Tiêu chí khoa học xác định tính khoa học của phong thủy

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tiêu chí khoa học xác định tính khoa học của phong thủy
Tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học đông phương

I. Mở đầu[sửa]

Có lẽ tất cả những người quan tâm đến lịch sử văn hóa cổ đông Phương đều biết đến một phương pháp ứng dụng tồn tại với thời gian tính hàng thiên niên kỷ trong lịch sử đông

Phương cho đến tận ngày hôm nay – khi chúng ta đang ngồi đây để bàn về nó. đó chính là những phương pháp ứng dụng trong kiến trúc và xây dựng đông Phương cổ, quen gọi là Phong thủy. đây là một di sản văn hóa phi vật thể thể hiện dưới hình thức một phương pháp ứng dụng với phương pháp luận của riêng nó – phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành - có thời gian tồn tại lâu nhất trong lịch sử văn minh nhân loại, bởi chính hiệu quả ứng dụng của nó. Nhưng, những di sản của nền văn hóa đông Phương – mà trong đó có khoa Phong thủy - còn tồn tại xuyên thời gian cho đến tận ngày hôm nay, đã tạo ra một cái nhìn huyền bí của tri thức khoa học hiện đại đối với nền văn hóa cổ đông Phương, vốn bao trùm lên nhiều lĩnh vực.

Nhưng chính hiệu quả ứng dụng trên thực tế và sự tồn tại khách quan xuyên thời gian tính bằng thiên niên kỷ, vượt qua mọi không gian văn hóa khác nhau với mọi thử thách của lịch sử - từ thời cổ đại đến văn minh nhân loại hiện đại - đã chứng tỏ khả năng một chân lý - một sự phản ánh thực tại khách quan - đứng đằng sau bộ môn Phong thủy đông Phương. Hiện nay, khi khoa học hiện đại ngày càng phát triển thì những học giả, những nhà khoa học hàng đầu đã bắt đầu nhìn lại nền văn hóa đông Phương - vốn một thời bị coi là lạc hậu và huyền bí, là không có cơ sở khoa học – với một cái nhìn mới khác hẳn tầm nhìn chỉ cách đây vài chục năm trước. Họ đã cảm nhận được sự tương đồng giữa nền văn minh đông Phương cổ với tương lai của khoa học hiện đại. Chúng ta đã thấy xuất hiện những cuốn sách mà những người quan tâm đều biết: Ở ngoại quốc thì điển hình là cuốn “đạo của Vật lý” của Fritjof Capra – nhà vật lý được giải Nobel xuất bản năm 74, hoặc như cuốn “Lượng tử và Hoa sen” của giáo sư Trịnh Xuân Thuận. Ở trong nước thì điển hình là cuốn: “Tích hợp đa văn hóa đông Tây” của giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, vv... Các nhà khoa học cũng thừa nhận một tri thức sâu sắc về thiên văn của những nền văn minh cổ. đã có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu của những nhà khoa học có tên tuổi về thiên văn cổ đông phương. Những giá trị của đông phương cổ đại đã được từng bước nhìn nhận. Trong đó có môn Phong thủy ứng dụng vào kiến trúc và xây dựng trong xã hội đông phương cổ đại và đến tận ngày nay.

Đã có ngày càng nhiều ý kiến cho rằng: Phong thủy là một môn khoa học. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã bắt đầu chú ý đến Phong thủy đông Phương. Những cuộc hội thảo mang tính quốc tế trong kiến trúc và xây dựng, người ta đã nhắc đến Phong thủy trong các bản tham luận. Ngay cả những văn bản mang tầm cỡ quốc gia ở Việt Nam, đã nhắc đến Phong thủy đông Phương. Tại một số nước phát triển, đã có viện nghiên cứu Phong thủy.

Nhưng có thể nói rằng: Cho đến tận ngày hôm nay, khi chúng ta ngồi đây, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu có giá trị minh chứng một cách thuyết phục về tính khoa học của Phong thủy được công bố. Những luận điểm cho rằng Phong thủy mang tính chất khoa học, chỉ là căn cứ vào hiệu quả thực tế trải hàng thiên niên kỷ cho đến bây giờ và sự cảm nhận mơ hồ về nó, hơn là một minh chứng với những luận cứ hợp lý. Hay nói cách khác: Quan niệm cho rằng Phong thủy là một phương pháp khoa học mới chỉ dừng lại như là một giả thuyết có cơ sở, dựa trên hiệu quả thực tế vượt không gian và thời gian trong lịch sử văn minh nhân loại và chưa chứng minh được tính khoa học của nó.

Trung tâm Nghiên cứu Lý học đông Phương với chức năng nghiên cứu tất cả mọi lĩnh vực liên quan đến văn hóa, lịch sử, học thuật cổ đông Phương, mà một trong những di sản học thuật cổ đại đông Phương chính là khoa Phong thủy.

Bởi vậy, việc tổ chức cuộc hội thảo khoa học chuyên đề “Tính khoa học trong Phong thủy và kiến trúc hiện đại” chứng tỏ tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc của Trung tâm chúng tôi. đây cũng là một cơ hội để chúng tôi trình bày trước quý vị, những công trình nghiên cứu mới nhất của chúng tôi, nhằm minh chứng tính khoa học của Lý học đông Phương nói chung và Khoa Phong thủy nói riêng.

Chúng tôi rất hy vọng rằng: Với sự góp mặt của những nhà khoa học và nghiên cứu tên tuổi trong buổi hội thảo này, sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể; sự hỗ trợ của cá nhân, đơn vị đến việc khám phá những bí ẩn của khoa Phong thủy, sẽ là sự khai mở cho bức màn huyền bí đang bao phủ một tri thức huyền vĩ của đông Phương cổ đại: Minh chứng được tính khoa học trong hệ thống phương pháp luận của Phong thủy đông Phương và sự phản ánh một thực tại khách quan là tiền đề của hệ thống phương pháp luận Phong thủy qua những di sản còn lại.

II - Giả thuyết về tính khoa học trong phong thuỷ và tiêu chí khoa học minh định bản chất khoa học của khoa phong thuỷ[sửa]

Khoa Phong thủy đã tồn tại trong lịch sử văn minh đông Phương, vượt thời gian tính bằng thiên niên kỷ, xuyên qua mọi không gian văn hóa với mọi hình thái ý thức xã xã hội, qua nhiều giai đoạn khác nhau trong nhận thức của nhân loại và những thăng trầm của lịch sử. Không thể có một bộ môn khoa học ứng dụng hiện đại nào có một sức sống bền bỉ như vậy. điều này, đã đặt ra một giả thiết hoàn toàn có cơ sở khoa học về một thực tại khách quan, liên quan đến những bí ẩn của vũ trụ, thiên nhiên, cuộc sống và con người mà nhân loại chưa biết đến - được phản ánh trong hệ thống phương pháp luận và phương pháp ứng dụng của khoa Phong thủy với hiệu quả xuyên thời gian và không gian của nó.

Chúng tôi đặt giả thiết cho rằng: Sự bí ẩn của khoa Phong thủy, phải chăng do chính sự thất truyền của một nguyên lý lý thuyết đứng đằng sau phương pháp ứng dụng của Phong thủy và những tri thức về một thực tại khách quan được tổng hợp và phản ánh trong hệ thống lý thuyết đó – Nên trong quá trình tồn tại và ứng dụng của khoa Phong thủy đông Phương với những khái niệm mơ hồ, lại phải xuyên qua những không gian văn hóa khác nhau trong lịch sử – Nên, những phương pháp ứng dụng của Phong thủy đã bị pha tạp với những giá trị văn hóa phi Phong thủy - và tùy theo không gian văn hóa và nhận thức của thời đại, người ta đã giải thích nó một cách huyền bí. Thậm chí, bùa chú – một hiện tượng của văn hóa cổ của nhân loại, có trong văn hóa cổ đông phương; hoặc cúng bái là những nghi lễ có tính tín ngưỡng cũng tham gia vào sự ứng dụng của khoa Phong thủy – qua những nghi lễ động thổ, nhập trạch như là sự bổ sung cho phương pháp ứng dụng của Phong thủy. Rồi cách giải thích mang tính thần quyền cho các nguyên lý lý thuyết căn bản của Phong thủy qua hàng ngàn năm, đã khiến môn Phong thủy ngày càng huyền bí trong con mắt thế nhân.

Đã không ít ý kiến cho rằng: Phong thủy là một thứ tín ngưỡng, hoặc là một hình thức mê tín dị đoan..vv.... Nhưng dù được giải thích như thế nào thì khoa Phong thủy đông Phương vẫn là một thực tế khách quan tồn tại vượt không gian và thời gian, sừng sững thách đố trí tuệ của cả nhân loại từ những bí ẩn của nó với những hiệu quả đạt được - là nguyên nhân để khoa Phong thủy có sức sống đến ngày nay.

Khi thế giới hiện đại ngày càng hội nhập với thông tin mạng, khi khoa học kỹ thuật ngày nay đã vượt xa nhận thức thế giới của con người thời cổ đại từ hàng ngàn năm trước – thì khoa Phong thủy vẫn không hề bị loại trừ khỏi thế giới văn minh. Ngược lại, nó ngày càng phát triển và hòa chung với văn hóa hiện đại cùng với sự phát triển của xã hội loài người.

Sức sống mãnh liệt trên thực tế khách quan đó, khiến những tri thức khoa học tỉnh táo nhất, phải có một thái độ nghiêm túc để tìm hiểu về bản chất của khoa Phong thủy đông Phương cổ và những di sản văn hóa đông Phương nói chung. Hay nói rõ hơn: Những tinh thần khoa học thật sự và có trách nhiệm với chính tư duy khoa học của mình, cần phải khám phá những thực tại khách quan nào làm nên phương pháp ứng dụng của khoa Phong thủy đông phương - qua sức sống mạnh mẽ vượt không gian và thời gian của nó?

Những nhà nghiên cứu về Phong thủy hay tổng quát hơn – về Lý học đông Phương - đều biết rằng: Phong thủy không phải là sự ứng dụng của hàng loạt những kinh nghiệm. Mà - những phương pháp ứng dụng của Phong thủy – dù theo trường phái nào theo cái nhìn phổ biến hiện nay – đều có phương pháp luận từ một lý thuyết vẫn còn mơ hồ bởi những khái niệm và tính bất hợp lý trong hệ thống cấu trúc nội tại, từ cái nhìn của tri thức khoa học hiện đại – đó là thuyết Âm Dương Ngũ hành.

Nhưng mặc dù có sự tồn tại của những bí ẩn đó, khoa Phong thủy – trong từng phương pháp mà chúng ta quen gọi là trường phái - lại có tính cấu trúc hệ thống, có nguyên tắc, quy ước và quy chuẩn rõ ràng, tính khách quan, có tính quy luật trong phương pháp ứng dụng. Cho dù những phương pháp ứng dụng Phong thủy theo những văn bản cổ ghi nhận, rất rời rạc và mâu thuẫn giữa những phương pháp ứng dụng mà các nhà nghiên cứu quen gọi là trường phái.

Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa học để đặt một giả thuyết cho rằng:

  • Thứ nhất: Hệ thống nguyên lý lý thuyết là tiền đề của khoa Phong thủy đã thất truyền và sai lệch. Và bản chất khởi nguyên của bộ môn này trong thời đại văn minh sinh ra nó, vốn là một hệ thống hoàn chỉnh, nhất quán trong phương pháp ứng dụng.
  • Thứ hai: Phải chăng Khoa Phong thủy ngày nay chỉ là những mảnh vụn còn sót lại sau những thăng trầm của lịch sử con người.

Từ giả thuyết này, chúng ta có thể tiếp tục đặt vấn đề về những nguyên tắc, quy ước, những khái niệm trong phương pháp ứng dụng của Khoa Phong thủy - đã phản ánh một thực tại khách quan nào được nhận thức, để chúng có những hiệu quả thực tế vượt không gian và thời gian trong lịch sử văn minh nhân loại?

Từ những giả thiết này, chúng ta cùng khám phá bản chất đích thực của khoa Phong thủy đông phương với góc nhìn của tri thức khoa học hiện đại.

Người viết cho rằng không thể coi là khoa học cho sự nhận thức trực quan với sự giải thích chủ quan của con người từ cái nhìn trực quan đó. Cũng không thể coi là khoa học ngay cả những tri thức được tổng hợp từ những nhận thức trực quan, trở thành một hệ thống lý thuyết để giải thích các hiện tượng. Một lý thuyết khoa học vẫn có thể sai.

Phong thủy đông Phương ứng dụng trong kiến trúc và xây dựng không phải là yếu tố kỹ thuật xử lý vật liệu, độ bền kết cấu trong xây dựng mang tính trực quan. Mà khoa Phong thủy đông Phương có tính hệ thống cấu trúc những nguyên tắc, quy định, có phương pháp luận và là sự thể hiện kiến thức của các yếu tố địa lý, Khí tượng, môi trường sinh thái học, cảnh quan và kiến trúc hình thể. Bởi vậy, để xác định tính khoa học của Phong thủy không thể chỉ căn cứ vào hiệu quả của nó, cho dù đó là những hiệu quả kỳ vĩ xuyên thời gian và không gian trong lịch sử văn minh nhân loại. Mà chúng ta cần có tiêu chí khoa học để thẩm định một giả thuyết, một phương pháp, một lý thuyết được coi là khoa học.

  • Tiêu chí khoa học phát biểu rằng: Một giả thuyết, hay một lý thuyết khoa học được coi là đúng , nếu nó giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề và hiện tượng liên quan đến nó, một cách nhất quán, hoàn chỉnh, có tính hệ thống, tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri. Chi tiết hơn cho tiêu chí này, giáo sư viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn đã phát biểu: Tính hợp lý trong toán học, không thể từ trên trời rơi xuống. Nó phải chứng tỏ một chân lý khách quan đứng đằng sau nó.
  • Tiêu chí khoa học cũng phát biểu rằng: Một giả thuyết, hay một lý thuyết khoa học bị coi là sai, nếu người ta có thể chi ra chỉ cần một mắt xích sai trong toàn bộ chuỗi mắt xích làm nên hệ thống cấu trúc của nó mà lý thuyết đó không tự biện minh được.
  • Tiêu chí khoa học cũng xác định rằng: Một lý thuyết khoa học phải có lịch sử hình thành nên nó từ những nhận thức trực quan phản ánh một thực tại, và tính tổng hợp những nhận thức thực tại để hình thành một lý thuyết có khả năng giải thích những thực tại khách quan nhận thức được có tính hệ thống, tính nhất quán và sự hợp lý nội tại trong cấu trúc hệ thống phương pháp luận của nó với khả năng tiên tri.

Còn rất nhiều những tiêu chí khoa học cụ thể khác cho các vấn đề liên quan. Giới thiệu những tiêu chí này, chúng tôi muốn xác định rằng: Một cái nhìn, một sự nhân danh khoa học thì phải có tiêu chí khoa học để thẩm định, khi chúng ta xác định một giả thuyết được coi là khoa học hay không. Do đó, chúng ta cần giải quyết để xác minh tính khoa học và bản chất khoa học của Phong thủy thì phải căn cứ theo tiêu chí khoa học.

Do đó, để xác định tính khoa học trong Phong thủy không phải dừng lại ở hiệu quả được chứng nghiệm trên thực tế vượt không gian và thời gian của khoa Phong thủy. Những hiện tượng trực quan này chỉ là tiền đề cho một giả thuyết có có sở khoa học về tính khoa học của khoa Phong thủy. Sự xác minh bản chất khoa học của Phong thủy – là mục đích của cuộc hội thảo hôm nay - phải được minh định trên cơ sở tiêu chí khoa học – cho toàn bộ những vấn đề liên quan đến nó. Gồm:

  • Tính hệ thống – trong đó bao gồm cả lịch sử khoa Phong thủy đông phương.
  • Tính nhất quán và hợp lý – Thể hiện trong nội dung trong hệ thống cấu trúc trong phương pháp luận của khoa Phong thủy.
  • Tính tiên tri - tức cũng thể hiện tính quy luật của phương pháp được nhận thức. Bởi vì không có tính quy luật thì không có khả năng tiên tri.
  • Tính khách quan, tức bao gồm cả khả năng phản ánh thực tại và sự giải thích thực tại theo khái niệm của nó.

Như vậy, việc nghiên cứu và tìm hiểu khoa Phong thủy đông Phương từ góc độ khoa học, đặt ra cho chúng ta những vấn đề phải khám phá và minh chứng:

  • Thứ nhất: Phục hồi và hiệu chỉnh tính hợp lý, nhất quán trong hệ thống cấu trúc của thuyết Âm Dương Ngũ Hành là phương pháp luận chủ đạo trong khoa Phong thủy
  • Thứ hai: Xác định một thực tại khách quan là cơ sở nhận thức và được tổng hợp, khái quát hóa trong phương pháp luận của Phong thủy thể hiện trong ứng dụng.
  • Thứ ba: Cội nguồn lịch sử của khoa Phong thủy đông Phương. Trên cơ sở tiêu chí khoa học và các vấn đề được đặt ra, chúng ta mới có thể có cơ sở minh chứng và liên hệ tính khoa học của Phong thủy với kiến trúc hiện đại.

III - Những vấn đề của các phương pháp ứng dụng trong phong thuỷ hiện nay[sửa]

Nếu mọi khái niệm trong hệ thống phương pháp luận của Phong thủy đông Phương qua các di sản còn lại đều rõ ràng, hệ thống cấu trúc nhất quán hợp lý trong nội dung, thì mọi chuyện đã rõ ràng và không có gì phải bàn cãi. Nhưng chính vì tính bí ẩn và tính bất hợp lý trong cấu trúc hệ thống phương pháp luận, sự mơ hồ về những khái niệm và những thực tại nó phản ảnh, sự hoài nghi về tính nhất quán trong lịch sử hình thành, nên chúng ta cần phải làm sáng tỏ.

Nhưng nếu áp dụng tiêu chí này để tìm hiểu tính hệ thống, tính nhất quán, tính hợp lý qua các bản văn cổ còn lại thì chúng ta không thể xác minh được tính khoa học của Phong thủy đông phương qua các văn bản còn sót lại. Bởi vì sự rời rạc, thiếu tính nhất quán, tính hợp lý và sự mơ hồ của các khái niệm trong phương pháp luận trong từng cái quen gọi là trường phái trong Phong thủy cổ như: Bát trạch, Dương trạch tam yếu, Loan đầu và Huyền không. Thậm chí chúng mâu thuẫn lẫn nhau. Chưa nói đến các phương pháp ứng dụng khác trong Phong thủy còn rải rác lưu truyền trong dân gian, không thể sắp được vào một trường phái nào, như các phương pháp trấn trạch, yểm đất..vv....

Không chỉ riêng Phong thủy, mà ngay cả một bộ môn ứng dụng khác trong học thuật cổ đông Phương - ứng dụng phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành, thí dụ như đông y cũng trong tình trạng như vậy. Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng: Giữa hiệu quả thực tế trải hàng thiên niên kỷ, xuyên qua mọi không gian, thời gian lịch sử trong xã hội loài người của học thuật cổ đông phương và tính mơ hồ, thiếu nhất quán, mâu thuẫn trong hệ thống cấu trúc phương pháp luận của thuyết Âm Dương ngũ hành – khiến hàng ngàn năm nay , con người không thể khám phá ra những bí ẩn huyền bí của nó. Thực tế hiệu quả là không thể phủ nhận. Vậy chúng ta hoàn toàn hợp lý khi giả thuyết rằng: Tính thất truyền và sự sai lệch từ nguyên lý căn để của một thuyết Âm Dương Ngũ hành trong cổ sử đông phương. Người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai.

Trong qua trình nghiên cứu, tìm hiểu bản chất của Lý học đông phương - trên cơ sở định hướng bởi giả thuyết về sự thất truyền và sai lệch trong các cổ thư còn lại, chúng tôi nhận thấy tính bất hợp lý ngay từ nguyên lý căn để lưu truyền trong cổ thư liên quan đến lý học đông phương. đó là nguyên lý: "Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư". đây là một nguyên lý xuyên suốt trong mọi phương pháp ứng dụng, được ghi nhận trong cổ thư chữ Hán.

Sau khi hiệu chỉnh lại nguyên lý căn để ứng dụng trong mọi lĩnh vực của Lý học đông phương là “Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư” thành “Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà đồ”, đối chiếu với tiêu chí khoa học, chúng tôi đã từng bước hệ thống hóa và phục hồi lại toàn bộ thuyết Âm Dương Ngũ hành, trong đó có khoa Phong thủy – là một bộ môn ứng dụng của học thuyết này với phương pháp luận của nó.

Như vậy, sau khi hiệu chỉnh lại nguyên lý căn để của thuyết Âm Dương Ngũ hành – “Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà đồ” làm cơ sở đối chiếu, hiệu chỉnh các bộ phận rời rạc còn sót lại của nền Lý học đông phương và căn cứ vào tiêu chí khoa học, chúng tôi nhận thấy tính nhất quán, tính phản ánh và giải thích thực tại khách quan, tính hệ thống trong cấu trúc phương pháp luận, tính quy luật và dần dần làm sáng tỏ những thực tại khách quan mà thuyết Âm Dương ngũ hành phản ánh và giải thích nó. đó chính là sự vận động, tương tác có tính quy luật của vũ trụ, thiên nhiên, cuộc sống và con người.

Riêng khoa Phong thủy, chúng tôi nhận thấy rằng: Những phát hiện rời rạc trong lịch sử văn minh Hán thực chất là những phương pháp ứng dụng cụ thể của từng trạng thái tương tác gây ảnh hưởng đến cuộc sống con người và chúng là những bộ phận khác nhau trong một môn khoa học ứng dụng nhất quán, quen gọi là “Phong thủy đông phương”. đó là bốn trạng thái được miêu tả như sau:

1. Tương tác của từ trường trái đất lên vị trí nhà và ảnh hưởng đến con người. Được ứng dụng chủ yếu trong phương pháp quen gọi là Trường phái Bát trạch

2. Tương tác của cảnh quan môi trường thiên nhiên quanh khu nhà. được ứng dụng chủ yếu trong phương pháp quen gọi là Trường phái Loan đầu.

3. Tương tác của cấu trúc ngôi nhà liên quan đến môi trường với con người. được ứng dụng chủ yếu trong phương pháp quen gọi là Trường phái Dương trạch tam yếu.

4. Tương tác có tính quy luật và chu kỳ của vũ trụ trong bầu trời không gian của Thái Dương hệ. được ứng dụng chủ yếu trong phương pháp quen gọi là Trường phái Huyền Không.

Sự thống nhất có hệ thống các phương pháp ứng dụng và rời rạc còn lại trong cổ thư của Phong thủy, trên cơ sở nguyên lý căn để “Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà đồ” đã cho thấy tính nhất quán, tính hệ thống, sự giải thích hợp lý các vấn đề và hiện tượng liên quan trong phương pháp luận của một học thuyết cổ ứng dụng trong Phong thủy là thuyết Âm Dương Ngũ hành. đồng thời trên cơ sở này, chúng tôi cũng từng bước khám phá tính quy luật, tính khách quan của một thực tại mà lý thuyết đó phản ánh và ứng dụng cụ thể trong Phong thủy. đó chính là sự vận động và tương tác có tính quy luật của vũ trụ, thiên nhiên và cuộc sống quanh chúng ta và hoàn toàn phù hợp với tiêu chí khoa học.

IV. Kết luận[sửa]

Trung tâm Nghiên cứu Lý học đông phương chúng tôi đã kết luận khái quát về tính khoa học của Phong thủy đông phương chính là sự ứng dụng những nhận thức thực tại quy luật vận động và tương tác của thiên nhiên, cuộc sống và vũ trụ trong việc phục vụ cho cuộc sống của con người. Phương pháp Phong thủy được phục hồi với danh xưng Phong Thủy Lạc Việt hoàn toàn có tính hệ thống, tính nhất quán, tính khách quan, tính quy luật và khả năng tiên tri phù hợp với tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học. Trên cơ sở tiêu chí khoa học, chúng tôi xác định Phong thủy là một một bộ môn khoa học ứng dụng trên cơ sở những hiệu ứng vận động và tương tác có tính quy luật, tính khách quan trong kiến trúc và xây dựng nhằm phục vụ cuộc sống con người. Khoa Phong thủy xác định những tiêu chí, những nguyên tắc, quy ước dựa trên thực tại khách quan trong kiến trúc và xây dựng cổ xưa. Nhưng tiêu chí, nguyên tắc này không phủ nhận những tri thức và tiêu trí cũng như những yêu cầu trong kiến trúc hiện đại. Mà nó xác định sự phù hợp với cảnh quan môi trường, thiên nhiên hài hòa với cuộc sống của con người trên cơ sở quy luật nhận thức được và phản ánh trong khoa Phong thủy.

Như vậy, tính khoa học của Phong thủy được xác định trên cơ sở tiêu chí khoa học cho một phương pháp được coi là khoa học, nếu nó thỏa mãn tiêu chí đó. Nhưng cần phải xác định rằng: Tính hệ thống và nhất quán trong Phong thủy đông phương – một trong những tiêu chí khoa học – chỉ được xác định khi phục hồi trên nguyên lý căn để xuyên suốt của thuyết Âm Dương Ngũ hành là “Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà đồ”. Không căn cứ trên nguyên lý này thì Phong thủy theo bản văn cổ không có tính hệ thống, tính nhất quán và không có khả năng phản ánh hợp lý một thực tế khách quan làm nền tảng của hệ thống phương pháp luận của nó, cũng như tính hợp lý trong cấu trúc hệ thống của nó, ngoại trừ hiệu quả ứng dụng.

Chúng tôi xin được giới thiệu những nét khái quát nhất về tính khoa học của Phong thủy đông phương được phục hồi trên cơ sở hiệu chỉnh nguyên lý xuyên suốt “Hậu thiên lạc Việt phối Hà đồ”. Từ cơ sở này, chúng tôi sẽ trình bày những sự giải thích cụ thể những nguyên lý, thực tại được khám phá trong việc phục hồi và minh chứng tính khoa học trong Phong thủy và sự liên hệ với kiến trúc hiện đại trong các bản tham luận sẽ trình bày ngày hôm nay trong cuộc hội thảo này.

Với một bề dày thời gian trải hàng thiên niên kỷ tồn tại trong lịch sử văn minh nhân loại, với những khái niệm cổ xưa khái quát những thực tại chưa được biết đến và khác với ngôn ngữ hiện đại, chúng tôi chưa thể phục hồi một cách hoàn hảo những bí ẩn của khoa Phong thủy đông phương và của Lý học đông phương nói chung. Nhưng chúng tôi tin rằng: Với tinh thần khoa học và sự đam mê khám phá, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu trong việc đem ánh sáng khoa học soi sáng bức màn huyền bí của văn hóa đông phương cổ đại và phục hồi lại toàn bộ những tri thức của người xưa trong việc nhận thức bản thể của vũ trụ, thiên nhiên và con người.

  • Trích HỘI THẢO KHOA HỌC PHONG THỦY – 2009'

Nguồn[sửa]

Bài cùng chủ đề[sửa]