Viết mục tiêu cá nhân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mục tiêu là cách để thể hiện một thành tích cụ thể mà bạn muốn đạt được bằng nỗ lực của bản thân.[1][2] Một mục tiêu có thể dựa trên ước mơ hoặc mong muốn, nhưng khác ở chỗ là mục tiêu có thể xác định được số lượng. Với một mục tiêu được viết một cách rõ ràng, bạn sẽ biết được bạn muốn đạt được điều gì làm thế nào để đạt được nó. Viết ra mục tiêu cá nhân vừa cho bạn cảm giác thỏa mãn vừa mang lại rất nhiều lợi ích. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đặt mục tiêu sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin và tràn đầy hy vọng hơn - cho dù những mục tiêu đó không thể đạt được ngay tức khắc.[3] Như Lão Tử đã từng nói "Cuộc hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân".[4] Bạn có thể bước bước đầu tiên trên cuộc hành trình giành chiến thắng của mình bằng cách đặt ra những mục tiêu cá nhân thực tế.

Các bước[sửa]

Lập mục tiêu hiệu quả[sửa]

  1. Nghĩ về những điều có ý nghĩa với bạn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bạn đặt mục tiêu dựa trên điều gì đó có thể thúc đẩy bạn, bạn sẽ có nhiều cơ hội để đạt được nó hơn.[2] Xác định những lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn muốn thay đổi. Ở giai đoạn này, bạn có thể để các lĩnh vực tương đối rộng.[5]
    • Lĩnh vực đặt mục tiêu thường thấy bao gồm tự cải thiện bản thân, cải thiện các mối quan hệ, hoặc đạt được một thành công nhất định như trong công việc hay học tập.[2] Một số lĩnh vực khác bạn có thể tham khảo như tinh thần, tài chính, cuộc sống, và sức khỏe.[5]
    • Cân nhắc tự hỏi bản thân một vài câu hỏi lớn như "Mình muốn bản thân trở thành một người như thế nào?" hay "Mình có thể làm được gì cho thế giới này?" Tự đặt câu hỏi có thể giúp bạn khẳng định điều gì là quý giá nhất đối với bản thân.[3]
    • Ví dụ, có thể bạn nghĩ tới những thay đổi có ý nghĩa bạn mong muốn thực hiện về sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân. Viết hai lĩnh vực đó ra cùng với những thay đổi mà bạn muốn có.
    • Ở bước này, nếu các thay đổi của bạn khá rộng cũng không sao hết. Ví dụ, về sức khỏe, bạn có thể viết "cải thiện cơ thể" hoặc "ăn uống lành mạnh". Đối với mối quan hệ cá nhân, bạn có thể viết "dành nhiều thời gian với gia đình hơn" hoặc "gặp gỡ những người mới". Đối với việc tự cải thiện bản thân, bạn có thể viết điều gì đó như "học cách nấu ăn".
  2. Xác định "cái tôi tốt nhất có thể". Nghiên cứu cho rằng việc xác định "cái tôi tốt nhất có thể" sẽ giúp bạn cảm thấy lạc quan hơn và hạnh phúc với cuộc sống của bản thân. Nó cũng có thể giúp bạn nghĩ về những mục tiêu thật sự có ý nghĩa với bạn.[6] Tìm kiếm "cái tôi tốt nhất có thể" cần phải có hai bước: tưởng tượng về bản thân trong tương tai, khi đã đạt được các mục tiêu đưa ra và cân nhắc việc bạn cần làm để thực hiện được điều đó. [7]
    • Tưởng tượng về một thời điểm trong tương lai khi bạn đã trở thành một con người tuyệt vời nhất có thể. Điều đó trông như thế nào? Điều gì là có ý nghĩa nhất với bạn? (Việc tập trung vào điều có ý nghĩa với bạn thay vì những điều người khác khiến bạn cảm thấy áp lực phải đạt được là vô cùng quan trọng).
    • Tưởng tượng từng chi tiết về bạn trong tương lai. Hãy suy nghĩ một cách thật tích cực. Bạn có thể tưởng tượng điều gì đó như "cuộc sống trong mơ", đạt được thành quả to lớn hoặc những thành tựu khác. Ví dụ, nếu cái tôi tốt nhất có thể của bạn là trở thành người thợ làm bánh sở hữu một cửa hàng bánh đông khách, hãy tưởng tượng xem điều đó sẽ như thế nào. Nó ở đâu? Nó trông như thế nào? Bạn có bao nhiêu nhân viên? Bạn là người chủ như thế nào? Khối lượng công việc của bạn ra sao?
    • Viết ra những chi tiết về viễn cảnh này. Tưởng tượng xem điều gì mà "cái tôi tốt nhất có thể" của bạn sử dụng để đạt được thành công. Ví dụ, nếu bạn đang điều hành tiệm bánh của riêng mình, bạn sẽ cần biết cách nướng bánh, quản lý tiền nong, quan hệ rộng rãi, cách giải quyết vấn đề, sáng tạo và xác định được nhu cầu về các món bánh. Viết xuống nhiều đặc điểm và kỹ năng nhất có thể.
    • Nghĩ về những kỹ năng cần thiết mà bạn có sẵn. Hãy thành thật với bản thân, đừng phán xét. Sau đó, nghĩ về điều mà bạn có thể phát triển.
    • Tưởng tượng cách bạn bồi đắp những kỹ năng này. Ví dụ như, nếu bạn muốn sở hữu một cửa hàng bánh nhưng không biết gì về việc kinh doanh, tham gia lớp học về kinh doanh hoặc quản lý tài chính sẽ là cách tuyệt vời để phát triển kỹ năng đó.
  3. Ưu tiên những lĩnh vực này. Một khi bạn đã có danh sách các lĩnh vực bạn muốn thay đổi, bạn sẽ cần phải dành ưu tiên cho chúng. Cố gắng tập trung cải thiện mọi thứ cùng một lúc sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy quá tải, và bạn dường như sẽ không thể theo đuổi được mục tiêu của bản thân nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể đạt được chúng.[8]
    • Chia mục tiêu của bạn làm ba phần: mục tiêu tổng thể, mục tiêu bậc hai và mục tiêu bậc ba. Mục tiêu tổng thể là mục tiêu quan trọng nhất và đến với bạn một cách tự nhiên nhất. Mục tiêu bậc hai và bậc ba là những mục tiêu cũng quan trọng nhưng không bằng mục tiêu tổng và chúng thường có xu hướng cụ thể hơn.
    • Ví dụ, về tổng thể bạn muốn "ưu tiên sức khỏe (quan trọng nhất), cải thiện các mối quan hệ trong gia đình (quan trọng nhất), đi du lịch nước ngoài" và mục tiêu cấp hai là "trở thành một người bạn tốt, giữ cho nhà cửa sạch sẽ, chinh phục đỉnh Phan-xi-păng" và mục tiêu bậc ba là "học cách đan len, làm việc hiệu quả hơn, tập thể dục mỗi ngày".
  4. Bắt đầu thu hẹp. Khi bạn đã biết những lĩnh vực mà bạn muốn thay đổi và những thay đổi mà bạn muốn thực hiện, bạn có thể bắt đầu phân tách riêng những điều bạn muốn đạt được. Những điều này sẽ là khởi điểm cho mục tiêu của bạn. Tự hỏi bản thân một vài câu hỏi liên quan đến thành tựu của bạn về chủ thể, chủ đề, thời gian, địa điểm, cách thức và lý do.
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đặt mục tiêu cụ thể không chỉ giúp bạn có nhiều khả năng đạt được chúng hơn mà còn giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.[2]
  5. Xác định chủ thể Ai. Khi đặt mục tiêu, việc biết được ai là người chịu trách nhiệm hoàn thành mỗi giai đoạn của mục tiêu là điều hết sức quan trọng. Bởi đây là mục tiêu cá nhân, nên bạn gần như là người duy nhất có trách nhiệm. Tuy nhiên, một vài mục tiêu - như "dành nhiều thời gian với gia đình hơn" - đòi hỏi phải có sự hợp tác của người khác, vì vậy bạn nên xác định được ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho phần nào.
    • Ví dụ như, "học nấu ăn" sẽ là mục tiêu chỉ liên quan đến một mình bạn. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là "tổ chức một bữa tiệc ăn tối" thì nó sẽ đòi hỏi trách nhiệm của những người khác nữa.
  6. Xác định chủ đề Cái gì. Câu hỏi này giúp xác định mục tiêu, chi tiết và kết quả bạn muốn nhận được. Ví dụ, "học nấu ăn" quá chung chung để có thể thực hiện; nó thiếu tính tập trung. Hãy nghĩ về những chi tiết mà bạn thật sự muốn đạt được. "Học nấu bữa tối kiểu Ý cho bạn bè" sẽ cụ thể hơn.
    • Bạn càng chi tiết thì các bước bạn cần thực hiện sẽ càng rõ ràng.
  7. Xác định thời gian Khi nào. Điều quan trọng để đặt mục tiêu đó là chia chúng thành từng giai đoạn. Biết được khi nào một phần cụ thể trong kế hoạch của bạn phải được hoàn thành sẽ giúp bạn phát triển đúng hướng và nắm rõ tiến độ. [2]
    • Giữ cho các giai đoạn của bạn ở mức thực tế. "Giảm 4.5kg" thường không thể xảy ra trong vòng vài tuần. Hãy nghĩ tới khoảng thời gian thiết thực bạn cần để hoàn thành từng bước trong kế hoạch của bạn.
    • Ví dụ, "học nấu món gà cay phô mai cho bạn của mình trước ngày mai" sẽ khá là phi hiện thực. Mục tiêu này có thể khiến bạn gặp nhiều áp lực bởi bạn đang cố gắng đạt được một điều gì đó mà không cho bản thân đủ thời gian để học (và mắc những sai lầm không thể tránh khỏi).
    • “Học nấu món gà cay phô mai cho bạn của mình trước cuối tháng” sẽ cho phép bạn có đủ thời gian để học và luyện tập. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chia nhỏ nó thành những bước nhỏ hơn để tăng khả năng thành công của bản thân.
    • Ví dụ, mục tiêu này có thể chia nhỏ thành các giai đoạn dễ quản lý hơn: "Học nấu món gà cay phô mai cho bạn của mình trước cuối tháng. Trước cuối tuần phải tìm được công thức nấu. Luyện tập ít nhất ba cách nấu mỗi lần. Khi tìm ra công thức nấu mà tôi thích, tôi sẽ luyện tập nó một lần nữa trước khi mời bạn bè của mình ghé chơi".
  8. Xác định địa điểm Ở đâu. Việc xác định địa điểm cụ thể nơi bạn sẽ cố gắng để đạt được mục tiêu của mình có thể sẽ có ích. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là tập thể dục 3 lần mỗi tuần, bạn có thể xác định liệu bạn sẽ tới phòng tập, luyện tập tại nhà hay chạy bộ trong công viên.
    • Như trong ví dụ đưa ra phía trên, bạn có thể quyết định bắt đầu tham gia một lớp học nấu ăn, hoặc thực hiện mọi thứ ở trong nhà bếp của bạn.
  9. Xác định cách thức Như thế nào. Bước này khuyến khích bạn hình dung về cách làm thế nào để bạn đạt được từng giai đoạn của mục tiêu. Điều này giúp bạn xác định khung sườn của mục tiêu và hiểu rõ những hành động bạn cần thực hiện tại mỗi giai đoạn.
    • Đối với ví dụ về gà cay phô mai, bạn sẽ cần tìm công thức nấu, thu thập nguyên liệu, mua dụng cụ cần thiết và dành thời gian để luyện tập.
  10. Xác định lý do Tại sao. Như đã đề cập ở trên, bạn thường có nhiều khả năng hoàn thành được mục tiêu của bản thân hơn nếu bạn thấy nó có ý nghĩa và bạn có động lực để cố gắng. Câu hỏi này sẽ giúp bạn làm rõ động lực để đạt được mục tiêu của mình. Việc đạt được mục tiêu sẽ mang lại cho bạn những gì?
    • Như ví dụ đã đưa ra, có thể bạn muốn học nấu món gà cay phô mai cho bạn của mình để bạn có thể mời họ qua nhà chơi và ăn tối cùng với bạn. Điều này sẽ giúp tình bạn của bạn thêm bền chặt và thể hiện cho người đó thấy rằng bạn quan tâm tới họ.
    • Việc ghi nhớ lý do "tại sao" trong khi bạn nỗ lực để đạt được mục tiêu của bản thân là vô cùng quan trọng. Đặt ra những mục tiêu cụ thể và chi tiết là vô cùng hữu ích nhưng bạn cũng cần nhớ kỹ trong đầu "mục tiêu to lớn" của bản thân.[3]
  11. Viết ra mục tiêu của bản thân băng ngôn từ tích cực. Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn sẽ có nhiều khả năng đạt được mục tiêu đề ra hơn nếu chúng được xây dựng một cách tích cực. Nói cách khác, hãy xây dựng mục tiêu của bạn như là điều bạn cố gắng hướng tới, chứ không phải điều bạn muốn tránh xa.[2]
    • Ví dụ, nếu một trong những mục tiêu của bạn là ăn uống lành mạnh, bạn không nên viết là "Ngừng ăn đồ ăn vặt". Cách viết này khiến bạn có cảm giác như bạn đang bị tước đi một điều gì đó và không ai thích cảm giác này cả.
    • Thay vào đó, hãy thử viết mục tiêu như một điều bạn sẽ đạt được hoặc học được: "Mỗi ngày ăn ít nhất 3 phần hoa quả và rau xanh".
  12. Đảm bảo rằng mục tiêu của bạn là dựa trên khả năng của bạn. Đạt được mục tiêu đòi hỏi bạn phải thực hiện chăm chỉ và nỗ lực hết mình, tuy nhiên bạn cũng cần đảm bảo rằng mục tiêu bạn đề ra thuộc phạm vi khả năng thực hiện của bạn. Bạn chỉ có thể kiểm soát hành động của bản thân chứ không thể kiểm soát kết quả của chúng (hay hành động của người khác).[9]
    • Giữ mục tiêu của bạn luôn tập trung vào những hành động bạn có thể thực hiện, thay vì kết quả cụ thể, cũng sẽ giúp bạn trong trường hợp bạn vấp phải khó khăn. Bằng việc xem thành công như một quá trình nỗ lực, bạn sẽ cảm thấy bạn đã hoàn thành được mục tiêu ngay cả khi bạn không đạt được kết quả mà bạn mong muốn.
    • Ví dụ như, "Trở thành Tổng thống Mỹ" là một mục tiêu dựa trên kết quả hành động của người khác (trong trường hợp này đó là những người bầu cử). Bạn không thể kiểm soát những hành động này, và do vậy mục tiêu này là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, "Vận đồng bầu cử" là điều hoàn toàn có thể đạt được, bởi nó phụ thuộc vào nỗ lực và cố gắng của chính bạn. Cho dù bạn không thắng cử, bạn vẫn có thể xem đó như một thành công.

Phát triển Kế hoạch[sửa]

  1. Xác định mục tiêu cố gắng của bản thân. Mục tiêu cố gắng là hành động hoặc phương thức bạn sử dụng để đạt được mục tiêu mà bạn mong muốn.[10] Chia nhỏ thành những nhiệm vụ cụ thể sẽ giúp bạn hoàn thành và theo dõi tiến độ dễ dàng hơn. Sử dụng các câu trả lời cho những câu hỏi bạn đã tự hỏi bản thân trước đó - cái gì, ở đâu, khi nào, v.v. - để giúp bạn xác định mục tiêu cố gắng.
    • Ví dụ như, cân nhắc tới mục tiêu sau: "Tôi muốn học đại học Luật để có thể giúp đỡ những người thiểu số trong cộng đồng thông qua luật dân sự". Đây là một mục tiêu khá rõ ràng nhưng cũng rất phức tạp. Bạn sẽ cần phải xác định rất nhiều những mục tiêu cụ thể để đạt được điều này.
    • Ví dụ về mục tiêu cụ thể cho mục tiêu này bao gồm:
      • Đạt thành tích xuất sắc tại trường phổ thông
      • Tham gia vào đội biện luận
      • Xác định các tổ chức cho học sinh chưa tốt nhiệp
      • Xin vào làm việc tại các tổ chức cho học sinh chưa tốt nghiệp
  2. Xác định khung thời gian. Một vài mục tiêu sẽ có thể đạt được nhanh hơn so với những mục tiêu khác. Ví dụ như, "đi bộ trong công viên trong vòng 1 tiếng vào 3 ngày mỗi tuần" là điều bạn có thể bắt đầu thực hiện ngay lập tức. Với một vài mục tiêu. bạn sẽ phải thực hiện các giai đoạn trong khoảng thời gian dài hơn.[2]
    • Với ví dụ về mục tiêu đậu trường luật, mục tiêu này sẽ phải mất vài năm để đạt được. Nó yêu cầu phải thực hiện rất nhiều giai đoạn và mỗi gian đoạn có thể được thể hiện bằng một mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ trong mục tiêu đó.
    • Đảm bảo bạn có cân nhắc tới các thời hạn và điều kiện khác. Ví dụ như, mục tiêu "xác định các tổ chức cho học sinh chưa tốt nghiệp" phải được thực hiện trước khi bạn đi học đại học. Sẽ mất một khoảng thời gian nhất định và rất nhiều tổ chức có đặt thời hạn ứng tuyển. Vì vậy, bạn cần phải đảm bạn rằng bạn xác định được khung thời gian cho mục tiêu này một cách chính xác.
  3. Chia mục tiêu thành nhiều nhiệm vụ nhỏ hơn. Khi bạn đã xác định được mục tiêu cố gắng và khung thời gian, hãy chia mục tiêu thành các nhiệm vụ nhỏ và cụ thể hơn. Đây sẽ là những hành động bạn cần thực hiện để hướng tới việc hoàn thành mục tiêu. Đặt thời hạn cho mỗi nhiệm vụ để đảm bảo bạn đang đạt đúng tiến độ.[2]
    • Ví dụ như, đối với mục tiêu cụ thể đầu tiên trong mục tiêu mong muốn về trường luật, "Đạt thành tích xuất sắc tại trường phổ thông", bạn có thể chia nhỏ nó thành các mục tiêu cụ thể và rõ ràng hơn như "Tham gia các lớp học về chính trị và lịch sử" và "tham gia học nhóm với các bạn trong lớp".
    • Một vài trong số những nhiệm vụ này sẽ có thời hạn do người khác đặt ra, như "Tham gia vào các lớp học". Đối với những nhiệm vụ không có thời hạn, hãy đảm bảo rằng bạn tự đặt thời hạn để giữ cho bản thân có trách nhiệm.
  4. Chia nhiệm vụ thành những công việc cụ thể. Tới giờ, có lẽ bạn đã nhận ra rằng: nhiệm vụ bạn cần làm sẽ ngày càng nhỏ dần. Điều này là có lý do. Nghiên cứu chỉ ra mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt một cách dễ dàng hơn cho dù mục tiêu đó rất khó. Nguyên do là bởi bạn khó có thể bộc lộ hết khả năng của bản thân nếu bạn không chắc chắn về điều mà bạn đang hướng tới để hoàn thành.
    • Ví dụ, bạn có thể chia nhỏ nhiệm vụ “Tham gia lớp học về chính trị và lịch sử” thành các hoạt động nhỏ. Mỗi hoạt động nhỏ này sẽ có thời hạn riêng. Một vài ví dụ về hoạt động cho nhiệm vụ này bao gồm “Xem xét lịch học của các lớp đang mở”, “Lên kế hoạch gặp mặt cố vấn trường” và “Đưa ra quyết định tham gia trước [ngày]”.
  5. Lên danh sách những việc bạn đã đang tiến hành. Với nhiều mục tiêu, có thể bạn đã thực hiện một vài hoạt động bạn cần làm để đạt được chúng. Ví dụ, nếu mục tiêu cuối cùng của bạn là học trường luật, tìm hiểu về luật thông qua tin tức đa dạng là điều rất hữu ích mà bạn sẽ muốn duy trì.[2]
    • Viết ra danh sách này thật cụ thể. Thậm chí có thể bạn sẽ thấy mình đã hoàn thành một vài nhiệm vụ nhất định trong đó mà không hề nhận ra. Điều này giúp bạn nhận thấy rõ tiến độ.
  6. Xác định điều bạn cần học hỏi và phát triển. Trong một vài trường hợp, có lẽ bạn chưa có đầy đủ kỹ năng hoặc thói quen cần thiết để đạt được mục tiêu. Hãy nghĩ về đặc điểm, kỹ năng và thói quen mà bạn đã có – bài tập “Cái tôi tốt nhất có thể” sẽ giúp bạn – và gắn chúng với từng mục tiêu cụ thể.
    • Nếu bạn thấy có điều cần được phát triển, hãy xem đó như một mục tiêu mới và thực hiện theo quy trình tương tự.
    • Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành luật sư, bạn sẽ cần phải cảm thấy thoải mái khi phát biểu trước đám đông và tương tác với người khác. Nếu bạn là người nhút nhát, bạn sẽ cần phát triển kỹ năng giao tiếp của mình bằng nhiều cách khác nhau để thúc đẩy khả năng của bản thân và đạt được mục tiêu sau cùng.
  7. Lên kế hoạch cho ngày hôm nay. Một trong những lý do thông thường khiến mọi người không đạt được mục tiêu đề ra đó là suy nghĩ rằng bạn sẽ bắt đầu cố gắng vào ngày mai. Cho dù là một việc rất nhỏ, hãy nghĩ tới điều gì đó bạn có thể làm hôm nay để bắt đầu một phần kế hoạch của bản thân. Điều này giúp bạn có cảm giác tiến bộ bởi bạn đã hành động ngay lập tức. [2]
    • Hành động bạn làm hôm nay có thể là chuẩn bị để thực hiện các nhiệm vụ hoặc công việc khác. Ví dụ, có thể bạn sẽ cần thu thập một số thông tin trước khi lên lịch hẹn với cố vấn hướng dẫn. Hoặc nếu mục tiêu của bạn là đi bộ 3 lần một tuần, có lẽ bạn sẽ cần mua một đôi giày thoải mái và thuận tiện để đi bộ. Kể cả những thành tựu nhỏ nhất cũng có thể giúp bạn có thêm động lực để tiếp tục.
  8. Xác định khó khăn. Không có ai thật sự thích thú với việc suy nghĩ về những trở ngại trên con đường dẫn tới thành công, nhưng việc xác định khó khăn bạn có thể gặp phải là vô cùng thiết yếu khi bạn phát triển kế hoạch của bản thân. Việc này giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng khi mọi việc diễn ra không theo kế hoạch.[10] Xác định khó khăn có thể gặp phải và hành động bạn có thể làm để vượt qua chúng.
    • Khó khăn bạn gặp phải có thể là yếu tố bên ngoài như không có đủ tài chính hoặc thời gian để hoàn thành mục tiêu. Ví dụ, nếu bạn muốn mở cửa hàng bánh, trở ngại lớn nhất sẽ là tìm đủ tài chính để đăng ký kinh doanh, thuê địa điểm, mua sắm thiết bị, v.v.
    • Hành động bạn có thể làm để vượt qua khó khăn này bao gồm học cách viết kế hoạch kinh doanh để thu hút đầu tư, nói chuyện với bạn bè và gia đình về việc góp vốn hoặc bắt đầu với quy mô nhỏ hơn (như nướng bánh tại nhà bếp của bạn trước).
    • Khó khăn bạn gặp phải cũng có thể là yếu tố bên trong. Thiếu thông tin là một trong những trở ngại thường thấy. Bạn có thể gặp phải trở ngại này tại bất cứ giai đoạn nào của quá trình thực hiện mục tiêu. Ví dụ như với mục tiêu sở hữu một cửa hàng bánh, có thể bạn sẽ nhận thấy rằng thị trường yêu cầu một loại bánh nào đó mà bạn không biết cách làm.[11]
    • Hhành động bạn có thể thực hiện để vượt qua khó khăn này đó là tìm một người biết cách làm những loại bánh đó, tham giá lớp học hoặc tự học.
    • Lo sợ là một trong những khó khăn điển hình. Sợ không hoàn thành được mục tiêu có thể ngăn cản bạn thực hiện các hoạt động cần thiết để đạt được nó.[3]

Chống lại nỗi sợ hãi của bản thân[sửa]

  1. Tưởng tượng. Nghiên cứu chỉ ra rằng tưởng tượng có thể có ảnh hưởng đáng kể đến việc cải thiện hiệu quả công việc của bạn. Các vận động viên thường đề cập tới phương pháp này như là nguyên nhân đằng sau thành công của họ.[12] Có hai loại phương pháp tưởng tượng đó là tưởng tượng kết quả tưởng tượng quá trình và để có cơ hội thành công lớn nhất, bạn cần phải kết hợp cả hai. [13]
    • Tưởng tượng kết quả tức là bạn hình dung về bản thân khi đã đạt được mục tiêu đề ra. Như với bài tập “Cái tôi tốt nhất có thể”, hình ảnh tưởng tượng này cần phải càng cụ thể và chi tiết càng tốt. Sử dụng tất cả các giác quan của bạn để tạo nên hình ảnh này trong tâm trí: tưởng tượng những người ở đó cùng bạn, không khí xung quanh có mùi vị như thế nào, âm thanh mà bạn nghe được, trang phục mà bạn đang mặc, nơi mà bạn đang đứng. Có thể bảng hình dung sẽ có ích trong quy trình này.
    • Tưởng tượng quá trình tức là bạn hình dung về những bước bạn cần thực hiện để đạt được mục tiêu của bản thân. Suy nghĩ về từng hành động mà bạn đã thực hiện. Ví dụ như, nếu mục tiêu của bạn là trở thành luật sư, bạn có thể sử dụng phương thức tưởng tượng kết quả để tưởng tượng ra bản thân đã vượt qua kỳ kiểm tra trình độ. Sau đó sử dụng phương thức tưởng tượng kết quả để tưởng tượng ra tất cả những việc bạn đã làm để đạt được thành công này.
    • Quy trình này được các nhà tâm lý học gọi là “ký ức tương tai”. Nó có thể giúp bạn thấy rằng các mục tiêu của bạn là hoàn toàn có thể đạt được và khiến bạn cảm giác như bạn đã đạt được một vài thành tựu nho nhỏ.
  2. Suy nghĩ tích cực. Nghiên cứu chỉ ra rằng suy nghĩ tích cực sẽ giúp chúng ta học hỏi, thích ứng và thay đổi hiệu quả hơn so với việc tập trung vào các khuyết điểm hoặc sai lầm.[14] Cho dù mục đích của bạn có là gì đi chăng nữa; cho dù là cho vận động viên loại giỏi, sinh viên tốt nghiệp, nghệ sĩ hay doanh nhân, suy nghĩ tích cực sẽ mang lại hiệu quả như nhau.[15]
    • Nghiên cứu chứng minh rằng phản hồi tích cực và tiêu cực có thể ảnh hưởng tới các vùng não bộ khác nhau. Suy nghĩ tích cực sẽ kích thích vùng não bộ liên quan tới thị giác, tưởng tượng, suy nghĩ “toàn diện”, sự cảm thông và động lực.[16]
    • Ví dụ, nhắc nhở bản thân rằng mục tiêu của bạn là những trải nghiệm phát triển mang tính tích cực, không phải những điều bạn từ bỏ hoặc để lại phía sau.
    • Nếu bạn thấy mình gặp khó khăn với mục tiêu của bản thân, hãy tìm tới bạn bè hoặc gia đình để được động viên.
    • Chỉ suy nghĩ tích cực thôi là không đủ. Bạn cần phải thực hiện đầy đủ danh sách các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và trách nhiệm cũng như các hoạt động giúp bạn có thể đạt được mục tiêu cuối cùng. Chỉ dựa vào suy nghĩ tích cực sẽ không thể đưa bạn tới đích.[17]
  3. Nhận biết "hội chứng mong đợi thất bại". Đây là thuật ngữ mà các nhà tâm lý học sử dụng để mô tả về chu kỳ, có thể khá quen thuộc với bạn nếu bạn từng đặt mục tiêu Năm mới. Chu kỳ này gồm có ba giai đoạn: 1) đặt mục tiêu, 2) bất ngờ vì những mục tiêu đó khó để đạt được đến mức nào, 3) từ bỏ mục tiêu.
    • Chu kỳ này có thể xảy ra nếu bạn mong đợi phải có kết quả ngay lập tức (giống trường hợp của tiêu năm mới). Đặt mục tiêu và xác định khung thời gian sẽ giúp bạn chống lại những mong đợi không thực tế này.
    • Nó cũng có thể xảy ra khi cảm giác háo hức lập mục tiêu dần phai nhạt và chỉ còn lại những công việc thật sự mà bạn phải làm. Đặt mục tiêu và chia thành những nhiệm vụ nhỏ có thể giúp bạn giữ vững động lực. Mỗi lần bạn đạt được một thành tựu nào đó, cho dù là nhỏ nhất, hãy tự chúc mừng thành công của bản thân.
  4. Sử dụng thất bại như bài học kinh nghiệm. Nghiên cứu chỉ ra rằng người có thể rút ra bài học từ thất bại thường có cái nhìn tích cực hơn về khả năng đạt được mục tiêu đề ra. Hy vọng là yếu tố thiết yếu để đạt đến thành công và hãy hy vọng về tương lai, chứ không phải quá khứ.[18]
    • Nghiên cứu cũng đã chứng minh thất bại mà người thành công trải qua cũng không hề nhiều hơn hay ít hơn so với những người bỏ cuộc. Khác biệt là ở cách mọi người nhìn nhận thất bại đó như thế nào.[3]
  5. Thách thức khuynh hướng chủ nghĩa hoàn hảo. Chủ nghĩa hoàn hảo thường bắt nguồn từ nỗi sợ khuyết điểm; có thể chúng ta thèm muốn "sự hoàn hảo" để chúng ta không phải trải qua mất mát, sợ hãi hay "thất bại". Tuy nhiên, chủ nghĩa hoàn hảo cũng không thể giúp bạn tránh khỏi điều đó. Nó sẽ chỉ khiến bạn và người khác hướng tới những tiêu chuẩn không thể thực hiện.[19] Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa chủ nghĩa cầu toàn và cảm giác không vui.[20]
    • "Chủ nghĩa hoàn hảo" thường bị nhầm lẫn với "cố gắng thành công". Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người cầu toàn thường ít thành công hơn những người không cố gắng để đạt được tiêu chuẩn không thực tế này. [21] Chủ nghĩa hoàn hảo có thể khiến bạn lo lắng, sợ hãi và chần chừ. [22]
    • Thay vì cố gắng cho những mong ước hoàn hảo không thể thực hiện được, hãy biết ơn khó khăn bạn gặp phải trong quá trình bước tới thành công. Ví dụ, nhà phát minh Myshkin Ingawale muốn tạo ra công nghệ có thể xét nghiệm bệnh thiếu máu ở phụ nữ mang thai nhằm giảm tỷ lệ tử vong mẹ tại Ấn Độ. Ông thường kể câu chuyện về 32 lần đầu tiên ông cố gắng để thực hiện công nghệ đó nhưng đã thất bại. Nhưng bởi ông không cho phép chủ nghĩa hoàn hảo chi phối bản thân, ông vẫn tiếp tục thử nghiệm những phương pháp mới và ông đã thành công ở lần thứ 33.[19]
    • Phát triển tình yêu thương đối với bản thân có thể giúp chống lại chủ nghĩa hoàn hảo. Nhắc nhở bản thân rằng bạn chỉ là con người và tất cả mọi người đều sẽ phải trải qua gian nan và trở ngại. Hãy đối xử thật tốt với bản thân khi bạn đối mặt với những khó khăn này. [23]
  6. Luyện tập lòng biết ơn. Nghiên cứu cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa việc luyện tập lòng biết ơn và đạt được mục tiêu của bản thân.[24] Viết nhật ký biết ơn là một trong những cách dễ dàng và hiệu quả nhất để thể hiện lòng biết ơn trong cuộc sống hàng ngày.[25][26]
    • Nhật ký biết ơn của bạn không nhất thiết phải giống như một cuốn tiểu thuyết. Thậm chí viết một hoặc hai cầu về một trải nghiệm hay một người mà bạn vô cùng biết ơn cũng có thể mang lại hiệu quả như mong đợi.
    • Tin rằng điều đó sẽ hiệu quả. Cho dù nghe có hơi sến một chút nhưng viết nhật ký biết ơn sẽ hiệu quả hơn nếu bạn tự nhủ với bản thân rằng nó sẽ giúp bạn trở nên hạnh phúc và thoải mái hơn. [25] Không nhắc đến sự hoài nghi.
    • Lưu giữ những khoảnh khắc đặc biệt, dù là nhỏ. Đừng vội vàng. Thay vào đó, hãy dành thời gian và thật sự suy nghĩ về trải nghiệm hay khoảnh khắc có ý nghĩa với bạn và tại sao bạn lại biết ơn chúng.
    • Viết một hoặc hai lần mỗi tuần. Nghiên cứu cho thấy viết nhật ký hàng ngày thật sự kém hiệu quả hơn so với việc viết vài lần mỗi tuần. Điều này có thể là bởi vì chúng ta thường nhanh chóng trở nên nhạy cảm với sự lạc quan.[25]

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn có thể kéo dài hoặc rút ngắn thời hạn hoàn thành mục tiêu nếu bạn cảm thấy có thể bạn sẽ không đạt được. Tuy nhiên, nếu bạn mất quá nhiều thời gian hoặc không có đủ thời gian để hoàn thành một mục tiêu, hãy cân nhắc tái đánh giá mục tiêu mà bạn đã đề ra; có thể nó quá khó để đạt được hoặc quá dễ dàng.
  • Viết ra mục tiêu cá nhân có thể là một trải nghiệm hữu ích và đạt được mục tiêu cũng vậy. Khi bạn hoàn thành một mục tiêu, hãy tự thưởng cho bản thân! Không ai có thể cho bạn nhiều động lực để thực hiện mục tiêu tiếp theo trong danh sách ngoài bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Viết ra mục tiêu cá nhân và không bao giờ thực hiện chúng là điều vô cùng dễ dàng (như mục tiêu năm mới). Bạn phải luôn động viên bản thân và tập trung vào kết quả cuối cùng để có thể thật sự đạt được chúng.
  • Tránh đặt quá nhiều mục tiêu bởi nó có thể khiến bạn cảm thấy quá tải và sau cùng là không thực hiện bất cứ điều gì trong số đó.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Rouillard, L. (2009). Mục tiêu và Đặt mục tiêu: Đạt được những Kết quả có thể đếm được. Rochester, NY: Axzo Press.
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 2,6 2,7 2,8 2,9 https://www.psychologytoday.com/blog/notes-self/201308/how-set-goals
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 http://news.stanford.edu/news/2015/january/resolutions-succeed-mcgonigal-010615.html
  4. http://www.bbc.co.uk/worldservice/learningenglish/movingwords/shortlist/laotzu.shtml
  5. 5,0 5,1 Wilson, S. B., & Dobson, M. S. (2008). Đặt mục tiêu: Cách để Lập Kế hoạch Hành động và Đạt được Mục tiêu. New York: AMACOM
  6. https://www.psychologytoday.com/blog/what-matters-most/201303/what-is-your-best-possible-self
  7. http://mina.education.ucsb.edu/janeconoley/ed197/documents/sheldonincreaseandsustainpositiveemotion.pdf
  8. http://www.forbes.com/sites/samanthasmith/2013/12/30/a-guide-to-evaluate-your-priorities-set-goals/
  9. http://www.mindtools.com/page6.html
  10. 10,0 10,1 Rouillard, L. (2009). Mục tiêu và Đặt mục tiêu: Đạt được những Kết quả có thể đếm được. Rochester, NY: Axzo Press.
  11. http://www.selfgrowth.com/articles/the-9-obstacles-that-keep-you-from-achieving-your-goals
  12. http://www.psychologytoday.com/blog/flourish/200912/seeing-is-believing-the-power-visualization
  13. http://www.ijiet.org/papers/389-N10002.pdf
  14. http://greatergood.berkeley.edu/article/item/the_neuroscience_of_good_coaching
  15. http://amle.aom.org/content/1/2/150.abstract?ijkey=2403cc8401fccae918fe72e7b88afa70c582aefe&keytype2=tf_ipsecsha
  16. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23802125
  17. http://nymag.com/scienceofus/2014/10/your-positive-thinking-could-be-holding-you-back.html
  18. http://greatergood.berkeley.edu/article/item/how_to_help_students_develop_hope
  19. 19,0 19,1 http://www.forbes.com/sites/danschawbel/2013/04/21/brene-brown-how-vulnerability-can-make-our-lives-better/
  20. https://www.psychologytoday.com/blog/communication-success/201407/the-problem-perfectionism-how-truly-succeed
  21. http://www.yorku.ca/khoffman/Psyc3010/Flett'92_PerfProcr.pdf
  22. http://nymag.com/scienceofus/2014/09/alarming-new-research-on-perfectionism.html
  23. http://psychcentral.com/blog/archives/2012/06/27/5-strategies-for-self-compassion/
  24. http://greatergood.berkeley.edu/article/item/five_myths_about_gratitude
  25. 25,0 25,1 25,2 http://greatergood.berkeley.edu/article/item/tips_for_keeping_a_gratitude_journal/
  26. http://greatergood.berkeley.edu/article/item/stumbling_toward_gratitude/

Liên kết đến đây