Thầy thuốc Đông y xem mạch bằng phần mềm và máy đo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

04:46' 09/08/2005 (GMT+7)

(VietNamNet)- Cũng là Đông y song không phải phương pháp bắt mạch truyền thống dựa vào chủ quan của thầy thuốc rồi đoán bệnh. Trái lại, thông qua vô số thực nghiệm và kiểm chứng bằng kỹ thuật Tây y, một nhóm các chuyên gia Việt Nam đã sáng chế phần mềm và máy đo nhiệt độ kinh lạc để chẩn đoán nhiều chứng bệnh với độ chính xác cao, nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Chẩn đoán bệnh bằng phương pháp đo nhiệt độ kinh lạc không phụ thuộc vào cảm giác chủ quan của thầy thuốc cũng như bệnh nhân. Phương pháp chẩn đoán này đã được Hội Sinh lý học thuộc Tổng hội Y học Việt Nam công nhận trong năm 2000.

Thông qua đo nhiệt độ kinh lạc, thầy thuốc đánh giá được mức độ hoạt động của các tạng phủ, tìm ra bản chất, hiện tượng bệnh tật trong cơ thể con người. Đo nhiệt độ kinh lạc nghĩa là đo nhiệt độ của 24 điểm tỉnh huyệt trên 10 đầu ngón tay, chân. Theo lý luận Đông y, 24 điểm này nằm trên 12 đường kinh lạc mà thông qua đó hoạt động của 12 tạng phủ tương ứng được biểu thị ra ngoài.

Theo lương y Sửu, kể từ năm 1983, ông cùng đồng nghiệp thuộc Học Viện Quân y đã sử dụng phương pháp trên để chẩn đoán và theo dõi điều trị lâm sàng rất nhiều chứng bệnh. Một trong số đó là trường hợp của anh Nguyễn Viết Hải, 36 tuổi, ở Hà Nội. Sáng 11/4/2005, anh Hải đưa vợ tới khám bệnh tại nhà của lương y Lê Văn Sửu. Vốn thấy người mệt mỏi trong vài tuần qua, anh Hải nhờ lương y Sửu đo nhiệt độ kinh lạc. Sau 5-7 phút, máy tính in ra bảng số đo kinh lạc với chẩn đoán anh Hải có khối u ở gan. Cùng ngày, chẩn đoán này được khẳng định bởi kết quả siêu âm của Phòng khám đa khoa Yersin, Hà Nội: thuỳ 7 của gan anh Hải có 2 nốt u nhỏ với đường kính 15mm.


Trước tháng 12/2004, sau khi đo nhiệt độ kinh lạc, thầy thuốc phải sử dụng một công thức để tính toán 24 số đo. Công thức do lương y Sửu lập ra từ năm 1983 và hai năm sau đã được các chuyên gia thuộc Học viện Quân y chứng minh là đúng thuật toán. Tuy vậy, do phải tính bằng tay nên phải mất 30-40 phút mới có kết quả. Từ kết quả thu được, thầy thuốc phải dựa vào mô hình bệnh lý theo lý luận Đông y mà lương y Sửu đã xây dựng thông qua vô số thực nghiệm, so sánh bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại của Tây y. Cụ thể là để lập được một mô hình bệnh lý, lương y Sửu và các môn sinh đã phải lấy số đo kinh lạc của rất nhiều bệnh nhân, chẩn đoán rồi yêu cầu họ đi khám Tây y để lấy kết quả so sánh. Lâu dần, ông xây dựng được các mô hình bệnh lý này.


Tuy nhiên, không phải thầy thuốc nào cũng có thể nhớ hết mọi mô hình bệnh lý và việc tìm kiếm tài liệu để chẩn đoán là rất mất thời gian. Nhằm khắc phục nhược điểm trên, kỹ sư Đinh Lai Thịnh, môn sinh của lương y Lê Văn Sửu, đã đặt hàng các chuyên gia viết một phần mềm chẩn bệnh bằng phương pháp đo nhiệt độ kinh lạc.

Được lập trình dựa trên công thức nói trên, phần mềm được hoàn tất vào tháng 11/2004. Ngoài việc lưu toàn bộ bệnh danh theo lý luận Đông y, phần mềm còn chứa 15 bệnh danh Tây y để tham khảo chẳng hạn như sung huyết não, kẹt động mạch não, v.v... Sau khi nhiệt độ của 24 tỉnh huyệt được nhập vào máy tính, phần mềm tự động tính toán số đo rồi đưa ra chẩn đoán bằng cách so sánh với các mô hình bệnh lý trong cơ sở dữ liệu. Toàn bộ số đo của mỗi bệnh nhân đều được lưu lại trong phần mềm để so sánh với những lần đo tiếp sau nhằm đánh giá hiệu quả của việc chữa trị.

Sau khi phần mềm chống sao chép được hoàn tất, KS Thịnh cùng một nhóm nghiên cứu tại ĐH Bách Khoa Hà Nội bắt tay vào chế tạo máy đo nhiệt độ kinh lạc. Máy được kết nối trực tiếp với máy tính, giúp thầy thuốc không phải nhập từng thông số nhiệt độ sau mỗi lần đo một huyệt vị như trước đây. Được làm bằng chất siêu bán dẫn, đầu đo của máy có đường kính 0,3mm với chức năng cảm biến nhiệt độ chính xác ở huyệt vị được đo. Sau đó, tín hiệu nhiệt được bộ vi xử lý chuyển thành tín hiệu điện tương ứng rồi được khuếch đại ba trăm lần. Cuối cùng, kết quả đo được hiện thị cùng lúc trên màn hình máy tính và màn hình máy đo. Với loại máy này, thời gian đo 24 điểm tỉnh huyệt được rút ngắn xuống còn 5-7 phút. Ngay sau đó, bản số đo kinh lạc đi kèm chẩn đoán được in ra.

Lương y Sửu cho biết giải pháp mang tính hệ thống trên chỉ giúp chứ không thể thay thế thầy thuốc. Mục đích của việc phát triển hệ thống là hiện đại hoá lý luận Đông y, đơn giản hệ thống lý luận phức tạp để giúp nhiều người học và làm được. Ngoài ra, mục tiêu quan trọng nhất là giúp nhiều người nghèo ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được khám chữa bệnh. Với những mục tiêu trên, hệ thống được bán với giá hỗ trợ để các lương y làm việc, cụ thể là khoảng 16 triệu, gồm cả máy đo (có kết nối máy tính) và phần mềm. Được biết toàn bộ kinh phí thực hiện công trình do lương y Sửu và KS Thịnh tự bỏ tiền túi.

  • Minh Sơn

Liên kết đến đây