thể cập nhật thông tin mới từ máy chủ mà không cần refresh (làm tươi), sẽ giúp người xem giảm nhiều thời gian chờ và cải thiện đáng kể trải nghiệm của họ nhưng lại làm tăng việc sử dụng băng thông (bandwidth). Đối với trang web có nhiều người truy cập, hoặc một trang web về thương mại điện tử thì đây là giải pháp tuyệt đỉnh.
  5. Thuê chuyên gia. Đây là sự lựa chọn thứ tư và cuối cùng. Nếu bạn không thể thiết kế được trang web của mình, hoặc không học được ngôn ngữ tạo code mới – đặc biệt là đối với những trang web phức tạp – thì thuê chuyên gia sẽ là lựa chọn tốt nhất. Trước khi thuê, hãy đề nghị được xem hồ sơ công việc của họ và kiểm tra cẩn thận lý lịch của họ.

Chạy thử và Ra mắt Trang web[sửa]

  1. Đăng ký tên miền (domain name). Nếu kinh phí hạn hẹp, có nhiều cách để mua tên miền rẻ. Hãy tìm một tên miền dễ nhớ, dễ đánh vần. Nếu tên miền kết thúc bằng .com, bạn sẽ phải tìm kiếm lâu hơn vì phần lớn mọi người đều chọn kiểu đấy, bởi vậy hãy sáng tạo bạn nhé!
    • Hãy tìm những giải pháp mạng, chẳng hạn GoDaddy, or Register.com rất tốt ở Mỹ và uk2.net nếu bạn ở Anh để nghiên cứu và tìm tên miền lý tưởng cho trang web của bạn. Wordpress cũng có đặc tính cho phép sử dụng tên được gắn với trang web, như: trangwebcủatôi.wordpress.com. Nhưng nếu tên mà bạn chọn cũng đang dùng đuôi .com thì bạn sẽ được cảnh báo khi đăng ký.
    • Bạn có thể mua tên miền nếu chúng được "đóng gói" hay bán trên mạng qua các trang thương mại. Bạn nên nhờ tư vấn pháp lý và tài chính trước khi mua tên miền đắt tiền.
  2. Kiểm tra kỹ trang web. Trước khi chạy thật trang web, bạn nên kiểm tra toàn bộ một lần nữa. Hầu hết các phần mềm thiết kế web đều có cách để kiểm tra trang web mà không cần phải chạy trên mạng. Hãy kiểm tra xem có thiếu tag, đường dẫn hỏng, tối ưu kết quả tìm kiếm và lỗi thiết kế web. Đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ truy cập web của bạn cũng như doanh thu có được từ trang web. Bạn cũng có thể chạy sơ đồ trang đầy đủ các chức năng một cách miễn phí để gửi cho các công cụ tìm kiếm như Google chỉ trong vài phút.
  3. Chạy thử. Khi hoàn thành việc xây dựng trang web, hãy chạy thử. Bạn có thể làm việc này bằng cách nhờ bạn bè hoặc gia đình dùng thử. Bảo họ làm những việc cụ thể như "chỉnh sửa hồ sơ" hoặc "mua áo len từ một web thỏa thuận". Hãy ngồi cạnh và xem họ lướt web – đừng giúp họ. Bạn có thể sẽ thấy có những chỗ cần phải cải thiện trình duyệt hoặc làm rõ hướng dẫn. Bạn cũng có thể dùng trang web zurb.com để kiểm tra xem người dùng thấy thế nào đối với các kiểu tương tác khác nhau. Khi chạy thử một trang web trong năm 2014, điều quan trọng là phải nhớ hệ điều hành phải sử dụng được cho cả điện thoại thông mình, máy tính bảng và máy tính xách tay nữa.
    • Hãy liệt kê danh sách những gì bạn phát hiện là gây khó hoặc không trực quan đối với người sử dụng.
  4. Nào, hãy chạy trang web thôi! Hãy chọn một web chủ và tải trang web của bạn lên. Web chủ có thể có đặc tính FTP, hoặc bạn có thể tải chương trình FTP riêng cho mình như FileZilla hoặc CyberDuck. Nếu bạn thuê chuyên gia thiết kế web, họ phải thực hiện điều này cho bạn (nhưng bạn vẫn phải cần hiểu cách làm như thế nào).
    • Hãy nhớ là có nhiều cách để lưu trữ trang web trên máy chủ miễn phí.

Những điều Cần Cân nhắc khi Tạo Trang web[sửa]

  1. Thu hẹp khái niệm. Nếu bạn xây dựng trang web để kiếm tiền, ý tưởng nào sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận nhất? Ý tưởng nào sẽ cần cam kết cao nhất? Ý tưởng nào sẽ thú vị nếu theo đuổi? Bạn sẽ phải dành thời gian để xây dựng trang web, do đó, hãy chọn ý tưởng mà bạn đam mê nhất (đó có thể là ý tưởng sinh lợi và thực tế đối với bạn).
  2. Xác định mục tiêu và làm việc để đạt được mục tiêu đó. Trang web bạn tạo ra có thể chỉ để cho vui, nhưng cũng vì lợi nhuận, hoặc vì cả hai. Biết mình muốn gì sẽ khiến cho việc thiết kế, theo dõi và hiểu kết quả dễ dàng hơn.
  3. Sẵn sàng cạnh tranh. Các trang web thông tin không đòi hỏi nhiều đầu tư lại bị cạnh tranh nhiều hơn, vì ai cũng có thể làm được. Để kiếm tiền từ những trang web như vậy, bạn cung cấp thông tin và kiếm tiền từ lượng truy cập thông qua quảng cáo, chẳng hạn như Google AdSense (một dịch vụ quảng cáo của Google). Để tối ưu hóa AdSense, bạn sẽ phải viết nội dung trang web có mục đích, đủ sức thu hút người đọc. Dùng từ khóa (keyword) cụ thể hướng vào những người cùng tìm những thuật ngữ tương tự; đừng bỏ qua khía cạnh đó nếu không nội dung của trang web sẽ bị ảnh hưởng và bạn đọc sẽ không thích điều đó.
  4. Hãy sẵn sàng chịu trách nhiệm. Những trang web thương mại điện tử bán hàng sẽ cần nhiều thời gian quan tâm và bảo trì. Bạn cần phải chú ý đến việc vận chuyển, bán hàng, thuế, tiêu chuẩn an ninh công nghệ (SSL), cập nhật kho hàng, và tất cả những gì mà một cửa hàng thông thường phải quản lý. Một hệ thống trả lời nhanh các câu hỏi và giải quyết khiếu nại là cần thiết khi bán hàng qua mạng; nhiều công ty cũng cung cấp số điện thoại trợ giúp mà bạn có thể thuê nếu cần.
    • Nếu mục đích chỉ là tạo thêm một phần thu nhập, bạn có thể bán hàng cho người khác qua chương trình liên kết, giúp bạn kiếm tiền mà không cần đầu tư vào sản phẩm hay lo lắng việc chuyển hàng.
  5. Hãy hiểu khán giả hay thị trường bạn muốn thâm nhập. Đối tượng nào mà trang web của bạn sẽ phục vụ? Thực hiện nghiên cứu thị trường để hiểu hơn về khán giả của mình. Những việc cần biết hoặc tìm hiểu bao gồm: Họ làm gì? Họ bao nhiêu tuổi? Những sở thích khác của họ là gì? Tất cả những thông tin đó có thể giúp trang web của bạn có ích hơn. Tuy nhiên, hãy thận trọng khi giả định rằng trang web của bạn chỉ nhằm vào một nhóm - luôn để ý các xu hướng cho thấy những nhóm đối tượng khác bắt đầu quan tâm đến trang web của bạn để có thể phục vụ sở thích của họ và nắm bắt những cơ hội mới.
  6. Hãy tìm kiếm từ khóa. Điều này cần thiết để quyết định khi nào mọi người tìm kiếm chủ đề phù hợp với trang web của bạn và cũng rất có ích để biết được khách hàng tương lai của mình. Tập trung nỗ lực để tích hợp những từ khóa nhiều người tìm kiếm vào trang web sẽ giúp bạn có thứ hạng cao về công cụ tìm kiếm. Có một số công cụ như vậy từ Google (như google.com/trends/ google.com/insights/search/#), Overture, và các nhà phát triển phần mềm bên thứ ba để giúp cho quá trình tìm kiếm từ khóa dễ dàng hơn.
    • Chèn các từ khóa bạn chọn trong toàn bộ văn bản trên trang web nhưng đừng quá nhiều kẻo ảnh hưởng đến chất lượng nội dung của bạn.
    • Tạo các trang tối ưu hóa việc tìm kiếm sẽ giúp trang web của bạn dễ được nhận biết, điều này quan trọng hơn nhiều so với thiết kế. Trang web mà không ai ngó ngàng đến thì liệu có ích gì?
  7. Quảng cáo. Trang web của bạn đã chạy, bạn muốn mọi người vào xem, vậy hãy làm cho họ biết về nó!
    • Cung cấp trang web của bạn cho các công cụ tìm kiếm nổi tiếng. Có những trang web sẽ làm cho bạn, hoặc bạn tự làm.
    • Hãy kể với bạn của bạn. Nói về trang web của mình thường xuyên! Đính kèm trang web vào cập nhật trạng thái trên Facebook, Twitter, đăng ảnh lên Flickr, đưa vào tài khoản LinkedIn của bạn - bất cứ đâu và mọi nơi là điểm mấu chốt ở đây. Càng nhiều người vào trang web của bạn càng tốt.
    • Sử dụng địa chỉ e-mail cùng với tên miền trang web của bạn. Hãy ghé thăm các trang web ca ngợi (chứ không phải là cạnh tranh) trang web của bạn, và đề nghị trao đổi đường dẫn hoặc blog/bài viết của khách truy cập trang web. Viết những bình luận tích cực trên blog và diễn đàn, dùng địa chỉ URL trang web của bạn làm chữ ký.
    • Sử dụng biện pháp quảng bá bằng bài viết. Tạo ra các bài viết sử dụng triệt để SEO (tối ưu công cụ tìm kiếm) và đăng chúng trên các trang web khác đôi khi là cách hay để tạo đường dẫn trở lại trang web của bạn. Điều này có thể giúp bạn tăng vị trí xếp hạng về công cụ tìm kiếm nhưng phải luôn nhớ cập nhật công cụ tìm kiếm vì việc đó thường ảnh hưởng đến kế hoạch SEO và khiến chúng kém hiệu quả hoặc thậm chí giảm mức xếp hạng của trang web.
  8. Cung cấp nội dung và dịch vụ có chất lượng. Trên tất cả, hãy lắng nghe độc giả và khách hàng của mình, học hỏi từ trải nghiệm của họ với trang web của bạn.
    • Đón nhận những bình luận có tính xây dựng một cách nghiêm túc. Những thành viên khác, người hâm mộ, bạn bè đều có thể đưa ra những ý tưởng để điều hướng dễ dàng hơn.
    • Hãy nghĩ về thị trường hoặc khán giả mục tiêu: nhu cầu, sự thất vọng, hoàn cảnh của họ. Hãy tìm cách giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn, nhiều thông tin hơn, càng nhiều càng tốt.

Lời khuyên[sửa]

  • Mọi người thường hay vội vàng. Trung bình mất khoảng 3-7 giây để bắt được ánh nhìn của họ, vì vậy hãy tinh ý về điều mà mọi người nhìn thấy đầu tiên khi truy cập trang web của bạn. Để giảm thiểu thời gian tải trang, đừng sử dụng quá nhiều đồ họa. Hãy nén chúng lại nếu có thể. Sử dụng công nghệ cầu kỳ như JavaScript, Flash, Streaming Audio/Video, v.v… thật hạn chế và chỉ khi thực sự cần thiết cho việc trình bày của bạn.
  • Nếu bạn bán sản phẩm mà người sử dụng sẽ tìm thấy bằng công cụ tìm kiếm, hãy đảm bảo rằng sản phẩm đó là thứ mà họ thấy đầu tiên khi truy cập trang web của bạn. Bạn càng khiến những người ghé thăm trang web của mình nhấn nút (click) thì càng có nhiều cơ hội họ sẽ tìm hiểu những nội dung khác của trang web.
  • Nếu bạn thuê chuyên gia tạo code cho trang web phức tạp, hãy nhớ rằng lập trình viên không nhất thiết phải là nhà thiết kế đồ họa. Những trang web bắt mắt được tạo bởi hoặc với sự tham gia của những người liên quan đến thiết kế đồ họa. Lời khuyên tốt nhất, đặc biệt với website chuyên nghiệp, là sử dụng đúng người đúng việc: chuyên gia thiết kế tạo ra hình thức và cảm nhận về trang web; lập trình viên làm tất cả những gì bên trong để trang web hoạt động được; chuyên gia marketing xác định vị trí của trang web và bảo đảm điều đó là phù hợp; còn chuyên gia viết bài thực hiện công việc viết lại từ nội dung sao chép.
  • Hãy tìm những trang web thông dụng, thậm chí dù bạn không thấy chúng có ích lắm và sử dụng làm mẫu. Vậy những trang web đó có gì hay? Có gì thú vị ở bố cục, nội dung của các trang web này, hay cách bạn khám phá trang web? Hãy kết hợp những gì bạn học được khi xem các trang web này vào web của bạn và chỉnh sửa theo ý của mình.
  • Bắt đầu từ những điều đơn giản, tập luyện, và tìm cách cải thiện – thậm chí nếu thứ bạn tạo ra không ấn tượng lắm trong những lần đầu tiên. Đừng cố đốt cháy giai đoạn.
  • Nếu bạn định bán hàng trên trang web của mình, bạn cần biết chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng an toàn. Bạn có thể đăng ký tài khoản doanh nghiệp, với phí phải trả cho từng giao dịch, hoặc dùng dịch vụ miễn phí như PayPal. Luôn luôn đọc các chữ in nhỏ cẩn thận. Hãy nhớ rằng nhiều hợp đồng tín dụng yêu cầu bạn phải cấp bảo đảm đối với sản phẩm bị thất lạc hoặc hư hỏng (hãy nghiên cứu cả phần bảo hiểm).

Cảnh báo[sửa]

  • Không bao giờ được vi phạm sự tin tưởng của khách truy cập trang web. Hãy tôn trọng quyền riêng tư của họ. Spam (tin nhắn rác), pop-up gây khó chịu, và quảng cáo không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy của bạn. Một tuyên bố về quyền riêng tư minh bạch là cách để xây dựng độ tin cậy. Hãy cung cấp đường dẫn nổi bật về tuyên bố quyền riêng tư trên tất cả các trang của trang web cũng như bất cứ vị trí nào bạn yêu cầu thông tin cá nhân của khách truy cập. Cung cấp thông tin liên hệ hợp pháp trên mạng. Nếu bạn cần dùng quảng cáo trên trang web, hãy giải thích lý do với khách truy cập, và cho họ thấy bạn đang làm tốt nhất có thể để khiến việc truy cập của họ dễ dàng hơn. Và hãy thật sự nghiêm túc về điều đó!
  • Nếu bạn sử dụng nội dung từ một trang web khác, dù đó là một hình ảnh, phần mềm JavaScript, hay gì đi nữa, hãy xin phép và biết ơn họ về việc đó. Nếu không, họ có thể kiện bạn.
  • Hãy nhớ, đừng bao giờ xóa các chi tiết trong tài khoản của bạn (như username, password, v.v…). Nếu bạn không có những thông tin chi tiết đó, khi quên bạn sẽ không thể chạy trang web được nữa. Quan trọng hơn, đừng cho ai biết những chi tiết đó (trừ địa chỉ trang web).
  • Đừng quá bị ám ảnh bởi những "lời khuyên mới nhất" trên các trang web quảng cáo. Một số lời khuyên có thể hữu ích nhưng nhiều trong số đó lại không. Marketing không phải là khoa học - đó là trải nghiệm liên tục thay đổi. Bạn là người đánh giá chính xác nhất các chiến lược quảng bá của bạn hoạt động như thế nào (hoặc là không hoạt động). Lắng nghe người sử dụng và học từ kinh nghiệm của họ là cách tiếp cận đúng đắn nhất.

Liên kết đến đây