Thành công

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thành công trong cuộc sống là điều hoàn toàn có thể xảy ra nhưng nó cũng sẽ không từ trên trời rơi xuống. Bạn sẽ cần phải nỗ lực và chăm chỉ hết mình nhưng xác định được ý nghĩa của “thành công” đối với bản thân, định rõ mục tiêu và nhiệm vụ cần thiết sẽ giúp bạn đạt được cảm giác thành công trong cuộc sống cũng như công việc.

Các bước[sửa]

Xây dựng nền tảng để thành công[sửa]

  1. Xác định các ưu tiên của bản thân. Trở nên thành công không đơn giản chỉ là có một vài nguyện vọng mơ hồ nào đó mà bạn muốn hoàn thành. Hãy sắp xếp các ưu tiên của bản thân và quyết định xem điều gì là quan trọng nhất đối với bạn. Hiểu được ưu tiên của bạn là gì sẽ giúp bạn đặt ra mục tiêu để đạt được những điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và thành công.[1] Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn sẽ có xu hướng cố gắng để đạt được một điều gì đó hơn nếu nó có ý nghĩa với bạn.[2]
    • Bạn cần quyết định điều quan trọng nhất mà bạn muốn đạt được: bạn muốn lập gia đình trước một thời điểm nhất định nào đó? Bạn muốn trở thành một nhà văn? Bạn muốn trở thành một chuyên gia đứng đầu trong lĩnh vực y tế?
    • Lập danh sách những điều quan trọng mà bạn muốn hoàn thành nhất theo thứ tự giảm dần. Khi bạn lên kế hoạch với mục tiêu đạt được những mong muốn thành công, bạn sẽ cần xem đi xem lại danh sách này, điều chỉnh nếu có thay đổi và gạch đi những điều bạn đã hoàn thành.
    • Hãy nhớ, chỉ bởi vì đó là những ưu tiên hiện tại của bạn không có nghĩa là nó sẽ không thay đổi. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Cuộc sống có thể sẽ dẫn bạn đến với những con đường bạn không hề ngờ tới, nhưng nếu bạn có thể hiểu được bạn đang cố gắng hướng tới điều gì, bạn sẽ có thể có nhiều cơ hội để hoàn thành chúng hơn và thay đổi nguyện vọng nếu cần.
  2. Tìm ra "nhân tố" của bản thân. Đây là những lý do khiến bạn cố gắng, là những điều bạn yêu thích. Có thể bạn sẽ sử dụng nó trong công việc hoặc xem nó như một sở thích. Điều quan trọng đó là nó có ý nghĩa với định nghĩa của bạn về “thành công”.[3]
    • Nó có thể là bất cứ điều gì như viết lách, vẽ vời, nhảy múa, khoa học máy tính, nấu ăn hay khảo cổ. Điều quan trọng đó là nuôi dưỡng "nhân tố" này trong con người bạn sẽ giúp bạn cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc hơn.
    • Hãy nhớ rằng có thể bạn sẽ sử dụng những khả năng này bằng một cách khác miễn là bạn luôn sẵn sàng với những cơ hội để sử dụng nó. Ví dụ như, bạn được đào tạo để trở thành một vũ công cổ điển nhưng thay vì trình diễn trên sân khấu, bạn có thể sử dụng kỹ năng đó để dạy nhảy cho trẻ em nghèo. Bạn đang sử dụng "nhân tố" đó nhưng theo một cách mà có thể bạn chưa từng nghĩ tới. Đó là thành công.
    • Luyện tập kỹ năng đó. Cho dù bạn rất giỏi viết lách nhưng bạn không bao giờ có thể thành công nếu bạn không đọc và viết thường xuyên. Nếu bạn không viết vì công việc, hãy dành một khoảng thời gian trước khi đi làm hoặc sau khi đi làm về (sau sẽ tốt hơn bởi bạn sẽ không quá mệt mỏi) để viết. Bạn có thể áp dụng tương tự đối với các kỹ năng khác.
  3. Tưởng tượng ra “cái tôi tốt nhất có thể” của bạn. Bài tập này có thể giúp bạn định nghĩa thành công trong cuộc sống của bạn và hỗ trợ bạn trong quá trình thành lập mục tiêu để đạt được thành công đó.[3] Xác định “cái tôi tốt nhất có thể” là một quy trình gồm hai bước: hình dung ra bản thân bạn trong tương lai và sau đó xem xét xem những yếu tố nào sẽ giúp bạn đạt được con người trong tưởng tượng đó của bạn.[4]
    • Để bắt đầu, hãy tưởng tượng ra một thời điểm trong tương lai khi bạn là một người tuyệt vời và thành công nhất có thể. Nó không có một hình mẫu nhất định. Tập trung vào điều gì có ý nghĩa và quan trọng nhất đối với bạn thay vì định nghĩa thành công theo tiêu chuẩn của người khác.
    • Tưởng tượng ra các chi tiết về cái tôi tốt nhất có thể trong tương lai. Suy nghĩ và định rõ bản thân một cách tích cực. Cuộc sống của bạn trông như thế nào? Bạn cảm nhận và hành xử như thế nào? Ví dụ như nếu bản thân tốt nhất có thể của bạn là trở thành nhạc sỹ, hãy hình dung xem cuộc sống của bạn sẽ như thế nào. Bạn có phải là một nhạc sỹ vô cùng nổi tiếng? Một nghệ sỹ indie thành công? Lúc nào bạn cũng ở trên đường phố hay bạn thường hay chơi trong cộng đồng của mình?
    • Viết ra những chi tiết về hình ảnh tưởng tượng của bạn. Tưởng tượng ra những đặc điểm bạn cần sử dụng để đạt được “cái tôi tốt nhất có thể”. Ví dụ như, nếu bạn là một nhạc sỹ thành công, chắc hẳn bạn sẽ rất thành thạo các loại nhạc cụ. Có lẽ bạn sẽ biết cách giao thiệp với mọi người, quảng bá bản thân, kiên trì bất chấp khó khăn và thể hiện bản thân một cách đầy sáng tạo. Hãy viết xuống tất cả những kỹ năng, đặc điểm và yếu tố cần thiết mà bạn có thể nghĩ ra.
    • Bây giờ, hãy xem xét xem bạn đã có những gì trong số đó. Hãy thành thật và đồng cảm với bản thân. Bạn đã biết những gì? Sau đó cân nhắc xem những yếu tố nào bạn có thể học hoặc phát triển hơn. Bạn có thể học hỏi những gì và bằng cách nào?
    • Xác định cách để xây dựng những yếu tố bạn cần. Ví dụ như nếu bạn là người nhút nhát, có thể bạn sẽ cân nhắc tới các khóa đào tạo kỹ năng xã hội hoặc tính quyết đoán để giúp bạn trở nên thoải mái hơn trong việc quảng bá bản thân với người khác. Nếu bạn muốn trở thành nhạc sỹ nhưng bạn không có kỹ năng chơi nhạc cụ, có thể bạn sẽ cần tham gia các khóa học.
  4. Yêu cầu giúp đỡ. Cho dù một ai đó trông tự lập đến mức nào đi chăng nữa, họ vẫn đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ người khác: ví dụ như có thể giáo viên của họ cho họ kiến thức, người thân của họ giúp họ nuôi dưỡng những mối quan tâm, và gia đình họ hỗ trợ họ đi học đại học.
    • Tìm đến sự hỗ trợ của mọi người, đặc biệt là những người có thể giúp bạn tiến đến gần mục tiêu hơn. Đó không hẳn là tư lợi. Ví dụ như nếu bạn muốn trở thành một nhà khảo cổ học, bạn có thể giúp đỡ miễn phí tại bảo tàng địa phương, nơi có thể cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.
    • Hãy chắc chắn rằng bạn cũng giúp đỡ người khác khi có cơ hội. Bạn càng cho đi thì bạn sẽ càng nhận lại nhiều hơn.

Đặt mục tiêu[sửa]

  1. Đặt ra các mục tiêu rõ ràng. Để thành công bạn không thể chỉ ngồi một chỗ và mong đợi cuộc sống sẽ mang đến cho bạn những điều bạn cần. Bạn phải có kế hoạch rõ ràng và khả thi về những điều bạn cần làm để đạt được thành công.
    • Nghiên cứu đã chứng minh rằng đặt mục tiêu cho bản thân có thể giúp bạn cảm thấy tự tin và lạc quan hơn cho dù bạn vẫn chưa đạt được chúng.[5]
  2. Lập danh sách các ưu tiên của bản thân. Khi bạn đã quyết định các ưu tiên của bản thân, bạn sẽ cần thành lập các kế hoạch dài hạn và ngắn hạn để hoàn thành. Chúng sẽ có thể trở thành sự thật thay vì một giấc mơ đẹp. Cố gắng tập trung vào một hoặc hai việc một lúc. Cố gắng thực hiện tất cả các lĩnh vực cùng lúc sẽ khiến bạn cảm thấy quá tải. [6]
    • Cố gắng chia nhỏ các ưu tiên của bạn thành từng bậc. Ví dụ, bạn có thể có ưu tiên bậc một, bậc hai và bậc ba. Ưu tiên bậc một là những việc cần được hoàn thành sớm nhất có thể. Chúng là những điều có ý nghĩa hoặc quan trọng nhất đối với bạn. Ưu tiên bậc hai và bậc ba cũng quan trọng nhưng không thiết yếu bằng bậc một hoặc có thể chúng cụ thể hơn.
    • Ví dụ như, ưu tiên bậc một của bạn là “hạnh phúc hơn với công việc”, trong khi ưu tiên bậc hai của bạn là “tập thể dục nhiều hơn”. Ưu tiên bậc ba của bạn có thể là “giữ cho nhà cửa sạch sẽ hơn”.
  3. Thu hẹp những ưu tiên này thành mục tiêu. Một mục tiêu cần phải rõ ràng, có thể đo đếm được, có thể đạt được và có thể theo dõi được. Mục tiêu thường cụ thể hơn trong khi ưu tiên thì thường trừu tượng hơn.[2][7] Hãy bắt đầu bằng việc quyết định xem điều gì đủ cụ thể để theo đuổi.
    • Ví dụ như, nếu bạn đã quyết định được ưu tiên của bạn là thể hiện bản thân một cách sáng tạo hơn, bạn có thể sẽ muốn học diễn xuất.
    • Điều này vẫn khá chung chung, vì vậy bạn cần phải thu hẹp nó lại hơn. Ví dụ như, bạn có muốn diễn trong nhà hát không? Bạn có định theo đuổi nghiệp biểu diễn hay diễn xuất không?
  4. Xác định mục tiêu. Mục tiêu là những hành động cụ thể mà bạn làm để đạt được điều bạn mong muốn. Chúng giống như những bậc thang sẽ đưa bạn lên đến vị trí cao nhất. Hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể nhất có thể. [8]
    • Ví dụ như, “Trở thành nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại” có thể là điều bạn mong muốn. Những mục tiêu cụ thể sẽ là các hợp phần trong kế hoạch để bạn đạt được mong muốn đó.
    • Vì vậy, nếu bạn đang muốn học khoa nghiên cứu về Ai Cập cổ đại, bạn sẽ cần phải đi học đại học và tìm hiểu về Ai Cập cổ. Bạn sẽ cần học cách đọc chữ tượng hình (và tiếng Hy Lạp và Latin để hiểu được những ký tự đó đang nói gì về người Ai Cập; tùy thuộc vào từng giai đoạn). Bạn sẽ cần phải định rõ mối quan tâm của bản thân (ví dụ như nghi lễ an táng người chết của thời đại Midde Kingdom (thời Trung cổ) và tham gia khóa cao học.
  5. Đặt khung thời gian. Một vài mục tiêu sẽ được hoàn thành nhanh chóng nhưng cũng có những mục tiêu cần mất nhiều thời gian hơn. Một vài mục tiêu khác phải đạt được dựa trên thời hạn của người khác. Hãy thực hiện nghiên cứu để xác định một khung thời gian hợp lý và khả thi cho bạn.[2]
    • Ví dụ như, nếu bạn muốn trở thành diễn viên, bạn sẽ có một vài mục tiêu cụ thể như “tham gia vào các vở kịch tại nhà hát cộng đồng” và “học viết kịch bản”, có thể được hoàn thành khá nhanh chóng. Trong khi mục tiêu “đóng vai chính trong một bộ phim quan trọng” có thể sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn.
    • Hoặc giả như bạn muốn trở thành nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại, bạn sẽ cần cân nhắc đến một vài khung thời gian bên ngoài như hạn nhập trường cũng như chương trình giảng dạy.[2]
    • Bạn cũng cần nhớ rằng có một vài mục tiêu cần phải được hoàn thành trước những mục tiêu khác. Với ví dụ về nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại, bạn sẽ phải học về lịch sử và tiếng Ai Cập trước khi tham gia khóa cao học. Bạn sẽ cần đi học cao học trước khi trở thành một nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ quy trình để đạt được mục tiêu của bản thân để bạn sẽ không cảm thấy thất vọng.
  6. Lập mục tiêu dựa trên năng lực của bản thân. Hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể kiểm soát được hành động của mình chứ không thể kiểm soát được kết quả hay hành động của người khác. Lập mục tiêu dựa trên những điều bạn có thể hoàn thành thông qua nỗ lực của bản thân.[9]
    • Ví dụ như, “trở thành một ngôi sao điện ảnh” là một mục tiêu dựa trên kết quả hành động của người khác. Bạn không thể điều khiển người khác vì vậy đây không phải cách diễn đạt mục tiêu tốt nhất. Tuy nhiên, “tham gia buổi thi thử cho một phim bom tấn” là một mục tiêu mà bạn có thể kiểm soát.
  7. Linh hoạt. Học cách thích ứng với những điều mà cuộc sống đưa ra cho bạn. Hãy nhớ rằng kế hoạch có thể thay đổi nhưng bạn luôn phải cố gắng hướng tới mục tiêu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có khả năng thích nghi và linh hoạt thường có khả năng thành công cao hơn.[5]
    • Đừng quá cứng nhắc về cách mà bạn đạt được mục tiêu của bản thân. Có thể những mục tiêu ban đầu bạn đặt ra sẽ không mang đến kết quả tốt hay không thể hoàn thành. Học cách tìm ra nhiều con đường khác nhau để đạt được cùng một mục tiêu sẽ giúp tăng khả năng thành công của bạn. [10]

Nỗ lực hướng tới thành công[sửa]

  1. Không ngừng học hỏi. Bạn không bao giờ được ngừng học hỏi, Trở thành một người luôn nỗ lực học hỏi suốt đời không chỉ giúp bạn tránh được một số căn bệnh như Alzhemer’s (bệnh thoái hóa não nguyên phát) mà đó còn là một cách tuyệt vời để giữ cho bạn luôn nỗ lực và có hứng thú với cuộc sống xung quanh. Tiếp tục học hỏi sẽ đảm bảo rằng bạn sẽ không cho phép bản thân trì trệ hay trở nên quá hài lòng với hoàn cảnh hiện tại.[11]
    • Học hỏi có thể là đọc sách nghiên cứu lịch sử về một khu vực cụ thể, nhờ đó bạn có thể am tường về những địa danh lịch sử khác trong khu vực của bạn, học hỏi để thu thập thêm kiến thức.
    • Đừng trở nên tự mãn. Thách thức bản thân sẽ giữ cho đầu óc của bạn nhanh nhạy hơn. Vì vậy, nếu bạn có hứng thú với lịch sử, bạn có thể mở rộng và thử quan tâm tới toán học hoặc học một ngôn ngữ mới.
    • Học thêm những nhiệm vụ thử thách trong hoàn cảnh xã hội của bạn có thể giúp tâm trí bạn minh mẫn hơn. Cân nhắc tới việc thử tham gia một vài lớp học hoặc khóa chính quy về một lĩnh vực mà bạn yêu thích. [12]
  2. Nỗ lực hết mình. Bạn sẽ không thể thành công nếu không cố gắng. Bạn phải luyện tập những kỹ năng mà bạn đã có để trở nên tiến bộ hơn. Có rất nhiều việc bạn làm sẽ không được người khác chứng kiến vì vậy việc đáp ứng ưu tiên của bản thân là vô cùng quan trọng. Bằng không bạn sẽ sớm kiệt sức bởi dành quá nhiều công sức cho những việc mà bạn không thích.[13]
    • Tập trung vào ưu tiên của bản thân. Thậm chí nếu bạn đang làm một công việc không thật sự liên quan tới ưu tiên của bạn, hãy tìm cách để thay đổi nó. Cố gắng mang tới sự sáng tạo hoặc hài hước vào những công việc như cung cấp dịch vụ ăn uống, dịch vụ chăm sóc khách hàng hay công việc văn phòng nhàm chán. Ví dụ như, nếu bạn là họa sỹ, hãy thử làm nổi bật công việc của bạn với một vài tác phẩm hội họa do chính bạn vẽ, vừa đủ để khiến nó trở nên thú vị và vui mắt hơn.
    • Cho dù có nhiều thành công trông có vẻ như đến do may mắn nhưng hầu hết những người có được may mắn đó là nhờ họ đã làm việc chăm chỉ đúng lúc và đúng chỗ. Bạn sẽ không thể nhìn thấy tất cả những công việc phía sau mà họ đã làm để đạt được một vị trí nhất định (trừ phi họ có các mối quan hệ, nhưng hầu hết thì đều không phải).
  3. Biến thử thách thành bài học kinh nghiệm. Khác biệt chính giữa những người thành công và những người không đó là ở cách họ phản ứng với chướng ngại, những điều không mang đến kết quả tốt đẹp. Cho dù bạn đã nỗ lực đến mức nào, cho dù bạn tài năng ra sao bạn cũng vẫn sẽ gặp phải những khó khăn và thất bại. Sự khác biệt là ở chỗ bạn nhìn nhận những khó khăn đó là thất bại hay bài học kinh nghiệm.[5]
    • Thay vì khiển trách bản thân bởi những thất bại, hãy tự hỏi bản thân xem bạn đã học được những gì từ đó. Bạn sẽ làm gì khác vào lần tiếp theo? Nếu bạn có trong tay tất cả những nguồn lực cần thiết, tại sao bạn lại vấp phải khó khăn? Những người khác đã đối mặt hoặc giải quyết những vấn đề giống vậy như thế nào?
    • Nhắc nhở bản thân rằng lần tới khi bạn gặp một vấn đề tương tự, bạn đã được trang bị kỹ càng hơn. Đắm chìm trong sai lầm và tự trách cứ bản thân sẽ chỉ khiến việc đối mặt với vấn đề tiếp theo trở nên khó khăn hơn bởi bạn đã nghiễm nhiên cho rằng bản thân sẽ “thất bại”.
    • Nghiên cứu cũng đã chứng minh thất bại mà người thành công trải qua cũng không hề nhiều hơn hay ít hơn so với những người bỏ cuộc. Cách mà họ hiểu và phản ứng lại trước những khó khăn này là yếu tố chính quyết định thành công.[5]
  4. Mạo hiểm. Bạn sẽ không thể thành công mà không chấp nhận mạo hiểm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không ra khỏi vòng tròn an toàn của họ sẽ không bao giờ làm được việc lớn, những việc giúp bạn đạt được thành công thật sự. [14] Bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn nếu bạn ở trong một hoàn cảnh không quen thuộc hoặc không thoải mái. Điều quan trọng đó là đừng ép buộc bản thân quá nhiều và quá nhanh.[15]
    • Ví dụ như, nếu nói chuyện với người khác khiến bạn cảm thấy lo lắng, hãy cố gắng nói chuyện với ai đó bạn không quen ít nhất một lần một tuần. Bạn có thể nói những điều đơn giản như hỏi giờ hoặc thảo luận về sự chậm trễ của chuyến xe bus. Hoặc bạn có thể nhờ người bán hàng tìm giúp một món đồ. Bạn càng thực hiện điều đó nhiều, nó sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Và nói chuyện với người khác là một phần vô cùng quan trọng để trở nên thành công (bởi bạn sẽ cần nhờ cậy và giao thiệp với họ).
    • Buộc bản thân làm những điều mà bạn sẽ không bao giờ làm. Đăng ký một lớp tập yoga miễn phí hoặc đi nghe thuyết trình tại thư viện địa phương và đưa ra câu hỏi. Hoặc tham gia một lớp dạy nấu ăn.
    • Bạn càng tiếp xúc nhiều, bạn sẽ càng dễ dàng đối mặt với cuộc sống khi gặp khó khăn bởi bạn đã có kinh nghiệm giải quyết vấn đề khi bạn không ở trong vòng tròn an toàn của bản thân.
  5. Tưởng tượng tích cực. Thật tuyệt vời khi não bộ của bạn có đủ sức mạnh để giúp bạn thành công hoặc khiến bạn thất bại chỉ đơn giản dựa trên cách mà bạn suy nghĩ về mọi thứ. Nếu bạn tập trung vào những điều tiêu cực, bạn sẽ thấy những trở ngại khó khăn hơn.[16]
    • Quay trở lại với những ưu tiên của bản thân và tưởng tượng ra bạn đã đạt được tất cả những điều đó. Hình dung ra chính bạn với một gia đình hạnh phúc hoặc tưởng tượng ra hình ảnh bạn là ngôi sao của đoàn kịch nhà hát địa phương hoặc đang thuyết trình đầy tự tin về các nghiên cứu liên qua tới Ai Cập cổ.
    • Những hình ảnh tưởng tượng này càng cụ thể và chi tiết thì chúng càng mang đến nhiều ủng hộ tích cực. Hãy tưởng tượng âm thanh khán giả di chuyển chỗ ngồi đầy thích thú, hình dung họ cố gắng rướn người về phía trước, cảm nhận sức nóng từ ánh đèn sân khấu, tiếng cười vui vẻ của con cái bạn.

Trở nên thành công[sửa]

  1. Giúp đỡ người khác. Lòng nhân ái và giúp đỡ mọi người là điều vô cùng quan trọng để duy trì sự thành công, bởi bạn đang tạo ra một chuỗi cộng đồng và phát triển hệ thống hỗ trợ. Điều này sẽ có lợi cho bạn về lâu về dài. Làm việc từ thiện không chỉ có đóng góp to lớn trong cuộc sống của bạn bằng cách cải thiện sức khỏe cũng như sự tự tin của bạn mà còn giúp cộng đồng của bạn trở nên tốt đẹp hơn. [17]
    • Kể cả khi bạn không có tiền, bạn vẫn có thể giúp đỡ người khác. Bạn có thể quyên tặng 100.000 nghìn cho dự án tại địa phương mà bạn hỗ trợ. Bạn có thể đóng góp thời gian và khả năng cho những doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận cần giúp đỡ. [18]
    • Bạn có thể làm những việc đơn giản, hữu ích và tốt đẹp cho mọi người trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể mua café cho người xếp hàng phía sau bạn. Bạn có thể giúp chị gái chăm sóc bọn trẻ miễn phí. Bạn có thể giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa hàng tuần. Kết quả của lòng tốt của bạn sẽ lan rộng ra khắp cộng đồng.
  2. Tạo kết nối. Xây dựng kết nối là điều vô cùng quan trọng để có thể thành công trong cuộc sống. Điều này không chỉ đồng nghĩa với việc kết nối những người có thể giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của bản thân. Mà nó còn có nghĩa là bạn cần phải giữ quan hệ với bạn bè và người thân, những người sẽ giúp cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn và không cảm thấy cô đơn.[19]
    • Dĩ nhiên, bạn nên cố gắng kết nối những người có thể giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của bản thân. Đó không phải điều sai trái. Có thể chỉ đơn giản như xin lời khuyên từ một người cùng lĩnh vực mà bạn cảm thấy ngưỡng mộ, hoặc có thể xin thư giới thiệu hay thậm chí là một công việc.
    • Giao thiệp đồng nghĩa với việc nói chuyện với người khác. Hãy làm điều gì đó như lên gặp người thuyết trình sau buổi hội thảo và nói với họ bạn cảm thấy thích bài trình bày của họ như thế nào và giới thiệu về bạn cũng như sự quan tâm của bạn một cách thật lịch sự.
    • Xây dựng cộng đồng bất cứ khi nào có thể. Tham gia vào nhóm cộng đồng của bạn. Tham dự các sự kiện, hỗ trợ các dự án nhân đạo, nói chuyện với mọi người xung quanh và thể hiện cho họ thấy rằng họ rất quan trọng (đơn giản như hỏi xem họ cảm thấy như thế nào và thật sự lắng nghe lúc họ nói). Cộng đồng mạnh sẽ giúp cá nhân thành công, bởi cộng động sẽ giúp hỗ trợ và nâng họ dậy mỗi khi họ vấp ngã.
    • Đừng qua cầu rút ván. Dĩ nhiên bạn nên gạt bỏ những người có hại ra khỏi cuộc sống của bạn nhưng đá người khác đi hay thậm chí chỉ là tránh xa họ thay vì giữ họ lại, có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Lời nói sẽ truyền tai từ người này sang người khác và thế giới này nhỏ bé hơn bạn vẫn tưởng. Bạn có thể nói với ai đó rằng họ đã làm tổn thương bạn nhưng đừng nói bằng giọng điệu thể hiện là bạn sẽ không bao giờ tiếp xúc với họ nữa. Điều này cũng có nghĩa là bạn thừa nhận những sai lầm của bản thân.[20]
  3. Chăm sóc bản thân. Bạn sẽ không thể thành công trong cuộc sống nếu bạn quá tập trung vào mục tiêu của bản thân mà quên mất rằng bạn có đời sống riêng và phải chăm sóc cho chính mình. Sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Mọi người thường quá tập trung vào việc làm thể nào để tồn tại và "thành công" nhiều đến nỗi họ quên mất đi cách sống thật sự. Thành công là khi bạn cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện và tận hưởng cuộc sống. Nó không phải là vấn đề về tiền bạc hay sự nổi tiếng hay có được người bạn đời "thích hợp".
    • Tập thể dục là một cách tuyệt vời để giúp bạn kiểm soát cơ thể và nâng cao sức khỏe. Vận động giúp giải phóng hooc-môn endorphin (hooc-môn hạnh phúc) giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và giúp máu được lưu thông tốt hơn đến tim và các bộ phận khác trên cơ thể. Cố gắng tập thể dục như yoga, đi bộ nhanh, chạy bộ hoặc nhảy ít nhất 30 phút mỗi ngày.[21]
    • Ăn uống điều độ. Điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ tất cả những thức ăn yêu thích của bản thân. Nó chỉ đơn giản là bạn nên cố gắng để ăn thêm nhiều rau xanh và hoa quả, rằng bạn nên cố gắng hấp thụ thêm tinh bột tốt (như gạo nâu, diêm mạch, lúa mỳ nguyên hạt, yến mạch) và ăn nhiều protein như cá hồi, các loại hạt và đậu, những loại thức ăn giúp hỗ trợ hệ miễn dịch cũng như kiểm soát lượng đường trong máu.
    • Ngủ đủ giấc. Ngủ là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng đối với người phương Tây. Giấc ngủ có thể giúp kiểm soát mức độ áp lực, cải thiện sức khỏe và cho phép chúng ta tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Hãy cố gắng ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm. Tắt tất cả các thiết bị điện tử 30 phút trước khi đi ngủ và cố gắng ngủ trước nửa đêm.
    • Uống nhiều nước. Nước chiếm một phần lớn tỷ lệ của cơ thể chúng ta. Khi bạn mất nước, bạn sẽ không thể làm việc một cách hiệu quả, bạn sẽ cảm thấy mơ hồ và mệt mỏi, và điều đó có thể dẫn tới những tác hại nghiêm trọng về sức khỏe của bạn. Hãy uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày và cố gắng tránh những đồ khử nước như cafe.
  4. Chăm sóc bản thân. Sau cùng, việc tìm ra được các ưu tiên của bản thân, đặt mục tiêu, lên kế hoạch và hình thành các mối quan hệ cũng không thể dẫn bạn đến với thành công nếu bạn không hạnh phúc. Để làm được điều đó, hãy đảm bảo rằng bạn không khiến bản thân hoàn toàn kiệt sức.
    • Học cách nói "không". Bạn là người duy nhất có thể đặt ra giới hạn cho bản thân. Nhân ái và dành thời gian cho người khác là tốt nhưng chỉ khi bạn đã đảm bảo được rằng bạn cũng đã dành thời gian cho chính bản thân mình. Nếu bạn không muốn tới dự bữa tiệc đó, nếu bạn cần dành thời gian để hồi sức và không thể tham gia buổi gây vốn đó được, hãy lịch sự nói "không" để từ chối.
    • Làm một điều gì đó thú vị. Hãy làm điều gì đó để nuông chiều bản thân như ngâm mình trong bồn nước nóng và đọc sách. Đi tới bãi biển một mình vào cuối tuần và tận hưởng cảm giác thoải mái khi không cần phải quan tâm đến nhu cầu của bất cứ ai ngoại trừ bản thân. Bạn hoàn toàn hiểu rõ điều gì sẽ khiến bạn hạnh phúc. Hãy nhớ dành thời gian cho chính bản thân mình.

Lời khuyên[sửa]

  • Tiếp tục thử những điều mới, đặc biệt là nếu bạn không thật sự chắc về kỹ năng và các ưu tiên của bản thân. Bạn càng cố gắng thì bạn càng sớm tìm ra được điều mà bạn yêu thích.
  • May mắn là điều vô cùng hữu ích nhưng không phải là tất cả. Thông thường những người may mắn nhất chính là những người lăn lộn giữa cuộc đời và biến những điều họ mong muốn trở thành sự thật.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh bi quan. Suy nghĩ tiêu cực sẽ chỉ khiến bạn thêm suy sụp và khó thành công trong cuộc sống hơn. Hãy để ý mỗi khi bạn nhận thấy bản thân đang có suy nghĩ tiêu cực và bỏ qua chúng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.forbes.com/sites/panosmourdoukoutas/2012/02/11/the-six-rules-of-personal-success/
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 https://www.psychologytoday.com/blog/notes-self/201308/how-set-goals
  3. 3,0 3,1 https://www.psychologytoday.com/blog/what-matters-most/201303/what-is-your-best-possible-self
  4. http://mina.education.ucsb.edu/janeconoley/ed197/documents/sheldonincreaseandsustainpositiveemotion.pdf
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 http://news.stanford.edu/news/2015/january/resolutions-succeed-mcgonigal-010615.html
  6. http://www.forbes.com/sites/samanthasmith/2013/12/30/a-guide-to-evaluate-your-priorities-set-goals/
  7. http://www.wlac.edu/orp/planning/planning_committee/SDs-Goals-Obj%20Distinctions%20130918.pdf
  8. Rouillard, L. (2009). Mục tiêu và Đặt Mục điêu: Đạt được những Kết quả có thể Đo đếm được. Rochester, NY: Axzo Press.
  9. http://www.mindtools.com/page6.html
  10. http://www.forbes.com/sites/work-in-progress/2010/11/01/create-goals-but-be-flexible-in-how-you-get-there/
  11. http://www.entrepreneur.com/article/232348
  12. https://www.psychologytoday.com/blog/the-athletes-way/201310/stepping-outside-your-comfort-zone-keeps-you-sharp
  13. http://www.forbes.com/sites/panosmourdoukoutas/2013/10/13/4-secrets-of-success/
  14. http://www.forbes.com/sites/kathycaprino/2014/05/21/6-ways-pushing-past-your-comfort-zone-is-critical-to-success/
  15. http://psychclassics.yorku.ca/Yerkes/Law/
  16. http://www.pickthebrain.com/blog/10-secrets-to-success/
  17. http://www.psychologytoday.com/blog/do-the-right-thing/201207/helping-others-offers-surprising-benefits-0
  18. https://students.ucsd.edu/student-life/involvement/community/reasons.html
  19. http://www.cnn.com/2012/06/01/health/enayati-importance-of-belonging/
  20. http://www.webmd.com/balance/guide/choosing-to-be-happy?page=2
  21. http://www.cdc.gov/physicalactivity/everyone/health/#ImproveMentalHealth