Tranh chấp Biển Đông Nam Á: đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tóm tắt phương pháp luận và kết quả chính của nghiên cứu[sửa]

Bài viết này không còn là bản nháp, nhưng vẫn chỉ có thể coi là bản đúc kết tạm trong quá trình nghiên cứu về một vấn đề rất phức tạp. Như bất cứ một nghiên cứu mang tính khoa học nào, nó dựa trên các thông tin hiện có và các sự kiện được giới chuyên gia đánh giá là đáng tin cậy, và như thế trong tương lai khi có thêm các thông tin được đánh giá là đáng tin cậy, các đúc kết tạm ở bài này có thể thay đổi.

Bài viết này dựa trên quá trình nghiên cứu của tác giả được trình bày và trao đổi tại hai hội thảo về tranh chấp Biển Nam Trung Hoa (mà tác giả đề nghị nên gọi là biển Đông Nam Á), đã được trình bày ngày 18 tháng 11 năm 2009 tại Council on Southeast Asian Center, Yale University và ngày 25 tháng 3 năm 2010 tại Center for Vietnamese Philosophy, Culture, & Society, Temple University.

Tác giả cám ơn Giáo Sư Ngô Vĩnh Long và Giáo sư Trần Hữu Dũng đã đóng góp nhiều ý kiến cũng như tham gia tổ chức các cuộc hội thảo trên. Thời gian sau hai Hội thảo trên, tác giả cũng nhận được nhiều ý kiến và thông tin mới từ nhiều người, đặc biệt là bạn Nguyễn Tuân ở Ý và Dương Danh Huy ở Anh, Hồ Bạch Thảo ở Mỹ, Nguyễn Ngọc Giao ở Pháp qua đó tác giả đã điều chỉnh lại những sai sót trước đây. Mới nhất tác giả cũng tiếp cận được thêm một vài nghiên cứu (chưa phải hết) của anh Phạm Hoàng Quân ở Việt Nam, và cố gắng đưa vào bài này. Cũng xin cám ơn cô Phương Loan ở Vietnamnet đã giúp dịch bài tiếng Anh mà tác giả trình bày ở Temple University để sử dụng trong bài viết này. Tuy vậy phải nói những đúc kết trong bài viết là ý kiến riêng của tác giả, không một ai trong những người được nêu tên ở trên có trách nhiệm gì về chúng, thậm chí có người còn không đồng ý.

Bất cứ một cuộc tranh chấp nào mang tính quốc gia đều nhạy cảm. Người viết có thể chọn quan điểm của quốc gia mình để trình bày và diễn dịch sự kiện nhằm ủng hộ chủ quyền của nước mình và bác bỏ sự kiện và diễn dịch của nước khác. Cách tiếp cận này ở mức độ tốt nhất vừa đòi hỏi việc sưu tầm sự kiện chính xác, có nguồn gốc rõ ràng, vừa tìm cách sử dụng công pháp quốc tế nhằm thuyết phục người đọc, dư luận quốc tế, coi họ như những ông quan tòa có tri thức, sẵn sàng tìm hiểu sự việc và không thiên vị. Dù thế nào thì cách tiếp cận như vậy cũng không khách quan vì người viết sẽ chỉ trưng ra những cái có lợi cho mình và đào sâu vào những cái bất lợi cho địch. Cho đến nay, không có quyển sách nào vượt hơn được quyển sách Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands của bà luật sư Monique Chemillier-Gendreau, gồm nhiều tài liệu đáng tin cậy, lập luận chặt chẽ dựa vào công pháp quốc tế, có lợi cho Việt Nam. Bà Chemillier viết có thể dưới tư cách một người bạn Việt Nam, một người vì công lý hoặc cũng có thể coi là với tư cách một luật sư bảo vệ khách hàng của mình. Trước tòa án công lý, có thể bà ấy sẽ thắng nhiều điểm cho Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp hiện nay đâu chỉ liên quan đến luật, mà thực chất là cuộc tranh chấp quyền lực ngày càng đi dần đến bạo lực ở mức độ dữ dội hơn, làm mất an ninh của khu vực và có thể của thế giới, và trước tiên là an ninh của Việt Nam.

Có cách tiếp cận khác mà tác giả đã chọn lựa khi nghiên cứu về cuộc tranh chấp này, đó là cố gắng tiếp cận vấn đề và tài liệu một cách khách quan, ít nhất là dưới nhãn quan của một người trong khu vực Đông Nam Á, với hy vọng là cuộc tranh chấp ở biển Đông Nam Á (ĐNA) được giải quyết hòa bình và hợp lý trên cơ sở chứng cứ lịch sử và công pháp quốc tế.

Xin nói qua về nguyên tắc tác giả áp dụng khi nghiên cứu. Đó là việc dùng cùng một hệ tiêu chuấn để đánh giá yêu sách của mọi nước đối với đảo và biển ở biển ĐNA. Những tiêu chuẩn này, nếu được tòa án sử dụng để tài phán vấn đề tranh chấp, có thể gia giảm tùy theo điều kiện cụ thể đã xảy ra để đạt được sự công bằng, tuy vậy việc gia giảm này sẽ không được đề cập tới trong bài viết này. Hệ tiêu chuẩn đánh giá gồm mấy điểm sau:

  1. Hành động xác định chủ quyền phải là hành động của nhà nước trung ương đại diện quyền lực quốc gia.
  2. Chứng cứ lịch sử quan trọng nhất phải là chính sử, rồi mới đến sử liệu viết về hành động của nhà nước trung ương đại diện quyền lực quốc gia. Loại thứ hai dù đáng tin cậy cũng là chứng cứ thứ yếu.
  3. Tất cả mọi sử liệu phải có nguồn gốc rõ ràng nhằm xác định độ tin cậy của chúng.

Ba tiêu chuẩn trên là dựa trên các điểm chính sau của công pháp quốc tế:

  1. Tuyên bố chủ quyền phải là hành động công khai của quốc gia đại diện bởi nhà nước trung ương. Chúng không thể chỉ là hành động của một chính quyền địa phương.
  2. Chủ quyền phải thể hiện ý chí thực hiện chủ quyền và các hành động phô trương liên tục chủ quyền này.
  3. Tuyên bố chủ quyền không bị nước khác phản đối vào thời điểm tuyên bố chủ quyền.
  4. Chủ quyền không thể được xác lập bằng hành động xâm chiếm bạo lực hay đe dọa dùng võ lực.
  5. Chủ quyền không thể vin vào cớ có sở hữu “biển lịch sử” vì điều này không tồn tại trong luật pháp quốc tế hiện đại.
  6. Im lặng khi quốc gia khác tuyên bố chủ quyền có thể coi đồng nghĩa với đồng ý.

Xin đưa ra vài thí dụ về cách tiếp cận trên.

Một là chính sử Trung Quốc không nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa, không những thế chính sử Trung Quốc cho đến Thanh Sử đều ghi cương vực Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam. Vậy thì Trung Quốc không thể kết luận rằng các quần đảo này thuộc Trung Quốc từ ngàn xưa.

Cũng thế, tác giả phải xem xét chính sử Việt Nam theo cùng một tiêu chí. Chính sử Việt Nam chỉ nói rõ về Hoàng Sa (ở mức độ nhất định vì đi vào chi tiết lại phức tạp là Hoàng Sa gồm địa điểm nào). Có người cho rằng dưới con mắt người Việt, Hoàng Sa bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dù hai quần đảo này cách nhau trên 600km (dựa vào hai đảo nhỏ có khoảng cách gần nhất) và Trường Sa rất xa bờ biển Việt Nam (gần nhất là 460km, gần gấp đôi khoảng cách 250km, là khoảng cách gần nhất từ giữa đất liền và Hoàng Sa). Hai vùng này lại chỉ là những chấm cực nhỏ gồm phần nhiều là đá ngầm, bãi san hô rất nguy hiểm cho tàu bè trong một khu biển rộng lớn. Toàn diện tích đất đá ở Trường Sa cộng lại chỉ có 5km2 so với vùng biển mênh mông chúng chiếm vị trí, rộng ít ra cũng đến 640.000km2[1]. Điều khẳng định của Việt Nam về chủ quyền Trường Sa rõ ràng cần chứng minh. Bản đồ do Giám mục Taberd, người đã vẽ và xuất bản bản đồ Việt Nam năm 1838 một thời gian ngắn sau khi vua Gia Long tuyến bố chủ quyền năm 1816, cho thấy nó là một khu và rất có thể chỉ là Hoàng Sa. Nguồn tài liệu thứ hai là Phủ biên Tạp Lục (PBTL). Đây là tài liệu cổ nhất đáng tin cậy ghi lại hành động của chúa Nguyễn trước thời vua Gia Long, là tài liệu duy nhất nói về phía Nam (tất nhiên không kể những tài liệu lập lại ghi chép trong PBTL). Tài liệu này có nói hoạt động của Đội Hoàng Sa do chúa Nguyễn lập ra, gửi về phía nam, đến Côn Lôn và Bắc Hải. PBTL không phải chính sử, như vậy là chứng cứ thứ yếu so với chính sử. Kế đến ta phải xem xét PBTL viết gì. Côn Lôn không phải nằm trong khu Trường Sa. Bắc Hải thì không biết nó ở đâu. Vậy dù có dùng PBTL là chứng cứ thì phải xác định được thực sự PBTL có nói đến Trường Sa không. Có một số tài liệu khác mà tôi không nhắc đến ở đây vì cũng có vấn đề minh bạch nguồn gốc. Vì vậy mà tôi nói chứng cứ lịch sử trên chưa thể đưa kết luận là chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này có đến Trường Sa hay không và với một vùng mênh mông thế thì nhà Nguyễn đã đặt chân và kiểm soát tới đâu. Vạch ra như vậy để các sử gia Việt Nam làm rõ thêm hồ sơ chứng cớ.

Thí dụ thứ hai là khi đánh giá giá trị hành động của một uy quyền thì phải xem xét tư cách của uy quyền đó. Năm 1909, không thể nói Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khi việc tuyên bố đó là hành động của một chính quyền cát cứ ở tỉnh Quảng Đông, lúc đó Trung Quốc chia năm xẻ bảy dù nhà Thanh vẫn tồn tại đến năm 1912. Cũng thế, không thể coi hoạt động từ năm 1921 và sau đó là tuyên bố chủ quyền của Toàn Quyền Đông Dương trên Hoàng Sa và Trường Sa là chính thống mà phải kể năm 1933 là thời điểm cơ sở khi nhà nước Pháp tuyên bố chủ quyền.

Về Hoàng Sa

Tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa) chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc và do đó hai nước cần ngồi lại thương thảo hoặc yêu cầu Tòa án Công Lý Quốc tế phân xử hay qua trọng tài quốc tế. Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn và thời vua Gia Long và Minh Mạng đã khẳng định chủ quyền ở đây, với đầy đủ bằng chứng lịch sử được ghi trong chính sử của nhà nước và được người phương tây sống cùng thời ghi nhận qua sách vở được xuất bản. Tuy nhiên vì lo chống Pháp, vua quan Việt Nam đã có thời bỏ lơ, không hành xử chủ quyền như trước. Khi Pháp chiếm Việt Nam, cũng có một thời gian Pháp lơ là không hành xử đúng mức để bảo đảm chủ quyền của Việt Nam ở đó. Thời gian lơ là này (ít nhất từ năm 1902 trở đi) đã để ngỏ đảo Woody (Phú Lâm) như đất vô chủ cho tư nhân người Hoa và người Nhật vào khai thác phốt phát vì có lẽ Pháp coi những hòn đảo này là không quan trọng. Khi chính quyền cát cứ ở Quảng Đông tuyên bố chủ quyền năm 1909. Pháp cũng không phản đối ngay vì có thể họ coi đó là hành động của chính quyền địa phương không đáng để ý.

Sau đó năm 1932, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trong công hàm gửi Bộ Ngoại Giao Phápđã cho rằng Hoàng Sa là của Trung quốc dựa trên hai lập luận. Thứ nhất, họ cho rằng Hiệp định Pháp Thanh năm 1887 phân chia biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Bộ (Tonkin) trên cơ sở đảo đường kinh tuyến tây 105°43’ của Paris thuộc An Nam và đảo phía đông như Hoàng Sa là thuộc Trung Quốc. Thứ hai về mặt lịch sử họ cho rằng Việt Nam trước khi Pháp tới là chư hầu của Trung Quốc nên các đảo đó cũng thuộc Trung Quốc. Điểm thứ hai vô lý vì lúc đó Việt Nam thuộc Pháp, và trước đó Việt Nam cũng không chấp nhận là một phần của Trung Quốc. Điểm thứ nhất cũng không có cơ sở lý luận vì quần đảo Paracels nằm ở Trung Phần, không thuộc Bắc Bộ (Tonkin), không phải là khu vực nằm trong nội dung Hiệp ước Pháp Thanh [2]. Hiện nay Trung Quốc đã thay đổi cách lập luận so với năm 1932, có thể nói là phản lại nguyên tắc bất hồi tố. Lập luận đòi chủ quyền mới của Trung Quốc hoàn toàn dựa trên bằng chứng lịch sử mà chính quyền Trung Quốc và học giả Trung Quốc tìm đủ mọi cách chứng minh một cách không thuyết phục là cả ngàn năm Hoàng sa (Paracels) và cả Trường Sa (Spratlys) là đất Trung Quốc.

Mãi đến năm 1933, chính phủ Pháp ở Paris mới chính thức tuyên bố chủ quyền do áp lực của dư luận ở thuộc địa Việt Nam gồm cả người Pháp lẫn người Việt. Tuy vậy Trung Quốc đã dùng bạo lực để chiếm cứ đảo Pattle (Hoàng Sa) vào năm 1974. Mặc dù có những vấn đề khúc mắc cần thương lượng giữa hai nước, việc Trung Quốc chiếm cứ bằng bạo lực đảo Pattle (Hoàng Sa) không những không được người Việt Nam chấp nhận mà công pháp quốc tế cũng không chấp nhận. Dù sao vấn đề Hoàng Sa là vấn đề cần thương thảo giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Cho đến nay Trung Quốc từ chối ngay cả đàm phán song phương, như họ đã từ chối đàm phán với pháp ba lần (1932, 1937, 1947). Chỉ có thể hiểu được là Trung Quốc không đủ bằng chứng nên sợ thua và việc chấp nhận một giải pháp hòa bình nào đó sẽ ngăn cản Trung Quốc tiếp tục dùng bạo lực để kiểm soát Biển ĐNA trong tương lai.

Về Trường Sa (Spratlys) và một cái nhìn toàn cục

Trường Sa là một vùng biển rộng lớn nhưng lại gồm toàn đá ngầm và một số đá nổi, bãi cát, và hòn đảo đá nhỏ bé. Lớn nhất là đảo Itu Aba (Ba Bình) cũng chỉ có diện tích 0,5km2. Vùng này không nằm trong hải trình thuyền bè ngày xưa đi lại vì được coi là vùng đá ngầm đáng khiếp sợ cần tránh xa. Đây cũng là vùng có rất ít người lui tới, nếu có thì đôi khi vài người đánh cá, nên trong quá khứ không ai coi là quan trọng. Trước chiến tranh thứ hai, đế quốc Nhật nhăm nhe dùng khu vực làm căn cứ hải quân nhằm kiểm soát vùng biển ĐNA nên năm 1933 Pháp mới quyết định tuyên bố chủ quyền trên cơ sở đây là vùng đất vô chủ chứ không trên cơ sở đây là vùng đất thuộc Việt Nam, Nhật là nước duy nhất phản đối.

Trung Quốc im lặng trong 18 năm, coi như không phản đối. Trung Quốc chỉ chính thức yêu sách chủ quyền vào 15 tháng 8 năm 1951 qua tuyên bố của Ngoại trưởng Trung quốc Chu Ân Lai là Hoàng Sa và Trường Sa luôn luôn là lãnh thổ Trung Quốc[3]. Việc tuyên bố này vừa là bắt chước Tưởng Giới Thạch khi Tưởng ra tước võ khí Nhật và chiếm đảo Itu Aba (ở Trường Sa) năm 1946, vừa có thể là nằm trong ý đồ của thế giới Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo lúc đó, muốn làm chủ Biển ĐNA, và do đó muốn Trung Quốc làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa. Chắc là có sự đồng ý giữa Liên Xô và Trung Quốc nên chỉ sau đó một tháng, vào ngày 19 tháng 9 năm1951, Ngoại trưởng Liên Xô đưa ra 13 đề nghị tu chính Hòa ước với Nhật đang được bàn thảo tại San Francisco, trong đó điểm đầu là đòi hỏi Nhật Bản thừa nhận chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “đối với quần đảo Paracels và các quần đảo ở phía nam.” Tu chính này đã bị Hội nghị Quốc tế tại San Francisco bác bỏ với tỉ số phiếu 48-3[4]. Như vậy tuyên bố của Chu Ân Lai đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc chính thức lên tiếng yêu sách về Trường Sa, 18 năm sau khi Pháp tuyên bố chủ quyền. Nói tóm lại nghiên cứu này cho thấy Trung Quốc không có cơ sở lịch sử hay pháp lý để yêu sách Trường Sa vì chính sử thời Minh và Thanh đều ghi lãnh thổ Trung quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam. Những đảo mà Trung Quốc hiện đang chiếm giữ hoàn toàn là do dùng bạo lực, chiếm của Việt Nam hay của Phi Luật Tân, cũng ngược với công pháp quốc tế.

Mới đây Trung Quốc lại dùng bản đồ chữ U trên Biển ĐNA do một viên chức của chính phủ Tưởng Giới Thạch tự vẽ năm 1947 để chính thức yêu sách 80% vùng biển Đông Nam Á và coi đó là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, là tương đương với Đài Loan và Tây Tạng, mà họ sẵn sàng dùng võ lực để bảo vệ nó[5].

Yêu sách này đi ngược với ước vọng hòa bình và hợp tác của các nước trong khu vực ĐNA và trên thế giới. Chính sự tranh chấp giữa các nước ĐNA trên vùng đảo Trường Sa với nhau mà thiếu đàm phán đa phương đã làm suy yếu tổ chức ASEAN trong việc bảo vệ hòa bình khu vực, nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc ở Biển ĐNA.

Dù thế nào, Pháp tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Trường Sa đã tạo ra một số vấn đề rất phức tạp như sau:

  • Khu vực Trường Sa bao gồm có cả đảo đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Luật biển Liên Hợp Quốc 1982. Đây là lý do Phi không thể chấp nhận tuyên bố của Pháp năm 1933. Thêm một lý do nữa là lúc Pháp tuyên bố chủ quyền, Phi, Mã Lai v.v. lại chưa phải là những nước độc lập để có tiếng nói.
  • Pháp lấy lý do Trường Sa là đất vô chủ để tuyên bố chủ quyền năm 1933 thì điều này không hoàn toàn đúng vì Anh là nước đã tuyên bố chủ quyền trước Pháp ở vài hòn đảo trước đó. Năm 1877, chính quyền thuộc địa Anh ở đảo Labuan (một đảo nhỏ, phía bắc Borneo, do Anh mua lại của Brunei năm 1846) đã cấp giấy phép cho một nhóm doanh nhân và cho phép họ cắm cờ Vương quốc Anh lên đảo Spratly (Trường Sa) và đảo Amboyna Cay (An Bang) để hoạt động thương mại. Hai đảo này đã được đăng ký là lãnh thổ Vương quốc Anh trong những hồ sơ chính thức[6]. Lúc đó Anh không chính thức phản đối Pháp vì nhu cầu chống Nhật. Điều viết ra ở đây chỉ nhằm nói tới sự phức tạp của vấn đề chứ không ảnh hưởng gì đến tính hợp pháp về tuyên bố chủ quyền của Pháp.
  • Pháp chỉ ghi có 6 đảo, đá ở Trường Sa trong tuyên bố chủ quyền năm 1933[7]. Thực chất là Trường Sa có đến khoảng 170 điểm tự nhiên, với 36 đảo, đá nhỏ tí nhô lên mặt nước, và các bãi cát, v.v.[8] nên ngay việc định nghĩa và xác định nơi cụ thể đã có vấn đề, và hiện nay các chuyên gia vẫn đưa ra các con số khác nhau về các điểm tự nhiên. Vậy chỉ một tuyên bố, liệu Pháp có quyền làm chủ cả những nơi họ chưa biết tới?
  • Pháp cũng không có đủ tài lực thực hiện chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn như thế cho nên Pháp chỉ có thể kiểm soát được đảo Itu Aba là đảo lớn nhất vào năm 1938, sau đó đảo này bị Nhật chiếm. Sau khi Nhật đầu hàng, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (bây giờ là Đài Loan) lợi dụng cơ hội được đồng minh giao tước võ khí Nhật ở miền bắc Việt Nam (phiá bắc vĩ tuyến 16) đã chiếm Itu Aba. Chính qua cuộc chiếm đóng năm 1946 này, Đài Loan lần đầu tiên đã tuyên bố chủ quyền trên Trường Sa.
  • Các đảo đá khác quá nhỏ (trừ Itu Aba) nên bỏ ngỏ.
  • Sau khi Pháp thua trận ở Điện Biên phủ, Việt Nam Cộng hòa được Pháp chính thức giao lại Hoàng Sa vào tháng 4 năm 1956. Còn Trường Sa cho đến nay Pháp vẫn chưa chính thức trao trả cho Việt Nam (coi nguồn thông tin ở Phụ Lục). Tuy nhiên Việt Nam Cộng Hòa coi mình có quyền tiếp nối chủ quyền của Pháp nên cùng thời gian trên gửi quân chiếm một số đảo ở Trường Sa. Các nước khác trong vùng ĐNA cũng tuyên bố chủ quyền và ra sức chiếm những nơi không người.
  • Trung Quốc là nước duy nhất dùng bạo lực để chiếm đảo của Việt Nam vào năm 1978.

Vấn đề phức tạp nhất mà bất cứ một tòa án nào cũng phải xem xét ngoài thực tế phức tạp vừa nói trên còn là hai câu hỏi:

  • Liệu một đế quốc hùng mạnh như Pháp có sức đe dọa nhiều nước kém phát triển ở ĐNA đang bị nước ngoài chiếm đóng mà chỉ một câu tuyên bố chủ quyền ở một vùng đất vô chủ là có thể có quyền, dựa theo luật pháp quốc tế, làm chủ tất cả các hòn đảo ở Biển ĐNA, nhất là khi chính Pháp không đủ sức thực hiện quyền làm chủ chúng ở mọi nơi, và lại bị Nhật phản đối?
  • Lợi ích sẽ được định như thế nào trên một khu vực rộng lớn mà kết cấu hầu hết là đá? Ngay cả Itu Aba là “hòn đảo” to nhất cũng chưa chắc đã đủ tư cách pháp lý để được coi là đảo. Và dù được coi là đảo, dựa vào các tiền lệ xử án của Tòa án Quốc tế đảo này cũng có thể sẽ không có hoặc sẽ bị hạn chế quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vậy thì dù có chủ quyền, lợi ích có thể có ở các đảo đá này cũng có thể rất nhỏ. Và trước hết, lợi ích này cũng không thể thực hiện được khi chưa có giải pháp.

Việt Nam có thể lập luận là có quyền thừa kế pháp lý các yêu sách chủ quyền của Chính phủ Pháp tuyên bố năm 1933, tuy nhiên điều này sẽ không bao giờ đưa đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Biển Đông vì sẽ không được các nước khu vực công nhận. Điều này dễ thấy trong bối cảnh phức tạp nêu trên.

Trước tình hình tranh chấp giữa các nước ASEAN ở vùng Biển ĐNA, Trung Quốc là ngư ông thủ lợi, mua chuộc chia rẽ nội bộ Tổ chức ASEAN, từ đó dùng bạo lực tiến tới chiếm đoạt các đảo đá do Việt Nam rồi sau đó là đảo do Phi chiếm đóng. Đến nay thì rõ, Trung Quốc đâu chỉ muốn chiếm đoạt mấy hòn đảo, họ thật sự muốn thiết lập quyền kiểm soát trên toàn bộ Biển ĐNA kể cả bằng bạo lực. Vậy thì liệu tranh chấp các đảo giữa các nước ĐNA có ích gì? Các nước ĐNA, kể cả Việt Nam, có nắm được vài hòn đá cũng không thể khai thác tài nguyên chung quanh vì sự đe dọa bạo lực của Trung Quốc và chi phí bảo vệ để khỏi bị tấn công cũng là gánh nặng cho nền kinh tế các nước ASEAN liên quan. Hơn nữa các nước trong khối ASEAN đang chiếm đảo còn không thỏa hiệp được với nhau thì làm sao có được một lập trường chung của ASEAN?

Tình hình Trường Sa phức tạp như vậy nên ngay cả khi đem vấn đề ra Tòa án Công lý, khi đạt được điều kiện là mọi nước có tranh chấp đều đồng ý, thì việc giải quyết hợp lý, công bằng cũng không đơn giản. Thí dụ dù tòa án có xét giao cho Việt Nam được tất cả các đảo ở Trường Sa thì tòa án may ra cũng chỉ cho phép một vài nơi được coi là đá chỉ có lãnh hải 12 dặm, không có vùng đặc quyền kinh tế. Được gọi là đảo khi nào tự nó có thể duy trì như nơi cư trú hay có đời sống kinh tế của con người ở thời điểm tuyên bố (tức là không phải thời điểm hiện nay, có thể tiếp tế từ xa). Rất nhiều đảo ở dạng tự nhiên thì chìm dưới nước khi nước thủy triều lên sẽ không được hưởng gì hết; luật pháp không chấp nhận các đảo nổi lên do công trình nhân tạo xây trên các điểm tự nhiên chìm dưới nước biển khi thủy triều lên.

Đàm phán đa phương chỉ thực hiện được khi Trung Quốc bỏ yêu sách biển nằm trong đường chữ U. Cuộc đàm phán này sẽ không đòi hỏi các nước tham gia đàm phán phải chấp nhận một điều kiện gì khác hơn là Công ước Quốc tế về Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982 (LBLHQ). Việc bỏ qua quá khứ thực dân được nói đến ở trên hoàn toàn không phải là điều kiện. Tất nhiên cuộc đàm phán nào cũng phải xem xét đến hồ sơ của từng nước để đạt được công lý và công bình ở mức cao nhất.

Có 3 bước để triển khai.

  1. Bước thứ nhất là phải quyết định tư cách của từng cơ cấu khi còn ở dạng tự nhiên trên Trường Sa, xem chúng là đảo, đá nổi, hay đá ngầm. Điều này sẽ giảm trừ vùng biển các nước có thể yêu sách.
  2. Bước thứ hai là xác định vùng không nằm trong khu tranh chấp để nước chủ quyền có thể khai thác.
  3. Bước thứ ba là xem xét ai có chủ quyền ở từng đảo, đá và giải quyết tranh chấp các vùng chống lấn giữa các nước có chủ quyền.

Ba bước này vẫn không giải quyết được việc phân chia tài nguyên trong vùng nước quốc tế trên Biển ĐNA ở nơi không thuộc chủ quyền nước nào.

Do đó mà có thể có một giải pháp khác, thay vì xác định chủ quyền trên từng hòn đảo, đá thì phân chia lợi ích biển cho các nước trên cơ sở biên giới đất liền tiếp giáp với Biển ĐNA. Hai giải pháp mới nói cũng có thể kết hợp để giải giải quyết vấn đề.

Suy nghĩ của tác giả là: nếu mọi nước đều quyết tâm cho rằng các đảo ở Trường Sa là của mình tất thì không có thể giải pháp. Trường hợp này, Trung Quốc sẽ chọc sâu vào nội bộ từng nước và cả tổ chức ASEAN, gây thêm mâu thuẫn, thậm chí biến vài nước thành đồng minh của họ trong vụ tranh chấp; mà kết quả có thể là Việt Nam và các nước khác sẽ mất hết nếu như Trung Quốc mạnh đủ để làm chủ bằng bạo lực. Do đó cần đặt vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa trong bối cảnh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Nam Á về dài lâu và tôn trọng công lý, chứ không phải chỉ tập trung giành dật mấy hòn đá. Nếu các quốc gia trong khối ASEAN, đặc biệt là các nước có lợi ích biển, có cùng một quan điểm giải quyết vấn đề thì chắc chắn sẽ được thế giới lên tiếng ủng hộ và như thế Trung Quốc sẽ không dễ dàng dùng sức mạnh quân sự hù dọa hay chiếm đoạt. Do đó cần quốc tế hóa tranh chấp. Quốc tế hóa có 3 ý nghĩa:

  • Quốc tế hóa là đàm phán đa phương.
  • Quốc tế hóa còn có nghĩa là các quốc gia bị Trung Quốc đe dọa cần lôi kéo dư luận quốc tế về phía mình, chứng tỏ rằng mình biết điều, sẵn sàng tìm kiếm giải pháp hợp lý.
  • Quốc tế hóa có thể đi xa hơn thế: đó là quốc tế hóa cả biển và đảo để mọi người cùng chia sẻ, thay vì thuộc bất cứ nước nào.

Về nghiên cứu và tài liệu


Một thời gian rất dài, có lẽ mong muốn có hòa bình hoặc giải pháp với Trung Quốc nên nhà nước Việt Nam gần như cấm đoán nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa do đó việc tìm kiếm thông tin và huy động học giả trong nước nghiên cứu gần như không có, trừ quyển sách Cuộc tranh chấp Việt Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ông Lưu Văn Lợi chuyên gia Bộ Ngoại Giao Việt Nam được xuất bản khi quan hệ Trung Quốc và Việt Nam căng thẳng. Thời gian qua một số học giả trong và ngoài nước tự phát nghiên cứu. Một số công trình ở miền Nam trước đây như Tạp San Sử Địa in năm 1974 và nghiên cứu của ông Nguyễn Nhã cũng vừa mới được phổ biến, cung cấp thêm thông tin. Một số công trình, đặc biệt là về cổ sử Trung Quốc, của Hồ Bạch Thảo ở Mỹ và Phạm Hoàng Quân ở Việt Nam, kết hợp với nghiên cứu của các tác giả phương tây đã cho phép kết luận là Trung Quốc không có chứng cứ lịch sử để khẳng định Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) là thuộc Trung Quốc.

Có thể nói dựa vào bằng chứng lịch sử hiện có mà tác giả tham khảo được, ở Trường Sa, Trung Quốc hoàn toàn không có chứng cứ lịch sử nào để chứng minh Trường Sa là của họ. Còn những bằng chứng Việt Nam đưa ra để xác lập chủ quyền trên đảo Trường Sa, ở thời điểm này (tác giả nhấn mạnh), cũng chưa thể nói là "không thể tranh cãi được". Tất nhiên, kết luận này chỉ là kết luận tạm, và hi vọng rằng những luật gia, nhà sử học, nhà khảo cổ, sẽ tìm ra những bằng chứng rõ ràng hơn. Bài này viết ra trong tình thần cầu thị đó.

Ngoài ra, lý luận rằng chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế vì quyền tiếp nhận chủ quyền của Pháp ở đó sau khi Pháp tuyên bố chiếm hữu vùng đất vô chủ này vào năm 1933 cũng là vấn đề không dễ được chấp nhận khi rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đã nêu ở bị bỏ qua, trong đó có một thực tế là các nước có quyền lợi ở đó đều bị thực dân đô hộ, và Pháp chỉ nêu tên 6 hòn đảo. Vả lại như đã nói, cuộc tranh chấp hiện nay đâu phải là cuộc đầu lý chỉ dựa trên sử liệu và luật pháp.

Bài viết có Phần Phụ Lục là phần quan trọng. Nó bao gồm các thời điểm mà các sự kiện lịch sử quan trọng xảy ra để độc giả dễ theo dõi. Phụ lục cũng bao gồm nhiều phân tích quan trọng mà tác giả không thể đưa vào bài chính.

Chú thích[sửa]

  1. Khu Trường Sa có chiều đông tây và nam bắc kéo dài ít nhất là 800 km.
  2. Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, trang 184-186.
    Và Từ Đặng Minh Thu, Chủ Quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, Thời Đại Mới, (oneline journal published from USA), No. 11, July 2007.
  3. Monique Chemillier-Gendreau, đd, trang 122.
  4. Coi Coi James William Morley, The Soviet-Japanese Peace Declaration, Political Science Quarterly, Summer 1957.
  5. China Warns U.S. to Stay Out of Islands Dispute,http://www.nytimes.com/2010/07/27/world/asia/27china.html?_r=1
  6. Stein TONNESSON, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies 40, I (2006), tr. 3 và 6. Cám ơn anh Nguyễn Ngọc Giao nhắc lại sự kiện này.
  7. Monique Chemillier-Gendreau, đd, tr. 114 và Annex 30.
  8. Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute: Who's On First? 1996: International Boundaries Research Unit, University of Durham, UK.

Mục lục[sửa]

Tác giả[sửa]

  • Vũ Quang Việt

Liên kết đến đây