Viết một mục tiêu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

“Mình đang làm gì với cuộc sống của mình vậy? Mình muốn làm gì? Mình đang hướng tới đâu?” Đây là những câu tự vấn phổ biến của mọi người. Thông thường, những suy nghĩ mông lung như vậy sẽ mở đầu cho quy trình đặt và viết mục tiêu. Trong khi một số người chỉ dừng lại ở mức mập mờ và đưa ra những phản hồi chung chung cho những câu hỏi đó, một số khác sẽ sử dụng những câu hỏi tương tự như vậy để đặt ra các mục tiêu cụ thể và có thể thực hiện được. Việc dành thời gian để viết ra những mục tiêu đó một cách rõ ràng sẽ giúp tăng khả năng thành công của bạn.[1] Và việc hoàn thành được mục tiêu có tương quan chặt chẽ đối với hạnh phúc và sức khỏe của bạn.[2]

Các bước[sửa]

Xác định mục tiêu của bản thân[sửa]

  1. Xác định điều mà bạn muốn. Nếu bạn đã có một khái niệm nhất định về điều mà bạn thích hoặc muốn hoàn thành, việc bắt đầu cố gắng thực hiện được nó sẽ khá đơn giản. Nhưng nếu bạn không có mục tiêu cụ thể, một lúc nào đó có thể bạn sẽ nhận ra rằng mình đang cố gắng hoặc hướng tới một mục tiêu mơ hồ hoặc một mục tiêu đã thay đổi. Xác định mục tiêu sẽ giúp bạn không lãng phí thời gian hay năng lượng. Nó thật sự có thể giúp bạn có thêm động thực để hoàn thành mục tiêu.
    • Ví dụ như: một nhân viên sẽ không muốn bắt đầu một nhiệm vụ mơ hồ không có kết cấu hoặc hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, các nhân viên sẽ cảm thấy có thêm động lực để làm việc nếu họ được giao cho những mục tiêu và kết quả rõ ràng.[3]
    • Ví dụ về một mục tiêu chung chung hoặc mơ hồ như: “Tôi muốn trở nên hạnh phúc”, “Tôi muốn trở nên thành đạt” và “Tôi muốn trở thành một người tốt”.
  2. Hãy thật cụ thể khi xác định các điều kiện. Đây là việc vô cùng cần thiết để hiểu được bạn đang cố gắng để đạt được điều gì. Hãy xác định các điều kiện chung chung hoặc mơ hồ.[4] Ví dụ như: nếu bạn tuyên bố rằng bạn muốn trở thành một người thành công, bạn cần xác định xem thành công có ý nghĩa gì đối với bạn. Với một số người, đó có thể là kiếm được nhiều tiền trong khi với một số người khác, thành công đồng nghĩa với việc nuôi dạy con cái khỏe mạnh và tự tin.
    • Xác định điều kiện và mục tiêu sẽ giúp bạn bắt đầu nhìn nhận bản thân theo tính cách và nhân phẩm mà bạn đang định ra.[4] Ví dụ như nếu bạn định nghĩa thành công là sự nghiệp ổn định, có lẽ bạn sẽ đặt ra các mục tiêu để tham gia đào tạo và khởi nghiệp.
  3. Hãy suy nghĩ xem liệu bạn có thật sự muốn những điều này. Việc nghĩ rằng bạn muốn một điều gì đó mà không thật sự tự hỏi bản thân tại sao là một việc hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, có đôi lúc bạn sẽ phải quyết định rằng những mục tiêu đó không thật sự phù hợp với ước mơ và mong muốn của bạn trong cuộc sống. Một ví dụ điển hình cho việc này bắt nguồn từ quan niệm và tư tưởng của xã hội. Rất nhiều trẻ em nói rằng khi lớn lên chúng muốn trở thành bác sỹ hoặc lính cứu hỏa, nhưng không thật sự hiểu được ý nghĩa của nó hoặc sau này nhận ra rằng những mục tiêu đó đã thay đổi.[5][6]
    • Tự hỏi bản thân liệu mục tiêu của bạn có phải là do bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh bạn hay không, ví dụ như mong đợi của cha mẹ hoặc những người quan trọng khác hay bởi áp lực xã hội từ bạn bè và các phương tiện truyền thông đại chúng.
    • Mục tiêu của bạn cần phải là một điều gì đó mà bạn mong muốn thực hiện cho bản thân bạn, chứ không phải bất cứ ai khác
  4. Cân nhắc đến động lực của bản thân. Bạn đang cố gắng đạt được thành tựu hay làm điều gì đó để chứng minh rằng ai đó đã sai? Mặc dù mỗi người đều có lý do "chính đáng" khác nhau nhưng bạn cần phải tự hỏi chính mình xem liệu mục tiêu của bạn có phù hợp với bạn hay không. Nếu không, có thể bạn sẽ cảm thấy không toại nguyện hoặc kiệt sức. [7]
    • Ví dụ như: nếu bạn muốn trở thành bác sỹ, là bởi vì bạn muốn giúp đỡ mọi người hay bởi vì đó là nghề kiếm được rất nhiều tiền? Nếu động lực của bạn không thích đáng, có thể sẽ rất khó khăn để bạn hoàn thành được mục tiêu của bản thân hoặc cảm thấy thỏa mãn.
  5. Đặt ra những mục tiêu thực tế. Bạn có thể dễ dàng trở nên phấn khích quá mức khi nghĩ về các mục tiêu của bản thân. Tuy nhiên, có một số điều có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Tùy thuộc vào mục tiêu mà bạn đưa ra, điều này có thể trở thành một vấn đề. Mục tiêu của bạn cần phải thực tế và có thể đạt được.[8][9]
    • Ví dụ như: một người muốn trở thành vấn động viên bóng rổ giỏi nhất thế giới nhưng những vấn đề như tuổi tác và chiều cao có thể sẽ trở thành trở ngại lớn mà bạn không thể kiểm soát. Đặt ra những mục tiêu không thể hoàn hành có thể sẽ khiến bạn cảm thấy thất vọng và mất đi động lực để tiếp tục cố gắng.

Viết mục tiêu[sửa]

  1. Tưởng tượng ra tương lai của bản thân. Dành 15 phút để ghi lại tầm nhìn, mục tiêu và ước mơ của bản thân. Đừng lo lắng về việc phải viết những mục tiêu đó một cách rõ ràng hay theo thứ tự nhất định. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng những mục tiêu và ước mơ này phù hợp với giá trị và nguyên tắc của bạn. Nếu bạn cảm thấy bí, hãy thử bài tập viết tự do. Bạn có thể mô tả: [10][11]
    • Tương lai mà bạn mong muốn
    • Những phẩm chất mà bạn ngưỡng mộ ở người khác
    • Những điều bạn có thể làm tốt hơn
    • Những điều bạn muốn học hỏi thêm
    • Thói quen mà bạn muốn cải thiện
  2. Chia mục tiêu thành từng bước cụ thể. Một khi bạn đã tìm ra được ước mơ và lý tưởng của bản thân, hãy chọn một vài mục tiêu cụ thể để đạt được chúng. Cố gắng mô tả thật rõ ràng và chi tiết về những mục tiêu này. Mếu mục tiêu của bạn rất to lớn và dài hạn, hãy chia nhỏ nó thành những mục tiêu hoặc những bước nhỏ hơn. Bạn có thể xem những bước thực hiện hoặc mục tiêu này như một chiến lược để đạt được ước mơ và lý tưởng của bản thân.[12][13]
    • Ví dụ như: “Tôi muốn trở thành một vận động viên chạy tài năng trước sinh nhật thứ 50 của mình”, là một mục tiêu lớn và có thể là lâu dài (tùy thuộc vào độ tuổi hiện tại của bạn). Một mục tiêu tốt hơn đó là “Tôi muốn tham gia huấn luyện chạy bộ cự ly 21km (half-marathon). Tôi dự định sẽ tập như vậy trong 1 năm và chạy 43km (full-marathon) trong vòng 5 năm tới".
  3. Sắp xếp mục tiêu của bạn theo mức độ ảnh hưởng. Bạn cần nhìn lại mục tiêu của bạn và quyết định xem mục tiêu nào là quan trọng nhất và bạn mong muốn hoàn thành nhất. Hãy nghĩ về mỗi mục tiêu này dựa trên mức độ khả thi và thời gian để hoàn thành cũng như ảnh hưởng của quá trình cố gắng và đạt được mục tiêu đó đến cuộc sống của bạn. Bạn cũng nên tự hỏi bản thân xem tại sao bạn lại coi trọng một mục tiêu nhất định nào đó hơn những mục tiêu khác. Hãy đảm bảo rằng những mục tiêu trong danh sách của bạn không mâu thuẫn với nhau.[14][15]
    • Sắp xếp mục tiêu của bản thân dựa trên mức độ ảnh hưởng sẽ giúp bạn có thêm động lực cố gắng để đạt được. Nó cũng giúp bạn hình dung được việc hoàn thành mục tiêu đó và những lợi ích mà nó có thể mang lại.
  4. Đặt tiêu chuẩn và thời hạn. Bạn có thể theo dõi tiến độ của bản thân bằng cách đặt ra những tiêu chuẩn và thời hạn cho các mục tiêu và bước thực hiện của bạn. Đạt được những điều này sẽ cho bạn cảm giác hài lòng, giúp bạn có thêm động lực và đưa ra phản hồi về việc gì đang diễn ra thuận lợi và việc gì không.
    • Ví dụ như: nếu mục tiêu của bạn là tham gia chạy half-marathon trong vòng 1 năm, hãy đặt ra thời hạn cho việc tham gia tập huấn là trong vòng 6 tháng tới. Một khi bạn đạt được mục tiêu đó, hãy nhắc nhở bản thân rèn luyện chạy half-marathon trong vòng 6 tháng tiếp theo. Nếu bạn nhận ra rằng bạn cần nhiều thời gian hơn, bạn có thể điều chỉnh lại tiêu chuẩn của bản thân.
    • Bạn có thể thử sử dụng lịch như thẻ nhắc nhở để giữ cho bản thân nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu và khung thời gian mà bạn đặt ra. Ngoài ra thì việc gạch đi một mục tiêu đã được hoàn thành sẽ giúp bạn có được cảm giác thỏa mãn.
  5. Thử mô hình đặt mục tiêu S.M.A.R.T.. Hãy nhìn lại các mục tiêu của bạn về viết xuống xem mục tiêu đó cụ thể (S-Specific), đo đếm được (M-measurable), có thể đạt được (A-attainable), thiết thực (R-relevant hoặc realistic) và có khung thời gian (T-time-bound) như thế nào.[16] Ví dụ như: bạn có thể có một mục tiêu không rõ ràng như “Tôi muốn trở nên khỏe mạnh hơn” và bạn có thể giúp nó trở nên cụ thể hơn bằng việc sử dụng S.M.A.R.T:[17]
    • Cụ thể: " Tôi muốn nâng cao sức khỏe bằng cách giảm cân".
    • Đo đếm được: "Tôi muốn nâng cao sức khỏe bằng cách giảm 9kg".
    • Có thể đạt được: Có lẽ bạn sẽ không thể giảm được 45kg nhưng giảm 9kg là một mục tiêu có thể thực hiện được.
    • Có liên quan/thiết thực: Bạn có thể nhắc nhở bản thân rằng việc giảm 9kg sẽ giúp bạn có thêm năng lượng và cảm thấy hạnh phúc hơn. Hãy nhớ rằng bạn không làm điều này vì bất cứ ai khác ngoại trừ bản thân bạn.
    • Đặt thời hạn: “Tôi muốn nâng cao sức khỏe bằng cách giảm 9kg trong năm tới, trung bình mỗi tháng tôi sẽ giảm 0.75kg”.

Lời khuyên[sửa]

  • Người ta đã chứng minh được rằng việc viết mục tiêu có thể làm tăng khả năng đạt được mục tiêu đó. Một nghiên cứu do nhà tâm lý học lâm sàng tiến sỹ Gail Matthews tiến hành với sự tham gia của 149 người đã chỉ ra rằng những người viết ra mục tiêu của bản thân hoàn thành chúng tốt hơn so với những người không viết.[1]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.dominican.edu/academics/ahss/undergraduate-programs-1/psych/faculty/fulltime/gail-matthews
  2. McGregor, I., & Little, B. R., 1998
  3. Locke, E. A. (1968). Lý luận về việc Khích lệ và Tạo động lực Làm việc. Báo Hành vi Tổ chức và Hiệu suất làm việc của Con người, 3, 157-189.
  4. 4,0 4,1 Fischhoff, B., Slovic, P., & Lichtenstein, S. (1988). Hiểu được mong muốn của bản thân: Đo đếm các giá trị không ổn định. Đưa ra quyết định: Các tương tác Mô tả, Quy phạm và Quy tắc, Cambridge University Press, Cambridge, 398-421. (Chương 18)
  5. Brunstein, J. C. (1993). Mục tiêu cá nhân và hạnh phúc chủ quan: Một nghiên cứu theo thời gian. Báo Tính cách và Tâm lý Xã hội, 65, 1061–1070.
  6. Perrone, K. M., Civiletto, C. L., Webb, L. K., & Fitch, J. C. (2004). Rào cản và hỗ trợ đối với việc đạt được sự nghiệp và mục tiêu gia đình giữa những cá nhân tài năng về học thuật. Báo quốc tế về Quản lý Căng thẳng, 11, 114–131.
  7. Schunk, D. H. (1990). Đặt mục tiêu và sự tự tin trong quá trình tự học. Educational Psychologist, 25, 71– 86.
  8. https://www.psychologytoday.com/blog/coaching-and-parenting-young-athletes/201311/keys-effective-goal-setting
  9. http://www.appliedsportpsych.org/resource-center/resources-for-athletes/principles-of-effective-goal-setting/
  10. Marisano, Hirsh, Perterson, Pihl, và Shore (2010) from Peterson and Mar, 2004.
  11. http://selfauthoring.com/JAPcomplete.pdf
  12. Austin, J. T., & Vancouver, J. B. (1996). Xây dựng mục tiêu dưới góc nhìn tâm lý: Kết cấu, quy trình và nội dung. Psychological Bulletin, 120, 338 –375.
  13. Locke, E. A., & Latham, G. P. (2006). Hướng đi mới trong lý luận về đặt mục tiêu. Hướng đi hiện tại trong Khoa học Tâm lý, 15, 265–268.
  14. Bandura, A. (1977). Tự tin: Hướng tới việc đồng nhất lý luận về thay đổi hành vi. Tạp chí tâm lý, 84, 191–215.
  15. Schunk, D. H. (1991). Tự tin và động lực. Educational Psychologist, 26, 207–231.
  16. http://www.hr.virginia.edu/uploads/documents/media/Writing_SMART_Goals.pdf
  17. Lawlor, B. & Hornyak, M. (2012). Mục tiêu SMART: Tác động của việc Áp dụng Mục tiêu SMART đối với Kết quả Học tập của Học Sinh. Báo Phát triển Mô phỏng Kinh doanh và Kinh nghiệm Học tập, 39, 259-267.https://journals.tdl.org/absel/index.php/absel/article/viewFile/90/86

Liên kết đến đây