Trở thành nhà khoa học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Các nhà khoa học nghiên cứu cách thức vận hành của vũ trụ hoặc các khía cạnh cụ thể của vũ trụ đó. Họ xây dựng giả thuyết từ những quan sát ban đầu, kiểm tra giả thuyết qua quan sát và thử nghiệm bổ sung, từ đó đánh giá kết quả để xác nhận hoặc phản bác giả thuyết của mình. Các nhà khoa học thường làm việc tại môi trường đại học, doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước. Nếu muốn trở thành một nhà khoa học, bạn sẽ mất nhiều thời gian - nhưng con đường này cũng đầy thú vị và đem lại hạnh phúc cho bạn.

Các bước[sửa]

Đặt nền móng[sửa]

  1. Tập trung vào những môn cần thiết khi học phổ thông. Bắt đầu từ quá trình học cấp ba và tiếp đến là những năm tháng đại học, bạn nên lựa chọn những môn học rèn luyện cho mình kỹ năng tư duy phân tích và phản biện – những kỹ năng quan trọng của một nhà khoa học. Bạn buộc phải làm điều này để có cơ hội phát triển về sau.
    • Bạn cần học chuyên sâu về toán. Những nhà khoa học trong các ngành khoa học vật chất sử dụng rất nhiều kiến thức toán, cụ thể là đại số, tích phân và hình học giải tích, còn những người theo ngành khoa học sinh học sẽ sử dụng toán ít hơn. Tất cả các nhà khoa học cũng đều cần hiểu biết đủ về thống kê để vận dụng trong công việc.
    • Cân nhắc tham gia hội trại khoa học khi còn học phổ thông. Bạn sẽ được tham gia những dự án chuyên sâu hơn chương trình khoa học thông thường trên lớp.
  2. Bắt đầu với những kiến thức cơ bản ở đại học. Mặc dù sau này chuyên môn của bạn sẽ cụ thể hơn, bạn vẫn cần lựa chọn những khóa học cơ bản về sinh học, hóa học và vật lý để có kiến thức nền tảng của mỗi ngành khoa học, cũng như phương pháp khoa học được sử dụng để quan sát, đưa ra giả thuyết và thử nghiệm. Bạn cũng có thể học thêm một số môn lựa chọn không bắt buộc, tùy thuộc sở thích của bản thân hoặc để tìm hiểu về nhiều lĩnh vực, giúp bạn xác định chuyên ngành sau này. Sau một hoặc hai năm, bạn có thể tập trung vào một nhánh cụ thể của ngành khoa học.
    • Kỹ năng ở một hoặc hai ngoại ngữ cũng sẽ giúp ích cho bạn, hỗ trợ bạn đọc những bài báo khoa học chưa được dịch sang tiếng Anh. Những thứ tiếng nên học nhất bao gồm tiếng Pháp, Đức và Nga.
  3. Lựa chọn chuyên ngành trong lĩnh vực mà bạn hứng thú. Sau khi đã trải nghiệm đôi chút và quen thuộc hơn với định hướng nghề nghiệp, hãy lựa chọn một chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học cụ thể. Khoa học hành tinh? Y học? Tâm lý học? Di truyền học? Nông nghiệp?
    • Nếu bạn muốn hoặc nếu trường đại học của bạn không có đủ những lựa chọn cần thiết, bạn có thể đợi tới sau này (khi học cao học) để xác định chuyên ngành cụ thể hơn. Một ngành tổng quát như hóa học cũng không có vấn đề gì cả.
  4. Thực tập tại trường đại học. Bạn nên xây dựng các mối quan hệ và bắt tay vào làm việc sớm nhất có thể. Hãy liên lạc với một trong số những giáo sư của bạn về cơ hội thực tập – bạn cũng có thể ghi tên mình vào một bài viết khoa học nào đó được đăng tạp chí.
    • Cách thức trên sẽ đem lại cho bạn 100% kinh nghiệm làm việc thực tế tại phòng thí nghiệm, giúp ích cho quá trình học cao học và hỗ trợ bạn tìm kiếm những công việc nghiêm túc hơn sau này. Điều đó cũng thể hiện rằng bạn coi trọng việc học tại trường đại học và hiểu rõ những điều mà mọi người kỳ vọng ở mình.
  5. Trau chuốt kỹ năng viết của bạn. Khi trở thành nhà khoa học, bạn cần viết tốt để nhận được trợ cấp nghiên cứu và đăng kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học. Những lớp học tiếng Anh tại trường cấp ba và khóa học viết về các chủ đề chuyên môn tại trường đại học sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng của mình.
    • Luôn luôn đọc các tạp chí khoa học và theo dõi sự phát triển của ngành khoa học mà mình theo đuổi. Vào đúng thời điểm, tên bạn sẽ sớm được ghi trên những cuốn tạp chí đó thôi. Hãy đọc những bài viết trong tạp chí để tìm hiểu về cấu trúc cũng như những yếu tố cơ bản của một bài viết khoa học đạt tiêu chuẩn.

Học cao học[sửa]

  1. Học cao học. Mặc dù cử nhân đại học có thể phù hợp với một số vị trí nghề nghiệp trong ngành thương mại và công nghiệp, phần lớn các nhà khoa học đều ít nhất có bằng thạc sĩ và nhiều khả năng là tiến sĩ. Các chương trình cao học được xây dựng theo hướng nghiên cứu và phát triển những lý thuyết mới, qua quá trình làm việc cùng giáo sư và các nhà khoa học khác, đồng thời cũng ứng dụng công nghệ hiện đại nhất. Phần lớn các chương trình cao học kéo dài ít nhất 4 năm, có thể lâu hơn, tùy thuộc tính chất của nghiên cứu.
    • Tới thời điểm này, bạn cần xác định chuyên ngành cho mình – một chuyên ngành cụ thể để bạn có thể tập trung. Điều này sẽ giúp công việc của bạn đặc biệt hơn, thu hẹp tính cạnh tranh trong ngành mà bạn đã chọn.
  2. Tham gia thực tập nghiên cứu. Khi học cao học, bạn cần tìm kiếm cơ hội thực tập liên quan đến chuyên ngành của mình. Số lượng giáo sư nghiên cứu những nội dung phù hợp với bạn sẽ tương đối nhỏ – điều đó có nghĩa bạn phải tìm kiếm cơ hội ở nhiều nơi.
    • Các giáo sư, và nhìn chung là trường đại học của bạn, sẽ hỗ trợ bạn tìm kiếm cơ hội và địa điểm thực tập. Hãy tận dụng mọi mối quan hệ để bạn có thể nắm bắt cơ hội phù hợp với mình.
  3. Đăng ký chương trình sau tiến sĩ. Các chương trình sau tiến sĩ đào tạo thêm về chuyên ngành bạn đã lựa chọn khi trở thành nhà khoa học. Trước đây những chương trình này kéo dài 2 năm, nhưng giờ ít nhất là 4 năm và có thể lâu hơn, tùy thuộc chuyên ngành nghiên cứu và những yếu tố khác.
    • Thêm vào đó, sau khi hoàn thành chương trình này, bạn sẽ tiếp tục nghiên cứu khoảng ba năm sau tiến sĩ. Nếu bạn tính cả 4 năm cử nhân, 5 năm cao học và 3 năm nghiên cứu, bạn đã có tổng cộng 12 năm nghiên cứu trước khi thực sự làm việc. Bạn cần nhận thức rõ về giới hạn của khoảng thời gian này.
  4. Thường xuyên cập nhật kiến thức của mình. Trong thời điểm này cũng như trong quá trình học tập (và làm việc), điều khôn ngoan mà bạn có thể làm là cập nhật những kiến thức về chuyên ngành mình chọn và các kiến thức liên quan, bằng cách tham dự các hội thảo và đọc thêm tạp chí khoa học đã được kiểm duyệt. Khoa học thường xuyên thay đổi – bạn có thể trở nên lạc hậu chỉ trong chớp mắt.
    • Bạn có thể biết hết tên của các tạp chí khoa học thuộc những lĩnh vực nghiên cứu quy mô nhỏ (và một số lĩnh vực quy mô lớn). Khi đọc các tạp chí này, bạn sẽ biết nên hỏi ai lúc cần hỗ trợ nghiên cứu hoặc giúp đỡ vào thời điểm cần thiết.
  5. Tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội việc làm toàn thời gian. Các nhà khoa học luôn luôn làm việc với những dự án hoặc ý tưởng. Điều này là bắt buộc dù bạn đang ở khúc nào trên con đường sự nghiệp. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ, bạn sẽ cần một công việc. Dưới đây là một số cơ hội mà bạn có thể nhận được:
    • Giáo viên các môn khoa học. Tên của nghề này đã nói lên tất cả, và bạn cũng không nhất thiết phải học lên cao (tùy thuộc cấp học bạn muốn dạy). Trong nhiều lĩnh vực khoa học, bạn cũng cần thêm tín chỉ về sư phạm.
    • Nhà nghiên cứu lâm sàng. Nhiều nhà khoa học làm việc tại những công ty lớn hoặc các cơ quan chính phủ. Tại Hoa Kỳ, khi bắt đầu nghề này, bạn sẽ là cán sự nghiên cứu lâm sàng. Công việc của bạn sẽ liên quan đến các nghiên cứu lâm sàng, ví dụ như về các loại thuốc mới. Bạn sẽ ghi lại ngày tháng, theo dõi thủ tục để đảm bảo mọi hoạt động đều tuân theo quy tắc. Sau đó, bạn sẽ phân tích những dự án mình đang thực hiện, phát triển sản phẩm (ví dụ như vắc-xin), hoặc đôi khi làm việc với bệnh nhân, bác sĩ hay chuyên gia về các thủ tục thí nghiệm.
    • Một giáo sư. Nhiều nhà khoa học, cuối cùng, đều có mục tiêu trở thành giáo sư. Đây là nghề khá chắc chắn và được trả lương cao tại Hoa Kỳ, bạn cũng có thể tác động tới cuộc sống của nhiều người khác. Tuy nhiên, hãy hiểu rằng bạn có thể mất đến vài chục năm để đạt được vị trí này.

Suy nghĩ như nhà khoa học[sửa]

  1. Luôn tò mò. Mọi người lựa chọn trở thành nhà khoa học bởi về cơ bản, họ luôn tò mò về thế giới xung quanh và cách thức vận hành của vạn vật. Tính tò mò này khiến họ đào sâu tìm hiểu cách thức và nguyên do của những điều mà họ thấy, kể cả khi việc nghiên cứu này có thể lên đến hàng năm trời để đạt được kết quả.
    • Đi cùng với sự tò mò là khả năng từ chối những quan điểm đã có sẵn và đón nhận những ý tưởng mới. Một giả định ban đầu thường sẽ không được xác nhận bởi bằng chứng thu thập từ quan sát và thử nghiệm; giả định đó sẽ phải được thay đổi hoặc bị loại bỏ.
  2. Hãy kiên nhẫn trong sự nghiệp. Như đã trình bày ở trên, bạn sẽ mất một thời gian dài để trở thành nhà khoa học. Có rất ít những nghề khác tốn nhiều thời gian hơn nghề này. Kể cả khi bạn đang học, bạn cũng đã phải tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu. Nếu là típ người mong muốn sớm đạt thành quả, nhà khoa học không hẳn đã là nghề dành cho bạn.
    • Một số vị trí công việc liên quan đến khoa học chỉ yêu cầu bằng cử nhân, số khác có thể yêu cầu thêm bằng thạc sĩ. Nếu bạn cần kiếm tiền, những vị trí này có thể là lựa chọn thay thế phù hợp.
  3. Hãy siêng năng và kiên nhẫn, bởi bạn đang lựa chọn một công việc khó khăn. Có người đã từng nói: "Nếu tính cả chỉ số thông minh, kỹ năng định lượng và số giờ làm việc, các nghề liên quan đến khoa học là những nghề bị trả công bèo bọt nhất tại Hoa Kỳ." Câu nói này xuất phát từ con đường dài để đạt tới thành công khi bạn là một nhà khoa học; đồng thời, bạn sẽ không thể sống phung phí trong một thời gian dài. Mọi thứ sẽ tương đối khó khăn.
    • Bạn cũng phải tuân thủ thời hạn hoàn thành công việc, thường xuyên không tự xác định được thời gian làm việc, và gần như làm việc vào mọi thời điểm cần thiết. Tất cả những yếu tố này khiến công việc của bạn trở nên khó khăn, và để kéo dài quãng thời gian này lại càng gian nan hơn.
  4. Có nhu cầu thường xuyên học tập. Về cơ bản, mọi điều mà các nhà khoa học thực hiện đều hướng tới mục tiêu tìm kiếm tri thức. Dù là đọc tạp chí khoa học đã được kiểm duyệt, tham gia hội thảo, hoặc nỗ lực để có bài nghiên cứu đăng tạp chí, bạn sẽ không ngừng học hỏi. Nghe có giống những gì bạn đang làm hàng ngày không? Bạn đang đi đúng hướng rồi đấy.
  5. Hãy kiên nhẫn, học cách quan sát và sáng tạo. Không một công việc nào của nhà khoa học có thể được hoàn thành trong một ngày, một tuần, một tháng, hay thậm chí là một năm. Trong nhiều trường hợp, ví dụ như nghiên cứu lâm sàng, bạn còn không thể nhìn thấy kết quả sau nhiều năm. Điều này có thể khiến bạn nhụt chí; vì vậy, bạn cần kiên trì nếu muốn trở thành một nhà khoa học giỏi.
    • Kỹ năng quan sát cũng rất quan trọng. Khi đang đợi chờ thành quả, bạn sẽ liên tục phải để ý những thay đổi nhỏ nhất ở kết quả mà bạn kỳ vọng nhận được. Đôi mắt của bạn phải đặc biệt tập trung và sẵn sàng trong mọi thời điểm.
    • Về tư duy sáng tạo, hãy nghĩ tới quả táo rơi vào đầu Niu-tơn, hay Ác-si-mét nhảy vào bồn tắm và khiến nước tràn ra. Nhiều người sẽ không nghĩ gì tới những hiện tượng trên, nhưng các nhà khoa học này nhìn thấy điều khác biệt - những điều mà không ai ở thời kỳ đó nhận ra. Để đạt được những bước tiến mới trong tri thức của loài người, bạn phải tư duy theo lối mới.

Lời khuyên[sửa]

  • Tại Hoa Kỳ, Hiệp hội các chuyên gia nghiên cứu lâm sàng cấp ba loại giấy chứng nhận cho các chuyên gia nghiên cứu lâm sàng: Chứng nhận Cán sự Nghiên cứu Lâm sàng, Chứng nhận Điều phối viên Nghiên cứu Lâm sàng và Chứng nhận Chuyên gia Nghiên cứu Y học. Bạn chỉ cần vượt qua bài kiểm tra để được cấp phép.

Cảnh báo[sửa]

  • Vì số lượng người học tiến sĩ để trở thành giáo sư hoặc công tác trong lĩnh vực thương mại đã tăng lên, các nhà khoa học tiềm năng sẽ phải tham gia nhiều nghiên cứu sau tiến sĩ trước khi có công việc ổn định lâu dài.
  • Việc trở thành một nhà khoa học đòi hỏi bạn phải đặc biệt kiên nhẫn. Khả năng thành công ngang bằng thất bại; do vậy, bạn cần sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này