Đặt mục tiêu và hoàn thành chúng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không còn điều gì tuyệt vời hơn việc đặt ra mục tiêu và hoàn thành được chúng. Cũng giống như khi một vận động viên trải nghiệm cảm giác “runner’s high” (“phê” chạy) sau một cuộc đua, việc hoàn thành mục tiêu cũng sẽ mang đến cho bạn cảm giác phấn khởi và tự hào. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số phương pháp để đặt mục tiêu và theo đuổi mục tiêu. Mục tiêu sẽ không thể tự hoàn thành. Bạn cần phải có kế hoạch rõ ràng. Bắt đầu. Cố gắng. Hoàn thành nguyện vọng.

Các bước[sửa]

Xây dựng Mục tiêu[sửa]

  1. Quyết định điều bạn thật sự muốn đạt được. Đừng lo lắng về những điều người khác mong muốn. Hãy tự đặt mục tiêu cho chính bạn. [1] Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi mục tiêu của bạn có ý nghĩa riêng với bản thân bạn thì bạn sẽ có nhiều khả năng đạt được chúng hơn. [2]
    • Thường thì đây chính là phần khó nhất trong quy trình đặt và hoàn thành mục tiêu. Bạn muốn gì? Câu trả lời thường là sự kết hợp giữa động lực bên trong và động lực bên ngoài. Những câu nói như “hãy thành thật với chính mình” thường sẽ bị mâu thuẫn với bổn phận gia đình và công việc. Hãy tìm ra mục tiêu có thể cân bằng cuộc sống của bạn – mục tiêu giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và mang lại lợi ích cho những người bạn yêu thương cũng như những người phụ thuộc vào bạn.
    • Cân nhắc tới việc tự hỏi bản thân một số câu hỏi như: “Tôi muốn mang lại gì cho gia đình tôi/cộng đồng/thế giới?” hoặc “Tôi muốn trở thành một người như thế nào?” Những câu hỏi này có thể giúp bạn xác định được hướng đi.[3]
    • Ở giai đoạn này, nếu ý tưởng của bạn khá chung chung cũng không sao. Bạn sẽ thu hẹp chúng lại sau.
  2. Lập danh sách ưu tiên. Khi bạn đã có ý tưởng về điều bạn thật sự muốn đạt được, bạn sẽ cần lập danh sách ưu tiên cho những lĩnh vực này. Cố gắng cải thiện tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống cùng một lúc có thể khiến bạn cảm thấy quá tải và không thể hoàn thành bất cứ mục tiêu nào.[4]
    • Chia mục tiêu của bạn làm ba phần: mục tiêu đầu tiên, mục tiêu thứ hai và mục tiêu thứ ba. Mục tiêu đầu tiên là mục tiêu quan trọng nhất, những mục tiêu đến với bạn một cách tự nhiên nhất. Mục tiêu thứ hai và thứ ba là những mục tiêu không quan trọng bằng mục tiêu đầu và chúng thường có xu hướng cụ thể và hạn chế hơn.
    • Ví dụ như, mục tiêu đầu tiên có thể là “nâng cao sức khỏe” hoặc “dành nhiều thời gian ở bên gia đình hơn”. Mục tiêu thứ hai là “giữ cho phòng ngủ của mình luôn gọn gàng, học cách lướt sóng” và mục tiêu thứ ba là “học cách đan len, giặt đồ thường xuyên hơn”.
  3. Đặt mục tiêu cụ thể. Hãy thật rõ ràng và thực tế về những điều bạn muốn đạt được. Nghiên cứu đã chứng minh rằng đặt mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn có nhiều khả năng đạt được chúng hơn và thậm chí còn có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Hãy cụ thể và rõ ràng nhất có thể và nhớ rằng bạn sẽ cần phải chia mục tiêu của mình thành những mục tiêu nhỏ hơn.[2]
    • Tự hỏi bản thân một vài câu hỏi về mục tiêu của bạn. Bạn cần làm gì để đạt được chúng? Bạn cần ai hỗ trợ bạn? Từng giai đoạn mục tiêu của bạn cần được hoàn thành khi nào?
    • Ví dụ, “trở nên khỏe mạnh hơn” là một mục tiêu quá chung chung và mơ hồ. “Có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn” đã cụ thể hơn nhưng vẫn chưa chi tiết và rõ ràng.
    • “Ăn 3 phần hoa quả và rau xanh mỗi ngày và tập thể dục 3 lần một tuần” là một mục tiêu cụ thể và rõ ràng, điều đó giúp cho việc hoàn thành nó trở nên dễ dàng hơn.
    • Bạn cũng cần phải xây dựng kế hoạch làm thế nào bạn sẽ đạt được những mục tiêu này. Ví dụ như, để đạt được mục tiêu ăn hoa quả và rau xanh, bạn có mang những thức ăn này theo khi đi làm không? Bạn có chọn một bát hoa quả thay vì khoai tây chiên trong lần tới bạn đi ăn bên ngoài? Với việc tập thể dục, bạn sẽ tập thể hình tại phòng gym hay đi bộ trong khu phố. Hãy nghĩ về những hành động cụ thể mà bạn cần làm để “góp phần” thực hiện mục tiêu tổng thể của bạn.
    • Nếu mục tiêu của bạn được chia thành nhiều giai đoạn, vậy khi nào mỗi giai đoạn đó cần phải được hoàn thành? Ví dụ như, nếu bạn đang tập chạy ma-ra-tông, bạn cần phải biết được mỗi giai đoạn luyện tập đó sẽ tốn bao nhiêu thời gian?
  4. Thực tế. Đặt mục tiêu cụ thể và rõ ràng như “Mua một căn hộ ba phòng ngủ tại trung tâm thành phố” sẽ không giúp gì được cho bạn nếu ngân sách của bạn chỉ đủ để mua “một căn hộ nhỏ ở vùng ngoại ô”. Hãy giữ cho mục tiêu của bạn gần với thực tế. Điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không nên có những mục tiêu tham vọng nhưng bạn phải biết được chính xác những điều bạn cần làm để đạt được nó.
    • Ví dụ như, nếu mục tiêu sau cùng của bạn là mua một ngôi nhà thật lớn thì bạn sẽ cần đặt ra rất nhiều các mục tiêu nhỏ hơn để hoàn thành nó. Bạn sẽ cần tiết kiệm tiền, mở tín dụng, thậm chí là cải thiện thu nhập. Viết tất cả những mục tiêu phụ đó ra cùng với các bước bạn cần thực hiện.
  5. Viết mục tiêu. Hãy thật chi tiết, rõ ràng và kèm theo thời hạn. Viết mục tiêu ra sẽ giúp bạn cảm thấy chúng thật hơn. Giữ danh sách của bạn tại nơi bạn có thể nhìn thấy thường xuyên. Điều này sẽ giúp bạn giữ vững động lực.[5]
    • Sử dụng ngôn từ tích cực. Bạn sẽ có nhiều khả năng đạt được mục tiêu hơn nếu chúng được viết bằng ngôn từ tích cực, như “Ăn nhiều hoa quả và rau xanh hơn” thay vì “Ngừng ăn đồ ăn vặt”.[2]
  6. Đảm bảo rằng mục tiêu của bạn có thể đo lường được. Làm thế nào bạn biết được khi nào thì bạn hoàn thành một mục tiêu? Nếu mục tiêu của bạn là chuyển sang một ngôi nhà mới, bạn sẽ biết được điều đó dựa vào thời điểm bạn ký hợp đồng thuê nhà hoặc giấy tờ sở hữu. Có nhiều mục tiêu khác không thể đo lường dễ dàng. Nếu mục tiêu của bạn là hát hay hơn, vậy thì làm thế nào bạn có thể biết được bạn đã đạt được nó? Thay vào đó, hãy đặt ra những mục tiêu có thể đo lường được.[6]
    • Ví dụ như, bạn có thể nhớ và trình bày “hoàn hảo” một bài hát. Học chơi một loại nhạc cụ trong khi hát. Lên được một nốt cao. Những mục tiêu có thể đo lường được giúp bạn có cảm giác thỏa mãn sau khi hoàn thành.[5]
    • Suy nghĩ các cách để đạt được mục tiêu. Có nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu không? Hãy viết tất cả những cách mà bạn có thể nghĩ ra trong vòng ba phút, cho dù nó ngớ ngẫn và khó thực hiện đến thế nào. Nếu mục tiêu của bạn là có thân hình cân đối, có thể bạn sẽ thử tập thể hình, ăn uống lành mạnh, điều chỉnh thời gian biểu hàng ngày để kết hợp đi bộ nhiều hơn, đi làm bằng xe đạp, tự nấu ăn thay vì ăn thức ăn nhanh hay thậm chí là đi cầu thang bộ thay vì thang máy. Con đường dẫn tới đích đến không chỉ có một. Bạn có thể chọn những hướng đi nào?
  7. Giữ cho mục tiêu của bạn sát với những điều bạn có thể làm được. Hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể kiểm soát hành động của bạn chứ không phải của người khác. “Trở thành một ngôi sao nhạc rock” không thật sự là một mục tiêu khả thi bởi nó phụ thuộc vào hành động và phản ứng của người khác, những điều mà bạn không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, “thành lập ban nhạc và tập luyện cho tới khi trở thành những nhạc sĩ tuyệt vời” là một mục tiêu bạn có thể đạt được dựa trên nỗ lực của bản thân. [7]
    • Tập trung vào hành động của bạn cũng sẽ giúp bạn đối mặt với những tình huống khó khăn bởi bạn sẽ hiểu được rằng bạn không thể kiểm soát được những trở ngại mà bạn có thể gặp.
    • Nhớ rằng mục tiêu cũng có thể là quá trình. Ví dụ như, mục tiêu “trở thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng” phụ thuộc rất nhiều vào hành động của người khác, điều mà bạn không thể kiểm soát được. Nếu bạn không trở thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, bạn thường sẽ có xu hướng xem mục tiêu đó là thất bại cho dù bạn đã cố gắng hết sức. “Tranh cử vào cơ quan công quyền” là mục tiêu bạn có thể xem như đã được hoàn thành, cho dù bạn không trúng cử, bởi bạn đã thực hiện toàn bộ quá trình bằng tất cả khả năng của bản thân.
  8. Lập một kế hoạch thực tế. Thời hạn thực hiện của bạn không nhất thiết phải chính xác nhưng nên thật hợp lý. Nó cần phải thực tế, dựa trên mục tiêu của bạn. Nếu bạn là một nhân viên là việc bán thời gian với mức lương tối thiểu, đừng đặt ra mục tiêu phải kiếm được một tỷ đồng trước cuối năm.[8]
    • Đặt thời hạn cuối cùng. Tất cả chúng ta đều thường trì hoãn hành động. Đó gần như là một bản tính của con người, nhưng khi thời hạn cuối cùng đến gần, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn để hoàn thành mục tiêu của bản thân. Hãy nghĩ về lúc khi bạn còn đi học. Khi sắp kiểm tra, bạn biết bạn cần phải học và bạn đã thật sự cố gắng. Đặt mục tiêu cũng tương tự như vậy.[8]
    • Nhớ rằng có những mục tiêu cần nhiều thời gian để hoàn thành hơn so với các mục tiêu khác. “Ăn nhiều hoa quả và rau xanh hơn” có thể đạt được rất nhanh. Nhưng “Có một thân hình cân đối” sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn. Vì vậy, hãy đặt khung thời gian sao cho phù hợp.[2]
    • Cân nhắc tới các thời hạn và khung thời gian bên ngoài. Ví dụ như, nếu mục tiêu của bạn là “Tìm một công việc mới”, hãy đảm bảo rằng bạn có bao gồm các thời hạn ứng tuyển mà nhà tuyển dụng đưa ra.
    • Thành lập hệ thống khen thưởng. Con người thường hưởng ứng khá nhiệt tình với các hệ thống khen thưởng. Bất cứ khi nào hoàn thành được một phần mục tiêu, cho dù là nhỏ, hãy tự khen thưởng cho bản thân. Ví dụ như, nếu mục tiêu của bạn là luyện tập khả năng âm nhạc một cách thường xuyên hơn, bạn có thể thưởng cho bản thân 30 phút nghỉ ngơi để đọc truyện tranh hoặc xem chương trình ti vi yêu thích sau khi kết thục việc luyện tập hàng ngày.
    • Đừng trừng phạt bản thân nếu bạn không đạt được mục tiêu. Trừng phạt hoặc tự trách bản thân về việc không hoàn thành được một điều gì đó thật sự có thể cản trở bạn đạt được thành công.
  9. Xác định các trở ngại có thể gặp phải. Không ai thật sự muốn nghĩ tới những sai lầm có thể xảy ra khi đang lên kế hoạch để đạt được thành công. Tuy nhiên, xác định các trở ngại có thể gặp phải và cách bạn sẽ giải quyết chúng là điều vô cùng cần thiết để đạt được mục tiêu. Nếu không làm vậy, bạn sẽ không có chiến lược giải quyết khi bạn gặp khó khăn.[9]
    • Trở ngại có thể là yếu tố bên ngoài. Ví dụ như, nếu mục tiêu của bạn là mở một cửa hàng sửa xe, có thể ban đầu bạn sẽ không có đủ tiền để mua cửa hàng. Nếu mục tiêu của bạn là mở cửa hàng bánh, có thể bạn sẽ không có nhiều thời gian để ở bên gia đình như bạn muốn.
    • Xác định các hành động bạn sẽ thực hiện để vượt qua những khó khăn này. Ví dụ như, bạn có thể xin vay vốn, viết kế hoạch kinh doanh để thu hút đầu tư hoặc hợp tác kinh doanh với một người bạn.
    • Trở ngại cũng có thể là yếu tố bên trong. Ví dụ như, thiếu thông tin sẽ trở thành một khó khăn lớn, đặc biệt là đối với những mục tiêu phức tạp. Cảm giác sợ hãi, không chắc chắn cũng có thể là một trở ngại mà bạn gặp phải.
    • Các hành động bạn có thể thực hiện để giải quyết vấn đề thiều thông tin bao gồm đọc nhiều tài liệu có liên quan, xin lời khuyên từ một cố vấn giàu kinh nghiệm, luyện tập hoặc tham gia các lớp học.
    • Chấp nhận thiếu sót của bản thân. Ví dụ nếu khó khăn của bạn là bạn không có đủ thời gian để tập trung vào việc kinh doanh cũng như ở bên gia đình như bạn mong muốn, có thể bạn sẽ không có cách nào để giải quyết điều đó. Tuy nhiên, bạn có thể nói chuyện với gia đình bạn để cho họ biết được tình trạng đó chỉ là tạm thời.
  10. Nói với mọi người về mục tiêu của bạn. Một vài người thường cảm thấy ngại ngùng khi để người khác biết về mục tiêu cuộc sống của họ. Họ lo sợ rằng nếu họ thất bại, họ sẽ bị chê cười. Đừng xem xét mọi việc theo chiều hướng đó. Hãy nghĩ rằng đó là bạn cho phép bản thân được phép sai lầm, nếu không như vậy bạn sẽ không thể kết nối với mọi người và trưởng thành hơn.[10] Người khác có thể giúp bạn đạt được mục tiêu, hỗ trợ về vật chất hay đơn giản là cho bạn sự ủng hộ cần thiết về mặt tinh thần.
    • Có thể những người khác sẽ không phản ứng nồng nhiệt với mục tiêu của bạn như bạn mong muốn. Điều quan trọng với bạn chưa chắc đã quan trọng đối với người khác. Hiểu được sự khác biệt giữa phản hồi mang tính xây dựng và bình luận tiêu cực. Lắng nghe những điều người khác nói, nhưng về lâu về dài, bạn sẽ phải dự quyết định xem mục tiêu của bạn quan trọng với bạn đến mức nào. [8]
    • Có thể bạn cũng sẽ gặp những người không ủng hộ mục tiêu của bạn. Hãy nhớ rằng mục tiêu mà bạn đang hướng tới là dành cho bạn, không phải ai khác. Nếu bạn thường xuyên nhận được những phản hồi tiêu cực về mục tiêu của bạn, hãy bày tỏ với họ rằng bạn không thích cảm giác bị chỉ trích hay không được ủng hộ. Bạn có thể yêu cầu người đó ngừng phán xét bạn.
  11. Tìm một nhóm những người có cùng suy nghĩ. May mắn rằng bạn không phải là người duy nhất có mục tiêu đó. Hãy tìm đến những người có chung mục tiêu với bạn. Các bạn có thể cùng bắt đầu thực hiện và học hỏi kiến thức và kinh nghiệm lẫn nhau. Khi đạt được mục tiêu, các bạn có thể cùng nhau chúc mừng điều đó.
    • Lên mạng, sử dụng mạng xã hội và đến những nơi có liên quan tới mục tiêu của bạn ở gần nơi bạn sống. Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, có rất nhiều cách khác nhau để kết nối, giữ liên lạc và hình thành cộng đồng.

Bắt đầu[sửa]

  1. Bắt đầu cố gắng hướng tới mục tiêu của bạn từ hôm nay. Một trong những bước khó khăn nhất trong quá trình hoàn thành mục tiêu đó là bắt đầu. Hãy bắt đầu ngay lập tức. Cho dù bạn vẫn chưa biết chính xác kế hoạch hoạt động của bạn sẽ như thế nào, hãy cứ bắt đầu với tâm huyết của chính bạn. Khi bạn làm được điều đó cũng là lúc bạn đã tiến hành kế hoạch của bản thân.[11] Bạn thường có nhiều khả năng tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình hơn nếu bạn cảm nhận được những tiến triển tức thì.[2]
    • Ví dụ như, nếu mục tiêu của bạn là “Có chế độ ăn uống lành mạnh hơn”, hãy đi tới siêu thị để mua hoa quả tươi và rau xanh. Dọn dẹp tủ để đồ ăn vặt. Lên mạng và tìm kiếm các thực đơn có lợi cho sức khỏe. Đây là những hoạt động nhỏ, dễ dàng hoàn thành nhưng chúng có thể tăng lên nhanh chóng.
    • Nếu bạn muốn học một kỹ năng mới, bạn phải bắt đầu luyện tập. Tập chơi ghi-ta và luyện tập các hợp âm cơ bản nếu bạn muốn trở thành một nhạc sĩ tài năng. Bắt đầu đọc sách tự phát triển bản thân dành cho người muốn phát triển kỹ năng mới. Cho dù mục tiêu của bạn là gì, luôn có cách để bạn bắt đầu thực hiện ngay tức thì.
  2. Làm theo kế hoạch hành động. Nếu bạn làm theo các bước nói trên, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ được những bước bạn cần để đạt được mục tiêu. Giờ là lúc bạn thực hiện chúng. [12]
    • Ví dụ như, nếu mục tiêu của bạn là mua một căn hộ ba phòng ngủ, hãy vào trang web bất động sản và tìm những ngôi nhà phù hợp (hoặc gần giống) với các tiêu chí mà bạn đề ra. Xác định ngân sách và số tiền cọc bạn cần. Lập tài khoản tiết kiệm để trả tiền cọc và bắt đầu tiết kiệm. Xây dựng tín dụng bằng cách trả tiền hóa đơn đầy đủ và đúng hạn cũng như quản lý hạn mức tín dụng.
  3. Hình dung thành công. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sức tưởng tượng có thể giúp cải thiện năng suất làm việc.[13] Có hai loại tưởng tượng đó là: tưởng tượng kết quả và tưởng tượng quá trình. [14]
    • Đối với tưởng tượng kết quả, hãy hình dung về bản thân bạn khi đã đạt được mục tiêu đề ra. Hình ảnh tưởng tượng này cần phải càng cụ thể và chi tiết càng tốt. Cảm giác tuyệt với đến mức nào? Ai ở đó để chúc mừng bạn? Bạn có cảm thấy tự hào không? Hạnh phúc không?
    • Đối với tưởng tượng quá trình tức là bạn hình dung về những bước bạn cần thực hiện để đạt được mục tiêu của bản thân. Ví dụ như nếu mục tiêu của bạn là một chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ, hãy hình dung từng bước bạn cần làm để đạt được mục tiêu đó. Tưởng tượng rằng bạn đang lập kế hoạch kinh doanh, vay vốn, thu hút đầu tư, v.v.
    • Quy trình này giúp não bộ hình thành “ký ức tương tai”. Các nhà tâm lý học cho rằng nó sẽ giúp bạn thấy rằng bạn có thể hoàn thành các mục tiêu của bản thân bởi não của bạn đã cảm nhận được thành công.[3]
  4. Lập danh sách. Xem xét mục tiêu của bạn hàng ngày. Đọc kỹ danh sách mục tiêu ít nhất một lần mỗi ngày. Đọc mục tiêu của bạn khi bạn thức dậy vào buổi sáng và trước khi bạn đi ngủ vào buổi tối. Đối chiếu lại những gì bạn đã làm trong ngày với nó.
    • Khi bạn đã hoàn thành một mục tiêu trong danh sách, đừng vội vàng gạch bỏ nó. Thay vào đó, hãy chuyển nó sang một danh sách khác, dành cho các mục tiêu đã “hoàn thành”. Đôi lúc chúng ta tập trung vào những điều mà chúng ta chưa đạt được và quên đi những mục tiêu mà chúng ta đã hoàn thành. Bạn cũng nên tạo một danh sách thành tựu, đó sẽ là nguồn động lực cho bạn.
  5. Xin chỉ dẫn. Tìm một cố vấn hoặc ai đó đã đạt được mục tiêu giống như của bạn để xin lời khuyên. Họ sẽ biết rõ cách bạn có thể đạt được mục tiêu hoặc những điều bạn cần tránh nếu muốn thành công. Hãy lắng nghe họ thật cẩn thận. Tham vấn họ thường xuyên.
    • Cũng giống như khi đi học, bạn không nhất thiết phải tự học môn toán cao cấp. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn có một giáo viên – người nắm rõ các “công thức” để thành công – giúp đỡ bạn trong suốt quá trình, để giải thích các cách vượt qua khó khăn và cùng ăn mừng khi bạn đã thành công. Một cố vấn tốt sẽ cảm thấy tự hào về khi bạn đạt được mục tiêu giống như cách bạn tự hào về chính mình vậy.

Quản lý hành trình[sửa]

  1. Nhận biết "hội chứng mong đợi thất bại". Hội chứng này có thể khá quen thuộc với bạn nếu bạn từng đặt mục tiêu Năm mới. Các nhà tâm lý học đã mô tả hội chứng này như một chu kỳ gồm ba giai đoạn: 1) đặt mục tiêu, 2) bất ngờ vì những mục tiêu đó khó để đạt được đến mức nào, 3) từ bỏ mục tiêu.[3]
    • Hội chứng này có thể xảy ra nếu bạn mong đợi phải có kết quả ngay lập tức. Ví dụ như, mục tiêu của bạn là “Có một thân hình cân đối” và sau đó bạn cảm thấy nản chí khi bạn đã tập thể hình trong suốt hai tuần mà vẫn không có thay đổi gì đang kể. Thành lập các bước cùng khung thời gian rõ ràng sẽ giúp bạn chống lại những mong đợi không thực tế đó.
    • Hội chứng cũng có thể xảy ra khi cảm giác "háo hức" lập mục tiêu dần phai nhạt. Ví dụ như, mục tiêu “học chơi ghi-ta” ban đầu có thể sẽ khá thú vị, khi bạn mua một cây đàn mới, học một vài hợp âm, v.v. Tuy nhiên, khi bạn phải luyện tập hàng ngày, bị chai tay, bắt đầu chuyển qua các chùm hợp âm phức tạp, có thể bạn sẽ mất đi động lực. Đặt ra các mục tiêu nhỏ và ăn mừng từng thành công dù là bé nhất có thể giúp bạn duy trì động lực.
  2. Xem các thử thách như những bài học kinh nghiệm. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người xem thất bại như một bài học kinh nghiệm thường có xu hướng cảm thấy tích cực về khả năng đạt được mục tiêu của họ.[15] Nếu bạn xem những thử thách, khó khăn hay thậm chí là sai lầm như “thất bại” và tự trách bản thân vì điều đó, bạn sẽ mãi đắm chìm vào quá khứ thay vì hướng tới tương lai.
    • Nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng thất bại mà những người thành công trải qua cũng không hề ít hơn so với những người bỏ cuộc. Khác biệt là ở cách mọi người nhìn nhận những thất bại đó như thế nào. Bạn có thể học được từ những sai lầm để làm khác đi cho lần tiếp theo hay không?[3]
    • Chủ nghĩa cầu toàn cũng có thể khiến bạn không thừa nhận sai lầm như nền móng để trưởng thành hơn. Khi bạn bó buộc bản thân với những tiêu chuẩn quá xa vời, bạn thật sự sẽ có xu hướng suy nghĩ rằng mục tiêu của bạn là không thể đạt được. [16][17]
    • Thay vào đó, hãy rộng lượng với bản thân.[18] Nhắc nhở bản thân rằng bạn chỉ là một con người bình thường và con người ai cũng đều sẽ mắc sai lầm và trải qua gian nan.[19]
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng suy nghĩ tích cực sẽ giúp chúng ta học hỏi, thích ứng và thay đổi hiệu quả hơn so với việc tập trung vào các khuyết điểm hoặc sai lầm. Lần tới, khi bạn tự trách mình về một sai lầm nào đó, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể học hỏi được từ những trải nghiệm đó cho dù hiện tại nó có bất lợi đến mức độ nào. [20]
  3. Thừa nhận mọi thành tựu. Đạt được mục tiêu có liên quan khá nhiều đến vấn đề về nhận thức. Hãy ăn mừng trước tất cả những thành tựu của bản thân, dù là nhỏ bé. Nếu mục tiêu của bạn là đạt được điểm 10 và bạn đã làm rất tốt trong bài kiểm tra, hãy tự ăn mừng vì điều đó. Nếu mục tiêu của bạn là trở thành luật sư, hãy ăn mừng mỗi khi bạn thành công vượt qua một thử thách, như đậu trường luật, đạt điểm cao trong khóa học, vượt qua kỳ kiểm tra trình độ và cuối cùng là tìm được một công việc.[12]
    • Ăn mừng trước mỗi mốc sự kiện hoặc bước ngoặt quan trọng. Có những mục tiêu sẽ cần phải mất hàng năm trời, hoặc lâu hơn mới có thể đạt được. Đánh giá cao và ăn mừng vì khoảng thời gian bạn đã dành ra để thực hiện một điều gì đó. Sự rèn luyện sẽ đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian và công sức. Thừa nhận và tự hào về những tháng ngày bạn đã dành cho nó.[21]
    • Ăn mừng trước những thành tựu dù là nhỏ nhất. Ví dụ như, nếu mục tiêu của bạn là “có chế độ ăn uống lành mạnh hơn” và bạn đã có thể nói “không, cảm ơn” trước cám dỗ của miếng bánh pizza béo ngậy và ngon miệng, hãy tự hào về bản thân vì điều đó.
  4. Giữ vững nhiệt huyết. Cho dù mục tiêu của bạn là gì, nó đều có lý do. Đó là điều mà bạn mong muốn cho bản thân trong tương lai. Hãy để đam mê và nỗ lực đó được thể hiện. Nhắc nhở bản thân về những việc bạn đang cố gắng hướng tới sẽ giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn hay nản lòng.[3] Đôi lúc, bạn sẽ phải chọn con đường khó khăn nhất để bước tới thành công lớn lao.
  5. Xem xét lại mục tiêu của bạn nếu cần. Cuộc sống luôn tràn ngập những điều không mang lại kết quả tốt. Đôi lúc, những việc bất ngờ xảy ra sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch của bạn. Đừng e sợ điều chỉnh lại mọi thứ, nghĩ về những kế hoạch mới, đặt ra những mục tiêu mới và loại bỏ những mục tiêu mà bạn không quan tâm đến nữa.
    • Khó khăn là điều hoàn toàn bình thường. Bạn không nên cảm thấy nản lòng vì chúng. Hãy tìm hiểu xem tại sao bạn lại gặp khó khăn. Đó là việc bạn có thể kiểm soát được hay không? Tiếp tục bước tiếp sao cho phù hợp.[22]
    • Cân nhắc những cơ hội mới. Có những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ đến với bạn một cách đầy bất ngờ. Hãy chấp nhận những cơ hội mới nếu chúng có thể giúp bạn thực hiện mục tiêu hoặc mang tới cho bạn một mục tiêu to lớn hơn.
  6. Kiên trì. Nắm rõ tất cả những thành công nhỏ mà bạn đã hoàn thành. Đạt được những mục tiêu nhỉ này sẽ giúp bạn xây dựng lòng tự tin bởi bạn biết rằng bạn có đủ khả năng để thực hiện được những việc mà bạn mong muốn. Nhắc nhở bản thân về những thành công trong quá khứ mỗi khi bạn gặp khó khăn.[23]
    • Hãy nhớ rằng khó khăn không đồng nghĩa với thất bại. Tác giả bộ truyện Harry Potter, J.K. Rowling đã bị từ chối 12 lần liên tiếp trước khi được một nhà xuất bản đồng ý cho ông cơ hội.[24] Giáo viên của nhà phát mình Thomas Edison đã nói rằng ông “quá ngu ngốc để học bất cứ điều gì”.[25] Oprah, một người dẫn chương trình vô cùng nổi tiếng, đã từng bị sa thải trong chương trình truyền hình đầu tiên với lý do “không phù hợp để lên sóng”.[26]
    • Đôi lúc nhận xét tiêu cực từ người khác chính là động thực thúc đẩy chúng ta đạt được mục tiêu và ước mơ của bản thân.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://strengthofus.org/pages/view/164/setting-and-achieving-goals
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 https://www.psychologytoday.com/blog/notes-self/201308/how-set-goals
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 http://news.stanford.edu/news/2015/january/resolutions-succeed-mcgonigal-010615.html
  4. http://www.forbes.com/sites/samanthasmith/2013/12/30/a-guide-to-evaluate-your-priorities-set-goals/
  5. 5,0 5,1 http://topachievement.com/philhumbert.html
  6. http://www.psychologytoday.com/blog/dont-delay/201004/what-are-the-most-popular-goals-in-the-world
  7. http://www.mindtools.com/page6.html
  8. 8,0 8,1 8,2 http://www.forbes.com/sites/glassheel/2013/03/14/6-ways-to-achieve-any-goal/
  9. http://www.selfgrowth.com/articles/the-9-obstacles-that-keep-you-from-achieving-your-goals
  10. https://www.ted.com/talks/brene_brown_on_vulnerability/transcript?language=en
  11. http://www.entrepreneur.com/article/228279
  12. 12,0 12,1 http://leavingworkbehind.com/how-to-set-goals/
  13. http://www.psychologytoday.com/blog/flourish/200912/seeing-is-believing-the-power-visualization
  14. http://www.ijiet.org/papers/389-N10002.pdf
  15. http://greatergood.berkeley.edu/article/item/how_to_help_students_develop_hope
  16. https://www.psychologytoday.com/blog/communication-success/201407/the-problem-perfectionism-how-truly-succeed
  17. http://www.yorku.ca/khoffman/Psyc3010/Flett'92_PerfProcr.pdf
  18. http://nymag.com/scienceofus/2014/09/alarming-new-research-on-perfectionism.html
  19. http://psychcentral.com/blog/archives/2012/06/27/5-strategies-for-self-compassion/
  20. http://greatergood.berkeley.edu/article/item/the_neuroscience_of_good_coaching
  21. http://www.success.com/article/1-on-1-how-to-set-a-goal-and-achieve-it
  22. http://www.sparkpeople.com/resource/motivation_articles.asp?id=113
  23. http://www.actionforhappiness.org/take-action/set-your-goals-and-make-them-happen
  24. http://www.literaryrejections.com/best-sellers-initially-rejected/
  25. http://www.businessinsider.com/successful-people-who-failed-at-first-2014-3
  26. http://www.businessinsider.com/15-people-who-failed-before-becoming-famous-2012-10