Thành Chà Bàn và thuật phong thuỷ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Thành Chà Bàn và thuật phong thuỷ
Tác giả: PGS. TS. Ngô Văn Doanh
Viện Nghiên cứu đông Nam Á

Thành Chà Bàn (nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình định)- toà thành là kinh đô cuối cùng của nước Chămpa- cũng được sử sách cổ của Việt Nam nhắc tới. Về những ngày tháng cuối cùng của thành Chà Bàn, sách đại Việt sử ký toàn thư chép: Ngày 27 (tháng 2, Tân mão, năm thứ 2 Hồng đức [1471]), vua [Lê Thánh Tôn] thân đem đại quân đánh phá thành Thi- nại. Ngày 28, vua tiến vây thành Chà- bàn. Ngày 29, vây sát chân thành mấy vòng. Tháng 3, ngày mồng 1, hạ được thành Chà- bàn... Trước là các quân dinh làm cầu bắc lên thành đã xong, Trà Toàn hàng ngày đưa đến lễ vật xin hàng... Vua bèn dụ cho các tướng sĩ nên kịp bắc thang lên thành. được một lát, vua trông thấy đằng xa dinh quân tiền khu đã lên đến tường con trên thành, mới bắn 3 tiếng súng để ứng. Lại sai nội thần đem quân Thiên vũ phá cửa đông để vào...Ngày mồng 2, vua thấy đã phá được thành Chà- bàn rồi, xuống chiếu đem quân về[1]. Từ thời điểm lịch sử đó, thành Chà Bàn chấm dứt hoàn toàn chức năng là kinh đô của nước Chămpa và cũng bị bỏ. Hơn 300 năm sau, vào năm 1776, Nguyễn Nhạc đã nhân đất cũ của Chiêm Thành, sửa đắp thành đồ Bàn, đào lấy đá ong xây dựng thành luỹ, mở rộng cung điện[2]. đến năm 1778, Nguyễn Nhạc cho đổi tên là thành Hoàng đế. Và, trong khoảng gần 20 năm (từ 1776 đến 1793) toà thành mới này đã là đại bản doanh của quân Tây Sơn và sau đó là kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc.

Rồi, từ 1793 cho đến khi nhà Tây Sơn thất bại hoàn toàn (năm 1802), tại đây, đã diễn ra những trận chiến quyết liệt giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn. Sách đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về toà thành này dưới tên gọi thành cũ Chà Bàn khá cụ thể: Thành ở địa phận ba thôn Nam định, Bắc Thuận và Bả Canh về phía đông bắc huyện Tuy Viễn, xưa là quốc đô của Chiêm Thành; chu vi 30 dặm, trong thành có tháp cổ, có nghê đá, voi đá, đều của người Chiêm Thành. Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc chiếm cứ thành này, nhân nền cũ xây đá ong, tiếm xưng là thành Hoàng đế; năm Kỷ Mùi (1799) đầu thời trung hưng khi mới thu phục được đất này, đổi tên là thành Bình định, năm Nhâm Tuất (1802) đổi làm trấn, sau dời đến lỵ sở hiện nay, bèn bỏ thành này, nay vẫn còn nền cũ. Trong thành có đền Chiêu Trung thờ Hoài Quốc công Võ Tánh và Ninh Hoà quận công Ngô Tòng Chu.[3]

Như sử sách cho biết, trong hơn hai chục năm (1778- 1799), thủ lĩnh phong trào Tây Sơn chọn thành Chà Bàn của Chămpa xưa làm đại bản doanh và đã sửa đắp thành, đào lấy đá ong xây dựng thành luỹ, mở rộng cung điện. Do vậy, như các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, những dấu tích còn lại cho đến nay chính là của toà thành Hoàng đế của Nguyễn Nhạc. Toà thành này có cấu trúc ba lớp. Lớp ngoài cùng là thành ngoại dài 7.330 mét có hình dáng gần như chữ nhật, nhưng các cạnh uốn lượn không thẳng và các góc cũng không vuông. Chiều dài các cạnh không đều nhau: cạnh phía bắc dài 2.038 m., cạnh phía nam dài 2.118 m., cạnh phía đông tương đối thẳng dài 1.564 m., cạnh phía tây uốn lượn, hơi lệch về hướng tây- nam, dài 1.610 m. Thành có 5 cửa. Ngoài ba cửa Bắc, đông, Tây, mặt phía Nam có hai cửa: cửa Vệ hay còn gọi là cửa Nam và cửa Tân Khai (mới mở). Dấu tích của cả 5 cửa hiện nay vẫn còn. Thành nhìn về hướng Nam, nên cửa Vệ (cửa Nam) còn có tên là cửa Tiền, cửa đông gọi là cửa Tả, cửa Tây là cửa Hữu , cửa Bắc là cửa Hậu. Thành Nội được xây thẳng hướng với cửa Nam, nằm lệch về góc tây- nam thành ngoại. Vòng thành này hầu như đã bị phá hoại hoàn toàn. Thế nhưng, dấu tích còn lại cho thấy, thành có cấu trúc hình chữ nhật gióng đúng theo bốn hướng với tổng chu vi 1.600m (430m x 370m). Thành nội cũng được xây dựng bằng kỹ thuật đã xây thành ngoại: đắp đất, bó đá ong hai mặt. Thành nội chỉ mở 3 của. Cửa Tiền thẳng hướng tới cửa Vệ, cách thành ngoại 180m. Cửa đông và cửa Tây trổ vào khoảng chính giữa mỗi cạnh thành. Tử Cấm thành là vòng thành trong cùng cũng có cấu trúc hình chữ nhật, chu vi 600m (126mx174m). Tường của Tử Cấm thành xây thẳng, mặt rộng khoảng 1,5m, chiều cao còn lại trung bình là 1,8m và chỉ mở một cửa về phía Nam với các tên gọi Nam Lâu, Tam Quan và Quyền Bổng.

Nhìn về địa thế tự nhiên, toà thành Hoàng đế còn được phòng vệ bằng cả một hệ thống sông ngòi, núi đồi, gò tự nhiên và nhân tạo bao bọc xung quanh. Sông đập đá tách ra ở Thiết Trụ (xã Nhơn Mỹ) rồi hợp lại ở Lý Tây (xã Nhơn Thành) đã bao bọc thành Hoàng đế như những con hào tự nhiên, đồng thời là những con đường thuỷ thuận lợi. Phía tây- bắc thành còn dấu vết một bên thuyền xưa ở khu vực Bến Gỗ. Từ bến này, thuyền bè có thể theo đường sông Quai Vạc trở lại sông Côn rồi ngược lên Thượng đạo hoặc xuôi theo sông đập đá, sông đại An về phía đông ra cửa Thị Nại. Ngoài hệ thống sông ngòi, phía nam thành có gò Vân Sơn, gò Tập, xa hơn gò Tập một chút có núi Long Cốt...[4]

Dù rằng những dấu tích tường luỹ hiện nay hầu hết là của thành Hoàng đế (20 năm cuối thế kỷ XVIII), nhưng, như các tài liệu lịch sử ghi chép và các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, về cơ bản, cấu trúc, hình dáng và quy mô của thành Hoàng đế là vốn của thành Chà Bàn xưa. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, đối chiếu với các sách địa lý và lịch sử thì nguyên xưa thành Chà Bàn chỉ có 4 cửa. Cửa Tân Khai mới được mở khi Nguyễn Nhạc xây thành Hoàng đế.[5]

Như vậy là, qua những ghi chép của sử sách và những khảo cứu của các nhà khoa học, chúng ta biết khá rõ hai điều: một là cái mốc thời gian chấm dứt sự tồn tại của toà thành Chà Bàn (năm 1471) và hai là có thể dựa vào dấu tích của thành Hoàng đế thời Tây Sơn để khôi phục lại cấu trúc và mô hình của thành Chà Bàn của nhà nước cổ Chămpa- một mô hình cấu trúc đô thị phổ biến của các quốc gia cổ chịu ảnh hưởng văn hoá Ân độ ở khu vực đông Nam á. điều thứ nhất về thời điểm chấm dứt sự tồn tại của thành Chà Bàn như kinh đô của nhà nước Chămpa là chắc chắn rồi. Thế nhưng, khi nào thì thành Chà Bàn, mà dấu tích còn lại ở xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình định, trở thành kinh đô của Chămpa, thì còn là vấn đề.

Các tư liệu lịch sử cho biết, vào cuối thế kỷ X, kinh đô Chămpa ở phía Bắc (vùng đất tỉnh Quảng Nam bây giờ) bị người Việt chiếm và từ đó trở đi, các vua Chiêm Thành đã phải định đô ở một nơi mới tại vùng đất của tỉnh Bình định ngày nay. Ví dụ, về những sự kiện này sách đại Việt sử ký toàn thư cho biết cụ thể là vào năm Nhâm ngọ, năm thứ 3 kỷ nhà Lê [982] (Tống, Thái bình hưng quốc năm thứ 7), vua Lê đại Hành đi đánh nước Chiêm Thành và thắng được. Cũng theo các sử liệu, vì người Chiêm cùng phò mã Ngô

Nhật Khánh vào cướp phá và có ý đồ đánh thành Hoa Lư, nhưng không thành; rồi thì, sau đấy vua Chiêm Thành còn bắt giữ sứ thần của nhà Lê, nên vua giận, mới đóng thuyền chiến, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém được Phê Mị Thuế (Paramesvaravarman) tại trận; Chiêm Thành thua to; bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể...; san phẳng thành trì, phá huỷ tôn miếu, vừa một năm thì trở về Kinh sư.[6] Cũng sách đại Việt sử ký toàn thư cho biết, vào năm 988, vua nước Chiêm Thành là Băng vương La duệ ở Phật Thành (tức Chà Bàn) tự đặt hiệu là Cu-thi-lị Ha-thân-bài-ma-la (Harivarman II)[7]. Và, điều đặc biệt, như các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, từ vị vua đầu tiên định đô ở Chà Bàn là Harivarman II trở đi, danh hiệu của hoàng gia thay đổi và các tên vua xuất hiện tất cả đều có chữ Vijaya Sri đi trước. Hơn thế nữa, trong một bức thư gửi hoàng đế Trung Quốc, Harivarman còn được xác minh là vua của vương quốc Vijaya mới thành lập. Như vậy là, thành Chà Bàn được lập và trở thành kinh đô của Chămpa từ năm 988.

Như đã mô tả ở trên, có thể thấy, dù đã bị hoang phế và dù đã được tu sửa ít nhiều về sau này, nhưng, nếu so với những toà thành cổ Chămpa hiện còn được biết, thì thành Chà Bàn còn nguyên vẹn nhất và còn lưu lại nhiều hiện vật và dấu tích kiến trúc nhất. Do vậy, qua thành Chà Bàn, có thể ít nhiều hiểu được mô hình và chức năng của một trong những kinh đô cổ của vương quốc Chămpa xưa. Ngay từ giữa những năm 1990, trong các công trình đã công bố, chúng tôi bước đầu nhận thấy thành Chà Bàn với ngôi tháp Cánh Tiên ở trung tâm có gì đó gần giống với mô hình đô thành Ăngco Thom của Cămpuchia. Giờ đây, sau nhiều lần đến nghiên cứu, chúng tôi càng tin rằng, Chà Bàn cũng như Ăngco Thom là những đô thành được làm theo mô hình các đô thành cổ của Ân độ. Mà, các đô thành cổ làm theo mô hình của Ân độ ở đông Nam á, mà tiêu biểu là Ăngco Thom (được xây dựng trong những năm 1181- 1219), như nhận xét của nhà nghiên cứu G. Coedes, khác các đô thị của phương Tây của chúng ta, nghĩa là nó không phải chỉ là một số nhà ở, chợ búa và toà thị chính. Mà nó là sự mô phỏng thu nhỏ cái thế giới hoang đường theo vũ trụ luận của Hindu giáo, nghĩa là một mô hình nhỏ bé hay một Tiểu vũ trụ của đại vũ trụ.(8) Theo mô hình của vũ trụ luận Hindu giáo, tại giữa đô thành Ăngco Thom là ngôi đền lớn Bayon- thần sơn Mêru, nơi ngự của các thần. Bao quanh đền Bayon là một khu đất rộng, mà ở đó có dinh thự của vua. Khu đất này được bao quanh bằng tường cao, hào sâu, mà theo quan niệm của thần thoại Hindu giáo, là những hình ảnh biểu tượng cho núi và đại dương bao quanh và ngăn cách thế giới linh thiêng của các thần với các thế giới khác. Không phải ngẫu nhiên mà Ăngco Thom được gọi là thành phố của các Thần.

Qua những dấu tích còn lại như đã được mô tả, đô thành Chà Bàn cũng được làm theo mô hình một đô thành linh thiêng của các Thần với thần sơn Mêru là ngôi tháp Cánh tiên ngự trên quả đồi cao ở chính giữa thành, với khu dinh thự của vua chúa nằm về phía tây. Cũng như ở Ăngco Thom, bốn bức tường thành và những dòng sông và hào nước bao quanh thành Chà Bàn chính là hình ảnh của những dãy núi và đại dương linh thiêng của đại vũ trụ. Cũng qua những di tích, dấu tích và hiện vật còn lại, có thể thấy đô thành Chà Bàn là một đô thị thiêng mang ý nghĩa như là một trung tâm tôn giáo, chính trị và văn hoá hơn là một thành thị. Không phải ngẫu nhiên mà trong khu vực thành Chà Bàn, những di tích, dấu tích và hiện vật còn lại chủ yếu là của các công trình tôn giáo và của khu cung điện. Trong thành Chà Bàn, không có những dấu tích của các khu thương mại, buôn bán – một trong những nét đặc trưng quan trọng của kết cấu đô thị khá phổ biến trên thế giới. Với những gì còn lại và được biết, thành Chà Bàn của vương quốc cổ Chămpa có thể được đưa vào danh sách những đô thành thiêng tiêu biểu- những đô thành chỉ chủ yếu đóng vai trò như một trung tâm tôn giáo, chính trị và văn hoá của quốc gia- ở khu vực đông Nam á thời cổ.

Thế nhưng, như các đô thành cổ của Chămpa trước đó, bên cạnh yếu tố mô hình một đô thị thiêng của Ân độ, thành Chà Bàn còn được xây dựng theo những chuẩn mực của luật phong thủy của phương đông một cách rất bài bản. Như các tài liệu mà chúng tôi đã dẫn ở trên, một trong những chi tiết phong thủy đẹp nhất và chuẩn nhất của thành Chà Bàn là có núi vây sông bọc: Nhìn về địa thế tự nhiên, toà thành Hoàng đế còn được phòng vệ bằng cả một hệ thống sông ngòi, núi đồi, gò tự nhiên và nhân tạo bao bọc xung quanh. Sông đập đá tách ra ở Thiết Trụ (xã Nhơn Mỹ) rồi hợp lại ở Lý Tây (xã Nhơn Thành) đã bao bọc thành Hoàng đế như những con hào tự nhiên, đồng thời là những con đường thuỷ thuận lợi. Phía tây- bắc thành còn dấu vết một bên thuyền xưa ở khu vực Bến Gỗ. Từ bến này, thuyền bè có thể theo đường sông Quai Vạc trở lại sông Côn rồi ngược lên Thượng đạo hoặc xuôi theo sông đập đá, sông đại An về phía đông ra cửa Thị Nại. Ngoài hệ thống sông ngòi, phía nam thành có gò Vân Sơn, gò Tập, xa hơn gò Tập một chút có núi Long Cốt... . Mà, theo luật phong thủy, núi vây sông bọc tất có khí. hơn thế nữa, các dòng sông bọc quanh thành Chà Bàn lại chảy uốn cong cho nước tụ lại (tính tụ khí) để tạo thành một kim thành hoàn bao. Mà, theo lý luận phong thủy học, thì sông nhiều uốn khúc, phúc thọ an nhàn, Quanh co chảy đến, vinh hoa ngập tràn., hay khí là mẹ của nước, nước là con của khí, khí đi đâu nước theo đó, nước dừng thì khí tụ. (nghĩa là, nước chảy đến chỗ rẽ, chỗ nước gần như lặng, thì khí được tích lại. Dòng chảy gấp khúc tốt hơn dòng chảy thẳng). Điểm thành công thứ hai cũng rất quan trọng của thành Chà Bàn chính là việc tòa thành này được xây dựng theo thuyết tứ thần sa (Chu Tước, Huyền Vũ, Thanh Long, Bạch Hổ) của luật phong thủy. để thấy rõ được điều này, chúng ta hãy cùng quan sát thành Chà Bàn trên bản đồ tự nhiên để có thể cảm nhận được những điều ghi chép của người xưa về vị thế đắc địa của tòa thành này: thành tựa vào thế núi Long Cốt làm kiên cố; phía đông thành chừng 7 dặm có ngọn núi đứng chơ vơ mà đầu nhọn để làm bình phong cho thành, đó là núi Tiên Tỉnh (nay là núi Mò O) và còn gọi là núi con Quạ hay Diều Hâu; nhìn sang hướng bắc có ba tầng núi hình như vẩy con Kỳ Lân, đó là núi Bố Chính và núi Thạch Bàn thuộc huyện Phù Cát và Phù mỹ; nhìn về hướng nam, những dãy núi đất lởm chởm chạy dài đến hơn trăm dặm... (Nguyễn Văn Hiển: đồ Bàn thành ký.). Cũng người xưa đã khái quát về luật phong thủy của thành Chà Bàn như sau: Thành Chà Bàn được xây dựng vào trung tâm của nước, tựa vào thế vững của núi Long Cốt, non xanh bày hàng trước mặt, nước biếc uốn réo xung quanh... bên hữu lấy núi Phong làm lũy, bên tả lấy bể làm hào; núi Cù Mông như rồng cuộn khúc ở phía trước; bến Thạch Tân như cọp hùng cứ ở mặt sau, quả là nơi hiểm trở thiên nhiên vậy.

Như đã mô tả và phân tích, với tất cả những đặc thù của mình, thành Chà Bàn ở Bình định là một trong những di tích đô thành điển hình được xây dựng không chỉ theo mô hình thần thoại Hindu giáo mà còn tuân theo một cách nghiêm ngặt và thành công các luật phong thủy của Trung Hoa hiếm hoi còn lại khá nguyên vẹn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả khu vực đông Nam á. Bởi vậy, toà thành đặc biệt này chắc chắn sẽ cung cấp nhiều cứ liệu quý cho các nhà nghiên cứu về lịch sử đô thị của Chămpa nói riêng và của cả khu vực đông Nam á nói chung. Thành Chà Bàn quả là một trong những di tích đô thị cổ có nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hoá của Chămpa xứng đáng được gìn giữ và bảo vệ.

Chú thích[sửa]

  1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb. KHXH, Hà Nội,1972, tr.236.
  2. Dẫn theo: Bình định: danh thắng và di tích (Vũ Minh Giang chủ biên), Bình định, 2000, tr.128.
  3. Đại Nam nhất thống chí, Tập III, Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr.37-38.
  4. Theo: Bình định: danh thắng và di tích, sđd. tr.128- 130.
  5. Đại Việt sử ký toàn thư, (bản dịch tiếng Việt), Nxb. KHXH, Hà Nội, 1972, TậpI, tr.168-169, 172.
  6. G. Maspero, Le Royaume de Champa, Paris, 1928, tr.127.
  7. G.Coedes,Angkor,AnIntroduction,(trans.Gardiner,EmilyFloyd), London,1963, tr.40.
  • Trích HỘI THẢO KHOA HỌC PHONG THỦY – 2009

Nguồn[sửa]

Bài cùng chủ đề[sửa]