Trị viêm nang lông

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm nang lông là tình trạng nhiễm trùng nấm hay vi khuẩn và biểu hiện ra bên ngoài với triệu chứng ngứa, đau, phồng rộp và/hay nổi mẩn xung quanh nang bị nhiễm trùng.[1] Viêm nang lông do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và có thể phát triển với mức độ nghiêm trọng khác nhau, do đó bạn cũng có nhiều phương án điều trị. Cho dù bạn bị nhẹ hay nặng thì đều có thể áp dụng các bước dưới đây để giúp da trông đẹp hơn trong thời gian ngắn.

Các bước[sửa]

Trị Viêm Nang lông Nhẹ tại Nhà[sửa]

  1. Rửa sạch khu vực bị viêm bằng xà phòng kháng khuẩn theo định kỳ. Hầu hết các trường hợp viêm nang lông nhẹ đều tự hết, tuy nhiên bạn có thể đẩy nhanh quá trình lành bằng cách chăm sóc cẩn thận cho khu vực nhiễm trùng. Hai lần mỗi ngày, bạn dùng xà phòng kháng khuẩn nhẹ để làm sạch và tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nang.[2] Dùng nước rửa và lau khô bằng khăn hay tấm vải sạch đã phơi khô hoàn toàn.
    • Nhớ lau nhẹ. Không dùng xà phòng có độ xút cao và không chà mạnh tay, vì như vậy có thể kích ứng chỗ nhiễm trùng, làm tình trạng mẩn đỏ và sưng thêm nặng.
    • Nếu bị viêm nang lông trên mặt bạn nên chọn loại xà phòng có nhãn chỉ định cụ thể dùng cho mặt. Chúng có độ xút nhẹ hơn loại xà phòng kháng khuẩn thông thường.
  2. Làm ướt chỗ da bằng nước ấm và nhôm acetate. Nhôm acetate còn được biết đến với tên gọi dung dịch Burow, là chất làm se da và kháng khuẩn thường được sử dụng để điều trị các trường hợp bệnh nhẹ về da, vì nó rẻ tiền và không cần chỉ định của bác sĩ. Người ta còn dùng nhôm acetate để diệt vi khuẩn gây viêm nang lông và giảm sưng, giảm kích ứng và tăng tốc độ phục hồi cho da.[3]
    • Để dùng dụng dich Burow, bạn chỉ cần hòa tan một gói nhôm acetate với lượng nước chỉ định. Dùng tấm vải sạch nhúng vào dung dịch, vắt bớt nước và thoa nhẹ lên chỗ nhiễm trùng. Giữ tấm vải trên chỗ da đó một lúc, rồi lại làm ướt vải trong dung dịch nếu cần.
    • Sau khi làm xong, vệ sinh sạch ca đựng dung dịch nhôm acetate và nhúng vải lau vào nước sạch. Bạn phải giặt và phơi khô hoàn toàn vải lau trước khi dùng lại vào lần sau.
  3. Điều trị bằng bột yến mạch. Dù bạn tin hay không thì bột yến mạch đã từ lâu được dùng làm phương thuốc điều trị tại gia cho các trường hợp kích ứng da, vì nó chứa chất trị ngứa. Bạn thử làm ướt cơ thể (hay chỉ nơi bị nhiễm trùng) trong bồn tắm có pha bột yến mạch, hay phủ lên đó một lớp thuốc bôi làm từ bột yến mạch. Sau đó bạn có thể cảm nhận sự xoa dịu do yến mạch tạo ra, nhưng không để da tiếp xúc quá lâu cho dù dung dịch này chỉ có tác động nhẹ.
    • Cũng như cách trên, bạn phải dùng khăn hay tấm vải sạch nhẹ nhàng lau khô chỗ nhiễm trùng.
  4. Dùng băng ép tẩm nước muối. Băng ép có thể là tấm vải hay một loại vật liệu có tính hấp phụ để hút và giữ nước muối khi ép lên chỗ da nhiễm trùng, mục đích là giảm kích ứng và đẩy nhanh quá trình lành vết thương. Dùng nước muối tẩm vào miếng băng còn có lợi ích kháng khuẩn (dù rất nhỏ). Để tạo băng ép tẩm nước muối, đầu tiên bạn hòa tan vài thìa canh muối ăn vào một hay hai cốc nước ấm. Nhúng bông gòn hay vải sạch vào nước muối rồi ép nhẹ lên chỗ nhiễm trùng.
    • Làm hai lần mỗi ngày, buổi sáng và buổi tối.
  5. Áp dụng phương pháp chữa trị tổng quát, như dùng giấm. Các bệnh nhẹ về da như viêm nang lông là đối tượng phù hợp của nhiều phương pháp điều trị toàn diện hoặc điều trị "tự nhiên". Những người ủng hộ rất chắc chắn về công dụng của phương pháp này, dù y học không xác nhận. Nếu bạn định dùng cách chữa trị toàn diện thì nên sử dụng trực giác của mình, không làm bất kì điều gì khiến tình trạng viêm nang lông nặng thêm hoặc rước thêm vi khuẩn vào chỗ nhiễm trùng, ngăn cản quá trình lành bệnh. Dưới đây chúng tôi mô tả một phương pháp phổ biến với giấm (bạn có thể dễ dàng tìm thấy các phương pháp khác trên mạng).
    • Điều chế dung dịch bằng cách trộn đều một phần giấm trắng với hai phần nước. Nhúng ướt tấm vải sạch trong dung dịch rồi vắt bớt nước, sau đó thoa lên chỗ da nhiễm trùng. Giữ tấm vải nằm yên tại chỗ từ 5-10 phút, thỉnh thoảng làm ướt vải lại trong dung dịch nếu cần.

Trị Viêm Nang lông bằng Phương pháp Y khoa[sửa]

  1. Đi khám bệnh ngay với các trường hợp nặng. Bình thường bệnh viêm nang lông chỉ gây cảm giác hơi ngứa (dù có đau), nhưng cũng như tất cả những trường hợp nhiễm trùng, luôn tồn tại khả năng bệnh phát triển thành một thứ gì đó nguy hiểm hơn nếu bạn không quan tâm. Nếu viêm nang lông không dần cải thiện, hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, sưng và ngứa dữ dội, bạn cần khám bệnh càng sớm càng tốt. Thà an toàn để tránh phải hối tiếc, đi khám bệnh đúng lúc có khả năng tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian và tiền bạc xét về lâu dài.
    • Bạn chỉ cần tới khám với một bác sĩ "thông thường" (tức là bác sĩ của gia đình hay bác sĩ khám tổng quát). Có thể sau đó họ sẽ gợi ý cho bạn tới gặp bác sĩ da liễu.
  2. Sử dụng hydrocortisone để làm bớt ngứa và giảm đau. Hydrocortisone là kem bôi cục bộ giúp trị kích ứng da và trị ngứa.[4] Dùng kem hydrocortisone 1% bôi từ 2 tới 5 lần mỗi ngày (hoặc tùy theo nhu cầu) để giảm đau. Bôi thuốc trực tiếp lên chỗ da nhiễm trùng, dùng ngón tay thoa nhẹ hoặc dùng dụng cụ thoa thuốc. Nếu định dùng tay thì bạn phải rửa sạch và lau khô tay trước khi bôi để tránh lây vi khuẩn cho vết thương.
    • Lưu ý rằng thuốc hydrocortisone làm giảm đau và sưng nhưng nó không diệt vi khuẩn.
  3. Sử dụng thuốc giảm đau hay thuốc kháng viêm không cần chỉ định của bác sĩ. Để giảm đau và sưng do viêm nang lông gây ra bạn có thể sử dụng một trong rất nhiều loại thuốc mua không cần toa. Thuốc giảm đau phổ biến và rẻ tiền như acetaminophen và aspirin có thể hữu hiệu với các trường hợp đau nhẹ do viêm nang lông. Thuốc giảm đau có chức năng kháng viêm như ibuprofen là lựa chọn tuyệt vời vì chúng không chỉ giảm đau mà còn giảm viêm tạm thời, đây là nguyên nhân góp phần gây đau.
    • Mặc dù loại thuốc giảm đau mua không cần bác sĩ chỉ định rất an toàn với liều dùng nhỏ, nhưng nếu dùng nhiều hoặc kéo dài thì thuốc có thể dẫn tới các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn như tổn hại gan, vì vậy bạn cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng an toàn được bán kèm theo thuốc.
  4. Sử dụng thuốc kháng sinh với trường hợp nặng. Khi viêm nang lông nặng không tiến triển với cách chăm sóc và vệ sinh tại nhà, bạn nên dùng kháng sinh trị nhiễm trùng vi khuẩn vì đây là nguyên nhân chính gây bệnh. Kháng sinh bôi bên ngoài có bán ở hầu hết các tiệm thuốc. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh dạng uống thường cần chỉ định của bác sĩ và chỉ dành cho các ca rất nặng.
  5. Sử dụng thuốc trị nấm nếu viêm nang lông do nấm. Như đã nói trong phần giới thiệu, viêm nang lông không chỉ do vi khuẩn mà một số trường hợp do nấm gây ra. Trong trường hợp đó bạn cần dùng thuốc trị nấm, chúng được bán dưới dạng uống hay bôi. Cũng như thuốc kháng khuẩn, thuốc trị nấm nhẹ có thể mua không cần toa, nhưng thuốc trị nấm mạnh có thể phải được bác sĩ chỉ định.
  6. Nhờ nhân viên y tế lấy mủ trong nhọt. Trong các ca rất nặng, viêm nang lông sinh ra nhọt hay vết rộp rất đau và chứa mủ, khi đó bạn cần nhờ bác sĩ hỗ trợ. Mặc dù lấy mủ trong nhọt giúp vết thương mau lành và giảm khả năng hình thành sẹo sau này,[5] nhưng bạn không nên tự mình làm. Việc cố gắng rạch lấy mủ mà không có dụng cụ y khoa tiệt trùng chắc chắn dẫn tới nhiễm trùng thứ cấp.

Tránh Thói quen gây Viêm Nang lông[sửa]

  1. Không cạo lông khu vực bị viêm. Viêm nang lông xuất hiện do bị kích ứng trong quá trình cạo lông, hoặc do thói quen cạo lông không sạch sẽ. Nếu bạn bị viêm nang lông ở chỗ da để râu hay bất kì nơi nào thường xuyên cạo, hãy tạm dừng cạo lông ở chỗ đó. Liên tục cạo chỉ gây kích ứng nhiều hơn và làm lây lan bệnh sang những nơi xung quanh.
    • Nếu bạn buộc phải cạo thì cố gắng giảm kích ứng tối đa trên da. Bạn nên dùng dao cạo điện thay cho loại cầm tay thông thường, và cạo theo chiều mọc của lông, không cạo ngược lại. Nhớ vệ sinh dao cạo sạch sẽ mỗi lần dùng.
  2. Không đụng vào chỗ nhiễm trùng. Các ngón tay và tay là nơi vi khuẩn thường trú ngụ, chúng làm lây lan vi khuẩn từ nơi này sang nơi khác giống như máy bay vận chuyển hành khách. Mặc dù chỗ đó hay ngứa, nhói đau và nhức, bạn cố chịu đựng đừng gãi vào nó. Bạn nên xem đó là khu vực cấm tiếp xúc, chỉ sờ khi cần bôi xà phòng, thuốc hay đặt băng ép.
  3. Không mặc quần áo bó. Tác động cơ học khi quần áo liên tục chà lên da suốt ngày sẽ gây kích ứng và tiềm ẩn khả năng dẫn tới nhiễm trùng. Ngoài ra nhiễm trùng da cũng xảy ra khi quần áo bó không cho không khí tiếp xúc với da. Nếu bạn dễ bị viêm nang lông thì nên mặc quần áo mềm, rộng rãi để giảm thiểu rủi ro gây kích ứng da.
    • Không để quần áo xung quanh chỗ nhiễm trùng bị ướt, vì quần áo ướt tăng khả năng dính vào da và làm trầm trọng hơn tình trạng nhiễm trùng.
  4. Không để da tiếp xúc với chất gây kích ứng. Mỗi người có làn da khác nhau, một số rất dễ nổi mẩn hay phát ban, trong khi da của những người khác lại rất bền bỉ. Nếu bạn đang bị viêm nang lông (hoặc dễ bị), cố gắng tránh tiếp xúc với bất kì chất gì mà bạn biết có thể gây kích ứng (đặc biệt những chất bạn dị ứng), vì khi bị kích ứng có thể dẫn tới nhiễm trùng da, hoặc làm chệch hướng quá trình lành của chỗ da đang nhiễm trùng.
    • Ví dụ, bạn nên tránh dùng một số mỹ phẩm như dầu thoa, thuốc bôi, chất bôi ngoài da nói chung.
  5. Không tắm hay bơi trong nước chưa được xử lý. Người ta thường gọi viêm nang lông là "phát ban do tắm bể nước" cũng chính vì lý do đó. Bơi, tắm hay dầm mình trong nước chưa qua xử lý, chẳng hạn như bể nước nóng, là con đường dễ dẫn tới nhiễm trùng viêm nang lông. Một số vi khuẩn gây viêm nang lông như pseudomonas aeruginosa rất dễ lây lan qua nước bẩn.[6] Nếu bạn dễ bị viêm nang lông thì không nên tiếp xúc với nước chưa qua xử lý, hay nước trong ao tù.
  6. Không quá phụ thuộc vào kem chứa steroid. Khi bạn dùng một số loại thuốc nào đó trong thời gian dài, làn da có thể trở nên nhạy cảm hơn với viêm nang lông. Cụ thể, kem bôi chứa steroid như hydrocortisone là nguyên nhân góp phần gây nhiễm trùng viêm nang lông. Điều nghịch lý là chính hydrocortisone là chất trị viêm nang lông nhẹ. Do đó nếu bạn đang dùng hydrocortisone để trị bệnh nhưng không thấy tiến triển thì bạn nên đi khám bệnh, việc lưỡng lự để tiếp tục kéo dài thời gian bôi thuốc chỉ làm nhiễm trùng nặng thêm.
  7. Không để vết thương nhiễm trùng. Nang lông có thể bị viêm và nhiễm trùng nếu chỗ đã nhiễm trùng gần đó bị kích ứng hoặc gặp cơ hội lây lan. Vì vậy bạn nên xử lý chỗ da nhiễm trùng nhanh chóng và chuyên nghiệp, không để tình trạng vượt tầm kiểm soát. Vết thương nhỏ và cục bộ dễ trị hơn nhiều so với khi bị lây lan.


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây