Tranh chấp Biển Đông Nam Á/Phần III
Đi tìm giải pháp hòa bình và công lý[sửa]
Về quần đảo Paracels (Hoàng Sa): giải pháp song phương[sửa]
Tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa) chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc và do đó hai nước cần ngồi lại thương thảo hoặc yêu cầu Tòa án Quốc tế phân xử. Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn và thời vua Gia Long và Minh Mạng đã khẳng định chủ quyền ở đây, với đầy đủ bằng chứng lịch sử được ghi trong chính sử của nhà nước và được người phương tây sống cùng thời ghi nhận qua sách vở được xuất bản. Tuy nhiên vì lo chống Pháp, vua quan Việt Nam đã có thời bỏ lơ, không hành xử chủ quyền như trước. Khi Pháp chiếm Việt Nam, cũng có một thời gian Pháp lơ là không hành xử đúng mức để bảo đảm chủ quyền của Việt Nam ở đó. Thời gian lơ là này đã để ngỏ đảo Woody (Phú Lâm) như đất vô chủ cho tư nhân người Hoa và người Nhật vào khai thác phốt phát vì có lẽ Pháp coi những hòn đảo này là không quan trọng. Khi chính quyền cát cứ ở Quảng Đông tuyên bố chủ quyền năm 1909, và sau đó vào năm 1932, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc gửi công hàm cho Pháp lập luận là Paracels thuộc họ, dựa vào Hiệp định Pháp Thanh năm 1887 phân chia biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Bộ (Tonkin). Họ cho rằng Hiệp định này ghi đảo phía đông kinh tuyến 108.2 là thuộc Trung Quốc, do đó quần đảo Paracels nằm ở phía đông là thuộc họ. Lý luận này sai lầm vì Paracels nằm ở Trung Phần, không thuộc Bắc Bộ (Tonkin) nên không thể là cơ sở của lập luận [1].
Lập luận đòi chủ quyền của Trung Quốc lúc đó hoàn toàn không dựa trên bằng chứng lịch sử mà sau này và cho đến ngày này chính quyền Trung Quốc và học giả Trung Quốc tìm đủ mọi cách chứng minh một cách không thuyết phục là cả ngàn năm Paracels là đất Trung Quốc. Mãi đến năm 1933, chính phủ Pháp ở Paris mới chính thức tuyên bố chủ quyền do áp lực của dư luận ở thuộc địa Việt Nam gồm cả người Pháp lẫn người Việt.
Tuy nhiên Trung Quốc dùng bạo lực để chiếm đảo Pattle (Hoàng Sa) năm 1974 là hoàn toàn không thể chấp nhận được và vi phạm Hiến Chương Liên Hợp Quốc (Điều 2 mục 3):
Mọi thành viên [LHQ] phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình không gây nguy hiểm đến hòa bình và an ninh của thế giới, và công ly.
All Members shall settle their international disputes by peaceful means in such a manner that international peace and security, and justice, are not endangered.
Việc chiếm cứ bằng bạo lực như thế sẽ vĩnh viễn không bao giờ được người Việt Nam chấp nhận và như thế mãi mãi Trung Quốc sẽ bị coi là kẻ xâm lược đối với dân tộc Việt, nếu không được hai chính phủ ngồi lại thương thảo, xem xét tìm kiếm một giải pháp hợp lý nhất. Tại sao ba lần (1932, 1937, 1947)[2] Trung Quốc từ chối thương lượng với Pháp, hoặc giữa hai bên hoặc thông qua Tòa Án Quốc tế làm trọng tài chỉ có thể hiểu là Trung Quốc không đủ bằng chứng nên sợ thua và do đó không thể dùng bạo lực để kiểm soát Biển Đông Nam Á trong tương lai.
Về quần đảo Spratlys (Trường Sa): giải pháp đa phương 3 bước[sửa]
Phần trước đã phân tích rằng, trước khi Pháp xuất hiện ở khu vực, quần đảo Trường Sa là khu vực không người ở, là vùng đất vô chủ - terra nullius.
Tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Trường Sa đã tạo ra một số vấn đề rất phức tạp như sau:
- Khu vực Trường Sa bao gồm có cả đảo đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Luật biển Liên Hợp Quốc 1982. Đây là lý do Phi không thể chấp nhận tuyên bố của Pháp năm 1933. Thêm lý do nữa là khi Pháp tuyên bố chủ quyền thì Phi, Mã Lai v.v. lại chưa phải là những nước độc lập để có tiếng nói.
- Pháp lấy lý do Trường Sa là đất vô chủ để tuyên bố chủ quyền năm 1933 thì điều này không hoàn toàn đúng vì Anh là nước đã tuyên bố chủ quyền trước Pháp ở vài hòn đảo trước đó. Năm 1877, chính quyền thuộc địa Anh ở đảo Labuan (một đảo nhỏ, phía bắc Borneo, do Anh mua lại của Brunei năm 1846) đã cấp giấy phép cho một nhóm doanh nhân và cho phép họ cắm cờ Vương quốc Anh lên đảo Spratly (Trường Sa) và đảo Amboyna Cay (An Bang) để hoạt động thương mại. Hai đảo này đã được đăng ký là lãnh thổ Vương quốc Anh trong những hồ sơ chính thức[3]. Lúc đó Anh không chính thức phản đối Pháp vì nhu cầu chống Nhật. Điều viết ra ở đây chỉ nhằm nói tới sự phức tạp của vấn đề chứ không ảnh hưởng gì đến tính hợp pháp về tuyên bố chủ quyền của Pháp.
- Pháp chỉ ghi có 6 đảo, đá ở Trường Sa trong tuyên bố chủ quyền năm 1933[4]. Thực chất là Trường Sa có đến khoảng 170 điểm tự nhiên, với 36 đảo, đá nhỏ tí nhô lên mặt nước, và các bãi cát, v.v.[5] nên ngay việc định nghĩa và xác định nơi cụ thể đã có vấn đến. Vậy chỉ một tuyên bố, liệu Pháp có quyền làm chủ cả những nơi họ chưa biết tới?
- Pháp cũng không có đủ tài lực thực hiện chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn như thế cho nên Pháp chỉ có thể kiểm soát được đảo Itu Aba là đảo lớn nhất vào năm 1938, sau đó đảo này bị Nhật chiếm, rồi được Nhật trao lại cho Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (bây giờ là Đài Loan).
- Các đảo đá quá nhỏ (trừ Itu Aba) nên bỏ ngỏ.
- Sau khi Pháp thua trận ở Điện Biên phủ, Việt Nam Cộng hòa được Pháp chính thức giao lại Hoàng Sa vào tháng 4 năm 1956. Còn Trường Sa cho đến nay Pháp vẫn chưa chính thức trao trả. Tuy nhiên Việt Nam Cộng Hòa coi mình có quyền tiếp nối chủ quyền của Pháp nên cùng thời gian trên gửi quân chiếm một số đảo ở Trường Sa. Các nước khác trong vùng ĐNA cũng tuyên bố chủ quyền và ra sức chiếm những nơi không người.
- Trung Quốc là nước duy nhất dùng bạo lực để chiếm đảo của Việt Nam vào năm 1988.
Vấn đề phức tạp nhất mà bất cứ một tòa án nào cũng phải xem xét ngoài thực tế phức tạp vừa nói trên còn là hai câu hỏi:
- Liệu một đế quốc hùng mạnh như Pháp có sức đe dọa nhiều nước kém phát triển ở ĐNA đang bị cai trị mà chỉ một câu tuyên bố chủ quyền ở một vùng đất vô chủ là có thể làm chủ tất cả các hòn đảo ở Biển ĐNA, dù chính Pháp không đủ sức thực hiện quyền làm chủ chúng ở mọi nơi, và lại bị Nhật phản đối?
- Lợi ích sẽ được định như thế nào trên một khu vực rộng lớn mà kết cấu hầu hết là đá? Ngay cả Itu Aba cũng chưa chắc đã đủ tư cách pháp lý để được coi là đảo. Và dù được coi là đảo, dựa vào các tiền lệ xử án của Tòa án Quốc tế đảo này cũng có thể sẽ không có hoặc bị hạn chế quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vậy thì dù có chủ quyền, lợi ích có thể có ở các đảo đá này cũng có thể rất nhỏ. Và trước hết, lợi ích này cũng không thể thực hiện được khi chưa có giải pháp.
Việt Nam có thể dùng lý luận thừa kế hợp pháp các yêu sách chủ quyền của Chính phủ Pháp năm 1933 để yêu sách. Tuy nhiên điều này sẽ không bao giờ đưa đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Biển Đông.
Sẽ là một giải pháp công bằng và hợp lý cho tất cả các bên liên quan nếu bỏ sang một bên thế kỉ của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân ở ĐNA. Và dù không bỏ qua thì các đảo đá ở Trường Sa theo công pháp quốc tế khó lòng cho phép một nước làm chủ một vùng biển lớn chung quanh.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của vấn đề. Yêu cầu quan trọng nhất là Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với vùng nước cũng như các tài nguyên liên quan trong đường ranh giới 9 đoạn hình chữ U tại biển ĐNA, tuyên bố hoàn toàn không thể được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế.
Không nghi ngờ gì khi bất kì tòa án quốc tế nào cũng sẽ từ chối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Và cũng không nghi ngờ gì khi việc áp đặt đòi hỏi chủ quyền với hơn 80% diện tích biển Đông Nam Á như vùng nội thủy của Trung Quốc sẽ chịu sự phản đối không chỉ từ các quốc gia ĐNA mà còn từ tất cả các cường quốc trên thế giới vì nó vi phạm Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982.
Việc đưa ra yêu sách bằng vũ lực có vẻ không phải là khả năng có thể xảy ra trừ khi Trung Quốc bằng cách nào đó trở thành một quốc gia phát xít. Nếu điều này xảy ra thì đó là điều thật không may mắn cho hòa bình khu vực và hòa bình thế giới, các quốc gia trong khu vực không xem nhẹ khả năng ít có thể xảy ra đó khi việc đầu tư một cách lãng phí cho quân sự đang được tiến hành khá nhanh chóng.
Sau khi Trung Quốc bỏ yêu sách biển nằm trong đường chữ U, các nước có thể tiến hành đàm phán. Cuộc đàm phán này sẽ không đòi hỏi các nước tham gia đàm phán phải chấp nhận một điều kiện gì khác hơn là Công ước Quốc tế về Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982 (LBLHQ). Việc bỏ qua quá khứ thực dân được nói đến ở trên hoàn toàn không phải là điều kiện. Tất nhiên cuộc đàm phán cũng phải xem xét đến hồ sơ của từng nước để đạt được công lý và công bình.
Có 3 bước để triển khai.
- Bước đầu tiên là đạt được một thỏa thuận, về nguyên tắc, về bản chất của kết cấu tự nhiên ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chưa cần quyết định nước nào có quyền sở hữu các đảo nhỏ, rạn san hô, đảo san hô… để xem liệu chúng nên được xác định là các đảo hay các đảo đá theo Công ước Quốc tế về Luật biển Liên Hợp Quốc (LBLHQ) [6]. Trọng tài quốc tế hoặc là một ủy ban quốc tế với các chuyên gia về Luật biển có thể hỗ trợ được trong việc này.
- Bước thứ hai là có một giai đoạn tạm ngừng (đồng nghĩa với việc không khai thác tài nguyên trong và xung quanh khu vực các quần đảo này tính dựa theo thỏa thuận ở bước đầu) cho tới khi quyền sở hữu của các cấu trúc tự nhiên này được xác định. Một đảo (island) được định nghĩa theo LBLHQ sẽ được hưởng vùng đặc quyền kinh tế với diện tích hạn chế dành cho các đảo nhỏ, trên cơ sở tiền lệ phán quyết của tòa án công lý quốc tế. Các đảo đá (rocks) không có vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng bước này cho các nước khai thác các vùng nằm ngoài vùng tranh chấp.
- Bước thứ ba là giải quyết vấn đề chủ quyền đối với các đảo nhỏ, đảo đá… ở biển ĐNA.
Một giải pháp cho xung đột biển ĐNA ít nhất phải dựa trên cơ sở LBLHQ. Theo đó, một quốc gia ven biển có thể mở rộng chủ quyền của mình ra ngoài vùng lãnh thổ đất liền và vùng nước nội thủy sang vùng tiếp giáp, được mô tả như vùng lãnh hải được tính từ đường cơ sở (Điều 2 và Điều 5). Vùng lãnh hải không rộng quá 12 hải lý (Điều 3).
Nhằm cho phép các quốc gia ven biển sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên gắn với vùng đất có chủ quyền hơn, sau nhiều cuộc tranh luận giữa các quốc gia, các nước được phép có quyền chủ quyền với mục đích khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế (điều 56). Vùng đặc quyền kinh tế có thể kéo dài thêm dựa cả trên thềm lục địa của bờ biển của quốc gia đó, đường cơ sở. Nếu tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn lên tuyên bố của quốc gia khác, xung đột phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại. Tại vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia có quyền chủ quyền nhằm (sovereign rights for) mục đích khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhưng không có chủ quyền (sovereignty). Luật Biển LHQ phân biệt hai quyền: quyền chủ quyền nhằm.. và chủ quyền. Khi có chủ quyền, nước có chủ quyền có thể cấm tàu bè và máy bay đi qua, hoặc bắt các nước không có chủ quyền phải xin phép và chịu sự kiểm sóat và hạn chế nhất định. Quyền chủ quyền nhằm… chỉ là quyền khai thác kinh tế. Nhưng ở đây, Trung Quốc cho rằng nước có Quyền chủ quyền nhằm…khai thác kinh tế ở vùng đặc quyền kinh tế cũng có quyền cấm tàu quân sự đi qua, như đã định làm nhiều lần với tàu Mỹ.
Do đó, mỗi quốc gia đều có quyền tự do đi lại trên biển và trên không không hạn chế trong vùng đặc quyền kinh tế trừ khi các hoạt động này cản trở hoặc gây hại việc thực hiện quyền chủ quyền của chủ sở hữu đối với vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Ngay cả ở vùng lãnh hải, việc bay qua không phận thì không được phép nhưng việc đi lại không gây hại lại được phép theo LBLHQ.
Theo LBLHQ, có vẻ hầu hết các kết cấu tự nhiên trong các vùng biển ĐNA này là các đảo đá, không phải là đảo. Điều 121 xác định các đảo và đảo đá như sau:
- Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.
- Trừ khi phải tuân thủ khoản (3), lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.
- Những hòn đảo đá là nơi không thể tự nó duy trì như nơi cư trú hay đời sống kinh tế của con người, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế hay thềm lục địa.
Vào thời điểm các nước đưa ra yêu sách chủ quyền ở Biển ĐNA, tức là vào đầu thế kỉ 19, thậm chí các đảo nhỏ dù luôn nổi lên trên mặt nước vào lúc thủy triều lên và được bao bọc bởi một số đất và cây cối cũng không thể tự nó đảm bảo sự cư trú của con người hay đời sống kinh tế của riêng họ, và do đó, cũng rất có thể được xem là các đảo đá tại Tòa án Công lý Quốc tế. Tòa án Công lý Quốc tế sẽ xem xét cả thời điểm yêu sách được đưa ra, chứ không phải chỉ xem xét trên cơ sở thời điểm hiện tại hay tương lai của cuộc tranh chấp khi một nước yêu sách đã có năng lực kinh tế khai thác tài nguyên thiên nhiên như đánh bắt cá, khai thác dầu, từ đó có thể xuất khẩu để mua các nhu yếu phẩm hằng ngày đảm bảo duy trì dân số.
Đảo đá chỉ có vùng lãnh hải tối đa là 12 hải lý.
Đá ngầm (reefs) ở dưới mực nước biển vào lúc thủy triều thấp theo điều 6 rõ ràng không được tính như là các đảo đá và không thể có vùng lãnh hải. LBLHQ viết về các đá ngầm như sau:
“Trong trường hợp các đảo nằm trên san hô hay các đảo có đá ngầm ở ven bờ bao quanh, thì đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất ở bờ phía ngoài cùng của các mỏm đá, như đã được thể hiện trên các hải đồ được quốc gia ven biển chính thức công nhận”.
Đó là lý do tại sao, theo điều 60, các đảo nhân tạo và các thiết bị, công trình không được hưởng quy chế đảo:
“Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa”.
Hiện nay nhiều nước đã xây dựng các đảo nhân tạo trên các đảo đá ở biển ĐNA với hy vọng sẽ đòi được vùng lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế, nhưng điều 60 của LBLHQ đã loại bỏ chúng.
Nhìn chung, như đã nêu ở trên, hầu hết các cấu trúc tự nhiên ở biển ĐNA có thể sẽ được Tòa án Công lý Quốc tế phán quyết là các đảo đá và do đó, chúng chỉ có vùng lãnh hải tối đa là 12 hải lý.
Ngay cả khi được coi là đảo, Tòa án Công lý Quốc tế cũng sẽ hạn chế không gian của vùng đặc quyền kinh tế trong các cuộc tranh chấp về các vùng đặc quyền kinh tế (và do đó cả thềm lục địa) khi hai nước có bờ biển đối nhau và khi đường trung tuyến được sử dụng để phân định ranh giới trên biển. Clagget [7] đã phân tích sâu vấn đề này và chỉ ra rằng các đảo nhỏ sẽ bị bỏ qua , không được coi là căn cứ để xác định đường trung tuyến vì công bằng và cân xứng là các nguyên tắc được Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra độc lập với LBLHQ để xác định trung tâm của đường ranh giới trên biển. Một vài nhận định của Clagget dựa trên các quyết định trước đó của Tòa án Công lý Quốc tế, ví dụ như:
Trong trường hợp các bên quốc gia tranh chấp nhìn đối diện nhau qua vùng nước (quốc gia đối diện), thay vì liền kề nhau trên cùng một bờ biển (quốc gia liền kề), tòa án sẽ bắt đầu công việc của mình bằng các xây dựng, giống như một đường ranh giới dự kiến, một đường trung tuyến giữa hai quốc gia.
…
Hơn nữa, với các quốc gia đối diện nhau, việc sử dụng đường trung tuyến nhìn chung thường đảm bảo một kết quả phân định công bằng và cân xứng. Tòa án Công lý Quốc tế sau đó giải thích trong quyết định đầu tiên về thềm lục địa trong Các Vụ Thưa kiện về Thềm Lục địa ở Biển Bắc như sau: “Với khu vực thềm lục địa trải dài và chia cắt, các quốc gia đối diện nhau có thể tuyên bố chủ quyền của mình trên cơ sở đường kéo dài tự nhiên của lãnh thổ. Những đường kéo dài gặp nhau và chồng lấn, và do đó, có thể được phân định bằng cách sử dụng đường trung tuyến ở giữa; và, bỏ qua sự hiện diện của các đảo nhỏ, đảo đá và các chỗ nhô ra nhỏ ở ven biển, có thể được loại bỏ sự phân chia méo mó bất cân xứng bằng các cách khác, đường phân chia phải có hiệu lực phân chia công bằng một khu vực cụ thể có liên quan… Vụ thưa kiện loại này do đó sẽ khác với loại trường hợp các quốc gia liền kề cùng chung bờ biển và không có đường bờ biển đối diện trực tiếp ngay trước mặt, và không đặt ra cùng một loại vấn đề….”
“Trường hợp khác, ở Guinea/Guinea-Bissau, tòa án đã vẽ đường ranh giới hoàn toàn bỏ qua sự hiện diện của các đảo nhỏ trong trường hợp nó không gây ra sự méo mó hay bất cân xứng.”
“Quy định là các đảo nhỏ, đặc biệt là các đảo không người ở, không có giá trị kinh tế đáng kể và nằm cách xa đất liền của nước sở hữu chúng, thì sẽ bị bỏ qua, không được xem là điểm cơ sở để xác định đường trung tuyến như đã nêu một phần trong điều 121 (3) của Công ước, theo đó, “các đảo đá không thể tự nó duy trì như nơi cư trú hay đời sống kinh tế của con người thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.”
Nếu các đảo nhỏ nằm trong vùng biển được trao [quyền] cho quốc gia khác, các đảo này sẽ bị bỏ qua như là điểm cơ sở xác định đường trung tuyến và giới hạn trong khoảng 12 hải lý.”
Mặc dù các tranh chấp ở biển ĐNA rất phức tạp, việc chấp nhận phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế không nghi ngờ gì sẽ dẫn tới một giải pháp công bằng và hợp lý cho tất cả các bên liên quan, nhưng phải được sự chấp thuận trước của tất cả các nước sở hữu các đảo nhỏ, đảo đá.. ở biển ĐNA.
Một lối thoát trong bước 3 để giải quyết vấn đề chủ quyền đối với các đảo nhỏ, đảo đá… ở biển ĐNA bao gồm 2 lựa chọn:
- Tất cả các đảo nhỏ, đảo đá… ở biển ĐNA nên được xem là tài sản chung của tất cả các quốc gia có bờ biển giáp với biển ĐNA. Nguồn thu nhập ròng từ tài nguyên trong biển ĐNA nên được phân chia theo tỷ lệ tương ứng với quy mô của đường cơ sở thẳng ven biển của mỗi quốc gia.
- Các nước có chủ quyền đối với những điểm mà họ đang chiếm giữ, nhưng chỉ có đảo đá và đảo nhỏ có vùng lãnh hải 12 hải lý.
Clagett[8] cũng tiến hành một nghiên cứu mang tính thử nghiệm trong việc phân chia dựa trên đường bờ biển của các quốc gia liên quan và bỏ qua tất cả các kết cấu đả ở biển ĐNA. Điều quan trọng cần nhắc là các đường bờ biển này do Clagett giả định cần được kiểm tra lại, nhưng nó cũng cho thấy định hướng về một giải pháp công bằng và hợp lý cho xung đột ở biển ĐNA. Quan trọng hơn thế, nghiên cứu này dựa việc phân lợi ích cho toàn Biển ĐNA, bỏ qua ai là chủ nhân các đảo Paracels và Spratlys.
Việc tổ chức phân chia lợi ích có thể thông qua một cơ quan đa quốc gia quản lý vùng biển ĐNA do các nước có biên giới với biển ĐNA tổ chức ra. Để tạo đoàn kết giữa các nước ASEAN, một phần lợi ích có thể đem chia sẻ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại cho các nước trong khu vực không có biển.
Chiều dài bờ biển tương ứng (hải lý) / Tỷ lệ trong tổng chiều dài bờ biển / Diện tích đáy biển được giao (hải lý vuông) / Tỷ lệ phần trăm đáy biển
- Trung Quốc / 789 / 29.9 / 191,819 / 26.2
- Indonesia / 35 / 1.3 / 28,086 / 3.8
- Malaysia / 510 / 19.4 / 92,732 / 12.8
- Philippines/ 667 / 25.3 / 221,896 / 30.3
- Việt Nam / 635 / 24.1 / 196,582 / 26.9
Chú thích[sửa]
- ↑ Coi công hàm năm 1932 ở Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 184-186.
- ↑ Lần 1937 và 1947 đã được ghi trong Ghi nhớ nội bộ của Bộ Ngoại Giao Pháp ngày 25 tháng 5 năm 1950, coi Chemillier Gendreau, đd, Annex 11, tr. 187. Lần đầu 29 tháng 4 năm 1932 không được nói tới nhưng được nói tới trong Chemillier Gendreau, đd, tr. 40.
- ↑ Stein TONNESSON, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies 40, I (2006), tr. 3 và 6. Cám ơn anh Nguyễn Ngọc Giao nhắc lại sự kiện này.
- ↑ Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 114 và Annex 30.
- ↑ Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute: Who's On First? 1996: International Boundaries Research Unit, University of Durham, UK.
- ↑ United Nations Convention on the Law of the Sea of 10 December 1982, http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/closindx.htm
- ↑ Brice M. Clagett, đd, coi Part I, the section on Criteria for Delimitation
- ↑ Brice M. Clagett, đd, coi Part II, table 2.
Mục lục[sửa]
- Phần mở đầu
- Phần I: Bối cảnh: Sự trỗi dậy của một cường quốc quân sự
- Phần II: Xem xét lại những yêu sách dựa trên “chủ quyền lịch sử”
- Phụ Lục: Biên niên sử liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa và chú giải
Tác giả[sửa]
- Vũ Quang Việt