Kiểm tra xe cũ trước khi mua

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu đang cân nhắc mua xe cũ, hẳn bạn hiểu rõ lựa chọn có thể khó khăn và rối trí đến mức nào. Quá nhiều thứ để xem xét, mua xe, đặc biệt là mua lần đầu, có thể sẽ là trải nghiệm đáng sợ dành cho bạn. Dù cần quan tâm đến nhiều thứ nhưng kiểm tra tình trạng xe là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần thực hiện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Các bước[sửa]

Kiểm tra hình dáng xe[sửa]

  1. Trước khi tiến hành kiểm tra, đảm bảo xe đang được đặt trên mặt đất bằng phẳng. Nhờ đó, bạn có thể kiểm tra kỹ lốp và xem xét liệu có bộ phận nào trên xe bị võng xuống hay không.
  2. Kiểm tra cẩn thận sơn xe, lưu ý mọi vết gỉ, chỗ móp hay trầy xước. Xe nên được rửa sạch để có thể kiểm tra rõ tình trạng sơn. Nhìn vào mọi phía của xe, từ đầu này đến đầu kia nhằm phát hiện gợn bề mặt, dấu hiệu cho thấy lỗi khi sơn. Miết tay dọc gờ nối các bề mặt: độ nhám cho thấy băng dính dư thừa không được xử lý hết khi sơn xong.
  3. Kiểm tra thùng để hành lý nhằm đảm bảo rằng nó vẫn ở tình trạng hoạt động tốt. Trong thùng xe không nên có dấu hiệu gỉ sét, vào nước do rạn nứt hay thủng. Hao mòn trong thùng cho thấy cách xe đã được sử dụng.
  4. Kiểm tra lốp. Lốp nên bị mòn đều và tương xứng với nhau. Nhìn vào bề mặt và kiểm tra liệu lốp có bị mòn dạng lông chim (góc đặt lốp không tốt). Đó có thể là do bộ phận lái/phanh bị ăn mòn, ổ gà trên đường hay hư hại trên khung xe.
  5. Đừng bao giờ mua xe có khung không lành lặn. Kiểm tra yên (bộ phận nối phần cản trước và phần trên bộ tản nhiệt). Nó có thể được hàn hoặc bắt vít. Kiểm tra đầu ốc vít ở phần trên thanh cản trong mui xe, vết xước cho thấy thanh cản đã bị thay thế hoặc lắp lại (sau va chạm).
  6. Nâng xe lên một cách an toàn, luồn người xuống dưới gầm xe, kiểm tra hệ thống xả cũng như bất kỳ dấu hiệu gỉ sét nào. Nhìn xem liệu hệ thống xả có vết đen nào không – đó có thể là dấu hiệu rò rỉ. Đây cũng là dịp tốt để kiểm tra khung hay hư hại trên kết cấu khung nguyên khối của xe.
    • Kiểm tra bộ xả bằng ngón tay. Bụi bẩn trơn, nhờn là vấn đề nghiêm trọng. Hãy bật công tác xe. Khói trắng (ở vùng không có khí hậu lạnh giá) cũng là một dấu hiệu xấu.

Kiểm tra dưới mui[sửa]

  1. Kiểm tra dưới mui nhằm phát hiện bất kỳ dấu hiệu móp, thiệt hại hay gỉ sét nào. Chúng đều có thể là biểu hiện cho thấy xe không được chăm sóc tốt hay lành lặn. Trên mỗi thanh chắn nằm ngay bên trong, nơi kết nối mui xe, nên có đề-can in số khung. Dù vậy, vị trí của số khung phụ thuộc vào quyết định của nhà sản xuất và do đó, khi không tìm thấy số khung, chưa thể kết luận chắc chắn rằng thanh chắn đã bị thay thế..
  2. Kiểu tra ống và đai truyền lực. Ống tải nhiệt không nên ở trạng thái mềm.
  3. Kiểm tra động cơ nhằm phát hiện rò rỉ hay ăn mòn. Trên vỏ bọc động cơ, hãy kiểm tra bất kỳ vết dầu nâu đen nào – đó có thể là dấu hiệu cho thấy rò rỉ nơi vòng đệm, dẫn đến những sửa chữa đắt đỏ về sau. Kiểm tra dầu phanh và bình nước phụ, đảm bảo không có rò rỉ. Đai truyền lực nên trông có vẻ mới (không có vết rách hay dấu hiệu bị khô). Đai cũ có thể bị đứt và nếu không biết cách thay, có thể bạn sẽ phải tiêu tốn từ 2 đến 10 triệu đồng, tùy tình trạng.
  4. Mở nắp bình xăng. Bọt sót lại bên trong cho thấy rò rỉ ở đệm đầu xi-lanh. Hãy quên chiếc xe này đi.
  5. Kéo que đo dầu hộp số - dầu hẳn sẽ có màu hồng hoặc đỏ. Với xe cũ, màu có thể tối hơn nhưng hẳn sẽ không trông hay ngửi như dầu cháy. Đồng thời, dầu nên ở mức đầy (kiểm tra khi động cơ đang chạy).
  6. Kiểm tra băng cam. Đây là đai quan trọng nhất trong động cơ và cũng đắt nhất khi phải thay. Nếu xe được trang bị băng cam thép, đừng bận tâm về nó nữa. Vòng đời thông thường của băng cam là từ 100.000 – 160.000+ km, tùy hãng.

Kiểm tra trong xe[sửa]

  1. Vào xe. Kiểm tra liệu ghế ngồi và bọc xe có bị rách, bẩn hay hư hỏng gì không.
  2. Bật điều hòa, kiểm tra liệu nó có hoạt động tốt hay không. Nếu điều hòa là bộ phận không thể thiếu với bạn, hãy mua xe sử dụng chất làm mát R134. Hầu hết xe sử dụng R134 đều được sản xuất từ năm 1993 trở về sau và có miếng dán trên Dàn ngưng.
  3. Kiểm tra đồng hồ công-tơ-mét để biết xe đã đi được bao xa. Đây là thông số quan trọng, cho biết tuổi đời của xe. Trung bình, một lái xe chạy được 16.000 – 24.000 km mỗi năm. Dù vậy, con số này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Hãy nhớ rằng tuổi của xe được đo bằng thời gian và quãng đường đi được. Mua một chiếc xe 10 năm tuổi ít được sử dụng chưa hẳn đã là tốt.
  4. Xác định liệu xe có tích hợp máy tính hay không. Hãy mang theo một chiếc máy tính rẻ tiền nhằm kiểm tra lỗi. Bất kỳ cửa hàng xe hơi nào cũng có thiết bị phải chăng với mức giá tầm 3 triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết thiết bị đọc mã chung rẻ tiền hơn đều chỉ truy cập được đến giới hạn nhất định.
    • Với xe được tích hợp máy tính, hãy chú ý đến những cảnh báo xuất hiện ngay khi chạy xe hay xoay chìa, bấm nút khởi động.
  5. Kiểm tra đèn và mọi chức năng thông thường khi không chạy. Bao gồm: mọi thiết bị cảm biến dùng cho đỗ xe, camera đỗ xe sau, đài, máy chạy CD, thiết bị chạy nhạc, v.v.

Kiểm tra xe khi đang chạy[sửa]

  1. Kiểm tra xe trước khi ra quyết định cuối cùng. Đây có lẽ là một trong những cách kiểm tra tình trạng xe tốt nhất. Do đó, người mua nên nỗ lực hết mình để được chạy thử trước khi ra quyết định.
  2. Hãy chắc là bạn đã kiểm tra phanh bằng cách đạp đủ mạnh để làm giảm tốc độ nhanh chóng nhưng chưa đến mức khiến xe bị trượt. Chạy thử với vận tốc khoảng 50 km/giờ quanh khu vực không có xe cộ. Bạn cần chiếc xe không đem lại bất kỳ cảm giác rung lắc nào từ bàn đạp hay phát ra bất kỳ tiếng két hay âm thanh lạ nào. Xe không nên đổi hướng đột ngột – tình trạng xuất hiện khi chân phanh không tốt hay bộ phận lái bị ăn mòn.
  3. Kiểm tra độ rung với tốc độ 75 / 90 / 105 km/giờ. Rung nhẹ giữa các khoảng tăng tốc nhỏ có thể là dấu hiệu bị ăn mòn ở bộ phận cơ khí giữ chức năng điều hướng – chi phí sửa chữa dành cho chúng là từ 8 đến 30 triệu đồng. Đó có thể bao gồm phần khớp nối / tay nhún, v.v. Đồng thời, chúng còn có thể đi kèm với tình trạng mòn không đều ở lốp trước.
  4. Kiểm tra tiếng xe, độ rung hay âm thanh va chạm của kim loại khi bẻ lái 90 độ. Thực hiện ở vận tốc thấp. Một lần nữa, điều này cho thấy tình trạng mòn ở bộ điều hướng phía trước: khớp nối cần được thay thế.

Đi đến quyết định[sửa]

  1. Kiểm tra lịch sử bảo trì, sửa chữa sẽ cho bạn một số thông tin liên quan đến hiệu năng hoạt động, những sửa chữa đã được thực hiện và vấn đề của xe. Lý tưởng thì chủ hiện tại sẽ lưu giữ thông tin về những lần sửa chữa và sẵn lòng cung cấp chúng cho bạn. Một số xe được bảo dưỡng tại nhà và do đó, không có sổ bảo trì. Hẳn sẽ không vấn đề gì nếu người bán có thể chứng minh được rằng họ đã bảo trì xe đúng cách. Trong nhiều trường hợp, xe cũ được bán bởi tai nạn từng gặp hay trải nghiệm tiêu cực gắn liền với chúng.
  2. Nhờ ai đó hiểu biết về xe kiểm tra hộ. Nhờ một người bạn đáng tin cậy có hiểu biết tốt về xe hơi đi cùng và kiểm tra mọi thứ mà bạn cảm thấy không chắc chắn sẽ là một ý kiến không tồi. Nếu không có, bạn có thể thuê thợ cơ khí thực hiện kiểm tra toàn bộ xe với chi phí từ 1 triệu rưỡi đến 2 triệu đồng. Đảm bảo rằng đó là người có danh tiếng tốt để không bị lừa và nhầm tưởng chiếc xe là một món hời.
  3. Đừng quên trả giá. Xe cũ là sản phẩm có thể thương lượng về giá cả. Đừng cho mức giá được đưa ra là bất di bất dịch. Môi giới mua xe cũ ở mức giá thấp, tu sửa và bán ở mức giá cao hơn rất nhiều với suy nghĩ có thể họ sẽ phải giảm bớt để bán được. Dựa vào chất lượng của xe, hãy thoải mái đề xuất giá, miễn là hợp lý. Nếu môi giới đòi 300 triệu, sẽ là xúc phạm nếu đề xuất 200. Nếu mức giá được đưa ra cao hơn 200 triệu, hãy cố đàm phán để được giảm bớt ít nhất 30 triệu. Bạn có thể kiểm tra trước khả năng vay nợ với ngân hàng hay các nhà cung cấp tín dụng. Từ đó, xác định bản thân có thể chi bao nhiêu cho một chiếc xe. Cố mua ở mức thấp hơn mức được xác định bởi ngân hàng hay nhà cung cấp tín dụng. Hầu hết mọi người đều cố mua nhiều hơn mức mà họ thật sự có thể chi trả. Nhớ rằng cho dù lúc này tốt đến đâu thì rồi chúng cũng sẽ cần bảo trì, bảo dưỡng trong tương lai.
    • Tận dụng những điểm không tốt ở xe. Nếu màu xe không phù hợp với yêu cầu của bạn, hãy nói với bên môi giới: "Tôi thực sự thích chiếc xe nay. Dù vậy, tôi lại không thích màu xanh và đó là điều duy nhất khiến tôi đắn đo". Người môi giới sẽ thấy rằng bạn muốn nó và tìm cách thuyết phục bạn mua.
  4. Mang theo bút, giấy và điện thoại di động khi mua từ người bán hàng cá nhân. Khi kiểm tra xe, đừng quên ghi lại mọi chi tiết bị hư hại hay cần thay thế. Nếu cần, nhắc để người bán hiểu rằng bạn sẽ đưa xe đến thợ cơ khí riêng và danh sách này không phải là dành cho họ. Sau khi hoàn thành danh sách những thứ bạn tin là cần thiết cho chiếc xe, hãy gọi cửa hàng phụ tùng và hỏi họ có hàng cho bạn hay không. Một khi nắm được sẽ phải sửa chữa hết bao nhiêu nếu quyết mua, bạn có thể đề xuất mức giá mong muốn một cách có cơ sở cũng như làm tăng khả năng giảm giá từ người bán.
    • Cẩn trọng khi làm vậy vì một số người bán có thể cảm thấy như thế là thô lỗ và quyết định không bán cho bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Dùng Báo cáo Tiêu dùng và Hướng dẫn Mua hàng để kiểm tra danh tiếng chung của xe. Đừng trả thêm hàng trăm triệu chỉ vì danh tiếng. Tình trạng thực tế của xe quan trọng hơn điều đó.
  • Dùng nguồn độc lập để xác định giá trị bán buôn và bán lẻ của chiếc xe mục tiêu. Giá của người bán rất tương đồng với mặt bằng giá chung hay có sự khác biệt không giải thich được?
  • Mua xe từ trung tâm dịch vụ tin cậy là cách tốt nhất để đảm bảo sự thỏa mãn dài hạn với sản phẩm. Nếu mua xe từ nhà môi giới không có trung tâm dịch vụ, hãy để thợ cơ khí kiểm tra trước khi mua!
  • Xe được chứng thực mắc hơn đôi chút nhưng đảm bảo hơn và thường được bảo hành.
  • Lưu ý mùi lạ. Loại bỏ mùi lạ khỏi xe cũ có thể sẽ rất khó và đắt đỏ.
  • Nếu xe cần được tu sửa lại, hãy dùng nó làm căn cứ để thương lượng.
  • Báo cáo Lịch sử Xe không tốn kém và có thể chứa đựng nhiều thông tin rất đáng giá. Đừng đọc quá kỹ! Những mục quan trọng là: Tai nạn và Sự không nhất quán trong Công-tơ-mét. Nếu tìm xe từ một nhà môi giới, hãy yêu cầu họ cung cấp báo cáo lịch sử xe (Carfax). Đảm bảo rằng họ đã đưa hết toàn bộ tài liệu, không thiếu phần nào.
  • Đừng bao giờ kiểm tra xe dưới trời mưa. Mưa sẽ che lấp vấn đề về sơn và những hư hại do tai nạn. Đồng thời, bạn cũng sẽ khó phát hiện tiếng ồn từ phanh.
  • Tìm xe tương tự: cùng loại và chỉ số công-tơ-mét. Nếu giá gần như bằng nhau, hãy dùng nó để thương lượng.
  • So sánh tình trạng bên trong của xe và thông số trên công-tơ-mét. Ghế ngồi xe có chỉ số 24.000 km hẳn sẽ không trông như thể bị gặm nát. Khoang ngồi bị mòn quá nhiều đi kèm với quãng đường ngắn có thể là dấu hiệu gian lận trên công-tơ-mét.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn sống ở nơi yêu cầu kiểm tra khói hay phát thải, hãy chắc là xe đã được kiểm tra trước khi mua. Sửa chữa hệ thống kiểm soát khí thải có thể sẽ rất đắt đỏ và mọi xe không đáp ứng được yêu cầu thường phải được sửa trước khi đăng ký. Đồng thời, xe bị hao mòn nghiêm trọng ở các thành phần động cơ bên trong, chẳng hạn như bạc pít-tông hay chân van, nhiều khả năng sẽ không đạt chuẩn: đó có thể là cách tốt để đảm bảo rằng hiện tại, xe vận hành tốt và sẽ không có vấn đề cơ khí lớn nào gây rắc rối cho bạn khi chạy xe. Thợ cơ khí đủ trình độ có thể dễ dàng kiểm tra phát thải trong lúc kiểm tra xe cho bạn. Ở nơi không yêu cầu kiểm tra phát thải, hãy chắc là thợ cơ khí đã kiểm tra máy nén của động cơ, nhờ đó, xác định được liệu có tồn tại vấn đề hao mòn động cơ bên trong hay không (đây là vấn đề cần lo ngại dành cho xe chạy hơn 80.000 km).
  • Sau khi kiểm tra sơ bộ, nếu muốn tiến tới mua hàng, hãy nhờ đến ý kiến chuyên gia từ thợ cơ khí có bằng cấp, đặc biệt là khi chưa mua xe bao giờ hoặc chỉ biết rất ít về xe cộ. Nếu chủ xe phản đối, nhiều khả năng họ đang muốn che dấu điều gì đó và trong trường hợp này, bạn nên tìm mua nơi khác.
  • Thương vụ này dường như quá tốt? Cũng có thể nó thật sự là như vậy.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]